Bộ GD-ĐT chính thức yêu cầu các trường xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn nhà trường.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hơn 40% thanh niên Việt Nam đang làm công việc không phù hợp với trình độ. Đối với thanh niên có trình độ từ ĐH trở lên, 92% mong muốn có việc làm tay nghề cao, nhưng trên thực tế chỉ có 70% thực sự có việc làm; 30% còn lại thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Trong khi đó, tồn tại một bộ phận không nhỏ thanh niên đang “mắc kẹt” giữa những công việc chất lượng kém hoặc “ăn không ngồi rồi”, thì người sử dụng lao động lại rất khó tuyển được lao động trẻ đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Phản hồi từ nhiều nhà tuyển dụng cũng chỉ ra một thực tế đó là việc thiếu kỹ năng mềm là nguyên nhân khiến thanh niên thất nghiệp. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những SV tốt nghiệp từ các trường ĐH hàng đầu.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề nghị đối với các đại học, học viện, các các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục.
Theo đó, các trường phải xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Khởi nghiệp phải bắt đầu từ trường học
Chỉ đạo này nhằm triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng trong thời gian học tập tại các nhà trường, cũng như tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo đó, đến năm 2020, 100% các học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 100% các trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Tìm kiếm nguồn vốn cho khởi nghiệp
Ngoài việc đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy bắt buộc, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường lập cơ sở dữ liệu về các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên sau khi đã được hỗ trợ, lựa chọn ý tưởng dự án khả thi và có tính sáng tạo để tham dự ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên cấp khu vực và nghiên cứu hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của sinh viên.
Theo đó, các trường đào tạo chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ hoạt động này; xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các trường công lập thực hiện đưa khởi nghiệp vào chương trình bắt buộc, Bộ cho phép các trường lấy kinh phí từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tham khảo Vietnambiz