Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THEO DI CHÚC – KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

Ngày đăng: 02:34 - 14/02/2022 Lượt xem: 6.021
Hoàng Thị Huế
Khoa Khoa học Cơ bản
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
Tóm tắt: Việc để lại tài sản cho người thân là quyền dân sự của công dân. Quyền này được Hiến pháp và pháp luật dân sự thừa nhận và bảo vệ. Do đó, người có tài sản được quyền lập di chúc nhằm để lại tài sản cho người khác sau khi chết. Bộ Luật dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 thay thế BLDS năm 2005 đã có sự hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về chế định thừa kế. Tuy nhiên, một số vấn đề còn vướng mắc trong áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc. Trong phạm vi bài viết này tập trung nghiên cứu một số bất cập và hướng hoàn thiện trong các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc trong BLDS năm 2015.

Từ khóa: Di chúc, di chúc miệng, thừa kế theo di chúc
 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Quan hệ thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kì sơ khai và phát triển song song cùng sự phát triển của xã hội loài người, quyền thừa kế là một quyền cơ bản của công dân được pháp luật của các quốc gia ghi nhận. Hiện nay ở nước ta, các chế định về thừa kế nói chung và vấn đề thừa kế theo di chúc nói riêng đã được quy định khá rõ trong BLDS 1995, BLDS 2005 và hiện nay là BLDS 2015.

BLDS năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện phù hợp với tình hình chính trị, xã hội thực tế, trong đó các chế định về thừa kế cũng ngày càng được quan tâm bởi đây là một trong những vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống và có nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, từ đó dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau, việc áp dụng trên thực tế cũng không thống nhất trong quá trình thực hiện thừa kế di sản của người chết. Những bất cập đó sẽ được tác giả đề cập đến trong nội dung bài viết dưới đây.

II. NỘI DUNG

1. Một số bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc trong BLDS 2015.
 
1.1. Quy định về sự đồng ý cho lập di chúc
Về nội dung này, BLDS năm 2015 đã có những quy định thay đổi để đảm bảo tính phù hợp hơn so với các BLDS trước đó. Thay vì chỉ cần sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho đối tượng từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám như các văn bản quy phạm pháp luật trước, khoản 2 Điều 625 BLDS năm 2015 quy định “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”.  Điều này khẳng định một cách rõ ràng hơn, là cha, mẹ hoặc người giám hộ không được can thiệp vào nội dung di chúc của người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi. Điểm a khoản 1 Điều 117 BLDS quy định chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Theo đó, việc lập di chúc là một giao dịch dân sự dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương. Đồng thời, người lập di chúc phải khả năng nhận thức và làm chủ hành vi phù hợp. Trong đó, độ tuổi phù hợp để thực hiện được việc lập di chúc là từ đủ 15 tuổi.
Tuy nhiên, sự nhận thức của người chưa thành niên vẫn không hoàn toàn đầy đủ và rõ ràng. Do đó, vẫn cần đến sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Khi đó, những chủ thể này sẽ xem xét hành vi lập di chúc của trẻ là có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như có bị ép buộc hay không. Có thể hiểu rằng trách nhiệm của người làm cha, mẹ hoặc giám hộ là đánh giá khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hoành cảnh của người lập di chúc.
 Quy định này thể hiện được sự phù hợp khi xét về bản chất của di chúc. Vì nội dung của di chúc phải là sự thể hiện ý chí của người kiến tạo ra nó, cho nên quy định mới này là phù hợp. Tuy nhiên, quy định về sự  đồng ý cho lập di chúc của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với loại di chúc của người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám là hợp lý nhưng vẫn chưa thuyết phục, vì:

Thứ nhất, di chúc hành vi pháp lý đơn phương của người để lại di sản. Pháp luật đề cao phương tiện ghi nhận sự thể hiện ra bên ngoài của ý chí hơn là những yếu tố mang tính ý niệm ở bên trong. Theo đó, việc lập di chúc của nhóm cá nhân này cần thiết phải ghi nhận một cách rõ ràng hơn sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc bằng hình thức cụ thể mà qua đó, có thể chứng minh được sự tồn tại của nó một cách đơn giản nhất. Vì di chúc có hiệu lực ở thời điểm người lập di chúc chết, nếu việc đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc không rõ ràng thì có thể dẫn tới “sự không tồn tại bản di chúc”.  Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người lập di chúc và đồng thời ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của những người thừa kế được chỉ định trong di chúc.  Họ sẽ phải vất vả rất nhiều trong việc chứng minh sự tồn tại sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người này.

Thứ hai, việc xác định phạm vi chủ thể đồng ý cho lập di chúc chưa bao quát được các trường hợp khác trong đời sống dân sự. Thực tế cho thấy, có trường hợp tại thời điểm người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi lập di chúc chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân hay cha hoặc mẹ biết việc lập di chúc của con và chỉ có một người đồng ý. Người còn lại có thể biết hoặc không biết về việc lập di chúc và chưa thể hiện sự đồng ý và khi có tranh chấp, họ hoàn toàn có thể thể hiện ý chí mình về việc chưa đồng ý. Rõ ràng, với quy định hiện tại, người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có thể lập di chúc khi người này rơi vào một trong hai trạng thái: phải có cả cha, mẹ và cả cha, mẹ phải đồng ý cho lập di chúc hoặc có người giám hộ. Sự ghi nhận này hoàn toàn chưa đảm bảo được yếu tố khách quan và toàn diện vì nó có thể xâm phạm với quyền, lợi ích của một nhóm người trong xã hội.

1.2. Về tính hợp pháp của di chúc miệng
            Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015, di chúc miệng chỉ được xem là hợp pháp nếu đáp ứng những điều kiện về hình thức sau:Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.” Theo tác giả quy định này còn một số điểm chưa phù hợp:

Thứ nhất, về thời hạn đi công chứng, chứng thực di chúc miệng. Theo quy định của BLDS, thời hạn này là 5 ngày làm việc kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế thể hiện ý chí của mình ra bên ngoài. Vì sao BLDS giới hạn thời hạn công chứng, chứng thực trong khoảng thời gian chỉ có 5 ngày ngắn ngủi và việc giới hạn khoảng thời gian sẽ có tác dụng gì trong trường hợp này? Tác giả cho rằng, quy định này nhằm mục đích bảo đảm sự an toàn và tính hợp pháp cho di chúc miệng đã được lập, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người để lại di sản thừa kế. Bởi lẽ, bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra dẫn đến người làm chứng không thể công chứng, chứng thực di chúc được sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc miệng đã được lập. Ví dụ, trường hợp một trong hai người làm chứng lại xảy ra chuyện mà chưa kịp công chứng, chứng thực di chúc. Ngoài ra, cần phải giới hạn thời gian vì di chúc miệng có thể bị ảnh hưởng nếu sau 3 tháng kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế thể hiện ý chí mà còn sống, minh mẫn, sáng suốt. Do vậy, luật giới hạn thời gian công chứng, chứng thực di chúc miệng. Tuy nhiên việc giới hạn thời điểm di chúc được công chứng, chứng thực trong 5 ngày theo tác giả là quá ngắn. Bởi lẽ, người lập di chúc miệng là những người đang ở trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa, có thể là bệnh nặng sắp chết hay gặp hoạn nạn…Sau khi người lập di chúc miệng chết, gia đình phải lo tang lễ mất ba đến năm ngày nên không thể kịp công chứng, chứng thực di chúc trong thời gian luật định.
 
Thứ hai,
theo quy định tại khoản 5 điều 630 BLDS nếu không được công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn 05 ngày làm việc thì di chúc miệng sẽ mất hiệu lực có thể dẫn đến hậu quả là di chúc không có giá trị pháp lý và tài sản sẽ không được chia theo di chúc này theo đúng tâm tư, nguyện vọng của người để lại di chúc. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực là do ai sẽ thực hiện là người thừa kế được hưởng di sản hay những người làm chứng về việc để lại di chúc theo quy định của pháp luật. Điều này gây ra cách hiểu khác nhau, có ý kiến cho rằng người hưởng di sản có thể thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc mà đã được những người làm chứng ghi lại theo ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người có tài sản để lại. Ý kiến khác lại cho rằng, việc tiến hành công chứng hoặc chứng thực này chỉ có thể do người làm chứng thực hiện (người thừa kế có thể đi cùng người làm chứng). Chính quy định chưa rõ nghĩa vụ công chứng, chứng thực nên việc áp dụng di chúc miệng trong thực tiễn sẽ khác nhau.

1.3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất, của người không biết chữ.
Theo quy định tại khoản 3 điều 630 BLDS 2015, người bị hạn chế về thể chất, người không  biết chữ chỉ có thể lập di chúc thông qua  người làm chứng lập thành văn bản. Văn bản này sau đó được mang đi công chứng hoặc chứng thực. Quy định này trên thực tế có thể được hiểu theo hai cách sau:

Thứ nhất, người hạn chế về thể chất, người không biết chữ chỉ có thể lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Thứ hai, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ có thể lập di chúc bằng miệng. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 3 Điều 630 BLDS, người làm chứng phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Đây cũng là một điều kiện đối với di chúc miệng được quy định tại khoản 5 điều 630 BLDS. Cách hiểu này đảm bảo quyền lựa chọn và sự tự do ý chí của người để lại di sản thừa kế theo di chúc là đối tượng thuộc nhóm người đặc biệt.
Do vậy, để tránh việc suy luận ra hai cách hiểu như trên và để thống nhất trong việc áp dụng luật cần có quy định cụ thể rõ ràng hơn về hình thức di chúc của người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ.

1.4. Di sản dùng vào việc thờ cúng.
Theo quy định tại Điều 626, 645 BLDS năm 2015 quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Tuy nhiên, việc hiểu “một phần tài sản trong khối di sản” được quy định trong điều 626 chưa thống nhất nên trên thực tế áp dụng đã có những cách hiểu và vận dụng khác nhau, chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Cụ thể có hai cách hiểu và vận dụng pháp luật một cách khác nhau đối với cùng một nội dung thủ tục công chứng di chúc.

Quan điểm thứ nhất cho rằngmột phần tài sản trong khối di sản” được hiểu là một phần tài sản trong một tài sản cụ thể, độc lập với tài sản khác. Do đó, hiện nay có phòng công chứng chưa đồng ý việc công chứng di chúc có nội dung để lại toàn bộ nhà, đất dành vào việc thờ cùng bởi họ cho rằng đối với một ngôi nhà cụ thể thì người lập di chúc chỉ được dành một phần của ngôi nhà đó để thờ cúng, chứ không được để lại toàn bộ toàn bộ ngôi nhà để thờ cúng.  Do vậy, dẫn đến trường hợp có người có hai hoặc nhiều ngôi nhà trên các thửa đất khác nhau nay muốn lập di chúc để lại một ngôi nhà để thờ cúng nhưng không được công chứng di chúc.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng cần phải hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là cần phải hiểu một phần tài sản của toàn bộ khối di sản mà người lập di chúc để lại, chứ không thể hiểu là một phần của từng tài sản đơn lẻ. Nếu toàn bộ ngôi nhà gắn liền với đất là một phần tài sản trong khối di sản (còn có nhiều tài sản khác như tài khoản ở ngân hàng, vàng bạc đá quý, nhà đất khác…) thì phải chứng thực di chúc với nội dung nói trên theo yêu cầu của người dân.         

2. Kiến nghị hoàn thiện
2.1. Về người lập di chúc điều 625 BLDS 2015
Như đã phân tích ở trên tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 2 Điều 625 như sau: “Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi có quyền lập di chúc, nhưng chỉ được lập di chúc bằng văn bản khi có sự đồng ý bằng văn bản về việc lập di chúc của cha và mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp, người lập di chúc chỉ có cha hoặc mẹ tại thời điểm lập di chúc chỉ cần có sự đồng ý bằng văn bản của một người nhưng người còn lại phải ở trạng thái không thể biết việc lập di chúc đó không do lỗi của mình”.
 
2.2. Về tính hợp pháp của di chúc miệng

Thứ nhất, để bảo đảm tính khả thi của hình thức di chúc miệng, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 5 Điều 630 BLDS theo hướng kéo dài thời hạn đi công chứng, chứng thực di chúc miệng lên thành 07 ngày làm việc. Mặt khác, trong thời gian người làm chứng đang đi công chứng, chứng thực di chúc mà người để lại di sản thừa kế chết thì liệu rằng di chúc có thỏa mãn điều kiện về hình thức hay không? Tác giả cho rằng, cần công nhận di chúc vì việc công chứng, chứng thực di chúc chỉ là thực hiện cho đúng về hình thức theo như yêu cầu. Bởi lẽ, về bản chất, những người làm chứng đã xác nhận đây đúng là di chúc của người để lại di sản thừa kế. Bên cạnh đó, việc công chứng, chứng thực chỉ là xác nhận chữ ký của người làm chứng. Do vậy, không thể vì thiếu công chứng, chứng thực mà lại không công nhận di chúc này

Thứ hai, nếu cho rằng bắt buộc người làm chứng phải thực hiện việc công chứng, chứng thực thì nếu họ không thực hiện dẫn đến di chúc bị vô hiệu thì quyền và lợi ích của những người thừa kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, sẽ phát sinh trách nhiệm của người làm chứng điều này là không hợp lý. Do đó cần quy định rõ trách nhiệm công chứng, chứng thực di chúc miệng là của người hưởng di sản. Điều này phù hợp vì người hưởng di sản trong trường hợp này là người có quyền lợi trực tiếp từ phần di sản được định đoạt trong di chúc. Việc quy định như vậy cũng không ảnh hưởng đến nội dung di chúc vì đây chỉ là thủ tục đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.

2.3. Bổ sung chủ thể có quyền lập di chúc bằng hình thức di chúc miệng
Theo quy định tại khoản 3 điều 630 BLDS 2015, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ chỉ có thể lập di chúc thông qua việc người làm chứng thể hiện dưới văn bản. Văn bản này sau đó được mang đi công chứng hoặc chứng thực. Quy định này trên thực tế có những cách hiểu không thống nhất như đã phân tích phần trên. Do vậy tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 3 Điều 630 BLDS theo hướng quy định rõ, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ có thể lập di chúc bằng miệng.

2.4. Về việc di sản dùng vào việc thờ cúng
Điều 645 BLDS 2015 quy định rõ vấn đề nêu trên theo hướng người lập di chúc có quyền để lại một phần tài sản trong toàn bộ khối di sản để dùng vào việc thờ cúng. Quy định như thế sẽ hạn chế được cách hiểu thứ nhất nêu trên, có nghĩa là không thể hiểu một phần của một loại tài sản đơn lẻ, độc lập. Điều đó sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, những cách hiểu trái chiều trong việc áp dụng quy định pháp luật đối với một thủ tục hành chính cụ thể, giúp người dân thực hiện được quyền của mình một cách thuận lợi và phù hợp với chính sách pháp luật của nước ta hiện nay.         

III. KẾT LUẬN
Các quy định về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên, qua phân tích đã cho thấy vẫn còn có một số hạn chế nhất định, chưa phù hợp về mặt lý luận, cũng như xu thế chung của pháp luật hiện đại. Chính vì vậy, trong tương lai BLDS năm 2015 cần sửa đổi để quy định về thừa kế theo di chúc được hoàn thiện và phù hợp hơn, nhưng trước hết cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để tránh trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau, không những gây khó khăn trong quá trình giải quyết trên thực tiễn, mà còn ảnh hưởng đến quyền thừa kế của các đối tượng được hưởng thừa kế theo di chúc.
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự
  2. Quốc hội (2005), Bộ luật dân sự
  3. TS. Phùng Trung Tập (2005), “Quy định về người lập di chúc”, Tạp chí Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao, số 03/2005.
  4.  Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học Những điểm mới của BLDS năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.572.
  6. Phùng Trung Tập (2008), Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 219 Tổng truy cập: 31.973.070