Khi một nhân viên giỏi đánh tiếng muốn chia tay với công ty, một số lãnh đạo vội vã tìm hiểu, động viên, tăng lương – thưởng, đề bạt, cải thiện môi trường làm việc nhằm “níu chân” nhân tài. Thế nhưng, “chảy máu chất xám” vẫn là căn bệnh thâm niên của những doanh nghiệp không nắm vững nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Những triệu chứng dễ thấy
Trước khi thay đổi chỗ làm, nhân viên thường có những biểu hiện như: xin nghỉ phép liên tục (để đi phỏng vấn nơi khác), yêu cầu lãnh đạo tăng lương (công ty mới đề nghị mức lương hấp dẫn hơn), và tìm cách tận dụng tối đa các phúc lợi của công ty…
Khi có những dấu hiệu “đáng ngờ” này, có lẽ người tài đã tìm thấy một nơi nương tựa vững chắc hơn và họ gần như đã quyết định “dứt áo ra đi”. Nếu sếp thật sự quan tâm và có lòng với nhân viên, sếp sẽ dễ dàng nhận thấy những biểu hiện này và “chiêu thức cũ” được lặp lại: động viên, tăng lương – thưởng, đề bạt… để thuyết phục nhân viên tiếp tục cống hiến cho công ty. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tức thời, sếp cần phải tìm hiểu rõ đâu là nguyên nhân gốc rễ để giữ chân người tài được hiệu quả hơn.
Tìm cách phòng bệnh
Ngoại trừ nguyên nhân người tài “ưa bay nhảy”, không bao giờ chấp nhận làm việc cho một công ty trong thời gian quá lâu và sẵn sàng “cất cánh” khi tìm được một nơi mới mẻ, ưng ý hơn; người quản lý đều có thể đưa ra đối sách phù hợp để phòng tránh căn bệnh “chảy máu chất xám”.
Công việc càng đa dạng, phức tạp, nhân viên càng cảm thấy được thử thách và năng lực của họ được sếp trân trọng. Luân chuyển công việc một cách hợp lý sẽ làm cho nhân viên không cảm thấy nhàm chán với công việc thường ngày cũng như tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện được nhiều nhiệm vụ, có cơ hội học tập nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hãy mạnh dạn giao những nhiệm vụ khó khăn, và phức tạp cho các nhân viên có kinh nghiệm và năng lực. Đây chính là cơ hội vàng để nhân tài phát huy khả năng và được thăng tiến. Chính điều này khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên và phát triển toàn diện năng lực của họ. Điều này còn giúp nhân tài ý thức rõ trách nhiệm và tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển chung của công ty.
Thỉnh thoảng, phòng nhân sự nên thực hiện khảo sát để lấy ý kiến của nhân viên nhằm cải thiện và điều chỉnh chính sách của công ty cho phù hợp hơn. Các cuộc khảo sát này nên do các dịch vụ bên ngoài thực hiện để đảm bảo tính bảo mật, giúp cho nhân viên cảm thấy an tâm khi đưa ra ý kiến của mình. Từ những số liệu rõ ràng, minh bạch đó, công ty bạn sẽ có cơ sở vững vàng để thực hiện “cải cách” chính xác và thiết thực hơn.
-- HR Insider / VietnamWorks --