Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

KỸ THUẬT CHUYỀN BÓNG CAO TAY TRƯỚC MẶT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 10:40 - 19/03/2021 Lượt xem: 85.417
Thạc sĩ Dư Thị Luyến
Khoa Khoa học cơ bản
Tóm tắt
Bài viết này muốn cung cấp kiến thức cơ bản của nội dung kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt cho sinh viên nhà trường tham khảo trong quá trình học và tập luyện môn Bóng chuyền . Kiến thức này sẽ giúp các em dễ tiếp cận khi tìm hiểu về kỹ thuật đồng thời khi thực hiện kỹ thuật này các em sẽ tự tin và đạt hiệu quả nhất.
Kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt (ảnh minh họa)

1. Mở đầu
          Bóng chuyền là một môn học bắt buộc trong học phần Giáo dục thể chất của Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội. Với thời lượng 30 tiết, các em sinh viên được học tập những kiến thức cơ bản nhất của môn Bóng chuyền như: Lịch sử ra đời và phát triển môn Bóng chuyền; Một số kỹ thuật bóng chuyền như tư thế chuẩn bị và di chuyển, chuyền bóng cao tay trước mặt, chuyền bóng thấp tay bằng hai tay cơ bản, phát bóng; và một số điều trong Luật thi đấu. Trong những nội dung trên thì kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt là một nội dung rất hay, kỹ thuật động tác đẹp nhưng với đối tượng là người mới tập như sinh viên thì kỹ thuật này cũng không hề dễ tập luyện. Do đó việc cung cấp các kiến thức chuyền bóng cao tay trước mặt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để sinh viên tiếp thu và tập luyện một cách hiệu quả nhất là điều rất cần thiết.

2. Nội dung

2.1 Đặc điểm và tác dụng
          Chuyền bóng cao tay trước mặt về cơ bản là sử dụng hai bàn tay với lực của các ngón tay kết hợp với lực toàn thân để chuyền bóng đi.
- Chuyền bóng cao tay trước mặt thường được sử dụng khi quả bóng chuyền có điểm rơi ngang đầu hoặc trước mặt. Với kỹ thuật này, điểm tiếp xúc bóng chủ yếu là trên những đầu ngón tay và vị trí tiếp xúc bóng luôn ở chếch trước trán, vì vậy mắt có thể quan sát được diễn biến xảy ra trên sân và đường bóng đi.
- Chuyền bóng cao tay trước mặt sử dụng được các bộ phận linh hoạt, khéo léo nhất của cơ thể mà cụ thể là các ngón tay, cổ tay góp phần tạo ra độ chuẩn xác cao, linh hoạt và biến hoá các đường bóng.
- Đây là kỹ thuật nối tiếp giữa phòng thủ và tấn công. Do đó kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tấn công.                  
- Với đặc điểm chuyền bóng cao tay trước mặt, cùng một lúc có nhiều điểm tiếp xúc vào bóng do đó dễ phạm lỗi kỹ thuật dính bóng, hai tiếng.

2.2 Các giai đoạn của kỹ thuật
Kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt có 3 giai đoạn gồm giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hiện động tác và kết thúc động tác.
2.2.1. Tư thế chuẩn bị
Đầu tiên, người tập cần phải xác định chính xác điểm rơi của quả bóng và nhanh chóng di chuyển tới vị trí chuyền bóng. Lúc này người chuyền bóng đứng ở tư thế hai chân rộng bằng vai (hoặc chân trước chân sau), trọng lượng cơ thể dồn đều vào hai chân, gối hơi khuỵu, thân trên thẳng, mặt hơi ngửa và mắt quan sát bóng. Hai tay đưa lên cao chếch trước trán với 2 ngón tay cái choãi ra, kết hợp với 2 ngón trỏ tạo thành hình tam giác, các ngón tay còn lại mở rộng và hơi khum lại sao cho hai bàn tay tạo thành hình túi để đón bóng. Ở bước này, người tập thoải mái nhằm tránh những gò bó có thể ảnh hưởng tới kỹ thuật chuyền.

Tạo hình tay (ảnh minh họa)
2.2.2. Động tác chuyền bóng
Khi bóng đến, hai bàn tay tiếp xúc bóng bao quanh tương đối đồng đều; hai bàn tay mở rộng nhưng không mở căng các ngón tay; hai bàn tay tạo thành hình túi bao quanh bóng với hai ngón tay cái hướng vào nhau đỡ phía bên dưới bóng. Ngón tay trỏ đỡ bóng ở phía sau và chếch xuống dưới. Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa tiếp xúc bóng nhiều hơn ngón út và kế út (chú ý, bóng không được tiếp xúc vào lòng bàn tay, chỉ tiếp xúc trên những ngón tay).

Tiếp xúc bóng (ảnh minh họa)
Bóng tiếp xúc đều trên các ngón tay. Khi bóng tới hai bàn tay tiếp xúc ở phía sau bóng và hơi chếch xuống bên dưới của bóng. Độ cao khi tiếp xúc bóng tốt nhất là ở trên hoặc ngang trán, khoảng cách khoảng 15-20cm (tầm tiếp xúc có thể thay đổi tùy thuộc theo trình độ và đặc điểm của người tập). Khi tiếp xúc vào bóng cổ tay hơi ngửa và bẻ vào về phía thân người.

Quá trình chuyền bóng (ảnh minh họa)
Khi chuyền bóng đi lực chuyền bóng được phối hợp từ lực đạp của chân, duỗi gối, lực vươn lên cao ra trước của thân người và lực đẩy của khuỷu tay, cổ tay và các ngón tay lên cao ra trước (với một góc độ từ 60-65 độ). Chuyền bóng đi theo hướng đã định và quá trình vận động của tay khi chuyền bóng liên tục không thay đổi.

2.2.3. Kết thúc

Sau khi bóng rời khỏi tay, cả chân và tay tiếp tục vươn duỗi hết rồi dừng lại, động tác này gọi là chuyển động tay vươn theo bóng. Sau đó nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị để thực hiện các động tác tiếp theo.

2.3. Các lỗi cơ bản khi thực hiện kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt
- Lỗi dính bóng. Tức là người tập giữ bóng trong tay quá lâu, động tác chuyền bóng không liên tục.
- Khi chuyền bóng, hai bàn tay tiếp xúc bóng quá thấp (ngang vai trở xuống) hoặc điểm tiếp xúc quá xa người làm ảnh hưởng đến lực chuyền bóng.
- Không đứng đúng hướng bóng. Để đón bóng đến và thực hiện chuyền bóng thì bắt buộc người chơi phải biết cách phán đoán đúng đường đi của bóng. Cách đoán đúng hướng bóng nhanh nhạy nhất là trong quá trình tập luyện người tập nên học nhiều động tác di chuyển theo hướng chuyền bóng, ứng dụng linh hoạt các hướng chuyền bóng trong quá trình tập luyện.
- Lỗi 2 tiếng. Tức là chuyền bóng tay cao, tay thấp (hai chạm).
- Sai hình tay. Khi chuyền bóng hai bàn tay thẳng, cứng, các ngón tay khép chặt, hai ngón tay cái chĩa ra trước làm ảnh hưởng đến sự chính xác và rất dễ gây nên chấn thương các khớp ngón tay.
- Hai chân và thân người thẳng (không đúng tư thế) trước khi tay tiếp xúc với bóng làm ảnh hưởng đến sự phối hợp lực một cách nhịp nhàng, không tận dụng triệt để được lực phối hợp của toàn thân khi chuyền bóng.

3. Kết luận
          Với việc phân tích kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt một cách chi tiết ở trên hi vọng các em sinh viên có thể vận dụng vào thực tế tập luyện một cách tự tin và đạt kết quả cao nhất.
          Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm link dưới đây về một số bài tập bổ trợ cho kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt.
http://hict.edu.vn/khoa-hoc-co-ban/mot-so-bai-tap-bo-tro-trong-tap-luyen-ky-thuat-chuyen-bong-cao-tay-truoc-mat-cho-sinh-vien.htm

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Viết Minh (chủ biên) – Hồ Đắc Sơn, Giáo trình Bóng chuyền, NXB Đại học sư phạm, 2007.
2. Luật Bóng chuyền, NXB TDTT, 2002.    
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 55 Tổng truy cập: 18.715.566