Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

GIỚI THIỆU VỀ MỘT SỐ CHI TIẾT CƠ BẢN, PHƯƠNG PHÁP KHẮC PHỤC MỘT SỐ LỖI TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG MÁY MAY 1 KIM

Ngày đăng: 01:51 - 28/04/2020 Lượt xem: 6.566
                                                                     
                                                                      Th.s Phạm Thị Hương
                                                                        Trung tâm Thực Hành May
 
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành công nghệ may là ngành tạo ra các sản phẩm may mặc phục vụ cho đời sống của con người. Các thiết bị sử dụng trong ngành may rất đa dạng về chủng loại, trong đó có máy may 1 kim. Là một người sở hữu hay sử dụng máy may thì việc tìm hiểu về cấu tạo chung của máy là hết sức quan trọng nó giúp cho việc sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với người thợ lâu năm có kinh nghiệm thì việc nắm bắt về máy may là điều dễ hiểu, nhưng đối với người mới sử dụng, đặc biệt là sinh viên để hiểu rõ về thiết bị mà mình sử dụng và học tập là rất quan trọng. Bài viết này sẽ giới thiệu một số chi tiết cơ bản trên máy may 1 kim, một số lỗi về đường may, mũi may khi gặp phải trong quá trình may giúp các em hiểu rõ hơn về thiết bị phục vụ cho việc học tập đạt kết quả cao.
NỘI DUNG

1. Tổng quan về máy may 1 kim
1.1. Khái niệm về máy may 1 kim
- Máy may là máy dùng kim và chỉ thông qua các cơ cấu máy để thực hiện đường may. Máy may 1 kim tạo thành mũi may thắt nút.
+ Mũi may thắt nút hai chỉ là dạng mũi may được tạo bởi một chỉ trên của kim cùng với một chỉ dưới của thoi suốt lồng vào nhau tạo thành nút thắt nằm ở giữa lớp nguyên liệu cần may tạo thành đường may. (Hình 1)

 
Hình 1. Đường may thắt nút hai chỉ
+ Mũi may thắt nút có đặc tính là bền chặt và độ đàn hồi của chỉ kém do vậy nó thường được áp dụng để may các loại nguyên liệu có độ co giãn kém.
 - Máy có thể kết hợp thực hiện may tiến và may lùi với cùng một bước đẩy nên trong quá trình vận hành máy ta có thể thực hiện được việc lại mũi hai đầu đường may bền chắc, không bị sổ tuột, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
1.2. Cấu tạo chung của máy may 1kim
- Máy may 1kim công nghiệp có các phần sau đây (Hình 2):
+ Đầu máy là phần quan trọng nhất của máy may nó chứa các cơ cấu cơ khí, được kết cấu thiết kế nhằm đảm bảo các yêu cầu về công nghệ cụ thể.
+ Bàn máy là phần đỡ đầu máy và là nơi thao tác của người sử dụng, thường được làm bằng gỗ dán ép phẳng để chống cong vênh, giảm rung và độ ồn.
+ Chân máy được thiết kế theo thông số nhân trắc phù hợp với đa số người sử dụng, được làm bằng thép hàn hoặc gang.
+ Bàn điều khiển để điều khiển chuyển động của máy;
 
 Hình 2. Máy may 1kim công nghiệp
+ Hộp nút bấm: Là hộp chứa các nút tắt bật máy.
+ Dàn cọc chỉ: dùng để đặt chỉ trên và đường dẫn chỉ.
+ Mô tơ: Dùng để truyền chuyển động cho đầu máy. Mô tơ có thể là loại một pha hoặc ba pha, công xuất từ 250-550W.
+ Với máy điện tử thì có thêm bảng điều khiển.
1.3. Một số chi tiết của máy may 1 kim
Trong bài viết này chỉ đưa ra một số chi tiết sử dụng thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình may của sinh viên.
1.3.1. Kim máy may
a. Khái niệm: Kim là chi tiết quan trọng trong quá trình may có tác dụng đưa chỉ xuyên qua các lớp vật liệu may và kết hợp với các chi tiết khác để tạo thành mũi may. Có nhiều loại kim khác nhau như kim thẳng, kim cong do sử dụng các chi tiết bắt mũi khác nhau với nhiều chủng loại phù hợp với yêu cầu công nghệ của từng loại máy. Kim máy 1 kim là loại kim thẳng được ký hiệu DB.
b. Cấu tạo chung
Kim gồm 3 phần: đốc kim, thân kim và mũi kim. Trên thân kim có lỗ kim, rãnh thân kim và một vệt lõm hay còn gọi là vệt thoát ổ (Hình 3).


Hình 3. Cấu tạo kim máy
- Đốc kim: là phần gắn vào trụ kim có kích thước lớn nhất trên kim. Đốc kim có tiết diện tròn, đầu đốc kim được chế tạo vát côn hoặc chỏm cầu để tạo điều kiện lắp kim hết chiều sâu lỗ trụ kim.
- Thân kim
Thân kim là phần chính để mang chỉ xuyên qua vật liệu (Hình 4). Thân kim máy 1 kim công nghiệp có dạng hình tròn có một rãnh dài chạy dọc thân kim, vét thoát mỏ ổ, cuối thân kim là lỗ kim.

 
 
Hình 4. Cấu tạo thân kim
+ Rãnh dài: chạy từ đốc kim tới lỗ kim, có công dụng chứa chỉ khi kim xuyên qua vật liệu. Nhờ có rãnh dài nên khi kim đâm xuyên qua vật liệu không tạo ma sát với chỉ mà chỉ tạo ma sát với vật liệu và định hướng đường đi cho chỉ giúp chỉ không vặn xoắn khi kim chuyển động lên xuống. Do vậy giảm độ ma sát và đứt chỉ. Tùy theo độ lớn của thân kim mà rãnh dài có độ sâu, rộng phù hợp.
+ Vét thoát mỏ ổ: là chỗ vạt lõm nằm phía trên lỗ kim, đối diện rãnh dài. Khi kim chuyển động đi xuống mỏ ổ được điều chỉnh nằm sát kim nhờ vạt lõm này mà mỏ ổ không bị chạm thân kim nên gọi là vét thoát mỏ ổ.
+ Lỗ kim là nơi xâu chỉ của kim, kích thước lỗ kim phụ thuộc và tỉ lệ thuận với kích thước thân kim.
- Mũi kim: là phần xuyên qua nguyên liệu, tùy theo chủng loại vật liệu và chức năng công nghệ của máy mà mũi kim có hình dạng và kích thước khác nhau như dạng tròn, dạng nhọn, dạng ovan.
+ Mũi dạng tròn phù hợp với vải dệt kim để khi kim đâm xuống không gây tổn thương cho vải.
+ Mũi kim nhọn: dùng để may cho vải dệt thoi vì vải dệt thoi là hai hệ sợi dọc ngang đan vuông góc với nhau với mũi kim nhọn dễ dàng tách sợi vải mà không gây đứt sợi.
+ Mũi dạng trám (ovan) dùng cho nguyên liệu da, giả da, cao su, vì loại nguyên liệu này có bề mặt đặc không có khe hở do đó mũi kim phải đục thủng nguyên liệu tạo thành các khe hở thích hợp để kim chỉ dễ dàng xuyên qua.
- Chỉ số kim là số biểu diễn đặc trưng cho kích thước đường kính của thân kim nói lên độ lớn của kim. Đây là thông số được tiêu chuẩn hóa sử dụng cho tất cả chủng loại kim, chỉ số kim được ghi trên đốc kim và không phụ thuộc vào bất kỳ chủng loại kim nào.
- Ký hiệu kim máy gồm 2 phần:
+ Chủng loại kim: được ký hiệu bằng cụm chữ và số DB x 1
+ Chỉ số kim: được ký hiệu bằng dấu # và một hoặc hai con số, chỉ số kim là để xác định đường kính thân kim. Hiện nay có hai hệ thống dùng ghi chỉ số thân kim là hệ quốc tế và hệ Anh
   Hệ quốc tế (dùng đơn vị mét): 1 đơn vị chỉ số kim = 1/100 = 0,01 mm
Đường kính thân kim = chỉ số kim x 0,01
   VD: Kim có chỉ số # 90: đường kính thân kim là 90 x 0,01 = 0,9 mm
Hệ số này có chỉ số từ 50 trở nên
   Hệ số Anh (dùng đơn vị inch, 1inch = 25,4 mm) 1 đơn vị chỉ số kim = 1/400
= 25,4/400 = 0,0635 mm
   VD: Kim có chỉ số kim là #14 thì đường kính thân kim = 14 x 0,0635 = 0,9mm
Hệ số này có chỉ số từ 6 - 20
Bảng chuyển đổi các hệ số kim

     Đường kính kim
 Chỉ                
 số  kim
0,50 0,55 0,60 0,65 0,70 0,75 0,80 0,85 0,90 0,95 1,00
Hệ quốc tế 50 55 60 65 70 75 80 85 90 95 100
Hệ số Anh 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
 
- Cách chọn chỉ số kim: theo độ dày nguyên liệu may và độ lớn của chỉ (chi số chỉ). Có 2 cách chọn chỉ số kim, thường thì sẽ phối hợp cả hai cách
+ Theo nguyên liệu may:
Nguyên liệu càng mỏng, chỉ số kim càng nhỏ
Nguyên liệu càng dày, chỉ số kim càng lớn
Nguyên liệu đanh cứng, chỉ số kim lớn
+ Theo chỉ
Chỉ to, chỉ số kim lớn
Chỉ nhỏ, chỉ số kim nhỏ
- Cách lắp kim: Tắt máy, dời chân khỏi bàn ga, xoay bánh đà để trụ kim lên đến vị trí cao nhất. Nới lỏng ốc bắt kim đặt kim vào vị trí trong trụ kim đẩy kim lên trên sao cho kịch hết đốc kim, rãnh dài trên thân kim nằm phía bên ngoài đầu máy hay bên tay trái người ngồi, sau đó vặn chặt ốc kim.
1.3.2. Thoi, suốt

Hình 5. Thoi suốt máy 1 kim
- Suốt dùng để chứa chỉ dưới, được lắp vào thoi.
- Thoi chứa suốt được lắp vào ổ chao trong ổ máy may. Trên thoi có bộ phận khóa để giữ suốt và me thoi có tác dụng ép lên chỉ suốt để tạo lực căng chỉ.
- Để thực hiện may phải đánh chỉ vào suốt, lắp suốt vào thoi, lắp thoi suốt vào ổ máy
+ Cuốn chỉ vào suốt
+ Lắp suốt vào thoi: Đặt suốt vào thoi sao cho chiều quay của suốt khi tở chỉ ngược chiều nhau (Hình 6). Kéo chỉ qua khe thoi nằm dưới me thoi ra ngoài.

  
Hình 6. Lắp suốt vào thoi
+ Lắp thoi suốt vào ổ máy: Tắt máy, đưa cần giật chỉ lên vị trí cao nhất dời chân khỏi bàn ga. Tay trái cầm khóa suốt, đưa thoi suốt vào ổ sao cho đầu bản lề thoi hướng về phía người ngồi may. Khi thoi suốt nằm trong ổ máy dùng ngón cái ấn vào khóa thoi có tiếng kêu tách là đúng vị trí. Nếu thoi suốt không nằm đúng vị trí trong ổ máy sẽ gây ra gẫy kim trong khi máy chạy.
- Điều chỉnh sức căng của chỉ dưới
+ Để tạo ra mũi may đạt yêu cầu thì sức căng của chỉ trên và chỉ dưới phải cân bằng. Tuy nhiên thì nhiều em sinh viên vẫn chưa chú ý điều chỉnh sức căng của chỉ dưới.
+ Cách thử sức căng của chỉ dưới: Lắp suốt vào thoi sau đó cầm sợi chỉ lên giật 2, 3 lần nếu thoi rơi xuống là đạt yêu cầu. Trường hợp thoi không rơi là do chỉ dưới chặt, trường hợp cầm chỉ lên suốt rơi tự do là chỉ quá lỏng.
+ Điều chỉnh chỉ: Chỉnh ốc vít trên me thoi, nếu chỉ căng thì xoay ốc vít trên me thoi theo chiều ngược kim đồng hồ và ngược lại.
1.3.3. Trục chân vịt
a. Tác dụng của cơ cấu chân vịt
- Ép nguyên liệu xuống để nguyên liệu không nâng lên cùng kim khi kim đi lên.
- Tác động lên nguyên liệu một lực vừa phải để nguyên liệu ép sát với các đỉnh răng cưa từ đó sẽ làm răng cưa không đẩy nguyên liệu lệch hướng
b. Cách nâng chân vịt
- Có thể nâng chân vịt bằng tay và gạt gối.
- Nâng chân vịt bằng tay: Dừng máy, dùng tay nâng cần nâng chân vịt từ dưới lên trên theo chiều ngược kim đồng hồ. Khi muốn hạ chân vịt xuống thì xoay cần theo chiều ngược lại.
- Nâng chân vịt bằng gối: Dừng máy, người may tác động vào miếng đệm cao su bằng gối và gạt sang phải.
c. Điều chỉnh chân vịt
- Điều chỉnh độ nén chân vịt: Nới lỏng đai ốc nhựa (2) bằng cách xoay theo chiều ngược kim đồng hồ, sau đó xoay núm điều chỉnh (1) theo chiều kim đồng hồ (hướng A) sẽ làm tăng độ nén và ngược lại. Với nguyên liệu dày, cứng thì điều chỉnh độ nén nhiều và ngược lại với chất liệu vải mỏng thì điều chỉnh giảm độ nén.


Hình 7. Điều chỉnh độ nén chân vịt
- Điều chỉnh độ cao chân vịt so với mặt bàn máy bằng cách nới lỏng vít hãm trên đầu máy theo chiều ngược kim đồng hồ sau đó điều chỉnh trục chân vịt nhưng khi chân vịt hạ xuống thấp nhất phải tiếp xúc với mặt nguyệt.
- Điều chỉnh rãnh chân vịt bằng cách nới lỏng vít hãm trên đầu máy theo chiều ngược kim đồng hồ sau đó điều chỉnh trục chân vịt sao cho rãnh của chân vịt trùng với đường kim (kim nằm giữa rãnh chân vịt).

Hình 8. Vặn vít hãm trục chân vịt
 
 
 
2. Một số lỗi thường gặp trong quá trình may
2.1. Sùi chỉ

 
- Là hiện tượng nút thắt của chỉ không nằm giữa lớp vật liệu mà nổi lên trên bề mặt của vải. Trường hợp nút thắt của chỉ nằm phía trên mặt phải của bề mặt vải gọi là sùi chỉ trên (Hình 9).
 
 
Hình 9. Sùi chỉ trên

Trường hợp nút thắt của chỉ nằm phía dưới của vải gọi là sùi chỉ dưới (Hình 10)
 
 
Hình 10. Sùi chỉ dưới
Nguyên nhân Cách khắc phục
Do lực căng của chỉ trên và chỉ dưới không cân bằng
+ Sùi chỉ trên do chỉ trên căng hơn chỉ dưới
+ Sùi chỉ dưới là do chỉ dưới căng hơn chỉ trên.
 
Kiểm tra sức căng của chỉ dưới bằng cách điều chỉnh me thoi và sức căng của chỉ trên bằng cách điều chỉnh cụm đồng tiền.
Với cả hai trường hợp này đều phải kiểm tra chỉ dưới trước và điều chỉnh me thoi đạt yêu cầu. Tiếp đó điều chỉnh cụm đồng tiền, với trường hợp sùi chỉ trên xoay núm điều chỉnh đồng tiền theo chiều ngược kim đồng hồ và thử chỉ đảm bảo mũi thắt nút nằm cân giữa lớp vải và ngược lại (Hình 11)
Lắp chỉ sai Với các em sinh viên mới học may hay bị mắc lỗi này do khi lắp chỉ qua cụm đồng tiền nhưng chỉ chưa sát trục đồng tiền. Kiểm tra dùng tay tách má đồng tiền cho chỉ nằm sát trục đồng tiền.
Lực căng của chỉ không đủ Điều chỉnh lại lực căng của chỉ trên và chỉ dưới.
 
 
 
Hình 11. Điều chỉnh cụm đồng tiền
 
2.2. Bỏ mũi
- Là hiện tượng mũi may không liên tục


Hình 12.  Đường may bỏ mũi
Nguyên nhân Cách khắc phục
Xâu chỉ sai Kiểm tra lại đường dẫn chỉ và xâu lại chỉ. Lưu ý kiểm tra chỉ qua kim từ bên trái sang (Hình 13)
Lắp kim sai Lắp lại kim sao cho rãnh dài quay ra ngoài và đốc kim sát lên trên.
Chân vịt không nén nguyên liệu
+ Chân vịt treo
 
+ Độ nén ko phù hợp với chất liệu
Điều chỉnh độ nén chân vịt
 
Nới lỏng vít hãm trong đầu máy để điều chỉnh chân vịt sao cho chân vịt ở vị trí thấp nhất sát với mặt nguyệt (Hình 8)
Độ dày mỏng của nguyên liệu may khác nhau thì độ nén chân vịt cũng khác nhau. Với chất liệu dày thì độ nén chân vịt nhiều hơn và ngược lại. Độ nén chân vịt ít có thể dẫn đến trường hợp bỏ mũi khi may để khắc phục hiện tượng này ta điều chỉnh độ nén của chân vịt bằng cách nới lỏng đai ốc trên đầu máy và xoay núm điều chỉnh theo chiều kim đồng hồ. (Hình 7)
 

 
Hình 13. Xâu chỉ đúng chiều
2.3. Đứt chỉ trên
- Khi bắt đầu may hoặc may với tốc độ nhanh bị đứt chỉ kim

Nguyên nhân Cách khắc phục
Xâu chỉ sai Kiểm tra lại đường dẫn chỉ và xâu lại chỉ. Lưu ý kiểm tra chỉ qua kim từ bên trái sang (Hình 13).
Lắp kim sai Lắp lại kim sao cho rãnh dài quay bên trái người vận hành và đốc kim sát lên trên.
Chỉ trên quá căng Xoay núm đồng tiền theo chiều ngược kim đồng hồ để điều chỉnh lực căng chỉ trên.
Kim nhỏ so với chỉ Kiểm tra chi số chỉ để chọn kim phù hợp
VD: Với loại chỉ có chi số 30/3 - 40/3 thì có thể dùng kim có chỉ số từ #(120/18 – 100/16)
        Chỉ có chi số 50/3 - 60/3 thì có thể dùng kim có chỉ số # (90/14 - 80/12)
        Chỉ có chi số 70/3 - 80/3 thì có thể dùng kim có chỉ số # (75/11- 60/8)
Đường dẫn chỉ không trơn, có vết xước Trong quá trình sử dụng lâu một số vị trí trên đường dẫn chỉ bị tạo thành các đường rãnh làm cho bề mặt không trơn có vết hằn. Khi có hiện tượng này kiểm tra làm trơn bề mặt đường dẫn chỉ.
Chất lượng chỉ kém, chỉ có nhiều nút, mủn Thay chỉ khác.
 
 
2.4. Đứt chỉ dưới
- Khi bắt đầu may hoặc trong quá trình may xảy ra hiện tượng đứt chỉ dưới.

Nguyên nhân Cách khắc phục
Chỉ dưới lắp sai Kiểm tra lại thoi suốt, lắp lại chỉ sao cho chỉ qua rãnh me thoi và suốt quay theo chiều ngược với đường ra của chỉ.
Chỉ dưới căng quá Kiểm tra và điều chỉnh vít me thoi theo chiều ngược kim đồng hồ để nới lỏng sức căng của chỉ.
Thoi suốt bị cong vênh Trong quá trình may do làm rơi hoặc va đập dẫn đến hiện tượng thoi suốt bị cong, vênh, méo làm cho chỉ ra không đều nên rất dễ bị đứt trong quá trình may. Kiểm tra và thay thoi suốt khác.
Phía trong ruột thoi bị bẩn Do quá trình may lâu nên trong ruột thoi tụ lại một số xơ vải cũng dẫn đến lỗi đứt chỉ. Kiểm tra và vệ sinh ruột thoi trước khi may.
Chỉ kẹt trong thoi suốt Kiểm tra, nới chỉ trong thoi suốt ra, lắp lại chỉ
Chỉ trong suốt không đều Đánh lại chỉ cho đều
 
2.5. Gãy kim
- Xảy ra khi bắt đầu may hoặc trong quá trình may.

Nguyên nhân Cách khắc phục
Kim bị cong Kiểm tra và thay kim khác
 
Kim lắp không ngập đốc Kiểm tra lắp lại kim
Kim sát cạnh chân vịt Trong quá trình may kim và chân vịt chuyển động rất dễ xảy ra hiện tượng kim đâm vào chân vịt dẫn đến gãy kim. Để khắc phục hiện tượng này kiểm tra và điều chỉnh rãnh chân vịt bằng cách nới lỏng vít hãm chân vịt và điều chỉnh trục chân vịt sao cho kim nằm giữa rãnh chân vịt.
May nhanh qua chỗ vải dày Khi may các chi tiết từ chỗ mỏng sang dày nếu may nhanh rất dễ bị hiện tượng gẫy kim do kim xuyên qua lớp vải dày lâu hơn. Nên giảm tốc độ khi đi may qua chỗ vải dày.
Kim nhỏ so với nguyên liệu Chọn kim phù hợp với nguyên liệu
VD: Với loại vải nilon, vải áo sơ mi, lụa mỏng…nên sử dụng kim có chỉ số từ # (8-11). Với loại vải kaki, quần âu thì sử dụng loại kim # (12-14). Vải bảo hộ lao động, quần áo bò sử dụng kim #(13-16)…
Dùng tay kéo sản phẩm trong khi may Không kéo sản phẩm khi may mà để thanh răng cưa tự đẩy vải (khi may chỉ dùng tay kéo căng vải # kéo vải đi)
 
2.6. Đường may nhăn
- Khi may xong bề mặt vải không êm, co dúm hoặc cong vênh.
 
Hình 14. Đường may nhăn
Nguyên nhân Cách khắc phục
Kim bị tù đầu, sứt mũi Kim sử dụng lâu sẽ bị hiện tượng mòn hoặc trong quá trình may chạm vào chân vịt. Kiểm tra và thay kim mới.
Kim to vải mỏng Khi may đường kính của kim to để lại trên bề mặt vải lỗ kim to đẩy các sợi vải ép sát vào nhau làm cho bề mặt vải nhăn dúm. Xem lại chỉ số kim phù hợp với nguyên liệu may.
Lực căng của của  hai chỉ lớn (chặt chỉ kim và thoi suốt) Kiểm tra giảm sức căng của chỉ dưới trước sau đó giảm dần sức căng của chỉ trên cho phù hợp.
Độ nén chân vịt quá lớn điều chỉnh độ nén của chân vịt bằng cách nới lỏng đai ốc trên đầu máy và xoay núm điều chỉnh theo chiều kim đồng hồ. (Hình 7)
2.7. Mũi may không đều
- Chiều dài của các mũi may trên đường may không bằng nhau.


Hình 15. Mũi may không đều
Nguyên nhân Cách khắc phục
Chân vịt bị treo Chân vịt ở vị trí thấp nhất không tiếp xúc với mặt nguyệt. Khắc phục bằng cách nới lỏng vít hãm trục chân vịt cho chân vịt hạ xuống.
Độ nén chân vịt quá lớn Điều chỉnh độ nén của chân vịt bằng cách nới lỏng đai ốc trên đầu máy và xoay núm điều chỉnh theo chiều kim đồng hồ. (Hình 7)
Kéo vải trong quá trình may Kéo căng vải để răng cưa tự đẩy vải
Xâu chỉ không đúng phương pháp Kiểm tra lại đường dẫn chỉ, xâu lại chỉ.
Răng cưa bị mòn Thay răng cưa
Răng cưa nhô thấp làm khả năng đẩy vải kém Điều chỉnh lại
 
 
 
2.8. Rối chỉ khi bắt đầu may
- Đầu đường may bị rối chỉ, chỉ trên và dưới xoắn lại với nhau ngoài mũi may được tạo ra.

Nguyên nhân Cách khắc phục
Không kéo hai đầu chỉ trên dưới về phía sau và dưới chân vịt Trước khi may kéo đầu chỉ xuống dưới chân vịt và đẩy ra sau.
Không lấy chỉ dưới lên Lấy chỉ dưới lên và kéo đầu chỉ xuống dưới và sau chân vịt
 
2.9. Không đẩy vải
- Mặt dưới của vải bị có các mũi chỉ chồng lên nhau, vải không đẩy đi.

Nguyên nhân Cách khắc phục
Rối chỉ dưới Lấy thoi suốt ra khỏi máy, lấy hết chỉ kẹt ra
Chỉ bị kẹt trong ổ máy, thoi
Sức ép chân vịt yếu Điều chỉnh độ nén chân vịt phù hợp
  
 
Hình 16. Mặt dưới lá vải khi may vải không đẩy


2.10. Lá vải dưới nhăn, cầm
Nguyên nhân Cách khắc phục
Do nguyên lí vận hành của máy phần chân vịt tiếp xúc với lớp vải trên và phần răng cưa tiếp xúc với lớp vải dưới. Khi đó xuất hiện lực ma sát gây lên hiện tượng trượt giữa các lớp vải, làm nhăn lớp vải dưới. Răng cưa hoạt động theo nguyên lí đẩy vải về phía trước làm cho vải dưới bị đẩy đi và co lại. Còn chân vịt thì nén xuống làm bai dão lớp vải bên trên Khi may 2 lớp vải có cùng độ bai giãn thì hơi kéo lá vải, lá vải trên để êm
Với các lá vải có độ bai giãn khác nhau, đặt lá vải có độ bai giãn nhiều xuống dưới.
 
Hình 17. Lá vải dưới nhăn cầm
2.11. Tuột chỉ trên
Nguyên nhân Cách khắc phục
Để chỉ kim quá ngắn khi đưa nguyên liệu ra hoặc khi đưa nguyên liệu ra không để cần giật chỉ ở vị trí cao nhất Kiểm tra cần giật chỉ ở vị trí cao nhất thì để đầu chỉ dư ở kim từ 10 -12 cm.(Hình 18)
 
 

Hình 18. Kéo chỉ dài từ 10-12cm
3. Một số lưu ý khi sử dụng máy
- Trước khi máy hoạt động:
+ Kiểm tra dầu máy trong bể dầu: Tắt máy, lật đầu máy lên kiểm tra mức dầu trong bể luôn luôn nằm giữa hai vạch giới hạn High và Low. Kiểm tra hàng ngày vào đầu giờ làm việc, không để máy hoạt động khi thiếu dầu.
+ Kiểm tra đường dẫn chỉ trên đảm báo đúng vị trí (nhiều sinh viên khi lắp chỉ trên không sát vào trục đồng tiền)
+  Kiểm tra kim đảm bảo gắn đúng kỹ thuật: Ngập đốc kim, đúng chiều rãnh dài ra phía ngoài
+ Kiểm tra thoi suốt phải có chỉ và được lắp vào máy
- Khi máy hoạt động:
+ Để tay tránh xa khỏi kim khi nhấn nút ON và trong khi máy đang hoạt động
+ Không để ngón tay trong đáp che cần giật chỉ khi máy đang hoạt động
+ Trong quá trình may không đưa ngón tay hoặc bất kỳ vật gì lại gần puly máy, đai truyền, động cơ máy
+ Phải nhấn nút OFF khi rời khỏi máy.
4. Lưu ý khi lựa chọn một số chi tiết của máy
Trong quá trình học may với các môn kỹ thuật may sinh viên sẽ học từ các đường may đến các bộ phận chủ yếu của sản phẩm và may hoàn thiện các loại sản phẩm cơ bản như: áo sơ mi, quần âu, áo jacket… Để đạt được hiệu quả cao, tránh xảy ra một số lỗi trong quá trình may ta cần lựa chọn các chi tiết phù hợp với chất liệu vải may.
- Chọn chân vịt phù hợp với chất liệu vải, kiểu đường may
+ Với các loại vải mỏng, mềm sử dụng loại chân vịt có rãnh nhỏ.
+ Với các loại vải dày cứng: dùng chân vịt có rãnh lớn.
+ Loại vải tráng nhựa nên sử dụng chân vịt nhựa để làm giảm ma sát trên bề mặt vải.
+ Vải da sử dụng chân vịt chuyên cho hàng da
+ Sử dụng chân vịt theo quy cách đường may: chân vịt 2 ly, 3 ly, chân vịt mí, chân vịt diễu..
+ Sử dụng chân vịt theo công dụng: chân vịt tra khóa, chân vịt cuốn…
- Chọn kim phù hợp với chất liệu vải may
+ Về chỉ số kim: Với loại vải nilon, vải áo sơ mi, lụa mỏng…nên sử dụng kim có chỉ số từ # (8-11). Vải kaki, quần âu thì sử dụng loại kim # (12-14). Vải bảo hộ lao động, quần áo bò sử dụng kim #(13-16)…
+ Loại mũi kim: Loại mũi nhọn cho vải dệt thoi, mũi tròn cho dệt kim, vải da dùng loại mũi ovan…
- Thoi suốt nên sử dụng loại đảm bảo chất lượng
+ Sử dụng suốt nhôm, thoi có lò so hãm suốt
+ Khi đánh chỉ không đánh quá đầy

KẾT LUẬN
Máy may 1 kim là một trong những thiết bị quan trọng và cần thiết trong sản xuất may công nghiệp. Để sử dụng máy đạt hiệu quả cao cần nắm được công dụng một số chi tiết chính để bảo dưỡng máy, không sử dụng quá công suất để tuổi thọ làm việc của máy được lâu dài và tránh được các sai hỏng trong quá trình sử dụng máy. Việc hiểu biết được cấu tạo và nguyên lý làm việc của máy may công nghiệp một kim sẽ giúp sửa chữa được những lỗi vặt đó một cách dễ dàng và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng máy.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạ Thị Ngọc Dung (2010), Giáo trình Thiết bị may công nghiệp và bảo trì, NXB Lao động.
2. Nguyễn Thanh Tùng (2015), Giáo trình Thiết bị may công nghiệp, NXB Giáo dục.
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 40 Tổng truy cập: 18.788.371