Trang chủ

TỌA ĐÀM “GIAO LƯU CHIA SẺ ĐAM MÊ VÀ SÁNG TẠO NGHỀ NGHIỆP” VỚI SINH VIÊN KHỐI NGÀNH CƠ ĐIỆN

Ngày đăng: 10:07 - 30/06/2020 Lượt xem: 454
 
Sáng ngày 23/06/2020, khoa Cơ điện, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Giao lưu chia sẻ đam mê và sáng tạo nghề nghiệp” cho sinh viên khối ngành Cơ điện. Mục tiêu nhằm giúp sinh viên tìm hiểu sâu hơn về việc phát triển của ngành nghề đang học trong lĩnh vực Dệt may, cũng như được chia sẻ  thông tin cần thiết và bổ ích về cơ hội nghề nghiệp từ cựu sinh viên của trường.

Cán bộ giảng viên và sinh viên khối ngành Cơ Điện tham gia buổi tọa đàm “Giao lưu chia sẻ đam mê và sáng tạo nghề nghiệp” (Nguồn: Ngọc Anh)
Buổi tọa đàm có sự tham gia của chuyên gia Bùi Thế Sáu - Trưởng bộ phận Cơ điện, Công ty TNHH May và Thương Mại Việt Thànhngười đạt giải nhất cuộc thi Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngành Dệt May năm 2019, phía Khoa có thầy Phan Đức Khánh- Trưởng khoa Cơ điện cùng toàn thể cán bộ giảng viên và hơn 150 sinh viên khối ngành Cơ điện.

Chuyên gia  Bùi Thế Sáu chia sẻ cách giữ lửa đam mê và sáng tạo ý tưởng
(Nguồn: Ngọc Anh)
Chuyên gia  Bùi Thế Sáu đã chia sẻ niềm đam mê với chế tạo máy móc và ý tưởng cải tiến “Máy nhồi lông vũ tự động sử dụng 2 loại lông”- sáng kiến đạt giải Nhất của các đề tài giải pháp đến từ khối May.

Anh chia sẻ rằng mình có tình yêu với công nghệ và máy móc từ khi còn học phổ thông nên đã quyết định theo học chuyên ngành cơ khí chế tạo. Suốt thời gian đi học, anh thường lân la đến những bãi phế liệu để nhặt nhạnh, tìm mua các lốc máy, linh kiện và đồ điện da dụng cũ như tủ lạnh, tivi, đầu đĩa… để nghiên cứu và sửa chữa, lắp ráp lại. Anh cho biết mỗi ngành nghề đều cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tế, từ đó có niềm đam mê mới để không ngừng học tập, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị

Anh cho biết “Công ty sản xuất nhiều sản phẩm có sử dụng lông vũ với số lượng lớn và đa dạng về chủng loại. Khi công nghệ chưa phát triển, công ty sản xuất jacket nhồi lông vũ thủ công bằng tay, tốn rất nhiều nhân lực cho công đoạn này mà năng suất lại kém. Khi công nghệ phát triển hơn, năm 2017 Công ty đầu tư 2 máy nhồi lông vũ tự động từ nước ngoài với giá thành gần 50.000 USD (hơn 1 tỷ VNĐ). Nhờ đó năng suất lao động tăng, số lượng lao động giảm. Tuy nhiên máy vẫn còn 1 số hạn chế như giá thành cao, giao diện bằng tiếng nước ngoài, khó vận hành. Công đoạn tiếp lông vũ vẫn phải dùng tay, lông vũ rơi vãi nhiều, thiết bị không thu hồi triệt để được lông vãi dẫn đến phòng nhồi lông rất bụi, vừa lãng phí nguyên liệu lại không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Buồng chính của máy nhỏ nên khi làm các đơn hàng thân to, trọng lượng lông lớn, dễ dẫn đến lượng lông nhồi vào chi tiết không ổn định, không chính xác. Hệ thống súng nhồi đi vòng vèo, dễ bị tắc , xử lý mất thời gian. Thiết bị cũng chỉ sử dụng được một loại lông nên khi làm cùng lúc nhiều đơn hàng, nhiều loại lông vũ, có máy nhưng lại không sử dụng được, gây lãng phí

Sau khi tiếp cận với thiết bị ngoại nhập, anh đã tìm hiểu và nghiên cứu cơ chế, nguyên lý làm việc của hệ thống, từ đó đưa ra giải pháp chế tạo mới hoàn toàn, khắc phục các nhược điểm của máy hiện có, đồng thời giúp giảm chi phí do toàn bộ linh kện điện tử, tự động hóa và các vật tư khác đều có sẵn trên thị trường Việt Nam. 

 
Thiết bị do anh Bùi Thế Sáu nghiên cứu và chế tạo (Ảnh: Bùi Thế Sáu)
Lãnh đạo Công ty đã đồng ý cho anh nghiên cứu, thời hạn là 15 ngày cùng sự hỗ trợ của 3 nhân lực khác. Tuy nhiên chưa đến 12 ngày, anh đã hoàn thiện và cho chạy thử máy. Kết quả cho thấy độ chính xác và ổn định hơn máy nhập khẩu. Buồng chính và buồng phụ được chia làm 2 khoang, có thể nhồi được 2 loại lông vũ khác nhau trên cùng 1 máy, tiện lợi hơn cho Công ty khi không phải dùng 1 máy cho 1 loại lông vũ như trước đây, từ đó giảm chi phí đầu tư. Hệ thống hút lông vãi tự động có tác dụng cải thiện môi trường trong phòng nhồi lông. Thiết bị lưu được 8 chương trình làm việc cho các loại chi tiết sản phẩm khác nhau. Màn hình cảm ứng được thiết kế đơn giản ngắn ngọn, ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Việt, dễ sử dụng”

Đây là lần đầu tiên anh Sáu nghiên cứu, chế tạo thiết bị áp dụng công nghệ tự động hóa vào dây chuyền sản xuất may mặc với màn hình cảm ứng nhiệt. Các tính năng được thiết kế đơn giản giúp người lao động dễ tiếp cận. Nhờ có sáng kiến này, Công ty đã tiết kiệm được chi phí do không phải nhập ngoại thiết bị mới. So sánh với thiết bị nhập ngoại thì thiết bị tự chế này làm lợi trên 850.000.000 đồng trong năm 2018, giúp giảm 4-5 nhân công so với trước đây, năng suất lao động tăng cao, chất lượng nhồi lông đảm bảo”

            Kết thúc buổi tọa đàm, thầy Phan Đức Khánh đã thay mặt tập thể cán bộ, giảng viên khoa Cơ điện gửi lời cảm ơn chân thành đến chuyên gia đã dành thời gian quý báu tham gia buổi tọa đàm. Thầy khẳng định Sáng kiến của anh Bùi Thế Sáu đã minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt trong nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi sẽ tạo ra những sáng kiến, cải tiến kĩ thuật phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, ngành nghề và doanh nghiệp. Thầy hy vọng sinh viên khoa Cơ điện sẽ tạo cho mình niềm đam mê đối với ngành học đã chọn, các giảng viên có thể tạo hứng thú, tiếp thêm đam mê, định hướng và hỗ trợ sinh viên trong phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy tốt tài năng sáng tạo, nghiên cứu các thành tựu mới của khoa học công nghệ và sản phẩm khoa học công nghệ./.
 
Ngọc Anh – Cơ Điện
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 39 Tổng truy cập: 18.643.353