Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

Hội thảo tổng kết công tác đào tạo tiếng Anh tăng cường các cơ sở giáo dục đại học

Ngày đăng: 08:21 - 05/01/2018 Lượt xem: 1.387
Ngày 29/12/2017, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng đào tạo giáo viên giai đoạn 2008-2016.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ThS. Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, cùng các đại diện của các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng đào tạo giáo viên.

PGS.TS Nguyễn Quan Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chỉ đạo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quan Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trước nhu cầu hội nhập quốc tế. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Trường cần ban hành chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, xây dựng lộ trình thực hiện, đặc biệt cần chú ý đổi mới về phương thức đào tạo, chương trình, giáo trình và tăng cường yếu tố nước ngoài.


PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng vụ giáo dục đại học trình bày báo tổng kết
 
Tại hội thảo PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng vụ giáo dục đại học  đã trình bày báo tổng kết, đánh giá việc triển khai tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng đào tạo giáo viên giai đoạn 2016-2020. Báo cáo nêu rõ, đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 (ĐANNQG 2020) giai đoạn 2008 - 2016 đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên ngoại ngữ, đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy… tạo được bước chuyển biến bước đầu trong đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được ĐANNQG 2020 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện chậm, một số mục tiêu chính của đề án không thể đạt được vào năm 2020 dẫn tới những băn khoăn, quan ngại về thành công và hiệu quả của đề án như: đội ngũ giảng viên; chương trình, giáo trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ; về cơ chế chính sách…


PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tham luận tại hội thảo có 10 ý kiến tham luận của các trường đại học, các ý kiến tập trung ý kiến về tài nguyên giáo dục mở của trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ứng dụng Elearning trong dạy – học tiếng Anh của Viện Đại học mở Hà Nội; Kinh nghiệm xây dựng chương trình, tài liệu tiếng Anh định hướng nghề nghiệp của Đại học Công nghiệp Hà Nội; giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của Đại học Vinh…vv. Qua ý kiến phát biểu, các trường cho rằng: Mục tiêu của Đề án đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học cũng như thực trạng nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng miền và cơ sở đào tạo; Lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ của các trường rất khác nhau, có một số trường chưa triển khai thực hiện; nhận thức của người học về vai trò của ngoại ngữ chưa đầy đủ, năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên không đồng đều và có tới trên 70% sinh viên các trường không đạt trình độ tiếng Anh A1…vv. Ngoài ra, đại diện các Trường  cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện tốt vai trò đổi mới giáo dục và tăng cường Tiếng Anh hiệu quả giúp sinh viên ra trường hội nhập được với môi trường quốc tế, hoàn thành tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những  kinh nghiệm hay trong quản lý đào tạo tiếng  Anh tăng cường được các trường đồng thuận là thành lập Trung tâm tin học-ngoại ngữ thuộc trường để tách bạch giữa đào tạo chính quy tại Khoa tin học-ngoại ngữ và đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu người học được thực hiện tại Trung tâm tin học-ngoại ngữ theo phương thức  xã hội hóa.
 
Đại diện Ban đề án Ngoại Ngữ Quốc gia 2020, Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban đề án đã công bố Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 ban hành ngày 22/12/2017 của thủ tướng Chính phủ. Theo Đề án ngoại ngữ  đến năm 2025 hầu hết các trường đào tạo chuyên ngoại ngữ và 80% các trường đào tạo không chuyên ngữ phải đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các Trường triển khai thực hiện; đối với các Trường, trong thời gian tới nên rà soát lại các yêu cầu về chuẩn đầu ra Ngoại Ngữ, xây dựng lộ trình phù hợp để thực hiện, đồng thời ra soát xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, tổ chức các hoạt động khảo thí để đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.
 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập Quốc tế, từ năm học 2015-2016 Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, trong đó Tiếng Anh tăng cường luôn là những giờ học được quan tâm và đặt ưu tiên cao tại Trường, từng bước giúp sinh viên nhà trường nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh độc lập, tự tin trong giao tiếp, có cơ hội học tập nâng cao trình độ và làm việc trong môi trường hội nhập.
 
Thu Giang
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 175 Tổng truy cập: 33.362.055