Trong mỹ thuật không có màu này đẹp, màu kia xấu mà chỉ có hòa sắc đẹp hay xấu mà thôi. Tìm ra một hòa sắc đẹp mà ít màu thì khó hơn một hòa sắc đẹp mà nhiều màu. Muốn có hòa sắc đẹp, trước hết chủ thể sáng tạo phải có thị hiếu, sự cảm thụ tốt về màu. Vậy làm cách nào để nhìn và phát hiện nghệ thuật phối hợp màu sắc, để từ đó làm nền tảng lý luận cho phối hợp màu sắc?
Chúng ta nên biết rằng: cho dù bên trong một tác phẩm mỹ thuật hai chiều, ba chiều hay môi trường có đến vài ngàn hoặc một triệu màu đi nữa thì tựu trung chúng chỉ có ba loại màu mà thôi. Đó là: màu nền (màu chủ đạo), màu nhấn và các màu giữ vai trò tạo sự liên kết giữa màu nền và các màu nhấn.
Ngoài việc chọn gam màu hợp với ý tưởng, đề tài, chủ đề, mục đích gây ấn tượng… thì nghệ thuật phối hợp màu sắc tốt chính là nghệ thuật xử lý tốt mối quan hệ hình thức, sự tương tác tốt giữa ba loại màu này; tinh tế hơn nữa là còn dựa vào thủ pháp, kỹ thuật diễn tả…
Tất cả những kiến thức đó được đề cập chi tiết trong cuốn sách “Màu sắc và phương pháp sử dụng” do Họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) - Nhà giáo ưu tú, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM - biên soạn. Trong lần tái bản này, tác giả có hiệu đính, bổ sung thêm một số thông tin: sắc bị vỡ, sắc bị chùn, màu sắc trong trang phục, màu sắc trong đồ họa quảng cáo, màu sắc trong thiết kế nội thất và màu sắc trong nghệ thuật nhiếp ảnh, nghệ thuật sân khấu. Đặc biệt có bổ sung về lịch sử nghiên cứu màu sắc mà ở đó có đề cập đến công của nhà khoa học người Pháp là ông Michel Eugene Chevreul…
Nội dung quyển sách cung cấp cho người đọc những khái niệm, những kiến thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp về màu sắc cũng như những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng màu sắc để sáng tác nghệ thuật hay việc ứng dụng chúng trong một số lĩnh vực khác của đời sống…
Cuốn sách sẽ là một tư liệu tham khảo dành cho giảng viên, sinh viên các trường mỹ thuật. Nhưng thực tế, có thể xem đây là tác phẩm luôn song hành với họa sĩ hay các nhà thiết kế trẻ ngày nay, vì nó cung cấp nhiều thông tin bổ ích về mặt kiến thức, lịch sử của màu sắc và những ứng dụng cụ thể làm nền tảng cho hoạt động nghề nghiệp sau này.
Mời bạn đọc theo dõi nội dung chi tiết của cuốn sách tại Phòng đọc Tự chọn C2-201, Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Huyền Liên – Khoa THNN