Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Sự hoạt động của hơn 500.000 nhà máy và hơn 1.000 bãi rác thải đô thị của Việt Nam, hàng ngày thải ra môi trường một lượng nước thải rất lớn. Vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước liên quan mật thiết với các biện pháp tổng hợp về chống ô nhiễm nguồn nước tự nhiên do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp gây ra. Một trong những biện pháp đó là phải xử lý nước thải trước khi chúng được hòa vào nguồn nước mặt tự nhiên.
Tùy thuộc vào từng loại nước thải và dựa trên những yêu cầu nhất định mà người ta lựa chọn sử dụng một phương pháp xử lý nào đó hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Mỗi phương pháp xử lý nước thải đều có những ưu việt và những hạn chế. Không thể nào có một phương pháp duy nhất cho tất cả các loại nước thải, nhưng phương pháp nào cũng phải tính đến khả năng ngăn ngừa các ô nhiễm thứ cấp, nghĩa là không để tạo ra sự ô nhiễm mới vì các quá trình phụ cũng như các sản phẩm phụ mà nó sẽ sản sinh trong và sau quá trình xử lý.
Cuốn sách “Kỹ thuật xử lý nước thải” của tác giả Trịnh Lê Hùng, gồm 175 trang trình bày những kiến thức cơ sở tối thiếu nhằm giúp cho bạn đọc muốn quan tâm hoặc đang tham gia vào vấn đề xử lý và quản lý nước thải hiện nay. Tác giả không đi sâu vào tất cả các phương pháp mà chỉ tập trung giới thiệu về phương pháp sinh học.
Nội dung sách gồm 3 phần:
Phần 1: Giới thiệu chung
Phần 2: Kỹ thuật xử lý nước thải
Phần 3: Một số công trình xử lý nước thải
“Kỹ thuật xử lý nước thải” là tài liệu học tập, tham khảo cho sinh viên ngành Công nghệ may, Dệt sợi và bạn đọc quan tâm đến vấn đề xử lý và quản lý nước thải.
Mời bạn đọc theo dõi nội dung chi tiết của cuốn sách tại Phòng đọc tự chọn C2- 201 Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Huyền Liên – Khoa THNN