Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: TRÍ TUỆ VIỆT TRONG SỰ NGHIỆP CHẤN HƯNG ĐẤT NƯỚC, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHỒN VINH, HÙNG CƯỜNG

Ngày đăng: 02:47 - 30/12/2022 Lượt xem: 370
Sáng ngày 24 tháng 12 năm 2022, tại Hội trường 14 tháng 8, Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Trí tuệ Việt trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hùng cường”.

Đây là Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, quý vị đại biểu cùng trao đổi những ý kiến thẳng thắn, khoa học và tâm huyết; đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp trong quá trình nghiên cứu, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, sử dụng trí thức nhằm giúp cho chúng ta có những hiểu biết sâu sắc hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Từ đó, góp phần hiệu quả hơn nữa vào việc khơi dậy, phát huy vai trò của nguồn lực trí tuệ trong sự phát triển của các đơn vị, các cấp, các ngành và trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. Trong cuốn Kỷ yếu của Hội thảo có bài viết của giảng viên Đặng Thị Nga – Tổ Chính trị Thể dục, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với chủ đề: “VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ”


Các nhà khoa học tham gia Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của cả nước trong các lĩnh vực khoa học: GS,TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS,TS Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; Tổng Giám đốc Nguyễn Tử Quảng - Tập đoàn Công nghệ BKAV; Chuyên gia Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam; Chuyên gia Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; GS,TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; GS,TS Tô Duy Hợp - Viện trưởng Viện Trí Việt; GS,TS Hồ Sĩ Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam; GS,TS Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia,...

TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
Về phía Trường ĐHSP Hà Nội 2 có: PGS,TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS,TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Lãnh đạo các đơn vị, các bạn sinh viên trong trường và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Bùi Kiên Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo khẳng định: “Ý chí, khát vọng của mỗi quốc gia, dân tộc luôn là điều kiện căn bản, là động lực chủ yếu để khẳng định giá trị lịch sử và bản lĩnh phát triển.

TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thảo báo cáo đề dẫn
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Loan - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: “Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 111 bài viết có chất lượng. Trong đó có bài viết của ThS. Đặng Thị Nga đã đề cập đến vấn đề: Vị trí, vai trò của trí thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng vẻ vang của đội ngũ trí thức để phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong thời đại hiện nay.

Giảng viên Đặng Thị Nga chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe những báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau:
- GS,TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng khẳng định, đã đến lúc phải thật sự xem trí thức, hiền tài là nguyên khí của một quốc gia khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

- GS,TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp nhận định: Nuôi dưỡng, phát triển và phát huy tài nguyên con người là con đường cơ bản để tăng trưởng vốn xã hội, phát triển thực lực quốc gia, khẳng định trên thực tế thế và lực của đất nước trong cuộc đua tranh quốc tế để phát triển nhanh và bền vững, hội nhập thành công và đổi mới thắng lợi.
- GS,TS Hồ Sĩ Quý - Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với Đảng, Nhà nước: Cần có cơ chế, chính sách để phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức; Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài.

- Chuyên gia Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam đặt ra yêu cầu “Làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng?”. Ông nhấn mạnh cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cần tạo ra những bước đột phá mới có tác động hội tụ và lan tỏa từ trung tâm đến ngoại vi trong bối cảnh thế giới đang vận động rất nhanh.
Tại Hội thảo, đại biểu thảo luận về các chủ đề chính như: Trí thức - một số vấn đề lý luận; Vai trò của trí thức Việt Nam - Lịch sử và hiện tại; Giải pháp phát huy vai trò của trí thức Việt Nam hiện nay.

Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm trí thức là đội ngũ tinh hoa cả về trình độ và nhân cách của dân tộc, để trí thức phát huy vai trò tiên phong của mình thì một môi trường để cống hiến là vô cùng cần thiết.

Có thể nói khát vọng hùng cường là mục tiêu, mong muốn cháy bỏng của mọi quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết, văn hiến, anh hùng... khát vọng phát triển đất nước là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Với mục tiêu hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" năm 2045 sẽ trở thành hiện thực!
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 159 Tổng truy cập: 29.759.737