Thạc sĩ Đồng Trung Du
Khoa Khoa học cơ bản
Tóm tắt
Thông qua việc khảo sát, đánh giá thực trạng, bài viết này muốn đề xuất một số bài tập bổ trợ nhằm khắc phục những lỗi sai thường mắc khi sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần.
1. Mở đầu
Giáo dục thể chất là môn học nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và là một trong những mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước ta. Giáo dục thể chất được hiểu là quá trình sư phạm nhằm giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, hoàn thiện về thể chất và nhân cách, nâng cao khả năng làm việc, và kéo dài tuổi thọ của con người.
Chương trình giáo dục thể chất trong các trường Đại học nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dục là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập và rèn luyện thể lực cho sinh viên. Nội dung chương trình giáo dục thể chất trong trường đại học được tiến hành trong quá trình học tập của sinh viên trong nhà trường bằng hai hình thức: Giờ học giáo dục thể chất chính khoá và giờ tự học tập - ngoại khoá.
Cầu lông là môn học ảnh hưởng tích cực đến sự phát tiển các tố chất thể lực (sức nhanh, sức mạnh, sức bền...) và các tố chất vận động (khả năng phối hợp vận động; mềm dẻo, khéo léo...). Cầu lông là nội dung học tập chính khóa trong chương trình giáo dục thể chất tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy môn cầu lông, tác giả quan sát và nhận thấy kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần là một trong những kỹ thuật cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống các kỹ thuật cầu lông. Tuy nhiên, trong quá trình học tập kỹ thuật này, khá nhiều sinh viên mắc những lỗi sai cơ bản.
Để khắc phục những lỗi sai thường mắc, tác giả đề xuất một số bài tập bổ trợ nhằm giúp sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần hiệu quả hơn qua đó nâng cao thành tích học tập cũng như thi đấu.
2. Nội dung
2.1. Kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần
2.1.1.Yếu lĩnh kỹ thuật
Phát cầu là một kỹ thuật cơ bản và vô cùng quan trọng. Nó là kỹ thuật khởi đầu của mỗi tình huống cầu nên chất lượng phát cầu có quan hệ trực tiếp đến việc tạo ra thế chủ động hay bị động cho người phát cầu trong tình huống cầu cụ thể. Phát cầu cũng là một bộ phận quan trọng trong chiến thuật đánh cầu lông. Trong kỹ thuật phát cầu, phát cầu trái tay thấp gần là kỹ thuật được người tập sử dụng nhiều nhất khi tập luyện và thi đấu bởi kỹ thuật này được thực hiện dễ dàng hơn so với kỹ thuật phát cầu cao sâu, độ chính xác cao cũng như khả năng biến hóa khôn lường tạo ra sự uy hiếp cho đối phương...Những điều này thể hiện rất rõ trong yếu lĩnh kỹ thuật.
a) Tư thế chuẩn bị: Vị trí phát cầu có thể ở phía sau đường phát cầu gần khoảng 10 – 50 cm và gần với đường trung tâm. Cũng có khi ở sau vạch phát cầu gần và gần đường biên dọc. Người phát cầu đứng mặt hướng về lưới. Vị trí hai bàn chân đứng tách trước sau (đối với người mới tập nên để chân không thuận sau). Thân người hơi lao về trước, trọng tâm cơ thể rơi vào chân trước, tay thuận cầm vợt co ở khuỷu và đưa vợt ngang ra ở khoảng ngang thắt lưng, mặt vợt hơi ngửa và lệch về bên trái cơ thể. Tay không thuận, ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ chắc 2 – 3 chiếc lông cánh cầu, núm cầu hơi chúc xuống, hướng vào mặt vợt.
Hình 1: Tư thế chuẩn bị
b) Thực hiện động tác phát cầu: Khi đánh cầu, cẳng tay kéo theo cổ tay cắt đẩy ngang ra trước làm cho đường bay vòng cung của cầu cao hơn mép trên của lưới và rơi vào khu vực gần đường phát cầu gần
Hình 2: Thực hiện động tác phát cầu
Hình 3: Thực hiện động tác phát cầu
c) Kết thúc động tác: Sau khi phát cầu, người tập nhanh chóng trở về khu vực giữa sân để chuẩn bị đón đường cầu đánh sang của đối phương.
2.1.2. Những lỗi sai thường mắc
- Mặt vợt ngửa hoặc úp quá khiến cầu đi quá cao hoặc không qua lưới.
- Dùng lực cổ tay quá nhiều khiến cầu đi cao, lệch hướng và rơi không đúng ô quy định.
- Dùng lực nâng của vai để phát cầu khiến cầu đi quá cao.
2.2. Thực trạng lỗi sai thường mắc khi sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần.
Phát cầu trái tay thấp gần là một kỹ thuật cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống các kỹ thuật cầu lông. Kỹ thuật này dễ thực hiện hơn so với kỹ thuật phát cầu phát cầu thuận tay. Trong quá trình tập luyện, rất nhiều sinh viên mắc lỗi sai nên giảng viên cần nhiều thời gian để chỉnh sửa, khắc phục.
Tác giả đã tiến hành khảo sát 150 sinh viên ngành Công nghệ may về những lỗi sai thường mắc khi tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần. Kết quả thu được như sau:
Bảng 1. Thực trạng lỗi sai thường mắc khi sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần.
TT
|
Lỗi sai thường mắc
|
Số sinh viên mắc lỗi
|
Số lượng (người)
|
Tỉ lệ (%)
|
1
|
Mặt vợt ngửa hoặc úp quá khiến cầu đi quá cao hoặc không qua lưới
|
116
|
77,3
|
2
|
Dùng lực cổ tay quá nhiều khiến cầu đi cao, lệch hướng và rơi không đúng ô quy định
|
102
|
68
|
3
|
Dùng lực nâng của vai để phát cầu khiến cầu đi quá cao
|
73
|
48,6
|
Kết quả phân tích cho thấy: Số lượng sinh viên mắc lỗi là rất cao. Lỗi để mặt vợt ngửa quá hoặc úp quá khiến cầu đi cao quá hoặc không qua lưới chiếm đến 77,3 % số lượng sinh viên được khảo sát; Lỗi dùng lực nâng của vai để phát cầu khiến cầu đi quá cao chiếm ít nhất nhưng cũng lên đến 48,6%.
2.3. Đề xuất một số bài tập bổ trợ nhằm khắc phục những lỗi sai thường mắc khi sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần.
Căn cứ kết quả khảo sát thực trạng tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, tác giả đã phân tích và tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục những lỗi sai thường mắc (Bảng 2).
Bảng 2. Nguyên nhân và cách khắc phục các lỗi sai thường mắc
TT
|
Lỗi sai thường mắc
|
Nguyên nhân
|
Cách khắc phục
|
1
|
Mặt vợt ngửa hoặc úp quá khiến cầu đi quá cao hoặc không qua lưới
|
Cầm vợt sai nên đặt mặt vợt ngửa quá hoặc úp quá
|
Cầm vợt và đặt mặt vợt hơi ngửa, hướng mặt vợt về phía viền trên của lưới
|
2
|
Dùng lực cổ tay quá nhiều khiến cầu đi cao, lệch hướng và rơi không đúng ô quy định
|
Dùng lực của cổ tay quá nhiều quá
|
Sử dụng lực duỗi của khủy tay đẩy cẳng tay ngang ra trước
|
3
|
Dùng lực nâng của vai để phát cầu khiến cầu đi quá cao.
|
Dùng lực nâng của vai để phát cầu
|
Sử dụng lực duỗi của khuỷu tay đẩy cẳng tay ngang ra trước
|
Căn cứ nguyên nhân và cách sửa chữa đã được phân tích, tác giả đề xuất các bài tập bổ trợ sau:
2.3.1. Bài tập 1: Tập đặt vợt và đẩy hướng mặt vợt về phía viền trên của lưới (Tập không dùng quả cầu).
- Mục đích của bài tập: Bài tập nhằm giúp sinh viên định hướng đúng được mặt vợt khi thực hiện động tác phát cầu tránh tình trạng cầu đi cao quá hoặc không qua lưới.
- Yêu cầu của bài tập: Mỗi sinh viên vào tập sẽ thực hiện 20 lần đẩy hướng mặt vợt về phía viền lưới.
2.3.2. Bài tập 2: Tập phát cầu để đường cầu đi trong vùng giới hạn.
- Mục đích của bài tập: Bài tập nhằm giúp sinh viên phát cầu để đường cầu đi không vượt quá 20cm trên lưới. Đây cũng là bài tập mang tính chất thử thách nên nó cũng có tác dụng giúp sinh viên thấy hứng thú và nhiệt tình hơn trong quá trình tập luyện.
- Yêu cầu của bài tập: Phía trên lưới sẽ được căng thêm một sợi dây cố định bởi hai đầu cột lưới, song song với lưới và cách viền trên của lưới một khoảng 20cm. Mỗi sinh viên vào tập sẽ thực hiện 20 lần phát cầu và đếm số lần cầu đi đúng trong vùng giới hạn.
2.3.3. Bài tập 3: Tập phát cầu vào ô ghi điểm số.
- Mục đích của bài tập: Tập phát cầu để cầu rơi đúng vào vị trí mong muốn. Đây cũng là bài tập mang tính chất thử thách nên nó cũng có tác dụng giúp sinh viên thấy hứng thú và nhiệt tình hơn trong quá trình tập luyện.
- Yêu cầu của bài tập: Trong ô giới hạn phát cầu, ta sẽ vẽ một ô vuông có cạnh dài 50cm. Trong ô vuông này ta vẽ 10 ô nhỏ và ghi điểm số từ 1 đến 10. Điểm càng cao thì vị trí và độ rộng của ô điểm càng khó. Mỗi sinh viên sẽ thực hiện 10 quả phát và tính điểm trung bình ghi được sau 10 lần thực hiện.
2.3.4. Bài tập 4: Kết hợp bài tập 2 và 3
- Mục đích của bài tập: Giúp sinh viên hoàn thiện kỹ thuật phát cầu. Đây cũng là bài tập mang tính chất thử thách nên nó cũng có tác dụng giúp sinh viên thấy hứng thú và nhiệt tình hơn trong quá trình tập luyện.
- Yêu cầu của bài tập: Mỗi sinh viên thực hiện 10 quả phát cầu sao cho cầu vừa đi trong vùng giới hạn trên lưới 20cm và rơi vào ô điểm mong muốn. Sinh viên tính điểm trung bình ghi được sau 10 lần thực hiện.
3. KẾT LUẬN
Thông qua việc khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như phân tích để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục những lỗi sai thường măc, tác giả đã đề xuất được những bài tập bổ trợ bao gồm:
+ 2.3.1. Bài tập 1: Tập đặt vợt và đẩy hướng mặt vợt về phía viền trên của lưới (Tập không dùng quả cầu).
+ 2.3.2. Bài tập 2: Tập phát cầu để đường cầu đi trong vùng giới hạn.
+ 2.3.3. Bài tập 3: Tập phát cầu vào ô ghi điểm số.
+ 2.3.4. Bài tập 4: Kết hợp bài tập 2 và 3
Tác giả hy vọng những bài tập trên vừa là giải pháp khắc phục lỗi sai, vừa mang tính chất là những trò chơi thử thách sẽ giúp sinh viên tập luyện kỹ thuật phát cầu trái tay thấp gần hiệu quả hơn qua đó nâng cao thành tích học tập cũng như thi đấu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Vinh - Nguyễn Trọng Hải - Đào Chí Thành (2004), Giáo trình Cầu lông, NXB Đại học Sư phạm.
2. Ủy ban TDTT (2004), Luật cầu lông, NXB TDTT.