Nguyễn Thị Hà- Khoa KHCB
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 có ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục - lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Sự ra đời và tác động của cuộc CMCN 4.0 cùng quá trình hội nhập đa phương hóa, đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực đã và đang đặt những yêu cầu lớn đối với mọi quốc gia. Đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống giáo dục đại học hiện nay.
-
Đặc trưng của CMCN 4.0
Cuộc CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Thực chất, đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất. Cuộc cách mạng này làm thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và kỹ thuật, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ, năng suất lao động tăng nhanh, tạo ra của cải vật chất khổng lồ cho xã hội.
Trong cuộc CMCN 4.0, khoa học - công nghệ trở thành lực lượng lao động trực tiếp, phát triển kinh tế tri thức trở thành những đặc điểm chính của giai đoạn hiện nay. Trọng tâm của CMCN 4.0 là các phát minh, phát kiến và sự kết hợp của ba “đại xu hướng”: vật lý, số hóa và sinh học, hay là sự kết hợp của ba thế giới: thế giới vật chất, thế giới ảo (thế giới số) và thế giới sinh vật.
Đặc trưng cơ bản của CMCN 4.0 là kết quả hội tụ của nhiều công nghệ khác nhau. Yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Xu hướng chủ yếu trong CMCN 4.0 là tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất thông qua nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy… để tối ưu hóa mọi quá trình sản xuất. Ở đó, CMCN 4.0 đã tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau bằng hệ thống không gian mạng, Internet. Trong CMCN 4.0 còn có sự ra đời liên tiếp của những robot tự động với nhiều tính năng đặc biệt có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn con người trong việc tính toán tính toán, phân tích, ghi nhớ, lao động và tạo ra năng suất cao.
Sự khác biệt lớn của CMCN 4.0 đối với các cuộc cách mạng trước đó là tốc độ, phạm vi và sự tác động. Cuộc cách mạng này có tốc độ phát triển và lan truyền nhanh hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước. Vì CMCN 4.0 diễn ra trên phạm vi rộng lớn, bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong sản xuất chế tạo mà trong cả dịch vụ, trong đó có dịch vụ công làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Về mặt tích cực, CMCN 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều ngành nghề mới.
Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của CMCN 4.0 đối với việc làm sẽ là sự dịch chuyển cơ cấu lao động và thị trường lao động. Sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động. Điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây. Do vậy, mọi quốc gia cần có sự chủ động chuẩn bị trong việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường.
-
Yêu cầu nhân lực trong thời đại 4.0
CMCN 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... sẽ tác động làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Cung - cầu lao động, cơ cấu lao động và bản chất việc làm đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Robot có thể thay thế đối với ngành sợi dệt, tư vấn, chăm sóc khách hàng… sẽ được trả lời bằng robot tự động. Do đó mà số lượng người mất việc làm sẽ ngày càng gia tăng. Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Nhưng ngược lại, sẽ có nhiều công việc mới xuất hiện.
Như vậy, cơ hội dành cho tất cả mọi người trong CMCN 4.0 là như nhau. Nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, kỹ năng tốt tạo ra nhiều giá trị cho xã hội sẽ thành công. Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ cao hơn so với những thập kỷ trước.
Thực tế hiện nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Một trong những thách thức đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển khi tiếp cận với CMCN 4.0 chính là nguồn nhân lực có tay nghề cao. Theo số liệu trong Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của WEF, Việt Nam xếp hạng thuộc nhóm cuối trong bảng thứ hạng về lao động có chuyên môn cao, thậm chí xếp hạng sau Thái Lan và Philippin trong nhóm các nước ASEAN. Và cũng trong báo cáo này, thứ hạng về chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam chỉ ở thứ 80/100, so với trong nhóm các nước ASEAN thì chỉ đứng trước Campuchia (92/100).
Mặt khác, CMCN 4.0 với những công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng. Quy mô thiếu hụt nguồn tùy theo lĩnh vực ngành nghề. Khảo sát điều tra của Học viện chế tạo và Hãng Deloitte với 450 giám đốc điều hành sản xuất cho thấy những lĩnh vực mà nhân công thiếu kỹ năng nhất là: Công nghệ và máy tính (70 %), Giải quyết vấn đề (69%), đào tạo kỹ thuật cơ bản (67%) và kỹ năng tính toán (60 %). Đó là những thách thức lớn đối với Việt Nam. Chính vì vậy, đòi hỏi Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục của Việt Nam cần phải nhận thức được, sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 hiện nay.
-
Yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đại học trong thời đại 4.0
Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới và đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện và theo đó Giáo dục 4.0 đang được đánh giá là mô hình phù hợp.
Giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh được hình thành do sự tác động trực tiếp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình này là sự liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.
Mô hình này cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương… Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.
Bên cạnh đó, Giáo dục 4.0 sẽ giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường Đại học không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.
Trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong thời đại 4.0 luôn đặt ra những vấn đề cần giải quyết và có giải pháp kịp thời, hiệu quả. Điều này có thể thấy rõ thông qua sự tác động của cuộc cách mạng tới quá trình học tập và định hướng giáo dục của các trường đại học tới sinh viên hiện nay.
Thứ nhất, nền tảng của CMCN 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng, do vậy kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với nhà trường cũng như người học. Nhiệm vụ của các trường đại học trong giai đoạn tới phải đào tạo đủ chuyên gia công nghệ thông tin; tích cực trang bị cho sinh viên các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng có liên quan để đáp ứng nhu cầu xã hội trong nền công nghiệp 4.0. trang bị trình độ ngoại ngữ đủ để có thể làm việc ở mọi nơi trong tư cách của công dân toàn cầu.
Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Thực tế đã có những thay đổi việc làm trên thị trường lao động, người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Người máy với nguồn học liệu vô tận có thể thực hiện tốt các bài giảng ở một số môn học như địa lý, lịch sử... và có thể hoàn toàn thay thế đội ngũ giáo viên hiện nay. Việc làm ở các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, kế toán và tư vấn thuế cũng có thể bị thay thế hoàn toàn bởi các robot thông minh. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường đại học là định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngành nghề của cuộc CMCN 4.0 và đào tạo lại để thích ứng với ngành nghề mới.
Thứ ba, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa được linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động CMCN 4.0. Giáo dục và huấn luyện là một trong 9 lĩnh vực có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động rất mạnh và toàn diện, danh mục nghề đào tạo và chương trình đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh. Các trường đại học thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội, mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, áp lực đối với các trường đại học càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành). Các kỹ năng khác không thể thiếu, như: khả năng suy nghĩ có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành… Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Như vậy, CMCN 4.0 đã tạo áp lực lớn trong hoạt động đào tạo đối với các trường đại học, từ xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung chương trình cho đến đào tạo kỹ năng cho người học để đáp ứng yêu cầu công nghiệp.
Thứ tư, một vấn đề khác đặt ra cho các cơ sở đào tạo bậc cao là cách thức tổ chức để chuyển tải nội dung chương trình đào tạo đến người học. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số và hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuẩn bị tốt nguồn lực tổ chức giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, xây dựng không gian học tập, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học…
.
Như vậy với khâu đầu tiên mang tính đột phá là công nghệ thông tin, CMCN 4.0 đã tác động to lớn mạnh mẽ đến thế giới nói chung Việt Nam nói riêng. Để làm được điều đó thì giáo dục đóng vai trò nòng cốt... Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi căn bản, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc đại học, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, mẫu giáo; yêu cầu đặc biệt hiện nay là giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần phải thực hiện những nội dung sau:
Đối với giảng viên, phải hết thay đổi phương pháp, tiếp cận công nghệ mới trong giảng dạy. Quá trình giảng dạy phải gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy 4.0 và phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng nhằm đảm bảo mục tiêu, nội dung, thời gian giảng dạy và học tập của sinh viên. Mỗi giảng viên cần cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, các bài giảng cần gắn với thực tiễn ngành May, Sợi Dệt, Cơ khí…
Đối với sinh viên, cần nêu cao động cơ, ý thức học tập đúng đắn gắn liền với rèn luyện tác phong công nghiệp nhằm trang bị cho mình nền tảng tri thức và hành trang cần thiết sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, sinh viên phải thay đổi phương pháp học tập, tiếp thu kiến thức, kỹ năng, thái độ một cách chủ động, sáng tạo. Từng bước thay đổi tư duy trong học tập.
Đối với Nhà trường, cần trang bị đầu tư mua sắm máy móc công nghệ mới nhất để giảng dạy sinh viên. Rút ngắn thời gian giảng dạy lý thuyết, dành thời gian nhiều hơn cho các giờ giảng về thiết bị máy móc và tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần biến đổi các giờ thực hành thảo luận trên lớp sang thực tế tại Doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận công nghệ mới nhanh nhất, chính xác nhất. Hơn nữa, nhà trường cần chủ động trong việc kết nối nhiều hơn với doanh nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư từ nước ngoài vào giáo dục và chuyển giao công nghệ để cho ra đời những sản phẩm là nguồn nhân lực- sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May chất lượng, đạt tiêu chuẩn của thời đại 4.0.
Tài liệu tham khảo:
1. Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ngày 15/5 /2017 tại Hà Nội.
2. Tọa đàm “Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội hiện nay”, Báo Điện tử Tổ quốc, ngày 26/8/2017.
3. http://hict.edu.vn/gioi-thieu.htm
4. http://tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx