Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC TỰ GIÁC VÀ TÍCH CỰC TRONG GIẢNG DẠY HỌC PHẦN KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC - LÊNIN CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 03:31 - 08/06/2020 Lượt xem: 3.965
ThS. Phạm Thị Đào
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội
1. Đặt vấn đề
          Công cuộc đổi mới của đất nước ta đang diễn ra trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Cuộc cách mạng này đang tạo ra những biến đổi sâu sắc về chất trong kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý, quan hệ kinh tế - xã hội, tính chất hoạt động lao động và nhân cách của con người. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi quá trình giảng dạy và học tập học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin cần vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực nhằm đảm bảo được chức năng đặc thù của kinh tế chính trị đó là luận chứng kinh tế cho quá trình phát triển xã hội như một quá trình lịch sử - tự nhiên.
          Đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn ngành nghề là nhiệm vụ hàng đầu của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội xuất phát từ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam theo hướng ứng dụng. Từ quá trình giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho thấy đa số sinh viên chưa có tính tích cực, chủ động và tự giác chuẩn bị bài trong học tập. Cho nên, vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin là một trong những biện pháp tốt nhất để đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện mục tiêu chung của Nhà trường.  

2. Nội dung
2.1. Cơ sở của việc vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin

Nguyên tắc tự giác và tích cực xuất phát từ quy luật nhận thức đã được phản ánh trong nhận thức luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhận thức luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh rằng: Nhận thức khoa học là một quá trình tích cực, do đó việc phản ánh nhận thức, truyền thụ tri thức và việc học tập cũng phải diễn ra một cách tích cực và tự giác. Điều đó có nghĩa là tính tích cực của quá trình nhận thức không những liên quan đến hoạt động tích cực của người dạy mà còn liên quan đến sự cố gắng của chính người học. Sự lĩnh hội tri thức chỉ diễn ra trên cơ sở hoạt động độc lập tích cực và độc lập tư duy của người học nhưng tính tích cực của các phương pháp lĩnh hội (học tập) phần lớn phụ thuộc vào tính tích cực của phương pháp giảng dạy. Do đó, người học phải tích cực tìm tòi mọi cách để nắm lấy tri thức, còn người dạy phải vận dụng mọi phương pháp để gợi tính tích cực học tập của người học trong đó có sự vận dụng tốt nguyên tắc tự giác và tích cực.

Đối với việc giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin cần lựa chọn phương pháp phù hợp bởi vì chúng ta không thể sử dụng kính hiển vi hay những chất phản ứng của hóa học để phân tích, đánh giá các hiện tượng kinh tế mà muốn nhận thức và vận dụng được nó chỉ có cách thông qua các hoạt động thực tiễn để nhận biết. Như thế việc tuân thủ nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy và học tập học phần này tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thể hiện rõ nét nhất quan điểm giáo dục: Lấy người học làm nhân vật trung tâm của quá trình dạy học, nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng.

Học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin gồm kiến thức cơ bản về quy luật về vận động và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đó là quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư, vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản; về nền kinh tế thị trường nói chung và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, sinh viên vận dụng kiến thức vào giải quyết các mối quan hệ kinh tế trong hoạt động thực tiễn sản xuất, góp phần xây dựng trách nhiệm xã hội của bản thân phù hợp với vị trí việc làm trong tương lai, có ý thức trách nhiệm thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về kinh tế. Nên nội dung và giải pháp vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực cần căn cứ vào mục tiêu của học phần.
2.2. Nội dung vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

          Quá trình vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin đòi hỏi người giảng viên cần lý giải các hiện tượng kinh tế - xã hội một cách khoa học, chính xác, logic gắn với thực tiễn cuộc sống, lựa chọn phương pháp thích hợp. Chính nội dung khoa học, phản ánh được những quy luật phổ biến, những thành tựu lý luận mới về kinh tế chính trị đã tạo ra tính tích cực và tự giác cho cả người dạy và người học kinh tế chính trị. Cho nên vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy và học tập kinh tế chính trị là một nguyên tắc hết sức quan trọng nhằm truyền tải nội dung môn học một cách hứng thú nhất đến sinh viên. Ví dụ khi phân tích vai trò của chủ nghĩa tư bản hiện đại giảng viên cần nêu rõ được vai trò mới của Nhà nước tư sản trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế thị trường, vai trò tích cực của quan hệ cung - cầu cùng với các chính sách của Nhà nước đối với quá trình sản xuất hàng hóa tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường giúp sinh viên hiểu rõ vai trò của người lao động mới trong tương lai cần tự giác rèn luyện để thích nghi với tính năng động của thị trường và tính cạnh tranh khốc liệt của quá trình sản xuất hàng hóa.
 
          Kiến thức kinh tế chính trị rất phong phú, phức tạp, nó bao gồm hệ thống những khái niệm, phạm trù về kinh tế rất trừu tượng nên vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy và học tập kinh tế chính trị là vấn đề không hề dễ. Để vận dụng tốt nguyên tắc này không thể bỏ qua nhận thức cảm tính- nghĩa là phải bắt đầu từ giai đoạn quan sát sinh động cho sinh viên quan sát các vật phẩm hàng hóa vốn có xung quanh mình đến minh họa bằng những câu chuyện đời thường trên cơ sở đó giúp sinh viên hình thành những khái niệm đơn giản nhất từ đó tiếp cận được các khái niệm trừu tượng. Khi giảng dạy định nghĩa các phạm trù hàng hóa, giá trị của hàng hóa, lao động trừu tượng cho sinh viên ngành công nghệ may - đối tượng sau này trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm giảng viên cần nêu ví dụ gần nhất đó là sản phẩm quần áo bản thân sinh viên đang sử dụng cùng công dụng là mặc giữ ấm cơ thể nhưng giá trị của chúng lại khác nhau như vậy giúp giảng viên thiết lập được mối liên hệ và lấy thông tin ngược chiều từ sinh viên về nguồn gốc của sản phẩm, giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa đó từ đó giúp sinh viên nhận thức nội dung khái niệm một cách tự giác.
 
Trong nội dung các bài giảng Kinh tế chính trị cần tránh thay thế phương pháp logic biện chứng bằng các phương pháp chủ quan mang tính chất ngụy biện để giải thích các hiện tượng kinh tế theo ý chủ quan có như vậy mới đảm bảo vận dụng tốt nguyên tắc tự giác và tích cực. Chẳng hạn, khi giải thích hiện tượng mua bán hàng hóa sức lao động (thuê mướn công nhân) cho đối tượng sinh viên năm đầu tiên ngành công nghệ may khi các em chưa được tiếp xúc với việc sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa nếu giảng viên giải thích: Hàng hóa sức lao động tuy có khả năng dẫn đến quan hệ người bóc lột người, nhưng không phải là điều kiện quyết định có hay không có bóc lột thì sinh viên sẽ khó hiểu và không thể gây hứng thú trong học tập. Nhưng nếu giảng viên giải thích từ quy luật cơ bản của nền sản xuất xã hội đó là quy luật về sự phù hợp của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất thì sẽ gợi mở cho sinh viên vai trò quyết định của người lao động trong lực lượng sản xuất, vai trò quyết định của chủ sở hữu tư liệu sản xuất trong quan hệ sản xuất từ đó gợi được sự tích cực, tò mò về sức lao động - một hình thái hàng hóa đặc biệt thuộc bản thân con người (hoạt động lao động của bản thân sinh viên) và chỉ người đó hiểu lao động của mình có là hình thái lao động làm công hay không.

          Căn cứ vào tính chất của từng vấn đề, từng nội dung giảng dạy mà khi giảng dạy kinh tế chính trị người giảng viên cần sử dụng nhiều phương pháp, thủ thuật khác nhau trong một bài giảng hoặc một tiết lên lớp nhằm gợi sự hứng thú, kích thích sự tò mò, chú ý của sinh viên. Thông thường để gợi mở tính tích cực và tự giác của sinh viên, giảng viên có thể áp dụng một số phương pháp và thủ thuật như: Đối với nội dung sự vận động của các giai đoạn trong chu kỳ tái sản xuất tư bản chủ nghĩa sử dụng các phương tiện dạy học mang tính trực quan như biểu đồ, đồ thị, bảng thống kê…. từ đó giúp sinh viên tự khám phá ra chu kỳ nhờ vào quan sát. Đối với nội dung sản xuất hàng hóa giảng viên có thể sử dụng tình huống có vấn đề để giảng dạy, giảng viên đưa ra vấn đề: Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhiều nhà sản xuất đã vận dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm theo hướng tự động hóa cho ra số lượng nhiều, mẫu mã đa dạng, thời gian lao động được rút ngắn tại sao rất nhiều các sản phẩm làm bằng phương pháp thủ công mẫu mã đơn giản, thời gian lao động dài, giá thành cao hơn vẫn được ưa chuộng trên thị trường - cách đặt vấn đề này sẽ gợi sự hứng thú để sinh viên tìm câu trả lời cho vấn đề đặt ra một cách tự giác và tích cực nhất, như thế giúp sinh viên tự hiểu vấn đề và tự giác khắc sâu được nội dung bài học.

 
          2.3. Một số biện pháp vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin
          Thứ nhất, đối với giảng viên
Giảng viên cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức thực tiễn phong phú và phải hiểu đối tượng giảng dạy: Căn cứ từng khóa, từng ngành giảng viên cần hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên về nhận thức lý luận, về thực tiễn, về sự vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong thực tiễn của sinh viên. Ví dụ, khi giảng dạy kinh tế chính trị cho đối tượng là sinh viên ngành công nghệ may trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với đặc điểm đa phần là nữ, hoàn cảnh gia đình đa phần từ các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, người giảng viên vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực phải làm cho sinh viên hiểu được bản thân sinh viên là những con người không cam chịu đói nghèo, có ý chí vươn lên làm giàu bằng sức lao động của mình, phải biết rèn luyện kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, có khả năng di chuyển cơ động trong cơ chế thị trường luôn biến động đặc biệt trong lĩnh vực dệt may từ đó tạo động lực để sinh viên tự giác học tập, rèn luyện.
Ngoài ra để vận dụng tốt nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin đòi hỏi người giảng viên cần coi trọng công tác tổ chức việc tự học của sinh viên. Giảng viên cần cung cấp tài liệu học tập cần thiết, hướng dẫn sinh viên tìm kiếm các tài liệu tham khảo, hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học ở nhà như cách làm các bài tập, cách ghi chép, cách đọc tài liệu, cách tập hợp tư liệu thu thập được….
Thứ hai, đối với sinh viên

- Sinh viên cần thay đổi phương pháp học tập: Trên cơ sở mục tiêu của học phần, đặc thù của học phần sinh viên cần có phương pháp học tập phù hợp, tránh sự thụ động trong học tập, trông chờ vào giảng viên như: chủ động học tập các anh/ chị khóa trên về phương pháp đọc tài liệu, phương pháp ghi chép bài, chuẩn bị phiếu học tập…. Sinh viên cần rèn luyện cho mình tính tuần tự nghiêm ngặt trong việc tích lũy kiến thức, đồng thời rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch khoa học cho hoạt động học tập của môn học…. . Đặc biệt là kỹ năng trao đổi với giảng viên về các vấn đề liên quan đến nội dung học phần, có như vậy mới trang bị cho bản thân kiến thức thực tế phong phú giúp vận dụng và có biện pháp giải quyết tốt các vấn đề phát sinh đối với hoạt động kinh tế.
- Sinh viên cần thay đổi thái độ, động cơ học tập, có cái nhìn đúng đắn về vị trí vai trò của học phần. Trong quá trình học tập và vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực sinh viên không phải chỉ dừng lại ở nhận thức tri thức một cách thụ động mà phải biến nhận thức đó thành thói quen hành vi và hành động trong thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn, vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực sinh viên cần hiểu rõ mục đích và nhiệm vụ về nội dung kinh tế chính trị cần nghiên cứu. Nếu sinh viên coi mục đích học tập kinh tế chính trị chỉ là để qua môn thì sẽ không hứng thú, dẫn đến học đối phó với kiểm tra, thi cử và sẽ dẫn đến các hiện tượng gian lận trong thi cử. Nhưng sinh viên coi việc học tập kinh tế chính trị giúp bản thân hiểu rõ các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước và vận dụng rèn luyện năng lực phù hợp với nghề nghiệp và cuộc sống thì sinh viên sẽ tự giác lựa chọn phương pháp học tập phù hợp, tích cực tham gia chuẩn bị bài tập và các hoạt động ngoài lớp để đạt được mục đích đã đặt ra. Có như vậy việc vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thứ ba, đối với nhà trường

Bên cạnh sự tự giác, tích cực, chủ động của giảng viên và sinh viên trong việc vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực thì trong thực tiễn giảng dạy cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, đơn vị chuyên môn cấp khoa, tổ bộ môn. Đối với tổ bộ môn Mác- Lênin cần lập kế hoạch giảng dạy cụ thể cho môn học, thống nhất trong tất cả các giảng viên giảng dạy những nội dung trọng tâm cần đi sâu, trình tự và phương pháp thực hiện theo đề cương chi tiết học phần.
Nhà trường nên thường xuyên tổ chức cho giảng viên nghe các báo cáo thực tế mời các chuyên gia ở các ngành nghề đào tạo trong trường đến trao đổi những vấn đề liên quan đến quá trình chuẩn bị hoạt động sản xuất, quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa, gợi ý những vấn đề liên quan trong lĩnh vực kinh tế chính trị để giảng viên có thể trao đổi nhằm đem lại hiệu quả cao cho hoạt động giảng dạy. Nhà trường cũng cần tạo điều kiện tổ chức cho giảng viên có thể có một đến hai đợt đi khảo sát thực tiễn doanh nghiệp/ năm để tăng thêm vốn thực tiễn cho giảng viên nhằm gắn giảng dạy lý luận chính trị với thực tiễn sản xuất hiện nay.
3. Kết luận

Tóm lại, căn cứ vào mục tiêu và nội dung của học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin đòi hỏi việc học tập và giảng dạy học phần này phải gắn với thực tiễn đời sống kinh tế- xã hội, gắn với đường lối, chính sách kinh tế của Nhà nước, vừa có tác dụng giáo dục tư tưởng, rèn luyện tư duy kinh tế đồng thời tạo được sự tích cực, chủ động trong học tập của sinh viên. Cho nên, việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và học tập có vai trò quan trọng, quyết định cho sự thành công của hoạt động giảng dạy và học tập các học phần. Khi vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực không chỉ đòi hỏi sự tích cực, sáng tạo từ giảng viên mà còn cần đến sự tự giác và tích cực của sinh viên. Chính vì vậy, sự vận dụng nguyên tắc tự giác và tích cực trong giảng dạy học phần Kinh tế chính trị Mác- Lênin là một trong những biện pháp đem lại hiệu quả tốt cho hoạt động giảng dạy và học tập học phần này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 23-KL/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
[2] Bộ Giáo dục và đào tạo (2008) Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác- Lênin (Dùng cho khối ngành không chuyên), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[3] Bộ Giáo dục và đào tạo (2019) Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác- Lênin (Dùng cho khối ngành không chuyên), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[4] Bộ Giáo dục và đào tạo (2008) Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dùng cho khối ngành không chuyên), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[5] Bộ Giáo dục và đào tạo (2019) Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác- Lênin (Dùng cho khối ngành không chuyên), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hà Nội.
 
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 234 Tổng truy cập: 31.973.277