Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

Giới thiệu sách “Lược sử mỹ thuật Việt Nam”

Ngày đăng: 02:26 - 19/05/2023 Lượt xem: 587
Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, mỗi một thời kì lịch sử đều để lại những mốc son ghi nhận những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa của mình. Trong những thành tựu văn hóa còn lại đến nay, chúng ta phải kể đến mỹ thuật. Bởi những giá trị mỹ thuật đã in đậm dấu ấn trong hầu hết những sản phẩm văn hóa vật thể mà đời nọ tiếp nối đời kia bằng sự sáng tạo của mình đã tạo ra để phục vụ cho chính những nhu cầu của cuộc sống và cho đến nay những giá trị ấy lại đánh giá như những “di sản văn hóa truyền thống” có giá trị đặc biệt.
Cuốn sách “Lược sử mỹ thuật Việt Nam” của tác giả Trịnh Quang Vũ gồm 219 trang,  giới thiệu với bạn đọc những loại hình được coi là tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam như: nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật hội họa, trang trí… qua các thời kì lịch sử của dân tộc.
Nội dung sách gồm 2 phần:

Phần I: Mỹ thuật Việt Nam qua các thời kì lịch sử
Phần II: Khảo cứu chuyên biệt

Từ khởi thủy của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc cho tới các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê sơ, Lê – Trịnh, Nguyễn,… với những di vật khảo cổ đã được khai quật hay những hiện vật còn tồn tại (tuy có hiện vật không còn nguyên vẹn), song tất cả đã cho thấy nét đặc trưng và sự sáng tạo trong mỹ thuật quốc gia Đại Việt. Trải qua bao năm tháng, bao thế kỉ, đứng trước sự tàn phá của thiên nhiên, của con người nhưng nhiều sản phẩm mỹ thuật có giá trị vẫn không hề mất đi, đã như một minh chứng để khẳng định thêm sức sống của bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là những lâu đài, cung điện được xây bằng đá, là những ngôi đình, ngôi chùa có kiến trúc mang nét chung và riêng rất độc đáo. Đó là những bức chạm khắc phù điêu được thể hiện rất tinh tế. Đó còn là sự khéo léo đầy sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, nghệ thuật hội họa phục vụ cung đình và phục vụ tôn giáo…

“Lược sử mỹ thuật Việt Nam” là một trong những cuốn sách nghiên cứu về  cội nguồn dân tộc vô cùng cần thiết không chỉ cho bạn đọc yêu thích mỹ thuật, mà còn giúp các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, các họa sĩ và nhà điêu khắc, sinh viên các trường khoa học nhân văn tìm hiểu bản sắc dân tộc và vận dụng hữu hiệu trong lĩnh vực của mình.

Mời bạn đọc theo dõi nội dung chi tiết của cuốn sách tại Phòng đọc tự chọn C2- 201 Thư viện trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Lê Thị Huyền Liên
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 222 Tổng truy cập: 30.183.505