Thạc sĩ Dư Thị Luyến
Khoa Khoa học cơ bản
Tóm tắt
Bài viết này muốn cung cấp kiến thức cơ bản của nội dung kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt cho sinh viên nhà trường tham khảo trong quá trình học và tập luyện môn Bóng chuyền . Kiến thức này sẽ giúp các em tiếp thu phần lý thuyết của kỹ thuật một cách dễ hiểu, để từ đó áp dụng vào tập luyện động tác đạt hiệu quả nhanh và chính xác.
Hình 1. Kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt
1. Mở đầu
Phát bóng là kỹ thuật đưa bóng vào cuộc, mở đầu cho một trận đấu và cũng là mở đầu một đợt tấn công đối phương. Căn cứ vào tư thế đứng, tính chất chuyển động cũng như điểm tay tiếp xúc bóng khi phát ta có phát bóng thấp tay và phát bóng cao tay. Thực tế khi học môn Bóng chuyền tại trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội với lượng sinh viên nữ chiếm đa số thì các giảng viên lựa chọn kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt để giảng dạy tới sinh viên, vì kỹ thuật này dễ thực hiện hơn phát bóng cao tay và phù hợp với thể trạng của sinh viên nữ hơn. Tuy vậy với chiều dài sân bóng chuyền là 18m, chiều cao của lưới nam 2m43, chiều cao của lưới nữ 2m24 thì để phát được quả bóng chuyền qua lưới là không dễ và đòi hỏi các em sinh viên cần nắm bắt được chắc khối kiến thức kỹ thuật kết hợp với hệ thống các bài tập bổ trợ và có thời gian tập luyện phù hợp. Do đó trong khuôn khổ bài viết này tác giả muốn trình bày, tổng hợp lại các nội dung liên quan đến phần lý thuyết của kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt cho sinh viên nhà trường tham khảo và áp dụng vào tập luyện phần thực hành đạt kết quả tốt nhất.
2. Nội dung
2.1 Đặc điểm và tác dụng của phát bóng thấp tay trước mặt
Phát bóng thấp tay trước mặt cũng như các kỹ thuật phát bóng khác có các động tác thực hiện chúng đều tuân thủ theo quy luật chung là tung bóng và vung tay đánh bóng. Trong thực tế, có nhiều cách phối hợp hai tay khi phát bóng:
+ Thứ nhất, sinh viên có thể tung bóng trước, sau đó mới vung tay đánh bóng. Cách thực hiện này dùng cho người mới tập.
+ Thứ hai, sinh viên thực hiện vung tay trước sau đó mới tung bóng và phát bóng đi. Cách này được thực hiện trong trường hợp phát bóng có chủ định đến vị trí đã xác định trước.
+ Thứ ba, sinh viên làm động tác vừa tung bóng và vung tay đánh bóng. Cách thực hiện này đòi hỏi sự phối hợp phức tạp hơn nhưng có thể phát huy được sức mạnh, ý đồ chiến thuật khi kỹ thuật động tác đã được hoàn thiện.
Phát bóng thấp tay trước mặt có nguyên lý kỹ thuật động tác đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Phát bóng là kỹ thuật tấn công. Nếu quả phát bóng với lực mạnh, đường đi khó có thể giành được điểm trực tiếp. Phát bóng tốt sẽ đẩy đối phương vào thế bị động, giành quyền chủ động cho đội mình. Khi bị động đối phương dễ mắc sai lầm và tự đánh hỏng.
Phát bóng tốt sẽ tạo cho đội mình tâm lý ổn định, tự tin và hưng phấn.
2.2 Các giai đoạn của kỹ thuật
Kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt có 03 giai đoạn gồm: giai đoạn chuẩn bị (tư thế chuẩn bị), giai đoạn thực hiện động tác phát bóng và kết thúc động tác.
2.2.1. Tư thế chuẩn bị
Người tập đứng quay mặt vào lưới, chân trước, chân sau (chân không thuận đặt lên trước và cách chân sau khoảng nửa bước chân), hai gối khuỵu ở tư thế trung bình. Khuỷu tay không thuận co tự nhiên, ngửa lòng bàn tay đỡ bóng ở ngang thắt lưng. Tay thuận để nhẹ trên bóng hoặc thả lỏng tự nhiên dọc theo thân người.
Hình 2. Tư thế chuẩn bị
2.2.2. Giai đoạn thực hiện phát bóng
Để thực hiện động tác phát bóng, người tập thực hiện tung bóng. Người tập hạ thấp trọng tâm làm động tác tạo đà, tay không thuận tung bóng lên cao, hơi chếch về trước một chút, bàn tay miết nhẹ vào bóng. Tung bóng lên cao, bóng rời tay khoảng 25 – 50 cm. Cùng lúc tay không thuận tung bóng, trọng lượng cơ thể chuyển về chân sau, hơi khuỵu gối, tay thuận đưa ra sau tạo đà. Khi đánh bóng tay duỗi thẳng tự nhiên, vung tay từ sau ra trước, dùng bàn tay (hoặc cạnh bàn tay; nắm đấm phía lòng bàn tay; nắm đấm nghiêng) đánh vào phần sau, dưới, giữa tâm bóng ở ngang tầm thắt lưng.
Hình 3. Hình tay và tiếp xúc bóng
Đồng thời với quá trình vung tay đánh bóng trọng tâm cơ thể chuyển dần từ sau ra trước.
Hình 4. Quá trình chuyền bóng
Một số lưu ý trong quá trình phát bóng thấp tay trước mặt:
- Khi tung bóng, đường bóng phải chuyển động từ dưới lên trên, phải gần như theo phương thẳng đứng. Muốn vậy bàn tay khi tung bóng phải luôn song song với mặt đất.
- Khi tung bóng, bàn tay phải chuyển động nhịp nhàng từ từ tăng dần tốc độ để điều chỉnh tầm cao và đường bay của bóng.
2.2.3. Kết thúc động tác
Sau khi bóng rời khỏi tay, thân người và tay vươn theo hướng bóng đi và nhanh chóng bước chân sau lên để giữ thăng bằng và vào sân thực hiện các động tác tiếp theo.
2.3. Một số lỗi sai cơ bản, nguyên nhân và cách khắc phục khi thực hiện kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt, người tập thường mắc một số lỗi sai, nguyên nhân và cách khắc phục như sau:
TT
|
Một số lỗi sai
|
Nguyên nhân
|
Cách khắc phục
|
1
|
Bóng đi lệch hướng
|
Điểm tiếp xúc bóng:
- Lệch tâm bóng
- Tiếp xúc bóng không vào lòng bàn tay
|
Sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ để tiếp xúc bóng chính xác.
|
2
|
Tiếp xúc bóng sai thời điểm
|
- Do tiếp xúc bóng sớm quá (khi bóng vừa rời tay tung bóng), bóng đi lên cao nhưng không đủ lực qua lưới.
- Tiếp xúc bóng muộn quá (khi bóng rơi xuống quá thấp), bóng tiếp xúc vào các đầu ngón tay khiến đường bóng đi thấp, không đủ lực qua lưới (rúc lưới).
|
Sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ giúp người tập tiếp xúc bóng đúng thời điểm
|
3
|
Sai động tác phát lực
|
- Chưa duỗi thẳng, khép chặt ngón tay và gồng cứng cổ tay.
- Biên độ lăng tay ra sau quá ngắn dẫn đến không đủ lực đưa bóng qua lưới.
- Do tâm lý sợ đau, không dám dùng lực đánh bóng khiến bóng không qua lưới.
|
- Sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ giúp người tập thực hiện đúng động tác phát lực.
- Động viên, khuyến khích người tập mạnh dạn dùng lực phát bóng.
|
3. Kết luận
Với việc phân tích kỹ thuật phát bóng thấp tay trước mặt một cách chi tiết, súc tích ở trên hi vọng các em sinh viên nhà trường sẽ vận dụng vào thực tế tập luyện một cách tự tin để đạt kết quả cao trong thời gian nhanh nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đã chỉ rõ nguyên nhân của những lỗi sai thường mắc trong quá trình tập luyện. Đây là tiền đề để tác giả tiếp tục xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ nhằm khắc phục những lỗi sai đã nêu trên.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Viết Minh (chủ biên) – Hồ Đắc Sơn, Giáo trình Bóng chuyền, NXB Đại học sư phạm, 2007.
2. Trần Văn Hậu (chủ biên), Giáo trình Bóng chuyền, NXB Học viện nông nghiệp, 2020.