Trang chủ

Cần quy định quản lý thời gian và công việc sinh viên được làm thêm

Ngày đăng: 03:39 - 12/12/2019 Lượt xem: 1.031
 
(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Nhu cầu làm thêm của sinh viên hiện nay là rất lớn. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng với số lượng sinh viên khoảng hơn 2 triệu em từ bậc trung cấp đến đại học mà theo phản ánh của các trường đại học đa số sinh viên đều tham gia làm thêm thì đây là lực lượng lao động không nhỏ khi tham gia thị trường lao động.

Thế nhưng qua một số trường hợp sinh viên gặp rủi ro, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng khi đi làm thêm vừa xảy ra do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm đã cảnh báo mức độ không an toàn cho các em khi tham gia thị trường lao động.

Từ thực tế này, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng Phòng phát triển kỹ năng và công tác xã hội - Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh niên Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng, cũng như các trung tâm tư vấn việc làm cần tạo nhiều cơ hội việc làm, hỗ trợ triển khai các dự án vay vốn để sinh viên khởi nghiệp hơn nữa. Đối với những trường hợp sinh viên chưa có điều kiện đang làm việc riêng lẻ nên có những chương trình truyền thông, tư vấn kiến thức luật lao động cũng như các kỹ năng phòng chống rủi ro khi tham gia làm việc, nhất là với những công việc có thể đối mặt với những nguy cơ rủi ro cao.

“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng đề xuất thêm về phía các cơ quan chủ quản và thành đoàn có những khóa tư vấn, tập huấn thêm về kiến thức pháp luật lao động. Thứ hai là những kỹ năng, để các bạn có thể xử lý trong những tình huống nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đã xảy ra. Bởi vì, nếu như không được trang bị từ đầu, thì có thể vì một chút thu nhập thôi sẽ ảnh hưởng đến cả một tương lai, một tuổi trẻ. Các cơ quan lao động, pháp luật cũng đã quy định rõ khi mà có những giao ước để cùng hợp tác làm việc thì người ta có trách nhiệm đảm bảo trong thời gian làm việc. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội chúng ta thấy hiện nay đang có rất nhiều hình thức làm việc mà chưa được xác lập rõ thông qua mối quan hệ hay hợp đồng lao động như thế nào ví dụ như các bạn chạy xe công nghệ thì về phía đơn vị  cung cấp công nghệ chạy xe như vậy thì có phải là đơn vị sử dụng lao động hay không?”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Theo Luật sư  Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, Bộ luật Lao động hiện hành quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động. Thế nhưng những quy định này phần lớn là liên quan đến người lao động làm chính thức. Còn đối với lao động thời vụ thì chưa có quy định đầy đủ, cụ thể để đảm bảo quyền của người lao động, nhất là những lao động là sinh viên đi làm thêm. 

Vấn đề sinh viên đi làm thêm gần như chưa có quy định cụ thể, trong khi nhu cầu làm thêm của sinh viên là tự phát nên cũng đồng nghĩa với việc quản lý thời gian và công việc làm thêm của các em hiện gần như đang bỏ ngỏ. Đây là những điểm bất lợi với sinh viên khi có tranh chấp lao động.

“Vì không có quy định cụ thể về việc sinh viên đi làm thêm dẫn tới xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, bị xâm hại bị bóc lột gần như nhà trường đứng ngoài cuộc vì không quy định. Nhà trường không quản lý sinh viên đi làm thêm dẫn tới có những sinh viên mải mê làm thêm sao nhãng học hành. Tôi nghĩ trong thời gian tới, nên có những quy định riêng về việc sinh viên đi làm thêm để xác định được trường hợp nào được đi làm thêm, trường hợp nào hạn chế đi làm thêm và mối quan hệ lao động giữa sinh viên với người chủ lao động như thế nào? Trách nhiệm của nhà trường để làm sao tạo ra được môi trường lao động lành mạnh, có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, các cơ quan ban ngành đoàn thể cũng như cơ quan lập pháp phải tính đến câu chuyện lành mạnh hóa mối quan hệ, trong đó có việc sinh viên đi làm thêm.

Hiện, ở nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Anh…, Bộ luật lao động quy định sinh viên đi làm thêm rất chặt chẽ. Chẳng hạn như học sinh cấp 3 không được đi làm thêm. Sinh viên đại học năm thứ 2 mới được đi làm thêm. Thậm chí có những quốc gia quy định, sinh viên đi làm thêm phải có sự quản lý của nhà trường và phải trải qua những kỳ thi, sát hạch đạt mới được đi làm thêm.

Nhằm quản lý và giúp sinh viên tránh được những rủi ro, ông Lê Hoài Đức, Trưởng phòng phòng công tác chính trị và sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, Nhà nước nên có quy định việc làm thêm của sinh viên, trong quy định cần thể hiện các yếu tố: đối tượng đi làm thêm nên là sinh viên năm thứ hai trở đi; học lực của các em phải đảm bảo ở mức trung bình trở lên; thời gian làm thêm cũng cần phải khống chế để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho sinh viên để tham gia nhiệm vụ chính của mình học tập. “Thời gian làm thêm không trùng với thời khóa biểu học của sinh viên; Ngành nghề của việc làm thêm hạn chế những ngành có tính chất nhạy cảm đối với sinh viên như phục vụ quán karaoke, hiện nay chúng ta chưa chặt chẽ việc uống bia, uống rượi rồi việc hút thuốc…cũng phải quy định rõ đối tượng làm việc không phải là sinh viên”, ông Lê Hoài Đức cho biết.

Để quản lý, đảm bảo an toàn quyền lợi cho sinh viên khi đi làm thêm rất cần có những quy định cụ thể; song song đó các trường đại học có những hướng nghiệp định hướng, hướng dẫn, kỹ năng nhận diện những rủi ro gặp phải khi đi làm; đồng thời các tổ chức xã hội cần tạo ra nhiều loại hình tín dụng học tập cho sinh viên với lãi suất thấp nhất có thể. Khi đó, các sinh viên khó khăn có thể vay từ các quỹ tín dụng này để trang trải cho cuộc sống và việc học tập.

Theo VOV.VN


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 418 Tổng truy cập: 33.348.627