BÀI DỰ THI TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ 9 CỦA BẠN LÊ THỊ NGỌC – SINH VIÊN LỚP ĐHM4 –K3

Ngày đăng: 08:58 - 04/12/2019 Lượt xem: 8.021

GIẢI PHÁP QUẢN LÍ VÀ HẠN CHẾ VẢI VỤN,  PHẾ LIỆU

TRONG NGÀNH MAY MẶC Ở VIỆT NAM

          Ngành may mặc từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề an sinh xã hội  ở Việt Nam, vì nó đóng góp khoảng 12-14% GDP tạo ra việc làm cho nhiều người lao động. Tuy nhiên sản xuất càng nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng thì ngành  may mặc làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mỗi tháng các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam thải ra môi trường khoảng 2000 tấn chất thải (bao gồm vải vụn, bìa carton và phụ liệu ngành may mặc,…vv) , có hại cho cuộc sống và hệ sinh thái chung. Việc mở rộng sản xuất hàng may mặc mà không có bất kỳ biện pháp nào để quản lý và xử lý chất thải sẽ gây hậu quả ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến con người và môi trường sống lâu dài. Mục đích của nghiên cứu này là để xác định các hoạt động gây lãng phí, nhằm giảm thiểu chất thải may mặc, tiết kiệm nguyên liệu, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của sản xuất góp phần  bảo vệ môi trường, bảo tồn và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Từ khóa: Việt Nam, chất thải công nghiệp may mặc, vải vụn, ô nhiễm môi trường

A:TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

          May mặc là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và phát triển mạnh mẽ.Trong suốt 20 năm vừa qua, may mặc là lĩnh vực đi đầu trong hội nhập linh tế và phân công lao động quốc tế nhằm khai thác lợi  thế so sánh của Việt Nam với các nước về giá nhân công, trình độ tay nghề và mức độ khéo léo của công nhân, môi trường đầu tư. Hiện nay có khoảng 70% doanh nghiệp may mặc Việt Nam gia công theo phương thức CMT(Theo số liệu của Hiệp hội Việt Nam -VITAS), tức là doanh nghiệp cắt, may và hoàn thiện theo mẫu và nguyên phụ liệu do khách hàng cung cấp. Quy trình sản xuất gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều phát thải ra môi trường một khối lượng rác lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu kịp thời thì không bao lâu nữa chúng ta sẽ ngập trong rác thải của ngành may mặc.

Quy trình sản xuất được mô phỏng như sau:


          Để hoàn thành một sản phẩm thời trang hay một mã hàng hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Sau quá trình sản xuất vải,nhà thiết kế nghiên cứu chất liệu, thiết kế, giác sơ đồ, cắt bán thành phẩm, thêu, may, hoàn thiện và đóng gói sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, lượng lớn chất thải trong ngành công nghiệp may mặc được thải ra môi trường và đang ngày một gia tăng với số lượng lớn, chưa được xử lí chặt chẽ. Công nghiệp tái chế chưa được nhân rộng triệt để, hoặc tái chế sơ bộ nên số lượng vải vụn dư thừa trong quá trình sản xuất là rất lớn. Do chi phí tái chế vải vụn quá cao nên hiện nay hầu  hết các doanh nghiệp may mặc đều kí kết hợp đồng xử lý vải vụn với công ty môi trường chứ không đầu tư công nghệ xử lý ngay tại nguồn phát thải.

          Trước sự thay đổi về công nghệ xử lí hiện đại cũng như  trí tuệ con người thời kì 4.0 hiện nay, điều đáng băn khoăn nhất ở Việt Nam là có rất ít các đề tài nghiên cứu và tái chế vải vụn trong may mặc công nghiệp. Trên thế giới có thể điểm qua một số đề tài như: Case study Apparel industry waste management a focus on recycling in south Africa, Waste Couture environmental impact of the clothing industry, Nexus between climateChange and Human Migration in Bangadesh, Zezo Waste (ZaMan and Lehmann),.... Tuy nhiên ở những đề tài này can thiệp xử lí từ quá trình sản xuất vải sợi, mặt  khác có nhiều sản phẩm và mã hàng sử dụng chất liệu vải phân hủy rất lâu hoặc không phân hủy. Reducing waste, garment factory, Industrial Management ( writen: prarellaxa limited) chỉ rõ việc tiết kiệm nguyên liệu may mặc từ quá trình quản lí sản xuất chất lượng may mặc. Cutting fabric for production (Momi Omotso) nêu nên cách cắt vải từ thiết bị hiện đại. Waste to reduce clothing (Recycle coach)  nói về cách sử dụng quần áo hiệu quả, tiết kiệm.

Do đặc thù về kinh tế và kĩ năng quản lí trang thiết bị may mặc tại Việt Nam khác so với nước ngoài và các doanh nghiệp chủ yếu gia công theo hình thức CMT nên số lượng vải vụn lớn, chưa xử lí hiệu quả, lãng phí 1 trữ lượng lớn nguyên liệu.. Cần phải thúc đẩy các nghiên cứu khoa học về vấn đề tìm kiếm, đẩy mạnh các nghiên cứu về vấn đề hạn chế rác thải ngành dệt may nhất là quá trình xử lí số lượng vải vụn ngành may.

B. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

          Để tiến hành thực hiện đề tài, kết quả có được dựa trên số liệu phỏng vấn trực tiếp 12 người tại Trung tâm sản xuất dịch vụ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, 2 xưởng may quy mô hộ gia đình tại xã Lệ Chi và 7 công ty trên địa bàn Hà Nội  và Thuận Thành. Dựa trên kết quả đã khảo sát, tiến hành phân tích từ đó đưa ra hướng giải quyết nhằm hạn chế số lượng vải vụn trên địa bàn xà Lệ Chi và TTSX dịch vụ trường ĐHCNDMHN, đề ra một số giải pháp nhằm hạn chế nhất có thể số lượng vải vụn tại Việt Nam. Từ kết quả khảo sát thực tế để khảo sát đề tài thấy được sự cần thiết phải tái chế số lượng vải vụn, phế liệu ngành may mặc. Vải vụn sinh ra từ các quá trình sản xuất, tuy nhiên vải vụn sinh ra nhiều nhất ở quá trình cắt. Số lượng vải vụn ở mã hàng rất lớn và không có sự tái chế. (Vì bảo mật dữ liệu các công ty tham gia trả lời khảo sát, tôi xin phép không cung cấp chi tiết tại đây).

C.KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TẾ

          Nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng lên vì thế số lượng hàng quần áo thời trang cũng liên tục thay đổi mẫu mã và ngày càng gia tăng về số lượng sản phẩm của các mã hàng. Như vậy số lượng vải vụn cũng tăng lên nhiều đáng kể, tăng lên hàng tỷ tấn mỗi năm. Thực trạng này lan trải ở nhiều công ty và chưa có biện pháp giảm thải đúng tiêu chuẩn, hầu hết chỉ được kí kết hợp đồng với các công ty môi trường sử lí. Chất thải rắn từ ngành may khá nhiều bao gồm cả vải vụn từ các cây vải được cắt ra trên bàn cắt, các sản phẩm lỗi hỏng không xử lí được...

          Ngoài ra chất thải sau khi sử dụng gồm quần áo, vật dụng trong nhà làm từ vải sợi mà người dùng không còn cần thiết để vứt bỏ. Một số nơi thì những chất này được gửi đến các chương trình từ thiện, số đông còn lại thì vứt chúng vào sọt rác cùng với rác thải sinh hoạt và đem chôn lấp đổ thải tại các bãi chôn lấp. Các xưởng may tư nhân xưởng may nhỏ lẻ thì cũng tương tự. Số chất thải ra cũng không hề nhỏ, nhiều xưởng nhỏ lẻ thì rác thải ngành may được trộn lẫn với rác thải sinh hoạt để công ty môi trường thu gom. Các xưởng may hầu như không phân loại hay để riêng hoặc đăng kí quản lí với cơ quan sử lí.  Rất ít các đơn vị nhận thua mua và tái chế, phần vì quy mô đầu tư cao, kinh nghiệm thiếu, phần do đời sống của người dân tăng cao nên họ lựa chọn những sản phẩm phù hợp với khả năng của họ hơn.

          Các phế liệu được thải ra từ từng công đoạn gồm: các sản phẩm lỗi hỏng, vải vụn, giấy bìa, phụ liệu ngành may,... Đặc biệt là số lượng vải vụn dư thừa hàng tỷ tấn mỗi năm. Khi nguyên liệu cho ngành Dệt May ngày càng trở nên đắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau thì việc thu hồi tái chế này sẽ trở nên phổ biến, tất nhiên sẽ tùy vào từng loại nguyên liệu. Nếu không có những biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải của ngành may mặc, thì e rằng không bao lâu nữa chũng ta sẽ bị ngập trong núi rác thải may mặc bởi không ai đoái hoài đến, chúng đã trở nên dư thừa sau nhưng cơn lốc thời trang.

          Quá trình thải bỏ chưa được xử lí chặt chẽ dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.  Mục đích của nghiên cứu này nhằm đề ra các biện pháp hạn chế tối đa chất thải công nghiệp may mặc và số lượng vải vụn, để tìm ra các giải pháp đề tài đã được tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại trung tâm sản xuất dịch vụ Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Tái chế số lượng vải không thể hoàn toàn được  100%, mục đích chính là để giảm thiểu và hạn chế nhất có thể số lượng chất thải trong ngành công nghiệp may mặc, khắc phục tình trạng đốt và chôn lấp gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

           Thứ nhất, dể ngăn chặn ô nhiễm từ nguồn vải vụn doanh nghiệp ngành May cần phải tập trung vào tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao. Cùng với đó là điều kiện sản xuất xanh - sạch, bảo đảm các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội sẽ là lợi thế để các đối tác lựa chọn. Thứ hai, tái sử dụng các vật liệu thải nhằm phục vụ vào các công đoạn may và mục đích sử dụng khác. Thứ ba thu hồi được nguồn tài nguyên khác trong vải vụn thông qua quá trình tái chế quy mô nhân rộng. Để đảm bảo phát triển phải gắn với bảo vệ duy trì sự ổn định của môi trường, thu hồi và tái chế là một trong những biện  pháp cần  được đẩy mạnh áp dụng trong ngành công nghiệp may mặc hiện  nay.

          Hiện trạng vải vụn ở địa bàn xã Lệ Chi, xưởng thực hành sinh viên và trung tâm sản xuất dịch vụ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

          Trên cơ sở khảo sát 12 người ở 4 bộ phận khác nhau bao gồm: Thiết kế, cắt, may, đóng gói tại trung tâm sản xuất trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội thấy được sự lãng phí vải vụn là khá lớn. Hầu hết các vải vụn xảy ra nhiều ở qua trình cắt, ảnh hưởng nhiều từ phần thiết kế.

          Theo nhân viên phòng cắt tại cơ sở 1 Trường Đại  học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trung bình mỗi một tuần trường sẽ triển khai 2 đến 3 mã hàng và phải cắt khoảng 4-6 lần căt, mỗi bàn cắt sẽ có khoảng 100 lá rơi vào khoảng 30m vải tương đương với 20 kg. Ước tính mỗi bàn cắt sẽ hao tốn khoảng 3-4kg vải vụn ( vải không đúng canh sợi, những mảnh dư từ quá trình thiết kế giác sơ đồ) như vậy một tuần thì phòng cắt phục vụ cho quá trình học  tập sinh viên sẽ dư ra khoảng 12- 24kg vải vụn. Vải vụn dư thừa do phần giác sơ đồ, cắt còn chứa nhiều khoảng trống tù, phần trăm vô ích.

          Kết quả khảo sát các nhân viên ở phòng giác sơ đồ và thiết kế cho thấy các chi tiết đã được sắp xếp đúng theo hướng canh vải, hạn chế tối đa nhất có thể cho toàn mã hàng. Nếu để tiết kiệm vải nhất thì chỉ còn cách giác sơ đồ, gia mẫu và cắt đơn chiếc, làm như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian mà năng suất thấp. Tuy nhiên số lượng vải vụn ở tổng mã hàng lại nhiều đáng kể, gây lãng phí tài nguyên trầm trọng.Trưởng phòng thiết kế cho biết công nghệ in trang phục 3D không gây lãng phí vải nhưng để đầu tư với quy mô lớn thì chi phí sẽ rất đắt đỏ.

          Chất thải từ các phòng thực hành may của các sinh viên đang học và thực tập chủ yếu là đầu mẩu, sợi, chỉ may, vải vụn, sản phẩm lỗi hỏng, các bài tập thực hành, bài tập may hàng ngày được thu gom vào cuối buổi học và tập chung vào khu phế phẩm của nhà trường.Bao bì, bìa sao mẫu, túi đựng bài thi được thu gom riêng và bán cho người thu mua và dịch vụ. 

Với các mặt hàng chủ yếu là quần âu, veston, áo jacket, sơ mi, đồ bảo hộ lao động,..., chất thải của xưởng bao gồm vải vụn, vải biên, lá cắt nhỏ,...các nguyên phụ liệu như đai, bo, len, dây luồn...., các dụng cụ hỗ trợ ngành may ,..Theo thống kê của giám đốc trung tâm sản xuất dịch vụ của nhà trường mỗi tháng có đến 3-4 tấn phế liệu các loại được tập chung tại khu nhà kho của trường. Phế liệu ngành may và vải vụn của TTSX dịch vụ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được  kí kết với công ty môi trường Thuận Thành xử lí. Thực tế nhà trường chưa chú trọng vào tái chế sản phẩm.

          Tại các xưởng may tư nhân và các các xưởng nhỏ rác thải và vải vụn ngành may được đổ lẫn với rác thải sinh hoạt cho các công ty môi trường phụ trách đổ về khu tập chung rác thải.Ước tính trung bình mỗi xưởng may nhỏ lẻ một ngày thải ra khoảng 20kg vải vụn. Trên địa bàn xã  Lệ Chi có khoảng hơn 50 xưởng may nhỏ lẻ. Như vậy mỗi ngày trong xã sẽ có khoảng 1 tấn vải vụn được thải ra môi trường cùng rác sinh hoạt. Tình trạng này gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường nếu không có biện pháp xử lí hợp lí.

          Thống kê mỗi năm, lượng rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước tính gần 48.000 tấn, trong đó lượng rác thải nguy hại là trên 17.000 tấn. Lượng chất thải này không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường.Các công ty lớn thì kí kết xử lí với các công ty môi trường hoặc cho các công ty tư nhân xử lí, số ít được tái chế đơn giản. Số lượng rác thải rắn đang ngày một ra tăng.

          Thực trạng còn tồi tệ hơn khi rác thải được chất hàng đống trên containers tại các cảng biển, điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nhiều đến ưu thông trên khu vực cảng. Số liệu từ cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đến giữa tháng 6 năm 2018, các cảng biển của thành phố còn tồn 3320 công ten nơ phế liệu chưa làm thủ tục hải quan bao gồm cả phế liệu nhập khẩu trong đó có phế liệu may mặc. Tại cảng Hải Phòng có 4818 containers: 188 containers quần áo các loại, 1463 containers vải vụn, còn lại giấy và phế liệu khác.

 Tác động của vải vụn đối với môi trường sống

          Cách xử lí rác thải của ngành may mặc chủ yếu là đốt. Thông thường những cơ sở đốt rác sẽ đốt trong lò chuyên dụng. Trong vải tổng hợp có các sợi polyester, khi đốt không cháy hết sẽ tạo thành khí carbon nặng tích tụ vào môi trường, loại khí này được liệt kê vào loại khí nhà kính mạnh nhất và khó phân hủy. Các loại vải da vụn này phải đốt trong lò chuyên dụng ở 1.000-1.200 0C mới đảm bảo an toàn tuyệt đối, còn đốt âm ỉ sẽ sinh ra vô số chất độc hại, trong đó có dioxin. Bởi trong các loại phế thải này có chứa lưu huỳnh, Nox, sulfur dioxide (SO2, hydrocarbon, ammonia…) ( theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa hóa ĐHKHTH Đại học Quốc gia Hà Nội)

          Theo ông L.V.T thôn Sen Hồ cho biết, từ 5 năm trở lại đây, cứ chiều tối là các xưởng may nhỏ lẻ chở vải vụn ra khu vực cánh đồng đổ trộm và đốt. Mùi khét lẹt rất khó thở. Khói bụi ô nhiễm khiến người già và trẻ nhỏ bị ho hen, khu vực gần đó canh tác đất năng suất cây trồng kém, nhiều  câu trồng không cho thu hoạch.

          Nếu trong phòng kín, người hít phải khí thải từ nhiên liệu này sẽ tử vong chỉ trong chốc lát. Việc người dân sử dụng vải, da vụn làm chất đốt là đang tự đầu độc mình từ từ. Bởi trong không gian rộng, không khí bị pha loãng nên người hít phải không bị ảnh hưởng ngay lập tức mà nó ngấm từ từ vào cơ thể. Những người hít phải khí độc sinh ra từ nguồn nhiên liệu rẻ tiền này dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm phổi, lâu dần sẽ tích tụ lại trong cơ thể trở thành tác nhân gây bệnh ung thư.

          Bên cạnh đó, bệnh phổi do nhiễm bụi, xơ vải là điều ám ảnh nhất đối với những công nhân may và những người thường xuyên tiếp xúc với vải vụn. theo thầy Nguyễn Thành Nhân giảng viên dạy TBM và ATLĐ cho biết, người làm việc mà hít phải khí đốt, xơ vải sẽ gây ảnh hưởng đến các bệnh về hô hấp như suy giảm hô hấp hơn những người làm trong môi trường công việc khác. Thực tế việc tái chế vải vụn còn nhiều hạn chế do không thực hiện được phân loại rác(bao gồm vải vụn từ ngành dệt may, nguyên phụ liệu, dụng cụ hỗ trợ…) hầu hết được xử lí bằng biện pháp đốt hoặc chôn lấp. Biện pháp này là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nhất là môi trường nước, không khí và gây trơ hóa đất.

          Ngoài ra vải vụn khi thải ra môi trường, chôn trái phép sẽ gây trơ hóa đất vì trong các loại vải sợi nhân tạo chứa nhiều chất hóa học, khó phân hủy lâu ngày có thể ảnh hưởng cả đến vấn đề nước ngầm và nước sinh hoat của người dân. Quá trình phân hủy của các loại vải chứa nhiều chất hóa học sẽ rất lâu, trong thời gian phân hủy gây ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái, đặc biệt là mực nước ngầm. Nguồn đất nước bị nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến các sinh vật như giun dế vầ các côn trùng khác. Các loài sinh vật đều rất nhạy cảm với môi trường bị ô nhiễm. Các loại cây trồng ở khu vực này rất dễ bị vàng lá, hoa quả bị nép, bị nứt, và ở mức độ cao hơn cây sẽ chết do chứa nhiều Clo, SO2 và các chất hóa học phụ trợ nhuộm có trong vải.

           Theo thống kê của cơ quan công an huyện Hữu Lũng và phòng Cảnh sát môi trường (P49), từ cuối T4/2018 đến nay Công an tỉnh đã phát hiện 4 vụ đổ chất thải công nghiệp ra môi trường. Vụ việc gần nhất là sáng ngày 10/9 tại tỉnh lộ 242, thuộc thôn Liên Phương và Thôn Làng Cả, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng có 2 đống chất thải công nghiệp do các đối tượng vận chuyển từ tỉnh khác qua đổ. Chủ yếu là rác thải May mặc có tổng trọng lượng 2 tấn, nguồn gốc từ những nhà máy sản xuất công nghiệp ở Khu công nghiệp Quế Võ Bắc Ninh. Người dân khu vực cho biết với số lượng rác thải đổ bừa bãi như vậy gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt (cản trở giao thông, trơ hóa đất, khu vực gần đó cây trồng kém phát triển..vv...)

D.ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TỪ VẢI VỤNVÀ PHẾ LIỆU NGÀNH MAY MẶC Ở VIỆT NAM

1.NHỮNG HẠN CHẾ TRONG QUÁ TRONG QUÁ TRÌNH TÁI CHẾ VẢI VỤN VÀ PHẾ LIỆU NGHÀNH MAY MẶC

          Do năng lực công nghệ xử lí ô nhiễm môi trường và chi phí đầu tư vận hành xưởng tái chế cũng như nhân lực thu gom và phân loại còn hạn chế, chi phí vận hành bảo trì, bảo dưỡng thiết bị quá tốn kém so với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp dệt may nhất là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các xưởng may tư nhân.Chính vì vậy trước mắt cần ưu tiên xử lí và quản lí chất thải hợp lí,tránh tình trạng xả thải bừa bãi, đổ trộm phế liệu may mặc ra môi trường.

          Công tác thu gom còn hạn chế về nguồn nhân lực, kĩ năng phân loại vải vụn và thu gom phế liệu chưa tốt, số lượng vải vụn với khối lượng lớn.Khả năng tái sử dụng ở ngành này nhìn chung còn thấp so với các ngành công nghiệp khác, thực tế thì ngành này không có xu hướng tái chế, biện pháp chủ yếu là đem đi đốt và chôn lấp.Do giá thành phẩm tương đối rẻ nên ít có cơ sở tái chế sản xuất. Chưa hình thành quy mô tái chế doanh nghiệp. Các mặt hàng từ vải tái chế chưa đa dạng. Mặt khác, đa số các đều không tái chế, hoặc ít, hầu hết là đem đổ bỏ hoặc bán cho công ty môi trường xử lí.

2. ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP

 HẠN CHẾ VẢI VỤN NGAY TỪ TRONG QUÁ TRÌNH THIẾT KẾ.

          Khi giác sơ đồ bằng tay trên khổ giấy,các chi tiết mẫu bán thành phẩm phải được sắp xếp sao cho hợp lí và cân xứng trên khổ giấy đảm bảo yêu cầu về tính chất của nguyên phụ liệu, định mức sơ đồ ban đầu, số lượng cỡ, số lượng chi tiết ban đầu. Ước tính khổ sơ đồ nhỏ hơn khổ vải 1-2cm trừ biên vải để tiết kiệm vải tối đa ngay từ khi định mức khổ sơ đồ. Người giác sơ đồ phải đảm bảo độ vuông góc cho sơ đồ, đảm bảo canh sợi của các chi tiết, hướng sợi và đối xứng. Sơ đồ không có khoảng lấp khoảng trống. Việc giác sơ đồ bằng tay phải đảm bảo các thông số và yêu cầu kĩ thuật, thì sản phẩm may lên mới đúng dáng được.

          Tuy nhiên khi giác sơ đồ bằng tay ở một số mã hàng chúng ta có thể điều chỉnh một số vị trí nhỏ như đáp, cơi để tiết kiệm số lượng vải. Đảm bảo việc điều chỉnh các chi tiết nhỏ không ảnh hưởng đến phom dáng cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra các khoảng trống trên vải lớn có thể giữ lại để tận dụng cho các mã hàng sau như: dùng là lót túi, đáp, cơi túi,..., giảm thiểu số lượng % vô ích trên vải và hạn chế tối đa số lượng vải vụn ra ngoài môi trường.

          Khi giác sơ đồ trên máy tính gọi sơ đồ đã khai báo các size cần giác ra. Kiểm tra lại tất cả các chi tiết trên sơ đồ, sắp xếp các chi tiết sát nhau giống giác sơ đồ bằng tay. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm thời gian, người giác dễ dàng quan sát các chi tiết sản phẩm hơn.

           Nếu chúng ta hạn chế việc giảm thiểu vải vụn bằng cách phối hợp các chi tiết nhỏ của các mã hàng khác trên các khoảng trống của sơ đồ với nhau sẽ giảm được tối đa số lượng vải vụn.

THU GOM VÀ TÁI CHẾ SỢI

          Đây là một vấn đề còn lan giải và lâu dài ở Việt Nam nhưng không hẳn là không thực hiện được. Nguồn tài nguyên của chúng ta đang dần cạn kiệt, rác thải và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn các nước khác. Theo thống kê, Trung Quốc hiện đang cung cấp khoảng 50% tất cả các nguyên liệu vải sợi cho ngành may mặc của Việt Nam. Đầu tư tái chế quả là tốn kém, nhưng để xác định lâu dài và hạn chế nhập nguyên liệu từ bên ngoài, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên cho đất nước, chúng ta cần có chiến lược xây dựng hệ thống nhà máy tái chế vải sợi.

          Tại Việt Nam, một số người đã khuyên góp quần áo cho các tổ chức từ thiện. Ở 420 Tây Sơn Hà Nội, được sự giúp đỡ và hỗ trợ của phường Ngã Tư Sở đã xin được chỗ đặt đặt tủ đồ từ thiện, với hi vọng những người không được mauy mắn sẽ được đầy đủ, khẩu hiệu “ Ai cần thì lấy, ai thừa thì cho”, ngoài ra nhóm còn ủng hộ đồ cho các em nhỏ vùng cao. Đây là một hành động vô cùng ý nghĩa. Việc làm này sẽ càng ý nghĩa hơn nếu chúng ta nhân rộng các khu vực đặt tủ đồ nên ở nhiều nơi thì sẽ tiết kiệm được kha khá khoản chi phí đồng thời giúp được các em nhỏ vùng cao, người đồng bào dân tộc thiểu số, người vô gia cư có thêm quần áo ấm để mặc. Vậy nếu như các sản phẩm của sinh viên may mắc một số lỗi nhỏ không ảnh hưởng đến qua trình mặc và có thể sữa chữa được chúng ta có thể dùng để ủng hộ cho các tổ chức như vây. Ngoài ra chúng ta có thể tái chế quần áo cũ và vải vụn với nhau.

          Ở Nhật Bản, Công ty thời trang Ecogear vừa giới thiệu ra thị trường một loại vải tái sinh từ vô số vải vụn, vải thừa, vải phế liệu từ các xưởng may đã phát triển theo xu hướngnghiên cứu sản xuất từ 100% xơ tái chế để dùng cho trang phục. Vải phế liệu được thu gom về, được phân loại theo màu sắc sau đó vải của cùng một nhóm màu sẽ được xé tơi thành xơ ngắn. Hỗn hợp xơ ngắn cùng màu này được pha lẫn với sợi polyeste liên tục cũng được tái sinh từ vỏ chai nhựa. Kết quả của quá trình kéo sợi cho ra các loại sợi với nhiều màu sắc đa dạng nhưng không hề sử dụng một tý hóa chất độc hại hay thuốc nhuộm, tẩy nào có hại với môi trường.

          Đối với các loại vải sợi tự nhiên chúng ta có thể tận dụng tái chế triệt để bằng cách phân loại theo các loại vải sợi khác nhau, sợi có thể chuyển qua giai đoạn se lại sợi để dệt thành các sản phẩm mới. Những loại không thể tái chế có thể đem chôn lấp hoặc đốt để thu hồi năng lượng, cung cấp nhiệt cho các nhà máy.

          Đối với các loại vải Nhân tạo cần tập  chung vào phân loại để dễ dàng tái chế vì mỗi loại  sợi có một cấu tạo khác nhau. Khi phân loại và tái chế các sản phẩm sợi nhân tạo ta có thể thu hồi được các loại sản phẩm có giá trị như các loại nhựa ni lông và tái sử dụng chúng thành những sản phẩm khác. Phân loại các loại vải sợi  nhân tạo có thể làm giảm các tạp chất bên như cát bụi. Hiệu suất ở các giai đoạn tiếp theo cũng được nâng cao đáng kể. Ở một số nơi người ta đã sử dụng máy quang phổ hồng ngoại. Nhờ nguyên lí hấp thụ và phản xạ của các tia hồng ngoại của các loại vật liệu ta thu được phổ hồng khác nhau và dễ dàng phân loại chúng một cách dễ dàng. Khi phân loại được các loại sợi máy sẽ báo ra bằng giọng thu âm ngược lại nếu không xác đinh được hay có sự cố trục chặc máy sẽ hiện chữ unknown.( biện pháp này đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới).

CHÔN LẤP, ĐỐT HỢP LÝ

          Tận dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu vải vụn ra môi trường, củng cố kĩ thuật  phân loại và tồn trữ tại các nhà máy, phân xưởng. Các biện pháp giảm thiểu bao gồm; thu hồi và tái sử dụng chất thải, xử lí chôn lấp hoặc biến đổi các chất thải nguy hại thành chất thải không nguy hại, chôn lấp hợp vệ sinh ở bãi chôn lấp riêng biệt. Những chất không thể tái chế được, hoặc không phân hủy được khi chôn lấp sẽ được đốt trong lò với nhiệt độ 1000-12000C đối với vải vụn chứa thành phần độc hại để đảm bảo an toàn và không gây ô nhiễm.

           Ưu điểm của phương pháp này là khả năng tiêu hủy vải vụn, thể tích rác có thể giảm từ 75-95%, thích hợp cho địa bàn không có mặt bằng chôn lấp rác, hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm do đốt lộ thiên và đổ vải vụn bừa bãi. Đầu tư nguyên liệu theo chiều sâu, sử dụng những nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường. Chôn lấp với những loại dễ phân hủy như cotton, tơ tằm. Tất cả các nguồn thải được xác định và phân loại chính xác những chất thải nguy hại và các đặc tính của chúng, đặt ra mục tiêu giảm thiểu cả về số lượng chất thải và thành phần độc hại: không dùng hoặc sử dụng hạn chế nguyên liệu hoặc các chất hóa học độc hại chỉ sử dụng cho những công đoạn cần thiết.

 TÁI CHẾ QUY MÔ

           Tái chế nguyên liệu nếu có thể( Sử dụng lại các chất thải cho một công đoạn khác trong xí nghiệp- sử dụng lại những khổ vải, dây biên cho các công đoạn may khác trong dây chuyền, phối màu cho trang phục. Nếu nguyên liệu là các chất độc hại cần thiết cho quá trình sản xuất và không thể tái chế chúng, khi đó có thể biến đổi chúng thành các chất không độc (ví dụ có thể biến đổi chúng nhờ các hợp chất hoạt động mạnh để oxi hóa các hợp chất hữu cơ). Ngoài ra có thể thu được một số tài thành phần nguyên liệu khi tái chế.

           Cần tập chung chất thải của các xí nghiệp, lập một nhà máy tái chế giữa sự liên doanh của các xí nghiệp. Thu gom và vận chuyển chất rắn cúa từng công ty, phân loại và vận chuyển riêng tùy từng loại chất thải và đặc tính của chúng để thuận lợi cho quá trình xử lí. Xây dựng kế hoạch chi tiết quản lí chất thải cần có sự can thiệp và giúp đỡ của Thành phố để tìm ra thị trường tái chế và phân phối sản phẩm tái chế. Liên doanh các xí nghiệp với nhau để thuận lợi trao đổi các chất thải giữa các xưởng với nhau để tiết kiệm nguyên liệu cho các sản phẩm.

          Ngoài ra chính quyền thành phố cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho những cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng và thu mua vải vụn dùng cho một mục đích khác có giá trị về kinh tế và không gây ô nhiễm môi trường.

XỬ PHẠT CHẶT CHẼ NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM ĐỔ, CHÔN LẤP TRÁI PHÉP

          Thành phố cần quy hoạch những công ty may mặc tập chung để dễ xử lí và phân loại rác thải tập chung để dễ dàng quản lí vì vậy phải có kế hoạch kiểm soát chất thải một cách nghiêm ngặt đồng thời quản lí được các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tái sử dụng chất thải. Cần phải phạt nặng với những trường hợp doanh nghiệp không đăng kí sử lí chất thải, các hành vi thải ra môi trường trái phép hoặc đổ trộm ra ngoài môi trường.

THÀNH LẬP CÁC ĐỘI NHÓM, CÂU LẠC BỘ  NGHIÊN CỨU NHỮNG TÍNH NĂNG VÀ SẢN PHẨM CỦA VẢI VỤN.

          Đã có một số thương hiệu tái chế vải vụn trên thị trường như Takeone, Chat Master Club nhưng chưa được nhân rộng rãi, quy mô vẫn còn nhỏ, chưa giải quyết được số lượng lớn vải vụn hằng năm thải ra môi trường. Chúng ta cần nhân rộng các công ty tái chế vải vụn để tiết kiệm nguyên nghiên liệu đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp cùng phối hợp đầu tư công ty tái chế vải vụn để đảm bảo được số lượng vải vụn dư ra mỗi năm.

          Tính ứng dụng của vải vụn vô cùng phong phú, con người vẫn chưa khai thác hết công dụng của nó. Để đầu tư tái chế tổng thể số lượng vải vụn lớn thải ra môi trường ngoài việc cần có số vốn lớn, chúng ta cần có sự kiên trì, tỷ mỉ và sáng tạo. Ngoài ra nếu đầu tư tái chế thị trường vải vụn mở rộng chúng ta có thể đem lại lợi ích to lớn cho nhiều người đồng thời giảm thiểu được chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Khi kế hoạch tái chế mở rộng  thành công và đưa vào thực tiễn sẽ tạo ra vô số việc làm cho người lao động, không phân biệt nam nữ, lứa tuổi, trình độ....trong điều kiện hoàn cảnh hiện tại ở nước ta thì việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Những phụ nữ, trẻ em, người già có thể nhận thêm nguyên liệu về gia công để kiếm thêm thu nhập. Khi đó dự án không chỉ dừng lại ở việc giải quyết công ăn việc làm cho người  lao động, mà còn giúp họ thay đổi cuộc sống của mình, xã hội trở nên văn minh hơn. Hơn nữa mọi người còn cho rằng người khuyết tật, già cả là những người không cống hiến được nhiều, thậm chí còn là gánh nặng của xã hội, nhưng không phải như vậy, họ hoàn toàn có thể làm giàu từ dự án này, họ có thể sống có ích và phát huy được hết khả năng mà họ có thể.

          Mô hình làm giàu từ vải vụn đã có nhiều người làm nhưng cách làm khác nhau dẫn đến thành công khác nhau, ở đây không phải là làm hay chưa mà diều quan trọng là chúng ta sẽ làm nó như thế nào. Một tấm vải vụn có thể làm được gì? Đối với người bình thường thì nó có thể làm được những vật bình thường, nhưng đối với người có đam mê, có sáng tạo, kiên trì và sự quyết tâm cao...thì câu trả lời sẽ là không giới hạn. Vì vậy cần đẩy mạnh quy mô tái chế số lượng vải vụn trên toàn thế

SỬ DỤNG NHỮNG NGUYÊN LIỆU THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

          Các doanh nghiệp có thể tập chung vào những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đời sống và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã đẹp mà họ còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm và sự bền vững với môi trường và sức khỏe. Khách hàng thường chú ý đến những sản phẩm như cotton hữu cơ, những sản phẩm dệt nhuộm tự nhiênvà tơ tằm, họ có thể chấp nhận mức giá phù hợp với sản phẩm mà họ cảm thấy sử dụng phù hợp.

3. HƯỚNG QUẢN LÍ HẠN CHẾ SỐ LƯỢNG VẢI VỤN TRONG ĐỊA BÀN XÃ LỆ CHI, PHÒNG MAY THỰC HÀNH CỦA SINH VIÊN VÀ TRUNG TÂM SẢN XUẤT DỊCH  VỤ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NÔI.

          Xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc quản lí vải vụn, mở thêm xưởng nhận thu gom rác thải để tái chế nguyên liệu hoặc sử dụng để phối màu cho các sản phẩm và công đoạn khác.Tăng cường đầu tư, lập kế hoạch mở thêm xưởng tái chế tại chỗ, sản xuất các mặt hàng mới từ nguồn vải vụn thải ra, tuyển dụng thêm lao động. Các xưởng may nhỏ lẻ trên cùng một khu vực phải tập chung thu gom rác thải ngành may để dễ dàng tái chế và sử lí. Các doanh nghiệp may trên cùng địa bàn cần tập chung quy hoạch về cùng một khu để tiện xử lí. Trên cùng một địa bàn các công ty có thể góp vốn cùng nhau để mở thêm các xưởng tái chế thành các sản phẩm khác nhau. Có thể huy động nguồn vốn từ các công nhân trong công ty, mỗi người đóng góp sẽ có cổ phần nhỏ trong công ty từ đó tạo nên vị thế vững mạnh cho khối công nhân. Tạo việc làm thêm cho phần lớn người lao động.

- Thu gom rác thải sau mỗi ngày làm việc, khi thu gom kết hợp phân loại vải vụn (vải cotton, sợi tổng hợp, vải dệt thoi, bông, giấy gói hàng, bìa catton, phụ liệu ngành may và các dụng cụ hỗ trợ,…vv) để thành những bao riêng để dễ xử lí.

- Tận dụng những tấm vải vụn lớn cho những công đoạn may tiếp theo và sử dụng phối màu cho những trang phục cần thiết.

- Tận dụng những sản phẩm may bài tập may thực hành của sinh viên, khắc phục những sai hỏng và đem ra sử dụng ( ủng hộ cho những người vô gia cư, những người có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn,...) để tránh gây lãng phí và tiết kiệm được kinh phí.

- Sử dụng vải vụn may thành những tấm chăn tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ( vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người vô gia cư, những nạn nhân bão lụt). Biện pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu nhập, tái chế hàng dệt may về nhận thức cộng đồng và tiêu thụ có trách nhiệm, thân thiện với môi trường.

- Sản xuất đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập, hộp bút, cặp sách…

- May vải vụn thành rèm cửa, áo che xe máy. Biện pháp này sẽ giảm thiểu được việc tiêu hủy vải vụn. Sử dụng vải vụn, các sản phẩm lỗi hỏng, quần áo cũ thành sợi để sử dụng cho vật liệu công nghiệp như nệm, ghế hoặc vật liệu cách âm.

- Tận dụng nguồn xơ vải từ vải vụn để dệt nên những tấm chăn gối, thảm chùi chân cây lau nhà.

- Ngoài ra, có thể xử lí vải vụn bằng cách băm nhỏ rồi trộn lẫn với bột gỗ và catong để sản xuất vật liệu cách nhiệt, cách âm, cách điện. Ngoài ra chúng ta có thể sư dụng vào một số việc khác như làm rẻ lau cho các nhà máy, phối hợp với các công ty làm nội thất tái chế làm đệm lót cho  các sản phẩm. Kết hợp chôn lấp với những chất khó phân hủy.

- Mở thêm câu lạc bộ nghiên cứu hạn giảm thiều số lượng vải vụn.  Các thành viên trong câu lạc bộ trao đổi với nhau tạo nên những sản phẩm mới lại từ vải vụn như tranh vải vụn đồ chơi vải vụn tạo không khí sôi nổi trong nhà trường.

- Huy động các nguồn vốn để tự chủ trong việc tái chế.Khuyến khích các sinh viên năm nhất năm hai tham gia vào quá trình may  các sản phẩm tái chế, phần giúp sinh viên nâng cao kĩ năng, trình độ tay nghề đồng thời giúp sinh viên có thêm chi phí chi tiêu. Ngoài ra tạo thêm điều kiện cũng như cơ hội việc làm cho phần lớn công nhân thất nghiệp. Tạo thêm các sản phẩm đa dạng và phong phú về mẫu mã phù hợp với thu nhập của người dân.

4.THU GOM, TÁI CHẾ PHẾ LIỆU TRONG NGÀNH MAY MẶC

- Ngoài vải vụn thì chất thải ngành may mặc còn bao gồm cả bìa sao mẫu, túi gói sản phẩm, bóng đèn, các dụng cụ phụ trợ ngành may,...vv. Để hạn chế các phế liệu chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp sau:

- Dùng mẫu lồng ( mẫu tổng) để hạn chế số lượng bìa cattong dùng để sao mẫu đồng thời biện pháp này còn tiết kiệm được cả thời gian thiết kế mẫu.

- Tận dụng bìa của mẫu cũ để sao các chi tiết của mã hàng mới ( áp dụng với những sản phẩm không giữ lại mẫu tổng).

- Phối hợp với các công ty giấy để tái chế số lượng giấy bìa cattong đồng thời tạo điều kiên liên doanh giữa các ngành nghề.

- Đối với các phụ trợ không thể tái chế được cần phối hợp chặt chẽ với các công ty môi trường để giải quyết triệt  để tránh để lại hậu quả gây ô nhiễm môi trường.

 

 

E: KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

Nghành May mặc đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên số lượng phế thải ra ngoài môi trường tương đối lớn. Nếu như chỉ chú trọng vào việc sản xuất mà không có các biện pháp quản lí và sử lí chất thải sẽ có tác hại không những làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến cả việc sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần chú trọng  hơn về việc đầu tư các xí nghiệp tái chế phế phẩm dệt may, quy hoạch các công ty thành một cụm để tiện quản lí.Khối ngành dệt may nên kết hợp với nhau sản xuất những sản phẩm dệt may có nguồn gốc tự nhiên. Việt Nam cần hướng tới một ngành công nghiệp dệt hữu cơ nhiều hơn để có thể nâng cao vị trí, thương hiệu chất lượng của sản phẩm đệt may Việt Nam.

Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các dối tượng vi phạm đồng thời nâng cao tinh thần tự giác và trách nhiệm của người dân. Bên cạnh đó cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lí môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn. Quy hoạch và xây dựng các công trình xử lí rác thải theo vùng, tập chung xử lí triệt để các cơ sở vi phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kĩ thuật hiện đại để phục vụ hiệu quả cho các lực lượng này.

F. TÀI  LIỆU  THAM KHẢO

1.Trang wesite:

 moitruongviet.edu

http:// tamnhin.net

2.Tạp chí công thương 2008, “ Quy hoạch và phát triển ngành dệt may Việt Nam từ năm 2015, định hướng đến năm 2020”

 

Các bài viết khác

Danh sách học bổng 2021-2022
29/11/2022
1.380 lượt xem
Cô gái với nụ cười tỏa nắng
24/11/2022
1.140 lượt xem
Không khí Giáng sinh tại HTU
25/12/2020
1.441 lượt xem
HTU- XUÂN YÊU THƯƠNG, TẾT CHIA SẺ
15/01/2020
925 lượt xem
CẢM XÚC CỦA SINH VIÊN NĂM CUỐI..
18/12/2019
9.354 lượt xem
VIẾT CHO THỜI SINH VIÊN SẮP QUA...
18/12/2019
3.186 lượt xem
GIẢI BÓNG ĐÁ KHOA CƠ ĐIỆN 2019
04/12/2019
873 lượt xem
HTU trong trái tim tôi!
25/11/2019
945 lượt xem
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ !
25/11/2019
2.673 lượt xem
Tri ân thầy cô
14/11/2019
1.264 lượt xem
Halloween 2019 tại HTU
30/10/2019
1.563 lượt xem
Trao lời yêu thương
19/10/2019
2.869 lượt xem
Nam sinh có nên học ngành dệt may ?
06/10/2019
3.910 lượt xem
CẢM XÚC THÁNG 10 – MÙA THU HTU
03/10/2019
1.383 lượt xem
ĐÃ BẮT ĐẦU, XIN ĐỪNG TỪ BỎ!
25/09/2019
1.026 lượt xem
Ngày Hội Hiến máu mùa hoa sữa
25/09/2019
0 lượt xem
Lời khuyên cho sinh viên năm nhất
16/09/2019
1.259 lượt xem
Ngày hội việc làm HTU năm 2018
25/04/2018
1.899 lượt xem

Liên kết website