Hiện nay, các doanh nghiệp may Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức CMT; theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành dệt may, ngoài các nguyên nhân về thị trường, nguồn vốn kinh doanh thì một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp chưa thể chuyển sang sản xuất theo phương thức ODM là thiếu nguồn nhân lực quản lý đơn hàng.
Nhận thức được vai trò của công tác đào tạo nhân lực quản lý đơn hàng, TS. Hoàng Xuân Hiệp và đội ngũ giảng viên trong bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã biên soạn Giáo trình Quản lý đơn hàng trong doanh nghiệp may công nghiệp.
Cuốn sách do nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam ấn hành năm 2021, có khổ 19x27cm, dày 432 trang, gồm các nội dung sau:
Chương 1: Tổng quan về quản lý đơn hàng trong doanh nghiệp may công nghiệp.
Giới thiệu các kiến thức về thị trường dệt may cũng như quy trình quản lý đơn hàng và các yếu tố tác động đến quá trình quản lý đơn hàng.
Chương 2: Định giá sản phẩm may công nghiệp.
Trình bày đặc điểm và yếu tố cấu thành sản phẩm may công nghiệp; giá thành và phân loại giá thành; các phương pháp tính giá sản phẩm may; các yếu tố cấu tạo nên giá thành và giá bán sản phẩm may; các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm may.
Chương 3: Tìm kiếm đơn hàng và quản trị nhà cung cấp nguyên phụ liệu.
Khái quát phương pháp thu thập các thông tin chủ yếu về đơn hàng và yêu cầu của khách hàng đối với doanh nghiệp; quy trình lựa chọn nhà cung cấp nguyên phụ liệu và quản lý chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện một đơn hàng theo chuẩn quốc tế.
Chương 4: Quản lý mẫu trong sản xuất may công nghiệp.
Cung cấp kiến thức về lập kế hoạch, chuẩn bị điều kiện may mẫu, triển khai may mẫu, theo dõi kiểm soát và xử lý phát sinh trong quá trình quản lý mẫu.
Chương 5: Cân đối, cấp phát nguyên phụ liệu.
Trình bày các nguyên tắc, quy trình lập bảng cân đối nguyên phụ liệu; nguyên tắc, các hình thức cấp phát nguyên phụ liệu trong doanh nghiệp may.
Chương 6: Triển khai thực hiện đơn hàng tại nhà máy.
Trong chương này, tác giả cung cấp các phương pháp triển khai tổng thể đơn hàng trong doanh nghiệp may công nghiệp bao gồm quy trình lập kế hoạch triển khai thực hiện đơn hàng; lập kế hoạch in, thêu, giặt; kiểm soát việc cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất; kiểm soát tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Chương 7: Quản lý đóng gói và xuất hàng.
Đề cập đến yêu cầu và quy trình đặt phụ liệu đóng gói; nguyên tắc và tiêu chí lập bảng kê đóng thùng; chuẩn bị hồ sơ để xuất hàng.
Chương 8: Quyết toán đơn hàng.
Cung cấp các thông tin cần thiết để quyết toán các đối tượng của đơn hàng như sản phẩm, vật tư và kinh phí thực hiện; phân tích các vấn đề thường gặp liên quan đến khách hàng sau khi thực hiện đơn hàng; nguyên tắc khi xử lý phát sinh với khách hàng sau khi thực hiện đơn hàng.
Cuốn sách là tài liệu phục vụ học tập của sinh viên và là tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý đơn hàng, tuyển dụng nhân viên quản lý đơn hàng.
Cuốn sách hiện có tại Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!