Với tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu có sự sắp xếp lại một cách căn bản. Trong đó, thay đổi lớn nhất chính là phương thức giao tiếp giữa các thành viên trong chuỗi, giữa chuỗi với khách hàng và thị trường. Chu kỳ sản phẩm, chu kỳ kinh doanh cũng rút ngắn đáng kể, tốc độ cung ứng sản phẩm dệt may ra thị trường và khả năng điều chỉnh sau phản hồi từ thị trường trở thành chìa khóa trọng yếu của cạnh tranh.
Vai trò của việc triển khai các mục tiêu chiến lược, đo lường giám sát việc thực hiện định kỳ trở thành công việc thường xuyên, liên tục của nhà quản lý. Chính vì vậy, việc cần có một hệ thống đo lường đảm bảo phản ánh chân thực hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin cho các quyết định của nhà quản lý là điều kiện cần của các hệ thống quản trị trong doanh nghiệp hiện nay. Với quá trình nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về hệ thống Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard), nhóm tác giả gồm các cán bộ quản lý của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Dệt May và cán bộ giảng dạy của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã biên soạn cuốn sách “Hệ thống thẻ điểm cân bằng (BSC) và các chỉ số quản lý chủ chốt cho các doanh nghiệp May Việt Nam”.
Nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan về Thẻ điểm cân bằng và công tác quản trị doanh nghiệp may.
Chương 2: Quy trình các bước triển khai Thẻ điểm cân bằng.
Chương 3: Thực trạng quản trị và đo lường hiệu quả trong doanh nghiệp may Việt Nam.
Chương 4: Hướng dẫn triển khai xây dựng hệ thống BSC tại doanh nghiệp may.
Cuốn sách ra đời trong thời điểm cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nên các tác giả đã sử dụng nhiều tư liệu của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành dệt may Việt Nam, ngoài ra còn kết hợp các cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhà quản lý doanh nghiệp may trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nghiên cứu thực tế hệ thống quản lý tại các Tổng Công ty lớn như: May 10, Hoà Thọ, Việt Tiến, Phong Phú, Huế và nhiều DN FDI, DN tư nhân khác.
Cùng với đó, phần mềm BSC-KPIs phiên bản 1.0 đã được phát triển nhằm cung cấp cho người đọc công cụ, biểu mẫu hỗ trợ trong việc triển khai BSC, xây dựng KPIs tại cơ sở. Phần mềm cung cấp báo cáo dạng dashboard, qua đó các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ biết được mức độ đạt được mục tiêu của từng trụ cột qua đồng hồ công suất, từng KPIs dưới dạng điểm phần trăm (%) và cảnh báo bằng màu sắc nhận diện theo quy chuẩn quốc tế. Mặt khác, phần mềm còn hỗ trợ nhiều tính năng phân tích chi tiết khác theo nhu cầu của người dùng.
Với việc cung cấp chủ yếu các nội dung gợi ý để áp dụng, không đặt nặng vấn đề lý thuyết của BSC, cuốn sách được trình bày với mục tiêu giúp các nhà quản trị doanh nghiệp may một khung triển khai tại cơ sở; đồng thời, trang bị tư duy liên tục đổi mới, cập nhật hệ thống chỉ tiêu trong BSC.
Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành về lĩnh vực quản lý trong doanh nghiệp dệt may.
Mời các bạn theo dõi nội dung chi tiết của cuốn sách tại Phòng đọc tự chọn C2- 201 Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Lê Thị Huyền Liên