Năm nhất Đại học là khoảng thời gian rất quan trọng đối với sinh viên. Hầu hết các bạn đều phải sống xa nhà và phải đối diện với biết bao thứ mới: môi trường mới, bạn bè mới và phương pháp học tập mới. Các bạn phải học cách sống tự lập, sống chịu trách nhiệm với bản thân. Xa nhà, xa bố mẹ, nhiều lúc sẽ cảm thấy buồn và căng thẳng đến phát khóc.
Nhiều bạn quan điểm lên đại học học nhàn lắm, vì các bạn chưa quen với cường độ học tập và chưa chú trọng vào việc học dẫn đến kết quả học tập đi xuống trầm trọng.
Những khó khăn của sinh viên năm nhất
Xa nhà, xa gia đình sinh viên năm nhất gặp vô vàn khó khăn. Không những khó khăn về học tập, về cường độ học tập, kinh tế và cuộc sống tự lập. Thậm chí nhiều bạn cũng phải bươn trải làm thêm để lo cho cuộc sống và đóng học phí vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các bạn phải tập làm quen với lối sống mới, không còn được cha mẹ bao bọc như ở nhà, mọi vấn đề đều phải tự giải quyết.
Nếu như các anh chị sinh viên năm 2, năm 3 đã quen với chương trình học thì sinh viên năm nhất còn rất bỡ ngỡ, chưa quen với việc tự học là chính, các bạn vẫn quen với kiểu học tập ở bậc THPT. Do đó kết quả học tập thường không như ý muốn.
Sinh viên nên làm gì?
1.Lập thời gian biểu.
Có thể nói cấp ba chúng ta được học tập trong một môi trường có những chỉ dẫn rõ ràng, có sự quan sát và theo dõi của giáo viên, nhưng đến khi lên Đại học, chúng ta phải tự tìm ra hướng đi cho mình và bạn cần phải lên kế hoạch học tập cho thời gian tới. Không ít sinh viên năm nhất cảm thấy chán và không theo kịp chương trình đại học, không phải vì bạn không giỏi mà chính là sự thay đổi của môi trường khiến bạn chưa hoàn toàn thích ứng được.
Từ những buổi học trên lớp, bạn cần lập ra một thời gian biểu hợp lí: Học ở thư viện, tự học trước giờ lên lớp và các hoạt động khác. Ngoài ra bạn cần đặt mục tiêu, xác định cách thực hiện và thực hiện mục tiêu. Cần phải phát huy hết khả năng của mình để hoàn thành nó một cách sớm nhất. Theo thống kê của Mỹ, 85% thành công của con người được quyết định bởi kĩ năng ,thái độ và sự chăm chỉ. Trong đó, thái độ học tập và làm việc là yếu tố quan trọng nhất. Sinh viên năm nhất nên tích cực trau dồi cho bản thân những kĩ năng mềm để đối mặt với cuộc sống hoàn toàn mới.
Đôi bạn cùng tiến
2. Học như thế nào?
Đi học đúng giờ, không bỏ học, chốn tiết sẽ giúp bạn tạo một thói quen tốt. Nếu như nghỉ học bạn sẽ bị hổng kiến thức và mất điểm chuyên cần. Và bạn biết kết quả sẽ giảm sút như thế nào rồi đấy. Thật hạnh phúc khi được đặt chân vào cánh cửa đại học, nhưng đừng vì thế mà lơ là. Bạn tôi đã nhận được kết quả học tập không tốt trong kì đầu với kết quả 4/7 môn thi lại với điểm số F trong kì đầu lần thi thứ nhất, nhưng may mắn thay bạn ấy đã qua ở lần thi sau và không phải học lại môn. Tuy nhiên số điểm ở lần thi sau cũng chỉ đạt được ở mức trung bình và bạn ấy phải nỗ lực hết mình ở học kì 2 để tăng điểm số. Chính vì vậy, bạn cần tập trung học tập đặc biệt là khoảng thời gian giữa kì để đảm bảo bạn sẽ nhận được một khởi đầu tương đối ổn ở năm nhất. Cần áp dụng các phương pháp tự học, học trên thư viện, học nhóm hay đôi bạn cùng tiến để đạt được kết quả học tập tốt hơn, đặc biệt phải chú ý đến phương pháp tự học, trau dồi kiến thức.
Giờ học nhóm môn Vật liệu may của sinh viên nhóm B lớp ĐHM4-K3
Ngoài ra bạn có thể đăng kí các khóa học kĩ năng mềm để áp dụng trực tiếp vào việc học tập tại trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội. Nhà trường có tổ chức học ngoại khóa cho sinh viên như: kĩ năng học và tự học ( learning to learn), kĩ năng lắng nghe ( Listening skills), kĩ năng thuyết trình ( Oral communication skills), kĩ năng tư duy và sáng tạo ( creative thinking skills), kĩ năng làm việc nhóm( Teamwork),… được nhiều thầy cô ở các khoa trực tiếp giảng dạy.
Lớp học kĩ năng mềm tại NOVAEDU
Sinh viên khoa thời trang sáng tạo
Có thể nói quãng thời gian sinh viên là quãng thời gian bạn có thể học được nhiều thứ nhất có thể. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ lỡ nó. Bên cạnh việc học trên trường bạn nên học thêm ngoại ngữ, nếu có thể thì tham gia các khóa học kĩ năng mềm, các chứng chỉ IELTS, TOEIC, tin học, tiếng Nhật, tiếng Trung. Ngoại ngữ là một trong những kĩ năng cần thiết để bạn có thể tìm được công việc tốt cho tương lai. Đây là những yêu cầu cơ bản của các nhà tuyển dụng sau này.
3. Tham gia các câu lạc bộ (CLB) của nhà trường.
Trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội có rất nhiều CLB như: CLB nói tiếng anh, CLB thời trang, CLB nói tiếng trung, đội xanh, đội máu Dệt May, đội thanh niên Bắc Giang tại Hà Nội… Bằng cách tham gia các hoạt động của CLB, sinh viên chúng mình sẽ trưởng thành hơn về mặt giao tiếp xã hội thông qua việc tương tác với những người bạn mới. Đây cũng là cách để các bạn xây dựng mối quan hệ dài lâu, bền vững với những người hợp sở thích và cùng đam mê. Nhìn chung sinh viên Việt Nam có kiến thức giỏi nhưng kĩ năng còn rất hạn chế. Việc tham gia các CLB của nhà trường giúp các bạn trau dồi kinh nghiệm và kĩ năng mềm cho bản thân. Điều đó không chỉ giúp bạn dễ thích nghi với môi trường mới, mở rộng mối quan hệ, tự tin và năng động hơn.
Người ta thường nói quãng thời sinh viên là thời gian đẹp nhất, vì ta có sức khỏe, có thời gian, có sự tự do và hơn hết là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tham gia các CLB không những giúp sinh viên nâng cao kĩ năng sinh hoạt tập thể mà còn mang đến cho các bạn nhiều niềm vui giải trí, giúp cho việc học tập tốt hơn. Các CLB ở trường rất đa dạng và thú vị! Hãy cùng đến và giao lưu với các anh chị nhé!
Đội thanh niên tình nguyện HTU
4. Làm thêm việc gì, như thế nào?
Đối với các bạn sinh viên năm nhất, đi học xa nhà thì đây là cơ hội để bạn trải nghiệm cuộc sống tự lập đầu tiên. Tuy có nhiều bỡ ngỡ, nhớ nhà,.. nhưng các bạn nên chủ động tạo lập cuộc sống của riêng bản thân mình.
Ở các nước Châu Âu nói chung cũng như Mĩ nói riêng thì những ông bố bà mẹ có một cách giáo dục đặc biệt khi con cái đến tuổi 18. Họ cho con ra ngoài sống tự lập, tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, thuê nhà riêng và hầu như không can thiệp vào cuộc sống đó. Ở Việt Nam, bố mẹ thường theo sát chăm sóc con cái nhưng vì thế mà có nhiều bạn còn ỷ lại vào bố mẹ, không chủ động tìm hiểu và lên kế hoạch cụ thể cho cuộc sống của cá nhân mình. Theo một số dữ liệu cho thấy: Đa số (85%) sinh viên Mĩ đi làm trong khi đi học đại học. Ở Châu Âu 67% sinh viên đi làm trong năm học. Tuy nhiên ở Châu Á con số này chỉ là 30% hay ít hơn.
Bạn nên làm thêm những công việc mang lại lợi ích cho việc học tập phù hợp với chuyên ngành mình học. Có rất nhiều công việc làm thêm cho các bạn sinh viên nói chung và sinh viên khoa Công Nghệ May nói riêng như: nhặt chỉ, phụ may rèm và quần áo, là, gấp, đóng gói…v.v. Công việc làm thêm này cũng chính là những trải nghiệm ban đầu của cuộc sống tự lập. Ngoài ra giúp các bạn có cơ hội va chạm với cuộc sống, thực tế nghề nghiệp và từ đó cải thiện kĩ năng giao tiếp của bản thân.
Tuy nhiên bạn cần phải cân nhắc cả về thời gian học và sức khỏe nữa để không ảnh hưởng đến kết quả học tập của mình. Hãy chú ý rằng: kinh nghiệm không phải chỉ có va đập bên ngoài cuộc sống tạo ra, mà ngay khi trên ghế nhà trường các bạn cũng sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè, từ những buổi thí nghiệm, những buổi thực hành.
Giờ học thực hành của sinh viên khoa Công nghệ May
Sinh viên khoa Công nghệ May đi học tập thực tế tại doanh nghiệp.
5. Cần có những người bạn thân
Ở đại học có những người bạn thân là rất khó vì chúng ta học theo lớp tín chỉ nhưng lại có nhiều ý nghĩa. Bạn sẽ phải học nhiều lớp khác nhau, gặp nhiều gương mặt lạ lẫm hàng ngày. Vì vậy rất cần những bạn thân để cùng ta chia sẻ vui buồn, cùng giúp đỡ nhau trong học tập.
“ Khi nghỉ hè, các bạn ở đại học của mình thường ít khi quan tâm, hỏi han nhau qua tin nhắn facebook như bạn thời phổ thông, điều này khiến mình khá buồn và lo lắng cho tình bạn sau khi mọi người ra trường” – Trần Hồng sinh viên K3-CNM chia sẻ. Sự thay đổi trong cách quan tâm giúp đỡ nhau giữa những bạn thân thời đại học bắt nguồn từ nhiều sự lí giải. Có thể bạn nghĩ trường đại học là ngưỡng cửa để bước vào cuộc đời, mọi người đều cố gắng rèn luyện và tích lũy cho mình một cách tốt nhất nên khi học tập bạn thường ích kỉ nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn.
Sống xa gia đình, không có sự chăm sóc của bố mẹ, luôn sống trong sự cô đơn và buồn tủi, muốn trở về nhà, chính vì vậy tình bạn đích thực ở đại học là điều rất quan trọng, bằng sự quan tâm, chăm sóc đến nhau chúng ta sẽ có được những tình bạn đáng quý. Lê Trang- sinh viên cao đẳng K13-CNM đã chia sẻ: “ Mình sống trong khu Kí túc xá Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội P112-B11 được ở chung với nhiều bạn khác lớp bao gồm cả hệ đại học ban đầu cũng khá là lạ lẫm, mình cũng khá là dè dặt với họ. Mình bị đau đầu rất nhiều lần đều được các bạn trong phòng và phòng bên quan tâm chăm sóc, mình đã rất cảm động, hơn nữa dưới sự quản lí của ban quản lí Kí túc xá, chúng mình càng trở nên gắn bó với nhau hơn.”
Tình bạn ở bậc đại học, tuy khó để có thể tìm được và càng khó để nắm giữ hơn, vì vậy hãy trân trọng và vun đắp, xây dựng một tình bạn đẹp để khi xa nhau chúng ta không phải hối tiếc và có thể nhớ về như là một kỉ niệm đẹp của thời sinh viên.
Hy vọng các bạn sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu và có được những trải nghiệm tốt đẹp trong thời gian học tập nơi đây. Mong rằng những kinh nghiệm chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn hoàn thành tốt mọi mục tiêu đã đặt ra và đạt được nhiều thành công trong năm nhất nhé!
Tác giả: Lê Thị Ngọc
Lớp: ĐHM4-K3