Trang chủ

SỰ HIỆU QUẢ CỦA CƠ CẤU ĐIỀU CHỈNH LỰC CĂNG CHỈ TRONG MÁY MAY THẾ HỆ MỚI

Ngày đăng: 09:45 - 02/08/2019 Lượt xem: 1.920

Công nghệ ngày càng tiến bộ và được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Đối với ngành dệt may, thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất ngày càng được số hóa ở mức độ cao hơn, giúp người vận hành dễ ràng sử dụng thiết bị, giúp người sửa chữa dễ ràng phát hiện lỗi trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng. Các cơ cấu chấp hành chủ yếu trong thiết bị may như : truyền động động cơ, cắt chỉ, lại mũi, lắc ngang, lắc dọc là các cơ cấu truyền thống đã được thiết kế theo hướng điều khiển bằng điện tử trong nhiều năm trở lại đây. Trong số các cơ cấu đó, cơ cấu thay đổi lực căng chỉ trên (cơ cấu đồng tiền) là một cơ cấu được cho là kinh điển của máy may cũng đang được các hãng chế tạo thiết bị may thiết kế điều khiển bằng tín hiệu điện để tào điều kiện dễ ràng cho người vận hành, giúp tăng năng suất lao động. Bài viết chuyên đề sau đây sẽ tập trung vào chủ đề cơ cấu đồng tiền điều khiển điện tử để người đọc hiểu rõ hơn về ưu điểm của cơ cấu này trên thiết bị may điện tử.

Vai trò của của cơ cấu điều hòa lực căng chỉ

Để có được sự thay đổi lực căng chỉ, trong các dạng mũi may, hãng sản xuất máy thường sử dụng cơ cấu kẹp chỉ (đồng tiền). Khi thay đổi chỉ may hoặc chất liệu may đều có thể làm thay đổi lực căng giữa chỉ trên và chỉ dưới, chính vì vậy cần thay đổi để chúng được cân bằng. Dưới tác dụng của đai ốc điều chỉnh sẽ làm thay đổi áp lực lên lò xo và làm thay đổi lực ép lên sợi chỉ trước khi thắt nút với chỉ dưới tạo lên mũi may đạt yêu cầu kỹ thuật.

Nhược điểm của cơ cấu kẹp chỉ truyền thống

Muốn điều chỉnh lực căng chỉ người vận hành phải thay đổi đai ốc tác động vào lò xo để mũi chỉ không bị nổi nút thắt trên hoặc nổi nút thắt chỉ dưới mặt nguyên liệu (mũi may đạt tiêu chuẩn), tuy nhiên như đã phân tích ở trên, khi thay chỉ (to, nhỏ) hay thay đổi nguyên liệu của mã hàng lực căng giữa hai hoặc ba chỉ sẽ cần tác động vào là khác nhau chính vì vậy người vận hành lại phải hiệu chỉnh chỉ bằng điều chỉnh đai ốc.

Việc điều chỉnh này khá mất thời gian với người công nhân có tay nghề thấp, ít kinh nghiệm đặc biệt là tinh chỉnh chất lượng mũi may đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hàng xuất khẩu.

Thay thế loại kẹp chỉ thông qua lực đẩy – hút của nam châm điện

Nhận thấy han chế của các loại kẹp chỉ truyền thống, các hãng đã nghiên cứu và sử dụng thành công việc sử dụng loại kẹp chỉ dùng sự điều khiển nam châm điện thay đổi lực lên chi tiết kẹp chỉ.

Nam châm điện được điều khiển thông qua việc tác động từ phím bấm trên màn hình điều khiển đến mạch điều khiển của máy, khi đó mỗi lần ấn vào màn hình sẽ là một xung tín hiệu tác động (tăng hoặc giảm) lên nam châm điện làm cho các má kẹp (má đồng tiền) thay đổi theo yêu cầu, quá trình mở má kẹp để thuận lợi cho lấy nguyên liệu sau khi may và khi cắt chỉ cũng điều khiển giống như nguyên lý đóng, mở má đồng tiền kẹp chỉ kiểu truyền thống.

Do tính phức tạp của cơ cấu điều khiển và cơ cấu cơ khí so với cách điều chỉnh kẹp chỉ truyền thống nên giá thành sẽ đắt nên ban đầu các hãng sản xuất máy may công nghiệp như Juki, brother… chỉ ứng dụng trên các thiết bị chuyên dùng điện tử như máy đính bọ, thùa khuy bằng, thùa khuy tròn…

Những chiếc máy máy một kim đầu tiên sử dụng công nghệ này

 Trong những năm gần đây sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, việc kết hợp cơ cấu điều khiển trong một bo mạch càng dễ dàng hơn, các hãng đã đưa cơ cấu điều khiển kẹp chỉ bằng nam châm điện vào các thiết bị phổ thông như máy một kim, vì vậy sinh viên và người công nhân sẽ sớm tiếp cận nhiều với cơ cấu kẹp chỉ tiên tiến này.

Điển hình là máy hãng Juki đã sản xuất đời máy DDL 9000C sử dụng công nghệ dùng nam châm điện trong việc điều tiết kẹp chỉ của máy, sự tiện ích của nó sẽ giảm đáng kể thời gian trong hiệu chỉnh mũi may và hiệu quả trong sản xuất vì máy một kim luôn chiểm tỷ lệ cao nhất trong sản xuất hàng may công nghiệp


Cơ cấu kẹp chỉ máy một kim Juki DDL 9000 C giống như cơ cấu kẹp chỉ các máy điên tử chuyên dùng như thùa khuy, đính bọ…, không có đai ốc và lò xo điều chỉnh lực căng chỉ.

Thay vì việc hiệu chỉnh chỉ thông qua đai ốc giờ đây chỉ cần ấn biểu tượng chỉnh chỉ khi màn hình hiện thị ta chỉ cần ấn “+” hay “-”, hơn nữa điểm vượt trội của phương pháp này là ta có thể nhớ số (sức căng chỉ) cho các loại nguyên liệu đã chỉnh trước khi gặp lại không phải hiệu chỉnh nhiều.

Các thiết bị may ngày càng hiện đại thì càng tiện ích và luôn cho năng suất lao động là tối ưu nhất. Tính phổ thông trong điều chỉnh chỉ bằng bàn phím thay cho vặn đai ốc sẽ ngày càng nhiều khiến chúng ta luôn phải cố gắng tìm hiểu và vận dụng vào học tập và sản xuất mà khâu hiệu chỉnh cho ra những mũi may đạt yêu cầu kỹ thuật là một trong những khâu quan trọng và quyết định đến chất lượng và năng suất của một sản phẩm. Sự thông minh và hiệu quả này chắc chắn sẽ được ứng dụng vào các máy phổ thông khác trong ngành máy may công nghiệp.

Khoa Cơ điện

 

Ngày 1tháng 7 năm 2019

Người viết

 

Bùi Thế Thành

 Tài liệu tham khảo:

{c---Instruction Manual juki ddl 900A;

{c---Instruction Manual juki ddl 9000 C.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 286 Tổng truy cập: 31.717.389