Trang chủ

ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU THIẾT KẾ CỮ GÁ NGÀNH MAY

Ngày đăng: 01:44 - 26/11/2019 Lượt xem: 13.518
  Tên tác giả: ThS. Nguyễn Thành Nhân
  Đơn vị: Giảng viên, Bộ môn Cơ khí, Khoa Cơ điện./.
Ngành công nghiệp may đang có những bước tiến vượt bậc về công nghệ, thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm may mặc, trong điều kiện đòi hỏi nâng cao về năng suất, chất lượng và giảm giá thành. Mặc dù không như ngành chế tạo cơ khí, điện tử và một số ngành công nghiệp khác, trong dây chuyền sản xuất có thể tự động hóa hoàn toàn từ khâu đầu vào đến khâu hoàn thiện sản phẩm dưới sự hỗ trợ của máy tính, robot, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp may hiện mới chỉ tự động hoá sản xuất cho một số công đoạn, bộ phận của sản phẩm. Phần lớn các công đoạn trong quá trình may sản phẩm vẫn cần nhiều kỹ năng của người lao động trực tiếp thực hiện. Trong công đoạn may lắp ráp các chi tiết của sản phẩm thì việc sử dụng các trang bị công nghệ phụ trợ, cữ gá vẫn chiếm số lượng nhất định bởi tính hiệu quả cao mà chúng mang lại.
 
Hình 1. Một số loại cữ gá sử dụng trong quá trình may
Do vậy việc đánh giá đúng hiệu quả về năng suất, chất lượng của việc sử dụng cữ gá trong quá trình may sẽ ảnh hưởng và tác động tới quá trình thiết kế cữ gá sao cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất.
1. Hiệu quả khi sử dụng cữ gá trong quá trình may

Hình 2. Sử dụng cữ gá khi may


Sử dụng cữ gá trong quá trình may công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả:
- Giảm chi phí sản xuất: Đối với các công đoạn lắp ráp các cụm chi tiết phức tạp, có thể phải cần đến các thiết bị chuyên dùng. Ứng dụng tốt cữ gá sẽ giảm thiểu phế phẩm trong quá trình may và có thể không phải sử dụng đến nhiều thiết bị chuyên dùng.
- Tăng năng suất: So với gia công bằng tay và có sử dụng cữ gá (hình 3), thì khi sử dụng cữ gá chỉ mất thời gian t1 để đạt được năng suất định mức Nmax. Gia công không sử dụng cữ gá sẽ mất thời gian t2 để đạt được năng suất định mức Nmax do phải làm quen với sản phẩm khi mới bắt đầu loạt sản xuất hoặc ở đầu ca. Nếu sử dụng cữ gá thì thời gian làm quen với sản phẩm gần như không có, thời gian đó chỉ là thời gian để công nhân làm quen cho việc cấp nguyên liệu cho cữ gá.

Hình 3. Biểu đồ năng suất
- Nâng cao chất lượng sản phẩm: Sản phẩm không đạt chất lượng trong gia công không dùng cữ gá cao hơn khi có dùng cữ gá. Trong trường hợp gia công không dùng cữ gá thì sai hỏng là do sự không ổn định của sản phẩm khi gia công bằng tay. Trong trường hợp gia công có dùng cữ gá thì sai hỏng là do chọn chuẩn sai, các chi tiết thành phần sai hoặc do sai số của các bước gia công trước đó không dùng cữ gá gây ra (hình 4).

Hình 4. Biểu đồ chất lượng
- Tạo ra khả năng linh hoạt hoá sản xuất ở các đơn hàng nhỏ. Khuynh hướng hiện nay là chu kỳ thời trang rất ngắn, nên các đơn hàng nhỏ trước đây rất nhiều, do đó kéo theo thời gian thực hiện đơn hàng cũng rút ngắn. Nếu theo phương pháp gia công không dùng cữ gá thì sẽ không đạt được kế hoạch sản xuất. Ngược lại nếu ứng dụng cữ gá vào quá trình sản xuất thì sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất do không mất thời gian làm quen sản phẩm và không mất thời gian tái chế các sản phẩm kém chất lượng (tỷ lệ phế phẩm nhỏ).
- Bố trí, sử dụng được nguồn nhân lực hợp lý trong quá trình may. Các công đoạn có sử dụng cữ gá để may, chỉ cần bố trí công nhân có tay nghề thấp, qua thời gian ngắn được hướng dẫn sử dụng cữ gá thì quá trình may sẽ đạt được chất lượng và có năng suất bằng nhiều công nhân có tay nghề cao hơn không sử dụng cữ gá. Với các mã hàng có số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế may bằng cữ gá sẽ cao hơn.
Tuy nhiên muốn có cữ gá sử dụng tốt và hiệu quả thì người chế tạo cần phải được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm thực tế. Phải có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư… phục vụ quá trình chế tạo cữ gá.
Như vậy biết được tính hiệu quả khi may bằng cữ gá sẽ quyết định nên sử dụng cữ gá tại những công đoạn may đó hay không, từ đó việc đầu tư vào thiết kế, chế tạo hoặc mua sắm cữ gá mới mang lại hiệu quả.
2. Yêu cầu thiết kế cữ gá ngành may
Đánh giá đúng hiệu quả của việc sử dụng cữ gá sẽ ảnh hưởng đến việc thiết kế cữ gá phù hợp với công đoạn may sản phẩm. Quá trình thiết kế cữ gá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, xác định được đúng và đầy đủ các yếu tố đó thì việc đưa một loại cữ gá vào sử dụng may mới mang lại hiệu quả cao. Việc thiết kế loại cữ gá phù hợp rất quan trọng, nó liên quan đến quá trình gia công, gá lắp và hiệu chỉnh cữ gá trên máy, quá trình thao tác thuận tiện và dễ dàng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Hình 5. Cữ cuốn nẹp rời áo sơ mi
Để thiết kế được cữ gá đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cần phải nắm được các căn cứ cơ bản sau:
+ Yêu cầu kỹ thuật chung về loại đường may cuốn trên các loại sản phẩm may cần thực hiện, từ đó mới xác định được hình dáng, kích thước đầu vào và đầu ra của cữ gá

+ Dựa vào độ dày của loại vật liệu cần may. Thông thường khi may áo sơ mi độ dày vải từ (0,7÷1,0)mm, may áo comple từ (1,0÷2,0)mm, may các loại áo lót dưới 1,0mm. Vải dệt kim loại mỏng may áo lót thường (0,7÷1,0)mm. Áo khoác từ (2,0÷4,0)mm. Vải không dệt để lót dùng vải có độ dày (0,5÷1,5)mm. May mặt ngoài áo khoác từ (1,5÷4,0)mm.
+ Dựa vào loại vật liệu sử dụng để chế tạo cữ gá. Độ dày, tính chất của vật liệu làm cữ sẽ quyết định đến việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ và quy trình gia công cữ cho phù hợp. Thân cữ thường sử dụng inox 304 dày  (0,25÷0,3) mm, đế cữ dùng inox hoặc thép C45 dày (1,0÷2,0)mm.
+ Dựa vào loại máy may để thiết kế kết cấu tổng thể của cữ gá phù hợp cho việc gá lắp và hiệu chỉnh cữ khi may.

Trong quá trình thiết kế cữ gá, ngoài việc cần phải nắm được các nguyên tắc cơ bản thì bên cạnh đó có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thiết kế.

- Yếu tố về con người: Người thiết kế cữ gá phải có kiến thức cơ bản và kỹ năng chuyên sâu về các loại thiết bị may, phương pháp vận hành, hiệu chỉnh các loại máy may. Phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ may, nắm được quy trình may một số dạng sản phẩm cơ bản như áo sơ mi, quần âu..., để biết được đặc điểm, tính chất của các dạng đường may, vị trí trên sản phẩm có sử dụng cữ gá. Ngoài ra, người thiết kế cữ gá phải có kiến thức và kỹ năng cơ bản của một người thợ cơ khí, biết và sử dụng thành thạo các loại thiết bị và dụng cụ trong chế tạo gia công nguội nói riêng và cơ khí nói chung. Bên cạnh đó,  người thiết  kế cữ gá còn phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác và tinh thần sáng  tạo; các yếu tố này sẽ giúp cho quá trình thiết kế cữ gá đạt được yêu cầu kỹ thuật và độ chính xác cao nhất.
- Yếu tố về điều kiện phục vụ cho quá trình thiết kế bao gồm các loại trang thiết bị, dụng cụ máy móc và cơ sở vật chất khác. Các yếu tố này giúp cho quá trình tính toán thiết kế được nhanh chóng và chính xác, việc gia công được dễ dàng, thuận lợi, chính xác và năng suất cao. Ngoài ra điều kiện phục vụ quá trình thiết kế tốt còn giúp người thực hiện có điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao lòng yêu nghề.
Tóm lại người làm công tác thiết kế cữ gá cần đảm bảo yêu cầu cữ gá phải phù hợp với đặc điểm từng loại máy may, kết cấu đường may, quá trình thao tác gá đặt, hiệu chỉnh, sử dụng chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, làm giảm thời gian phụ đến mức tối đa và an toàn khi sử dụng.
Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thành Nhân (2019), Giáo trình chế tạo cữ gá ngành may, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
2. Dương Thị Tâm (2017), Giáo trình công nghệ may áo sơ mi, Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội
3. Catalogue Ngai Shing Development Limited về các loại bàn ép, mặt nguyệt, răng cưa, cữ gá
4. Trần Thuỷ Bình (2005), Giáo trình công nghệ may, NXB Giáo dục

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 106 Tổng truy cập: 31.142.566