Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN DUY VẬT ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY BIỆN CHỨNG CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 02:48 - 18/11/2019 Lượt xem: 93.248
Nguyễn Thị Thùy
Khoa Khoa học cơ bản
Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội
1. Mở đầu
 Tư duy biện chứng duy vật có vai trò to lớn đối với nhận thức và hoạt động thực tiễn của sinh viên. Việc nâng cao năng lực tư duy cho sinh viên là vấn đề quan trọng trong tình hình hiện nay, giúp sinh viên có tư duy khoa học trong quá trình học tập và làm việc sau này. Cụ thể là, nó giúp sinh viên khắc phục lối tư duy siêu hình, phiến diện… để có thể xem xét đối tượng một cách đúng đắn, toàn diện; khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ và thái độ định kiến với cái mới; tránh sự phỏng đoán thiếu cơ sở khoa học và nguy cơ rơi vào ảo tưởng; nhìn nhận đối tượng một cách khách quan và khoa học; giúp việc học tập và nghiên cứu các môn khoa học khác có hiệu quả hơn, đồng thời có khả năng gắn kết lý luận với thực tiễn, gắn học với hành, là cơ sở quan trọng để xây dựng năng lực tư duy, nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra một cách đúng đắn.
  Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức, cùng với sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường. Trước thay đổi đó, đòi hỏi sinh viên không những giỏi về chuyên môn mà còn đòi hỏi khả năng vận dụng tri thức khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, việc học tập phương pháp luận duy vật biện chứng ngay từ năm thứ nhất của sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội nói riêng phải được đặc biệt chú trọng.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phương pháp luận và năng lực tư duy biện chứng
 Phương pháp là một hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ những tri thức về các quy luật khách quan dùng để điều chỉnh hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu đã xác định.
Vậy phương pháp luận là gì? Phương pháp luận (Methodology) là lý luận về phương pháp, là hệ thống những quan điểm, các nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và thực tiễn. Trong đó quan trọng nhất là các nguyên lý có quan hệ trực tiếp với thế giới quan, có tác dụng định hướng việc xác định phương hướng nghiên cứu, tìm tòi, lựa chọn và vận dụng phương pháp.
  Theo từ điển triết học, khái niệm năng lực được hiểu: “Năng lực là khả năng và điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có, là tổng hợp những phẩm chất tâm - sinh lý tạo cơ sở và khả năng hình thành một hoạt động nào đó; năng lực là tổng hợp những phẩm chất tâm - sinh lý của con người khiến cho nó thích hợp với một loại hình nghề nghiệp nhất định đã hình thành trong lịch sử”.
          “Năng lực tư duy là tổng hợp những khả năng ghi nhớ, tái hiện, liên tưởng, trừu tượng hóa, khái quát hóa và xử lí tri thức trong quá trình phản ánh, tái tạo, phát triển và vận dụng chúng vào những tình huống thực tiễn nhất định” [1; tr18]. Năng lực tư duy giữ vai trò quan trọng trong nhận thức khoa học; là khả năng nắm bắt và vận dụng những tri thức vào cuộc sống; là năng lực phản ánh bằng liên tưởng, phát hiện và xử lí thông tin trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể; là một lực lượng tinh thần đang nhận thức, một cơ chế đang vận động, sự tổng hợp của các quy luật tư duy trên cơ sở quy luật của đời sống hiện thực...  
Năng lực tư duy biện chứng là một bộ phận cấu thành năng lực tư duy, nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chủ thể nhận thức và hoạt động. Năng lực tư duy biện chứng đòi hỏi chủ thể nhận thức không chỉ có tri thức khoa học sâu rộng mà còn phải biết vận dụng linh hoạt, mềm dẻo những tri thức đó vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Nhưng để có khả năng vận dụng những tri thức chung nhất của phép biện chứng duy vật vào giải quyết những vấn đề cụ thể, đòi hỏi chủ thể nhận thức phải hiểu biết sâu sắc và nắm vững được phép biện chứng duy vật. Có như vậy mới hình thành được năng lực tư duy biện chứng.
Như vậy, năng lực tư duy biện chứng là tổng hợp tất cả các phẩm chất của tư duy ở trình độ cao, khoa học nhằm giải quyết những vấn đề nhận thức và thực tiễn đang đặt ra một cách đúng đắn, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả nhất. Muốn vậy chủ thể tư duy phải: Nắm vững các nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật vào nhận thức và giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tiễn đặt ra.
Nâng cao năng lực tư duy biện chứng thực chất là nâng cao trình độ hiểu biết về tư duy biện chứng duy vật và vận dụng các phương pháp của tư duy biện chứng duy vật để giải quyết những vấn đề nhận thức và thực tiễn đang đặt ra.Thực tiễn đang đòi hỏi sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội nói riêng phải nỗ lực học hỏi để nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật góp phần vào việc hình thành tư duy lí luận khoa học cho sinh viên, làm cơ sở động lực cho nhận thức và hành động. Từ đó, giúp sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học tốt hơn, nhìn nhận, đánh giá vấn đề đầy đủ, chính xác, biện chứng, sáng tạo và linh hoạt vào các hoạt động của thực tiễn ngành nghề cụ thể.
2.2. Vai trò của phương pháp luận và vai trò năng lực tư duy trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của sinh viên
Vai trò của phương pháp luận triết học đối với nhận thức và thực tiễn thể hiện ở chỗ nó chỉ đạo sự tìm kiếm, xây dựng; lựa chọn và vận dụng các phương pháp để thực hiện hoạt động nhận thức và thực tiễn; đóng vai trò định hướng trong quá trình tìm tòi, lựa chọn và vận dụng phương pháp. Với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó, triết học đóng vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan. Triết học giữ vai trò định hướng cho quá trình củng cố và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong lịch sử. Trang bị thế giới quan đúng đắn mới chỉ là một mặt của triết học Mác - Lênin. Với tư cách là hệ thống tri thức chung nhất của con người về thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó, triết học thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất. Phương pháp luận của triết học Mác - Lênin đã góp phần quan trọng chỉ đạo, định hướng cho con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.            
 Khi khẳng định vai trò của tư duy đối với nhận thức và cải tạo thế giới, V.I.Lênin đã khẳng định: “Ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan, mà còn tạo ra thế giới khách quan” [7, tr.228]. Điều này cho thấy, một mặt, thông qua hoạt động tư duy, con người có thể nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan; mặt khác, thông qua hoạt động thực tiễn, con người có thể cải biến hiện thực khách quan theo những lợi ích của mình. Cũng từ đó, có thể khẳng định tư duy khoa học, năng lực tư duy khoa học có vai trò quan trọng đối với cả hoạt động nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. Năng lực tư duy biện chứng sẽ giúp cho sinh viên rất nhiều trong quá trình học tập cũng như công tác sau này:
             Thứ nhất, luôn tiếp nhận tri thức một cách khoa học, sáng tạo. Tư duy biện chứng sẽ giúp sinh viên cái nhìn toàn diện, phân biệt tri thức đúng, sai; chỉ ra nguyên nhân cái sai, và khẳng định, phát triển tri thức đúng đắn. Sinh viên tự học, tự nghiên cứu, giải thích thực tiễn biến đổi, đưa ra những giải pháp mà thực tiễn đặt ra…
           Thứ hai, có phương pháp học tập, làm việc đúng đắn; sinh viên không còn phải học vẹt, học tủ; mà học hiểu, biết vận dụng, biết đánh giá và sáng tạo ra tri thức mới.
          Thứ ba, loại bỏ tư duy siêu hình, cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ...
2.3. Nội dung cơ bản rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên
          Sinh viên có rèn luyện năng lực tư duy qua nhiều môn học, nhưng cơ bản và nền tảng là rèn luyện phương pháp luận biện chứng trong môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin 1.
             Nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật bao gồm: Hai nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật; Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật; Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật; Lý luận nhận thức duy vật biện chứng [2, tr.61-124]. Từ những nội dung này, sinh viên phải biết phương pháp luận được rút ra là gì để vận dụng trong cuộc sống, lao động, học tập của sinh viên. Do đó, rèn luyện phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên là rèn luyện các nội dung cơ bản sau:
           Một là, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quan điểm toàn diện đòi hỏi sinh viên nhận thức và xử lý các tình huống thực tiễn cần phải xem xét sự vật, hiện tượng phải đặt trong mối liên hệ biện chứng qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật, hiện tượng và trong sự tác động qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với sự vật, hiện tượng khác. Trong hoạt động thực tế, sinh viên phải sử dụng đồng bộ các biện pháp, các phương tiện khác nhau để tác động vào đối tượng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Mặt khác, chúng ta cần giúp cho sinh viên có thể nhận diện và phê phán quan điểm phiến diện, quan điểm chiết trung, ngụy biện.
       Hai là, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm lịch sử – cụ thể trong nhận thức và hành động. Quan điểm lịch sử – cụ thể đòi hỏi sinh viên trong nhận thức và xử lý các tình huống, giải thích các hiện tượng cần phải xét đến tính đặc thù của đối tượng nhận thức. Khi nhận thức sự vật và tác động vào sự vật phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, môi trường cụ thể mà trong đó sự vật sinh ra, tồn tại, phát triển. Phải xác định rõ vị trí, vai trò khác nhau của từng mối liên hệ cụ thể, trong tình huống cụ thể.
      Ba là, rèn luyện cho sinh viên có quan điểm phát triển trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Quan điểm phát triển đòi hỏi sinh viên không chỉ nắm bắt cái hiện đang tồn tại của sự vật, mà còn phải thấy rõ khuynh hướng phát triển trong tương lai của chúng; phải thấy được những biến đổi đi lên cũng như những biến đổi có tính chất thụt lùi, khuynh hướng chung là phát triển đi lên, tức phải thấy được tính quanh co, phức tạp của sự vật, hiện tượng trong quá trình phát triển của nó. Sinh viên phải biết phân chia quá trình phát triển của sự vật thành từng giai đoạn, từ đó có cách tác động phù hợp thúc đẩy sự vật phát triển. Cần giúp sinh viên nhận diện và phê phán quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến trong nhận thức và hành động.
           Bốn là, rèn luyện phương pháp luận biện chứng qua nghiên cứu phương pháp luận rút ra từ các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật: cái riêng và cái chung, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực.
          Năm là, rèn luyện phương pháp luận biện chứng qua nghiên cứu những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Với quy luật chuyển hoá từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên trong nhận thức và hành động phải biết đi từ những tích luỹ về lượng để làm biến đổi về chất, cách thức tích lũy về lượng (tăng về số lượng, thay đổi cách sắp xếp các yếu tố cấu thành, hay cả hai), phải có quyết tâm để tiến hành bước nhảy thông qua vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy. Cần khắc phục hai tư tưởng trái ngược nhau là tư tưởng tả khuynh (nôn nóng, bất chấp quy luật, chủ quan duy ý chí) và tư tưởng hữu khuynh (bảo thủ, trì trệ). Với quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên hiểu sâu sắc rằng, để nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật, hiện tượng và tìm ra phương hướng, giải pháp hiệu quả thì phải nghiên cứu, phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật; phải xem xét sự vật trong thể thống nhất những mặt (nét tương đồng), những khuynh hướng trái ngược nhau, tìm ra những mặt đối lập và những mối liên hệ, sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập đó; phải biết phân loại mâu thuẫn để đưa ra phương pháp đấu tranh cho phù hợp (tìm ra phương thức, phương tiện và lực lượng giải quyết mâu thuẫn để thúc đẩy sự vật phát triển). Đối với quy luật phủ định của phủ định, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên nhận thức đúng đắn về xu hướng phát triển của sự vật là đường “xoáy ốc”, hiểu rõ quá trình phát triển của sự vật không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng, mà nhiều khi diễn ra quanh co, phức tạp, bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau và ở mỗi chu kỳ này, sự vật có những đặc điểm riêng biệt, nên phải có cách tác động phù hợp, phải biết ủng hộ cái mới, đồng thời kế thừa có chọn lọc những cái vốn có tinh hoa của cái cũ…
            Sáu là, rèn luyện phương pháp biện chứng cho sinh viên nghiên cứu nội dung Lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Cần rèn luyên sinh viên nắm vững quan điểm thực tiễn, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa giáo điều. Nhận thức là một quá trình, lặp đi lặp lại không có điểm dừng: từ thực tiễn tới nhận thức – từ nhận thức lại trở về thực tiễn – từ thực tiễn tiếp tục quá trình nhận thức và loài người càng tiến dần đến chân lý. Sinh viên phải nhận thức được chân lý là khách quan, chống những quan điểm chủ quan cho rằng chân lý là thuộc về kẻ mạnh, chân lý thuộc về đa số, chân lý là lý lẽ hợp lý, chân lý gắn với lợi ích…; phê phán chủ nghĩa tuyệt đối và chủ nghĩa tương đối, cần xác định chân lý vừa mang tính tương đối, vừa mang tính tuyệt đối và chân lý là cụ thể. Theo Lênin: bản chất, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là phân tích cụ thể ở mỗi tình hình cụ thể; rằng phương pháp của Mác trước hết là xem xét nội dung khách quan của quá trình lịch sử trong một thời điểm cụ thể nhất định [6, tr.364]. Phương pháp luận biện chứng phải được xét trên lập trường duy vật, nên phải chú ý phần thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
2.4. Vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để nâng cao năng lực tư duy cho sinh viên trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội
 Sinh viên trường trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội với đặc thù là học khối tự nhiên – năng khiếu - nghề - giới tính hơn 80% sinh viên là nữ. Vì vậy khi học thế giới quan và phương pháp luận triết học của học phần những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, họ chỉ mới biết học thuộc lòng những gì giảng viên truyền đạt. Sinh viên hưa hiểu sâu sắc bản chất của những tri thức đã học để có thể rút ra được ý nghĩa thực tiễn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng hoàn cảnh cụ thể trong học tập và sinh hoạt.
Sinh viên chưa thật sự xác định đúng đắn tầm qun trọng của môn học, cho rằng đây là môn học chung, môn học phụ, tri thức khô khan, khó hiểu, không thiết thực với cuộc sống, học cũng không giúp gì cho chuyên môn của họ. Vì thế, nhiều sinh viên không hứng thú, say mê học tập, coi việc học nó là bắt buộc, gò ép, chống đối, có thái độ học tập chưa nghiêm túc nên két quả học tập còn thấp, chủ yếu đạt điểm trung bình và trung bình khá, kết quả khá, giỏi rất ít.
 Một số sinh viên còn phạm phải sai lầm khi vận dụng các nguyên tắc của phép biện chứng duy vật  vào học tập và nghiên cứu khoa học. Nghĩa là năng lực tư duy biện chứng của họ còn hạn chế, điều đó đã làm cho nhiều sinh viên hiện nay không hiểu và nắm vững nguyên tắc khách quan nên trong cách nghĩ, cách làm của họ còn biểu hiện sự liều lĩnh, vội vàng không xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, điều kiện hiện có của gia đình, của bản thân nên rơi vào ảo tưởng.
 Khắc phục những hạn chế trên việc vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để nâng cao năng lực tư duy cho sinh viên trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội yêu cầu:
        Thứ nhất, giảng viên trang bị tri thức đầy đủ về phương pháp luận biện chứng duy vật cho sinh viên. Cần tập trung cho sinh viên nắm vững phương pháp luận được rút ra từ lý luận phép biện chứng duy vật: quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển, quan điểm thực tiễn; phương pháp luận được rút ra từ các cặp phạm trù, các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật… Trong quá trình giảng dạy cần so sánh, phân tích lý luận, nêu vấn đề cho sinh viên giải quyết, sau đó kết luận. Chẳng hạn: Vì sao sự phát triển diễn ra theo đường “xoáy ốc” mà không theo đường thẳng hoặc theo vòng tròn khép kín? Cần đưa ra những cứ liệu cả trong tự nhiên, xã hội và tư duy để chứng minh.
            Thứ hai, giảng viên luyện tập cho sinh viên các phương pháp biện chứng thông qua thực tiễn cách mạng, trong cuộc sống đầy biến đổi không ngừng….Ví dụ: Đảng ta đã vận dụng nguyên tắc khách quan trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam như thế nào? Sinh viên có thể chỉ ra sự vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật như thế nào qua câu nói của Hồ Chí Minh: “… Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ” [4, tr.479]; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ” [5, tr.234]; hay tìm những câu thơ, tục ngữ, ca dao, danh ngôn phản ánh tư tưởng triết học duy vật biện chứng. Cho một ví dụ trong thực tiễn để làm rõ sự vận động, phát triển của sự vật chịu tác động đồng thời cả ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật;  Hay sau khi hoàn thành công việc đồng áng, chị Hà tranh thủ đi thay khóa quần. Sau khi thợ thay  xong, chị hỏi cô thợ may: “Hết bao nhiêu tiền để chị trả”. Cô thợ may trả lời: “Dạ, ba mươi ngàn đồng thưa chị”. Chị Hà giãy nảy: “Sao đắt thế? Cách đây vài tháng cô lấy hai mươi ngàn đồng thôi mà”. cô thợ may phân trần: “Thưa chị, dạo này mọi chi phí đều tăng lên gấp đôi, từ lương thực, xăng dầu, tiền điện,tiền nước, tiền thuê cái quán này cũng tăng lên chị à”. Chị Hà tỏ vẻ bực bội: “Giá lương thực, điện nước, xăng dầu, thuê quán đúng là tăng cao nhưng mà có liên quan gì đến việc thay khóa  đâu? cô “chém” đắt quá!”. Nói vậy nhưng Chị Hà vẫn móc ví trả tiền. chị  ra về mà trong lòng vẫn ấm ức. Chứng kiến câu chuyện của Chị Hà từ đầu tới cuối, sinh viên A cho rằng lập luận của cô thợ may rất biện chứng còn lập luận của Chị Hà thì mang tính siêu hình. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến của sinh viên A không? Tại sao?
            Thứ ba, giảng viên định hướng cho sinh viên có ý thức tự vận dụng phương pháp luận biện chứng trong quá trình học tập, trong cuộc sống bản thân. Muốn nâng cao năng lực tư duy sinh viên cần nắm vững, áp dụng triệt để phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: Vận dụng quan điểm toàn diện để phân tích một hiện tượng hóa học, vật lý…; Vận dụng quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể trong quá trình học tập của bản thân cấp 1, cấp 2, cấp 3 (kiến thức, độ tuổi). Trong quy luật phủ định của phủ định có thể định hướng cho sinh viên vận dụng tính kế thừa của phủ định biện chứng trong cuộc sống, học tập của sinh viên; Hoặc bản thân sinh viên cần kế thừa như thế nào về truyền thống văn hóa dân tộc (ví dụ chiếc áo dài, tư tưởng yêu nước, tư tưởng trung với vua hiếu với dân)? Giải thích hiện tượng quả trứng – con gà – quả trứng? Dựa vào phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả để rèn luyện đạo đức bản thân. Sinh viên phải nhận thức được bất cứ kết quả nào cũng có nguyên nhân của nó, từ đó sinh viên có ý thức làm việc thiện, tránh việc ác. Luyện tập cho sinh viên biết vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật vào trong thực tiễn, cuộc sống thông qua những vấn đề: Hãy vận dụng phương pháp luận rút ra từ mối liên hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
          Ví dụ: Yêu cầu sinh viên giải thích tại sao cùng một môn học kiến thức như nhau nhưng bạn A lại có kết quả học thi cao hơn bạn B? Tại sao cùng sản phẩm áo sơ mi nhưng khi bán trên thị trường doanh nghiệp A lại thu được nhiều vốn hơn doanh nghệp B? Hoặc, vận dụng phương pháp luận biện chứng giải thích quan điểm sau: “Sản phẩm dệt may mang tính thời trang cao, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng tâm lý thích đổi mới, độc đáo của người tiêu dùng. Bên cạnh đấy nhãn mác sản phẩm cũng có ý nghĩa rất lớn đối với tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng thường căn cứ vào nhãn mác để đánh giá chất lượng sản phẩm”. Hay, trên cơ sở nội dung phương pháp luận quy luật phủ định của phủ định, anh (chị) hãy nêu một ví dụ trong lĩnh vực may mặc để chứng minh khuynh hướng phát triển của sự vật hiện tượng là vận động đi lên cái mới ra đời thừa kế và thay thế cái cũ?
             Thứ tư, giảng viên thường xuyên kiểm tra, đánh giá phương pháp biện chứng cho sinh viên. Có thể kiểm tra bài tập về nhà thông qua thảo luận nhóm, kiểm tra kiến thức bằng câu hỏi ngắn, bài tập trắc nghiệm, hay giải thích một hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Ví dụ: Giải thích có hiện tượng học giỏi mà thi trượt đại học trên cơ sở lý luận phép biện chứng duy vật? Hoặc, hãy dựa vào quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử – cụ thể để phân tích nguyên nhân thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hoặc, dựa vào quan điểm phát triển phân tích quá trình chế tạo máy may, điện thoại… của con người trong lịch sử?
3. Kết luận
Năng lực tư duy biện chứng là sức mạnh không thể thiếu được của mỗi con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, là đòi hỏi bắt buộc ở mỗi người trong quá trình tiến hành nhiệm vụ nhận thức và cải tạo thế giới khách quan, là đòi hỏi của thực tiễn xã hội đối  với sinh viên trường Đại học công nghiệp Dệt May trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao năng lực tư duy của sinh viên thông qua rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật, giáo viên cần xác định trọng tâm, nắm vững nội dung và phương pháp dạy học, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên kiểm tra sinh viên dưới nhiều hình thức, định hướng vận dụng trong cuộc sống bản thân. Rèn luyện phương pháp biện chứng duy vật cho sinh viên, sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực nhận thức biện chứng, nâng cao năng lực tư duy biện chứng và giải quyết tốt các vấn đề cuộc sống, học tập, làm việc một cách khoa học của sinh viên sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Bá Thâm (1994). Bàn về năng lực tư duy. Tạp chí Triết học, số 2, tr 8-12.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), “Giáo Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác - Lênin”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Nxb GP - CXBIPH.
4. Hồ Chí Minh (1974), “Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ”, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (1996), “Toàn tập, t.5”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. V.I.Lênin (1977), “Toàn tập, t.42”, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
7. V.I.Lênin (1981), “Toàn tập, t.29”, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 377 Tổng truy cập: 31.790.843