Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA TIN HỌC - NGOẠI NGỮ

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THÔNG TIN THƯ VIỆN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 03:17 - 12/09/2022 Lượt xem: 1.684
                                                                  Ngô Thị Thu Giang - Khoa Tin học, Ngoại Ngữ
                                                         
1. Đặt vấn đề
Trong xã hội hiện đại, việc triển khai các loại hình dịch vụ luôn đòi hỏi ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Dịch vụ không chỉ đem lại lợi ích cho người tổ chức mà còn đem lại tiện ích cho người sử dụng. Không nằm ngoài quy luật đó, đứng trước công cuộc đổi mới giáo dục với những yêu cầu ngày càng cao trong công tác giảng dạy và học tập ở trình độ đại học, Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phải luôn nỗ lực tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện, đặc biệt triển khai các mô hình dịch vụ thư viện hiện đại bên cạnh những dịch vụ thư viện truyền thống đã có từ trước đó. Tuy nhiên cách thức xây dựng và tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện như thế nào để đáp ứng nhu cầu về khai thác thông tin/tư liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phát triển giáo dục một cách hiệu quả đang đòi hỏi các nhà quản lý thư viện tìm hiểu, chia sẻ để lựa chọn cho thư viện nhà trường một mô hình phục vụ dịch vụ phù hợp nhất.
2. Các dịch vụ thông tin thư viện
2.1. Khái niệm dịch vụ thông tin thư viện
Dịch vụ thông tin thư viện bao gồm những hoạt đồng nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin và trao đổi thông tin của người sử dụng các cơ quan thông tin thư viện nói chung. Sản phẩm thông tin - thư viện là kết quả của quá trình xử lý thông tin, do một cá nhân/tập thể nào đó thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu người dùng tin.
2.2. Các loại hình dịch vụ thông tin thư viện
Các dịch vụ thông tin tại các cơ quan thông tin thư viện thông thường sẽ chia thành 3 nhóm :
- Nhóm dịch vụ cung cấp thông tin
- Nhóm dịch vụ hỗ trợ trao đổi thông tin
- Nhóm dịch vụ tư vấn
Nhóm dịch vụ cung cấp thông tin bao gồm các dịch vụ như: dịch vụ cung cấp tài liệu; dịch vụ tra cứu tin theo yêu cầu; dịch vụ phổ biến thông tin có chọn lọc…vv
Nhóm dịch vụ hỗ trợ trao đổi thông tin với mục tiêu tạo ra môi trường, phương tiện để người dùng tin trao đổi thông tin lẫn nhau. Các dịch này bao gồm các dịch vụ như: Hội thảo, hội nghị; diễn đàn, triển lãm, hội chợ; Thư điện tử, website…vv
Nhóm dịch vụ tư vấn bao gồm: Hướng dẫn sử dụng sản phẩm; huấn luyện đào tạo người dùng tin;
2.3. Vai trò của dịch vụ thông tin thư viện
          - Là cầu nối giữa thư viện và bạn đọc, giúp bạn đọc tiếp cận với nguồn tin nhanh chóng và đầy đủ, đồng thời nâng cao năng lực khai thác thông tin và thỏa mãn nhu cầu dùng tin.
          - Giúp cho việc trao đổi, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện với các cơ quan thôn tin khác nhằm xây dựng nguồn tin phong phú, đa dạng.
3. Thực trạng các dịch vụ thông tin thư viện tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
          Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hiện gồm có 254 chỗ ngồi, bao gồm 32.791 đầu sách, 4 phòng đọc và 111 máy tính có dịch vụ kết nối mạng Internet. Hiện thư viện đang tổ chức thực hiện các loại hình dịch vụ sau:
          - Dịch vụ mượn trả tài liệu
          - Dịch vụ hỗ trợ giảng dạy
          - Dịch vụ tra cứu thông tin
          - Dịch vụ đào tạo người dùng tin
          - Dịch vụ đăng kí mượn trực tuyến và giải đáp trực tuyến
Để đánh giá thực trạng các dịch vụ thông tin thư viện, trong những năm vừa qua nhà trường đã liên tục tổ chức lấy ý kiến cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, đồng thời hằng năm khoa Tin học - Ngoại Ngữ thường xuyên đánh giá chất lượng các dịch vụ thư viện, kết quả như sau
3.1. Thực trạng sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại thư viện

Hình 1- Biểu đồ tình hình sinh viên đến thư viện học tập và nghiên cứu các năm 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022
Từ biểu đồ trên cho thấy, dịch vụ thư viện điện tử và thư viện số có tỉ lệ sinh viên sử dụng nhiều hơn so với dịch vụ phòng đọc mở và mượn trả. Tuy nhiên tỉ lệ sử dụng các dịch vụ này đều giảm so với năm 2019-2020, nguyên nhân do tình covid nên sinh viên không đến học tập và nghiên cứu trực tiếp tại thư viện.

Bảng 1. Kết quả khảo sát sinh viên về các dịch vụ thư viện năm học 2019-2020 và 2020-2021
 Bên cạnh đó, kết quả khảo sát sinh viên năm học 2019-2020 và 2020-2021 cho thấy, sinh viên đánh giá cao về việc bố trí không gian thư viện; bố trí sách thuận tiện trong việc tìm kiếm; quản lý mượn trả hợp lý; hướng dẫn tra cứu, tìm kiếm khoa học, với điểm trung bình trên 4/5 (theo thang đo likert)

3.2. Thực trạng dịch vụ hỗ trợ giảng dạy
          Hiện nhà trường đang triển khai đào tạo cho 8 ngành đại học. Căn cứ chương trình đào tạo các ngành, Thư viện chuẩn bị giáo trình và tài liệu tham khảo để sãn sàng đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Hiện tại, thư viện có tổng 32.791 đầu sách (bao gồm cả sách in, tạp chí và sách điện tử) thì số đầu sách phục vụ 8 ngành đào tạo như sau
TT Ngành đào tạo Giáo trình chính Tỷ lệ % Tài liệu tham khảo Tỷ lệ %
  Tổng số yêu cầu trong đề cương HP Tổng số có thực tế   Tổng số yêu cầu trong đề cương HP Tổng số có thực tế    
1 ĐH Công nghệ May 115 113 98,3% 21 20 95,3%  
2 ĐH Công nghệ Sợi Dệt 60 60 100% 56 54 96,5%  
3 ĐH TK Thời trang 62 62 100% 16 16 100%  
4 ĐH CN KT cơ khí 108 108 100% 13 13 100%  
5 ĐH CNKT Điện, điện tử 123 123 100% 7 7 100%  
6 ĐH Quản lý công nghiệp 79 79 100% 113 113 100%  
7 ĐH Marketing Thời trang 64 63 98,5% 71 67 94,4%  
8 Đại học Kế toán 66 65 98,5% 58 52 90%  
Tổng cộng 677 673 99,3% 355 342 97%  
                       
Bảng 2. Thống kê đầu sách phục vụ 8 chương trình đào tại đại học
 
   

Kết quả bảng trên cho thấy, Thư viện nhà trường đáp ứng đủ 99,3% đầu giáo trình và 97% đầu sách tham khảo phục vụ 8 chương trình đại học. Trong đó có 5 ngành đáp ứng đủ 100% về giáo trình và 4 ngành đáp ứng đủ 100% về sách tham khảo. Tuy nhiên số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ sinh viên còn hạn chế; nhân viên thư viện còn thụ động, chưa phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các khoa/TT và giảng viên giảng dạy để giới thiệu những tài liệu tham khảo, tài liệu chuyên ngành giúp giảng viên xây dựng đề cương chi tiết học phần, mà chủ yếu do giảng viên tự tìm hiểu và đề xuất.
Bảng 3. Kết quả khảo sát sinh viên về giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ chuyên ngành đào tạo
Như vậy, qua kết quả khảo sát ở trên cho thấy, sinh viên hài lòng về dịch vụ hỗ trợ giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho học tập và nghiên cứu các chuyên ngành đào tạo.
3.3. Thực trạng một số dịch vụ khác
          Bên cạnh dịch vụ thư viện điện tử, thư viện số, mượn trả sách ở trên, thư viện còn triển khai dịch vụ đăng kí mượn trực tuyến thông qua ứng dụng Google Form, tuy nhiên số lượng sinh viên biết và sử dụng dịch này còn hạn chế và chưa nhiều.
Vào đầu mỗi năm học, trong tuần sinh hoạt đầu khóa, nhà trường bố trí 2 tiết để Thư viện giới thiệu về các dịch vụ, hướng dẫn giới thiệu cho sinhviên biết cách sử dụng thư viện. Đồng thời tại thư viện bố trí hệ thống máy tính để sinh viên tra cứu tài liệu, tại các vị trí sử dụng đều dán các thông báo, hỗ trợ sinh viên thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên sinh viên phải đến trực tiếp thư viện mới tiến hành tra cứu và tìm kiếm tài liệu, chưa thực hiện được tìm kiếm online thông qua phần mềm thư viện.
3.4. Đánh giá chung
Qua đánh giá thực trạng về các loại hình dịch vụ thư viện ở trên cho thấy, nhà trường rất chú trọng tới các dịch vụ thông tin thư viện phục vụ tốt nhất cho sinh viên nhà trường như: dịch vụ mượn trả tài liệu; địch vụ đọc tại chỗ; dịch vụ thư viện số; dịch vụ máy tính kết nối Internet miễn phí; dịch vụ hỗ trợ về giáo trình, tài liệu tham khảo để phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên nghiên cứu và học tập. Tuy nhiên có một số hạn chế như sau:
 
Thứ nhất, Nguồn tài nguyên thông tin (sách, giáo trình, tài liệu tham khảo…) còn hạn chế


Thứ hai, nhân viên thư viện còn thụ động, chưa phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các khoa/TT và giảng viên giảng dạy để giới thiệu những tài liệu tham khảo, tài liệu chuyên ngành giúp giảng viên xây dựng đề cương chi tiết học phần, mà chủ yếu do giảng viên tự tìm hiểu và đề xuất

Thứ ba, nhà trường chưa có hệ thống phần mềm ứng dụng trực tuyến để quản lý sách giấy nên trong giai đoạn phải học online sinh viên không tra cứu và sử dụng các loại sách này được. Dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến, dịch vụ hỏi đáp trực tuyến chưa hiệu quả, sinh viên muốn tìm hiểu về sách phải đến trực tiếp thư viện để thực hiện tra cứu.

Thứ tư, Phần mềm thư viện số của trường không phải là phần mềm mã nguồn mở nên không thể kết nối đến thư viện số dùng chung của một số trường đại học, cao đẳng do Hiệp hội các trường đại học, Cao đẳng Việt Nam đứng ra tổ chức

Thứ năm, thư viện nhà trường mới chỉ dừng lại ở loại hình dịch vụ như: Dịch vụ mượn trả tài liệu; Dịch vụ hỗ trợ giảng dạy; Dịch vụ tra cứu thông tin; Dịch vụ đào tạo người dùng tin; Dịch vụ đăng kí mượn trực tuyến và giải đáp trực tuyến mà chưa triển khai một số loại dịch vụ như: Dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu; Dịch vụ tìm tin theo yêu cầu của người dùng tin…vv

4. Một số biện pháp xây dựng và phát triển dịch vụ thông tin thư viện tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
4.1. Phát triển tài nguyên thông tin
- Khảo sát đối tượng, nhu cầu của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường  làm căn cứ để lựa chọn, bổ sung các loại hình tài nguyên thông tin bảo đảm phù hợp với trình độ, nhu cầu của người sử dụng.
- Tổng hợp kết quả khảo sát, lập danh mục lựa chọn tài nguyên thông tin và đưa vào Kế hoạch hoạt động thư viện hằng năm của thư viện; việc lựa chọn tài nguyên thông tin phải bảo đảm yêu cầu:
+ Tài nguyên thông tin là tài liệu in có ít nhất 03 bản trở lên đối với 01 tên sách trong kho sách của thư viện và không thuộc đối tượng là tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định;
+ Tài nguyên thông tin có tính cập nhật, không bị lỗi thời, phù hợp với nhu cầu của từng điểm phục vụ hoặc luân chuyển;
+ Đối với tài nguyên thông tin là tài liệu số phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
- Thực hiện bổ sung tài nguyên thông tin bằng các hình thức tiếp nhận xuất bản phẩm, đẩy mạnh liên kết với các thư viện các trường cùng chuyên ngành; thu thập các tài liệu mở được chia sẻ trên Interenet; số hóa các tài liệu; duy trì và đẩy mạnh thu thập các tài liệu nội sinh của nhà trường.
4.2. Xây dựng và phát triển thêm một số loại hình dịch vụ
4.2.1.Dịch vụ đọc tại chỗ
Tổ chức lại không gian phòng đọc, mang đặc thù của nhà trường, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. nhằm tạo sự hấp dẫn đối với sinh viên. Thiết kế đảm bảo 4 yếu tố: tương tác; sản xuất và sáng tạo tri thức; hoạt động tự học; thiết kế bạn đọc là trung tâm của hoạt động; linh hoạt; sáng tạo
4.2.2. Dịch vụ hỗ trợ giảng dạy
Cán bộ thư viện phối hợp chặt chẽ với giảng viên giới thiệu những tài liệu tham khảo, tài liệu chuyên ngành giúp giảng viên xây dựng đề cương chi tiết học phần với nguồn tham khảo tài liệu đầy đủ hơn. Song song đó, thường xuyên kết hợp với giảng viên tổ chức nhiều hoạt động trong và ngoài lớp học, bao gồm các hoạt động: trưng bày, triển lãm, nói chuyện, tổ chức các sự kiện…
4.2.3. Dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến
Ứng dụng phần mềm quản lý thư viện sách chạy trên nền tảng web trong quản lý và sử dụng thư viện sách bao gồm các dịch vụ
          + Tra cứu, tìm kiếm thông tin tài liệu trực tuyến:Các tài liệu được cập nhật và tra cứu bằng CSDL trực tuyến (OPAC), dữ liệu sẽ được cập nhật hàng ngày, bạn đọc tra cứu qua OPAC tại phòng đọc, phòng mượn hoặc trực tuyến.
          + Tra cứu thông tin về tài khoản: Tài liệu mượn thư viện, tài liệu quá hạn, tiền phạt nợ thư viện...
          + Đặt mượn tài liệu trực tuyến, gửi đề xuất mua tới thư viện, gia hạn tài liệu trực tuyến…
4.2.4. Dịch vụ cung cấp các sản phẩm thư mục
Thư viện tiến hành biên soạn và cung cấp miễn phí các bản thư mục dưới định dạng Word (hoặc PDF) thông qua website của thư viện và gửi qua mail cho bạn đọc.
- Giới thiệu sách mới: Được cập nhật liên tục trên website, facebook của Thư viện.
- Thư mục chuyên đề:  Được thực hiện theo yêu cầu hoặc các sự kiện của trường của ngành.
 4.2.5. Dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu
- Số hóa: dạng văn bản (text), dạng ảnh [jpg, tiff, png, raw..]...
- Chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể bạn đọc tiếp cận mọi nguồn tin trong và ngoài thư viện, cũng như sử dụng mọi sản phẩm và dịch vụ thông tin của Thư viện.
- Dịch vụ tìm tin theo yêu cầu của người dùng tin (gói nâng cao): Có thể tìm tin từ nhiều nguồn khác nhau: từ các website uy tín, các
cơ sở dữ liệu do thư viện xây dựng hoặc các cơ sở dữ liệu truy cập mở, cơ sở dữ liệu toàn văn, các cơ sở dữ liệu trực tuyến,…Do đó, để dịch vụ thực sự có chất lượng cao, thư viện cần phải được đầu tư về nhân lực thực hiện, quy trình cách thức thực hiện,…nhằm thỏa mãn tốt nhất về nhu cầu của người dùng tin.

4.2.6. Dịch vụ kết nối, chia sẻ thư viện số dùng chung
          Nghiên cứu, ứng dụng phần mềm phần mềm mã nguồn mở Dspace quản lý tài nguyên số nội sinh tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội để có thể kết nối đến thư viện các trường đại học, viện nghiên thuộc Liên chi hội thư viện miền Bắc. Tham gia kết nối, chia sẻ với thư viện các trường, cán bộ, giảng viên nhà trường được cấp quyền tìm kiếm, khai thác thông tin trong mạng lưới thư viện số đại học dùng chung để phục vụ học tập, giảng dạy, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi.
4.3. Đẩy mạnh Marketing sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện
            Để triển khai Marketing sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện, cần phải làm những công việc sau.
            - Tìm hiểu nhu cầu của người dùng tin
            - Phân loại, xác định đối tượng người dung
            - Nhận biết tiềm lực của thư viện
            - Xác định các sản phẩm dịch vụ thông tin thư viện mà người dùng sử dụng
            - Phát triển các phương thức hoạt động giúp người dùng tin thuận tiên trong tìm kiếm thông tin
            - Quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện qua các hình thức sau
            + Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về thư viện
            + Ứng dụng CNTT và truyền thông để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thư viện trên website; mạng xã hội.
            + Kỹ năng giao tiếp của cán bộ thư viện, là một kênh marketing rất hiệu quả để quản bá hình ảnh thư viện đến người dùng tin.
5. Kết luận
            Các dịch vụ thông tin thư viện có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới sự phát triển của thư viện. Bên cạnh đó thói quen sử dụng thư viện truyền thống, cách thức tiếp cận thông tin của người dùng cũng thay đổi, người dùng có xu hướng đòi hỏi cao hơn, hướng tới các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Vì vậy việc nâng cao chất lượng các dịch vụ thông tin thư viện cũng như nghiên cứu để tạo lập ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần phải được tiến hành thường xuyên và liên tục.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Thị Bích Ngọc (2020), ‘Xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện nâng cao chất lượng phục vụ tại thư viện các trường đại học’, Tạp chí Thông tin và tư liệu, Số 2,Tr 36.
[2] Bùi Loan Thùy; Nguyễn Thị Trúc Hà (2017), ‘Phát triển dịch vụ thông tin - thư viện tại một số trường đại học trên thế giới: bài học với thư viện đại học Việt Nam’, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, Số 2, tr.7.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại Học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Online: 245 Tổng truy cập: 30.262.685