Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Ngày đăng: 03:19 - 10/01/2023 Lượt xem: 493
Hoàng Thị Huế
Khoa Khoa học Cơ bản
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
Tóm tắt: Nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Bảo hiểm TNLĐ, BNN là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay. Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do TNLĐ, BNN trên cơ sở đóng góp vào quỹ.
Từ khóa: Bảo hiểm TNLĐ, BNN.  Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN là một trong những chế độ BHXH ra đời sớm trong lịch sử phát triển của BHXH, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đời sống cho NLĐ sau khi có tai nạn lao động bất ngờ xảy ra do nghề nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đẩy mạnh phát triển mọi mặt, với sự phát triển của nhiều của ngành công nghiệp thì số vụ TNLĐ, BNN cũng tăng nhanh qua các năm. TNLĐ, BNN là điều bất hạnh không ai muốn, nhưng lại khó tránh khỏi trong hoạt động sản xuất kinh doanh làm tổn thương nguồn lực, thiệt hai cho sản xuất. Theo thống kê trong năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn. Trong năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn, làm người chết: 862 người trong 799 vụ TNLĐ có người chết [3]. Như vậy, TNLĐ đang tăng liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Do đó,TNLĐ, BNN đã và đang gây ra những tổn thất lớn lao về người và của cho các cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đối với NLĐ và thân nhân của họ là những mất mát về sức khoẻ, giảm sút thu nhập và nỗi đau về tinh thần. Đối với NSDLĐ là các thiệt hại về tài sản, đình trệ sản xuất, chi phí bồi thường cho NLĐ, uy tín. Do vậy việc thực hiện các quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đóng vai trò quan trọng trong việc giúp NLĐ và NSDLĐ khắc phục khó khăn khi xảy ra TNLĐ, BNN. Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về bảo hiểm TNLĐ, BNN còn bộc lộ những bất cập từ đó tác giả xin đưa ra một số kiến nghị về quy định của bảo hiểm TNLĐ, BNN đưa ra cơ chế hiệu quả nhằm bảo vệ người lao động trước những rủi ro về TNLĐ, BNN
  1. NỘI DUNG
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là một trong những chính sách của hệ thống an sinh xã hội nước ta, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động, nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động khi gặp các rủi ro TNLĐ và BNN. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là điều không một ai mong muốn nhưng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm, có hại thì những sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Có thể thấy tình hình TNLĐ khu vực phi kết cấu là rất nghiêm trọng. Thực tế chứng minh rằng, khi bị TNLĐ mọi NLĐ đều cần được chữa trị và cần có các khoản hỗ trợ, chia sẻ để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, hay nói cách khác là có nhu cầu chia sẻ rủi ro về TNLĐ. Bảo hiểm TNLĐ, BNN chính là hình thức chuyển giao rủi ro. Các nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, mua bảo hiểm thực chất là mua sự an tâm, là đổi sự không chắc chắn có khả năng xảy ra TNLĐ, BNN bằng sự chắc chắn thông qua việc bù đắp tài chính.
1. Thực trạng các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Luật ATVSLĐ cũng quy định cơ chế xây dựng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN bằng chế tài quy định hằng tháng, NSDLĐ phải đóng tối đa 05% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Với việc thiết lập Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, ngoài các nội dung chính được quy định trong Luật BHXH để chi trả, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN thì Luật ATVSLĐ năm 2015 đã bổ sung thêm các nội dung tại Điều 55 về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và Điều 56 về hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Cụ thể, tại Điều 55 quy định trường hợp người bị TNLĐ, BNN được NSDLĐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý, nếu phải đào tạo NLĐ để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phi, mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở, số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần. Điều 56 quy định rõ thêm là hằng năm, Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẽ rủi ro về TNLĐ, BNN, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN được hỗ trợ bao gồm khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động, điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội, huấn luyện về ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 2 năm qua cả nước đã thực hiện giải quyết hưởng mới chế độ trợ cấp hàng tháng cho 5.060 người; thực hiện giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho 11.898 người. Trong đó, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ một lần là 5.051 người, giải quyết hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần là 183 người, giải quyết hưởng trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN là 515 người [7]. Bảo hiểm xã hội thường xuyên rà soát, báo cáo kịp thời những vụ tai nạn, mất vệ sinh lao động xảy ra. Bên cạnh đó khi xảy ra các sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều được thông tin kịp thời và chủ động hướng dẫn doanh nghiệp khai báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định, hoàn tất thủ tục hồ sơ, giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định, cũng như đưa ra nhiều kiến nghị, yêu cầu người sử dụng lao động phải có biện pháp khắc phục thông qua sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy phạm trong quá trình làm việc hoặc có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân người lao động vị phạm quy trình sản xuất để xảy ra tai nạn lao động.

Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ đã mở rộng đổi tượng đóng, hưởng chế độ TNLĐ, BNN phù hợp với đối tượng đóng BHXH bắt buộc cho cả đối tượng NLĐ không có HĐLĐ, NLĐ dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu...Đây là một ưu điểm vượt trội của các chế độ, chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ.

Như vậy pháp luật về ATVSLĐ mở rộng phạm vi điều chỉnh tới khu vực không có quan hệ lao động cho thấy Nhà nước đã thiết lập, triển khai toàn diện các đối tượng điều chỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO về ATVSLĐ, đảm bảo trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đều có sự điều chỉnh của pháp luật.
Một số chính sách đã đề cập trong Luật nhưng chỉ mang tính hình thức, hoặc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện như chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Cần khẳng định rằng bảo hiểm TNLĐ là một chính sách lớn trong nhóm chính sách cho NLĐ làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Tuy nhiên hiệu quả tổ chức thực hiện còn rất thấp dù rằng đã được Quốc hội bàn thảo và bấm nút thông qua.

Nội dung đánh giá trên xuất phát từ chỗ tại khoản 3, điều 6 Luật ATVSLĐ năm 2015 đã quy định “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động. Chính phủ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội quy định về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động” [1]. Nhưng sau hơn 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, chế định này vẫn chưa được triển khai để NLĐ khu vực phi kết cấu (lao động tự do, không phát sinh quan hệ NSDLĐ-NLĐ) có thể tham gia đóng và hưởng bảo hiểm TNLĐ do Nhà nước quy định. Một lần nữa, pháp luật về ATVSLĐ lại lộ diện khoảng trống cần nhanh chóng được bổ sung trong tình hình hiện nay, khi các loại hình lao động phát triển đa dạng, phong phú với nhiều hình thái khác nhau. Theo số thống kê từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc, năm 2019 đã xảy ra 8.150 vụ TNLĐ làm 1.060 NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn, trong đó số vụ chết người là 355, số người chết là 369, số người bị thương nặng là 30[8]. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí luyện kim. Tuy nhiên, số liệu thống kê trên là chưa đầy đủ do vẫn có những vụ việc không được khai báo, nhất là khu vực có lao động không theo hợp đồng lao động. Chỉ tính riêng số người chết do tai nạn lao động được thống kê từ số khai tử của tư pháp, sổ A6 của y tế, bình quân trong các năm từ 2011- 2019, mỗi năm có hơn 2.000 người chết đa tai nạn lao động, trong đó trên 1400 người (chiếm hơn 2/3 tổng số) là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động [3]. Nguyên nhân của các vụ tai nạn kể trên có một phần xuất phát từ chính người lao động (do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức về công tác ATVSLĐ, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên khó có khả năng chỉ trả phí kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, không mua được may, thiết bị tốt, sẵn sàng và chấp nhận làm việc trong điều kiện nguy hiểm để có thu nhập).

Pháp luật về ATVSLĐ còn chưa phù hợp ở quy định về thời hạn nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm TNLĐ, cụ thể là theo khoản 1, Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội”[2]. Quy định thời hạn này chỉ phù hợp với chế độ bảo hiểm hưu trí, không phù hợp đối với chế độ bảo hiểm TNLĐ, vì NLĐ có thể bị TNLĐ ngay trong 30 ngày đầu khi chưa nộp hồ sơ. Với quy định trên, NSDLĐ thực tế có thể không ký hợp đồng lao động, cho đến khi bị tai nạn mới ra đăng ký, nộp hồ sơ để được hưởng chế độ có liên quan. Đây là hành vi lạm dụng, làm ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của Quỹ, bởi có thể khi bị tai nạn họ chỉ đóng tháng tham gia bị tai nạn và sau đó không tham gia nữa. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước về lao động đã phát hiện có trường hợp NLĐ đã chết, doanh nghiệp căn cứ vào quy định trên mới ra nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm.

2. Nguyên nhân của thực trạng trên.

Qua điều tra các vụ việc từ cơ quan chức năng cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, do công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức; một số chủ sử dụng lao động còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, xem nhẹ các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, môi trường làm việc, như: bụi, khí độc, tiếng ồn... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Bản thân người lao động trong quá trình thực hiện công việc còn thiếu thận trọng trong thao tác, chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân... Do đó, nhiều vụ TNLĐ dẫn đến chết người hoặc thương tật không còn khả năng lao động vẫn xảy ra, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác đá, xây dựng, xây lắp... Đấy là những rủi ro mà người lao động luôn phải đối mặt trong quá trình làm việc của mình. Thế nên, chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ là công cụ để bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra những tai nạn ngoài ý muốn, chia sẻ gánh nặng giúp người lao động vượt qua khó khăn.
 
3. Kiến nghị hoàn thiện các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cũng như các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về chia sẻ rủi ro, trợ cấp TNLĐ, BNN,  bảo hiểm TNLĐ là một chế định nhân văn. Tuy nhiên cần được nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện chế định này trên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần khẳng định rằng bảo hiểm TNLĐ, BNN là một chính sách lớn trong nhóm chính sách cho NLĐ làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động Việc phải phát triển bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện trước hết là sự đảm bảo quyền được tiếp cận bảo hiểm đối với những người lao động không thuộc điện áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN  bắt buộc, thông qua các chính sách hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước để hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và an sinh xã hội.  Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm TNLĐ, BNN theo hình thức tự nguyện và hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động để tổ chức thực hiện chính sách tại khoản 5 Điều 4 và điểm c, khoản 3 Điều 6 Luật AVSLĐ năm 2015.
Thứ hai, về thời gian NLĐ tham gia đăng ký bảo hiểm TNLĐ, BNN lần đầu cần phải xem xét và bổ sung quy định này trong Luật ATVSLĐ, cụ thể quy định rõ thời gian như sau: “Doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN cho NLĐ trước hoặc ngay khi ký hợp đồng lao động, việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN trong vòng 30 ngày kể từ khi đăng ký, đóng cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác”. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN chỉ tính từ khi đăng ký và trong thời gian tham gia bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN. Có như vậy mới bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hướng tới tính minh bạch, toàn diện và thực sự phù hợp giữa pháp luật về ATVSLĐ và pháp luật có liên quan.
 
III. KẾT LUẬN
Trong những năm qua, chính sách, chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người bị TNLĐ, BNN đã nhiều lần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đặc biệt là sau khi Luật ATVSLĐ 2015 được ban hành và các Nghị định hướng dẫn được sửa đổi, bổ sung. Với mong muốn hệ thống các quy định pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng và Pháp luật an toàn vệ sinh lao động nói chung ngày càng được hoàn thiện hơn nữa, tác giả đã đưa ra thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị cần sửa đổi nhằm đưa các quy định về bảo hiểm TNLĐ, BNN phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như của Nhà nước, xã hội.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quốc hội, 2015, Luật an toàn vệ sinh lao động.
  2. Quốc hội, 2015, Luật Bảo hiểm xã hội
  3. Cục An toàn lao động (2016), Hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2016), Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, Hà Nội.
  5. Chính phủ (2016), Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, Hà Nội.
  6. Chính phủ (2017), Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Hà Nội.
  7. Tất Thắng (2017), “Thực hiện quy chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế”, Lao động và Xã hội, tr. 542 – 543.
  8. Cánh Minh (2020) “Tai nạn lao động chết người giảm trong năm 2019” http://laodongxahoi.net/tai-nan-lao-dong-chet-nguoi-giam-trong-nam-2019-1315031.html
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 41 Tổng truy cập: 18.708.841