Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Nghiên cứu một số tính chất cơ lý của vải áo sơ mi mùa hè làm đồng phục cho học sinh tiểu học

Ngày đăng: 03:27 - 15/06/2020 Lượt xem: 3.730
Thạc sĩ: Bùi Thị Nhung- TTTHM
                                     
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đồng phục học sinh là bộ quần áo của một cơ sở giáo dục dành riêng cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, sử dụng khi học tập và sinh hoạt tập thể tại trường. Đồng thời cũng là bộ trang phục bắt buộc các em học sinh phải mặc mỗi khi đến trường. Chính vì vậy đồng phục học sinh phải thật sự đẹp và phù hợp với đặc trưng của từng trường.

Vải may áo sơ mi mùa hè làm đồng phục học sinh thường lựa chọn chất liệu vải mỏng, thoáng mát, sợi thiên nhiên hoặc vải pha sợi thiên nhiên với sợi tổng hợp. Ngoài các yêu cầu về tính thẩm mỹ thì các yêu cầu sử dụng chủ yếu đối với sản phẩm ở lứa tuổi này là: vải phải có độ hút ẩm cao, thoát ẩm nhanh. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu tính chất cơ lý của một số mẫu vải áo sơ mi mùa hè làm đồng phục cho học sinh tiểu học nhằm giúp nhà sản xuất hàng may mặc có những lựa chọn đúng đắn về chất liệu vải sử dụng may áo sơ mi đồng phục học sinh.

2. NỘI DUNG
         2.1. Khái niệm đồng phục học sinh
Đồng phục học sinh là một bộ trang phục được may giống nhau từ kiểu cách cho đến các biểu tượng logo. Các bộ đồng phục chỉ khác nhau kích cỡ để phù hợp với tất cả người mặc.

Hình 1.1. Hình ảnh đồng phục học sinh
2.2. Một số kiểu áo đồng phục học sinh trong và ngoài nước.

Những mẫu áo đồng phục học sinh của 1 số nước sau đây sẽ cho chúng ta thấy được nét văn hóa của các nước khác nhau.
 - Áo đồng phục học sinh tiểu học Nhật Bản có những nét thiết kế độc đáo riêng và đơn giản: Áo sơ mi trắng cổ bẻ kết hợp ca vát, nơ cổ tạo lên một phong cách sang trọng, thể hiện nét ngộ nghĩnh đáng yêu.
 
Hình 2.1. Hình ảnh đồng phục học sinh trường tiểu học- Nhật Bản
- Áo đồng phục học sinh Hàn Quốc gây ấn tượng về thiết kế hiện đại: Áo sơ mi trắng, cổ bẻ, phối thêm cà vạt kẻ caro màu đỏ tạo lên sản phẩm sang chảnh, năng động.

Hình 2.2. Hình ảnh đồng phục học sinh trường tiểu học Jeonju – Hàn Quốc
 
- Áo đồng phục học sinh tiểu học Việt Nam có những đặc thù riêng: Những chiếc áo sơ mi trắng, cổ đức, cổ sen tròn kết hợp logo tay áo đã thể hiện rõ được phong cách thật giản đơn.

Hình 2.3. Hình ảnh đồng phục học sinh trường tiểu học Lệ Chi
2.3. Một số tiêu chí lựa chọn vải áo đồng phục học sinh tiểu học mùa hè
Trong thực tế có rất nhiều loại vải được sử dụng để may áo đồng phục học sinh mùa hè, tuy nhiên đối với môi trường và đối tượng sử dụng khác nhau thì các yêu cầu đặt ra đối với loại vải sử dụng cũng khác nhau. Mùa hè nhiệt độ môi trường thường xuyên cao hơn nhiệt độ trên bề mặt da của cơ thể, đặc biệt trẻ em đùa nghịch có thể chạy ra ngoài nắng, rất dễ toát mồ hôi và cơ thể sinh nhiệt vì vậy vải may áo cần quan tâm nhiều về mặt mao dẫn và hút ẩm hơn là độ bền.
 Khi lựa chọn vải may áo đồng phục học sinh tiểu học thường dựa vào 2 tiêu chí sau:
- Độ bền cơ học của vải:
- Độ thấm hút hơi nước của vải
2.4. Tính chất cơ lý của một số mẫu vải dệt thoi dùng may áo đồng phục học sinh mùa hè.

- M1: BA-40 - Chất liệu vải được lựa chọn là chất liệu PE/CO trong đó có 65% polyester và 35% cotton. 
   Vải pha Pe/co được tạo ra từ sợi bông pha lẫn với sợi polyester trong quá trình kéo sợi. Đối với xơ, sợi bông có ưu điểm như tính thông thoáng, khả năng hút ẩm, tính sinh thái cao, không gây dị ứng cho da và cơ thể, tuy nhiên nhược điểm của loại nguyên liệu này là nhăn [1]. Đối với loại vải này hiện nay đang được sử dụng nhiều ở các sản phẩm  áo người lớn, còn sản phẩm trẻ em từ 3-8 tuổi thì ít hơn.

- M2: CA-20 - Chất liệu vải được lựa chọn là chất liệu 100% (PET)
   Polyester là loại polymer nhiệt dẻo. Vải polyester có tính chất chịu kéo tốt, chịu môi trường nước tốt, khả năng đàn hồi cao nên có khả năng chống nhàu cao, nhưng khả năng hút ẩm thấp, dễ sinh tích điện [1].

- M3: D004 - Chất liệu vải được lựa chọn là chất liệu 100% cotton        
Vải Cotton (xơ bông): Thuộc nhóm vải sợi thiên nhiên. Nguồn gốc: sợi được dệt từ sợi bông của cây bông vải. Sợi bông thân thiện với da người và không tạo ra các nguy cơ dị ứng (không làm ngứa), được dùng phổ biến cho ngành dệt may.
* Tính chất cơ học: Xơ bông là một loại xơ mảnh có độ bền tốt.
* Tính chất cơ lý: Khối lượng riêng:  γ  1,52  1,56 g/cm3. độ ẩm ở điều kiện chuẩn [1].
Vải cotton nguyên chất là loại vải lý tưởng để sử dụng may áo đồng phục học sinh.
2.5. Kết quả nghiên cứu các tính chất cơ lý của vải mẫu
    Dựa vào các Tiêu chuẩn: ISO 9073-1- Xác định khối lượng vải, ISO/TR 11827: 2012-  Xác định thành phần vải, TCVN 5071:2007- Độ dày vải dệt thoi, ISO 7211-2-84- Xác định mật độ sợi. Để xác định được các thông số sau:
       a. Xác định thông số kỹ thuật vải mẫu [2]
Bảng 2.1. Thông số kỹ thuật của vải

Mẫu vải Kiểu dệt Chi số sợi Khối lượng vải
(g/m2)
Độ dày (mm) Mật độ
sợi dọc
(sợi/10cm)
Mật độ
sợi ngang
(sợi/10cm)
Chi số sợi dọc (Nm) Chi số sợi ngang (Nm)
M1
PECO 65% / 35%.
Vân điểm 34 27,5 173,8 0,28 61 76
M2
100% PE
Vân điểm 42 36,6 110,8 0,20 71 130
M3
100% cotton
Vân điểm 41 32,8 111,7 0,21 73 128
      b. Độ bền kéo đứt của vải mẫu [3]
Tiến hành thí nghiệm xác định độ bền kéo đứt (N) theo hướng dọc (Pđd, ɛđd) và hướng ngang (Pđn, ɛđn) của vải mẫu theo tiêu chuẩn TCVN 1754 : 1986 trên thiết bị đo là máy kéo vạn năng TENSILON. Kết quả xác định giá trị trung bình được ghi lại trong bảng 2.2. Độ bền kéo của các mẫu vải được biểu diễn trên biểu đồ hình 2.6 để so sánh.
Bảng 2.2. Độ bền kéo đứt vải mẫu

TT Mẫu vải Độ bền kéo đứt (N)
Dọc Ngang
1 M1 1129 825
2 M2 553 479
3 M3 541 295
 
Hình 2.6. Biểu đồ độ bền kéo đứt của vải mẫu
  Qua kết quả bảng 2.2 và biểu đồ hình 2.6 cho thấy độ bền đứt theo phương dọc 3 mẫu đã có kết quả rõ rệt: M1 lớn nhất tiếp đến M2 và sau cùng M3.
  Độ bền kéo đứt ngang của 3 mẫu đã có kết quả: M1 có độ bền kéo tốt nhất, tiếp dến M2, M3.
c. Độ bền xé rách của vải mẫu [4]
Tiến hành thí nghiệm xác định độ bền xé rách (N) theo chiều dọc (Pxd) và theo chiều ngang (Pxn) của 3 mẫu vải M1, M2, M3 theo tiêu chuẩn ASTMD1424-09, trên thiết bị đo là máy thử độ bền xé rách vải ELMATEAR (Anh).
Bảng 2.3. Độ bền xé  rách vải

TT Mẫu vải Độ bền xé rách của vải (N)
Phương dọc Phương ngang
1 M1 56,6 42,8
2 M2 25,8 33,4
3 M3 10,9 7,76
 
Hình 2.7. Biểu đồ độ bền xé rách của vải (N)
 Qua bảng 2.3 và biểu đồ hình 2.7 đã chứng minh rằng độ bền dọc của 3 mẫu đã có kết quả khác nhau: M1 lớn hơn so với M2, M3. Độ bền xé ngang của 3 mẫu đã có kết quả như sau: M1 lớn hơn M2, M3.
 Tóm lại qua biểu đồ đã chứng minh rằng M1 có độ xé tốt nhất, tiếp đến M2,  M3 có độ bền xé kém nhất.
c. Độ mao dẫn của vải mẫu [5]
Tiến hành thí nghiệm xác định độ mao dẫn chất lỏng H (mm) lên mẫu vải, theo hướng dọc (Hnd) và theo hướng ngang (Hnn) của 3 mẫu vải M1, M2, M3 theo tiêu chuẩn AATCC 197-2013, trên thiết bị đo độ mao dẫn. Kết quả đo của 3 mẫu và xác định giá trị trung bình của độ mao dẫn được ghi lại trong bảng 2.4 và được thể hiện trên các biểu đồ hình cột hình 2.8, hình 2.9.
Bảng 2.4. Độ mao dẫn 20mm của các mẫu vải

Mẫu Thời gian mao dẫn TB (s) Khoảng cách mao dẫn (mm) Tốc độ mao dẫn V (mm/s)
Mẫu 1 Dọc 132 20 0,16
ngang 230 20 0,08
Mẫu 2 Dọc 5,6 20 0,05
ngang 3,9 20 0,09
Mẫu 3 Dọc 43 20 0,45
ngang 60 20 0,33
* Tốc độ mao dẫn theo phương dọc

Hình 2.8. Biểu đồ tốc độ mao dẫn theo phương dọc (mm/s))
 Qua kết quả bảng 2.4 và biểu đồ so sánh độ mao dẫn theo phương dọc của 3 mẫu vải hình 2.8 ta thấy: Trong thời gian 20s tốc độ mao dẫn của 3 mẫu vải đã có sự thay đổi khác nhau: Mẫu vải M2 đang đạt tốc độ thấp nhất và M3 đang đạt tốc độ cao nhất. Điều này chứng minh M3 rất thích hợp cho tốc độ giải phóng mồ hôi cơ thể trẻ em.
* Tốc độ mao dẫn theo phương ngang

               Hình 2.9. Biểu đồ tốc độ mao dẫn theo phương ngang (mm/s)
Qua kết quả bảng 2.4 và biểu đồ so sánh độ mao dẫn theo phương ngang của 3 mẫu vải hình 2.9 cho ta thấy:
Trong thời gian 20s tốc độ mao dẫn của 3 mẫu vải theo phương ngang đã khác nhau. Mẫu vải M2 đang đạt tốc độ thấp nhất và M3 đang đạt tốc độ cao nhất Như vậy chứng tỏ mẫu vải M3 rất thích hợp cho tốc độ giải phóng mồ hôi cơ thể trẻ em.
d. Độ hút hơi nước của vải mẫu [6]
Tiến hành thí nghiệm xác định độ hút hơi nước của 3 mẫu theo tiêu chuẩn TCVN 5091- 1990, trên thiết bị đo độ hút hơi nước. Kết quả xác định giá trị trung bình của 3 mẫu được ghi lại trong bảng 2.5, hình 2.10.
Bảng 2.5. Độ hút hơi nước của vải mẫu

TT Mẫu vải Độ hút hơi nước (%)
1 M1 5,13
2 M2 3,50
3 M3 24,2
                                
                              
                                         Hình 2.10. Biểu đồ độ hút hơi nước (%)
Qua bảng kết quả 2.5 và biểu đồ hình 2.10 ta thấy độ hút hơi nước của mẫu vải M3 có độ hút hơi nước tốt nhất, tiếp đến M1 và M2 có độ hút hơi nước thấp nhất.
3. KẾT LUẬN

Đồng phục học sinh tiểu học là trang phục thông dụng và gần như bắt buộc sử dụng ở các trường của Việt Nam hiện nay.
Nghiên cứu vải may đồng phục cho lứa tuổi học sinh tiểu học từ 6-11 tuổi là rất cần thiết vì ở độ tuổi này các em có một tâm sinh lý chưa kiểm soát tốt các hoạt động, dễ ra mồ hôi. Vải may áo đồng phục phải bền và có độ thấm hút mồ hôi tốt, ít gây kích ứng da, dễ chăm sóc khi giặt.
Vì vậy cần nghiên cứu xác định một số tính chất cơ lý quan trọng của vải mẫu liên quan đến tiêu chí đánh giá lựa chon vải may áo sơ mi mùa hè dùng làm đồng phục học sinh tiểu học như: Độ bền kéo đứt, độ bền xé rách, độ mao dẫn, độ hút ẩm để thấy được sự khác biệt về tính tiện nghi của các mẫu vải. 
Qua các kết quả trên đã chứng minh cho ta thấy được mẫu vải M3 (vải 100% cotton) được lựa chọn là phù hợp nhất cho may áo sơ mi mùa hè dùng làm đồng phục cho học sinh tiểu học, tiếp đến mẫu M1 (vải Peco 65/35), cuối cùng là M2 (vải 100% polyester).
TÀI LIỆU THAM KHẢO              
 [1]. Nguyễn Văn Lân (2004), Vật liệu dệt, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM.
 [2]. Tiêu chuẩn; ISO 9073-1- Xác định khối lượng vải, ISO/TR 11827: 2012-  Xác định thành phần vải, TCVN 5071:2007- Độ dày vải dệt thoi, ISO 7211-2-84- Xác định mật độ sợi.
[3]. TCVN 1754 : 1986-  Xác định độ bền kéo đứt.
[4]. Tiêu chuẩn; ASTMD1424-09-2013- Xác định độ bền xé của vải.
[5]. Tiêu chuẩn; AATCC 197 – 2013- Xác định độ mao dẫn theo phương thẳng đứng.
[6]. Tiêu chuẩn TCVN 5091- 1990- Xác định độ hút hơi nước.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 249 Tổng truy cập: 33.342.875