Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG, NIỀM TIN CHO THANH NIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI – MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY.

Ngày đăng: 03:47 - 27/02/2020 Lượt xem: 2.224
Tóm tắt: Giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ ngày nay là điều cần thiết và vô cùng quan trọng. Việc giáo dục được tiến hành với nhiều hình thức, biện pháp, phương tiện trong nhà trường cũng như toàn xã hội. Ngày nay, trong giáo dục nhà trường, mọi môn học, các hoạt động đều có thể giáo dục niềm tin và lý tưởng sống cho thanh niên. Ở bài viết này tác giả đề cập đến giáo dục lý tưởng, niền tin cho thanh niên của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội thông qua việc kết hợp đào tạo chuyên môn cũng như giáo dục lý tưởng sống, niềm tin cho thanh niên về con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước hiện nay.
  1. Mở đầu
        Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng tiên phong, chủ lực trong việc thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Nói về vai trò của thanh niên, từ ngàn xưa ông cha ta đã ví tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại, và một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ.
       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Để chuẩn bị cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tháng 5/1925, Người đã thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (ở Quảng Châu - Trung Quốc). Tại đây, Hồ Chí Minh đã mở những lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên mà tất cả học viên đều là là thanh niên trí thức; ra tờ báo cách mạng đầu tiên lấy tên là báo Thanh niên...vv. Theo quan điểm của Người: Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Một trong những vấn đề quan trọng của công tác thanh niên là giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin đúng đắn cho thế hệ trẻ, giúp họ xác định những giá trị cao đẹp cho bản thân mình.

         Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội thương, được thành lập ngày 19 tháng 1 năm 1967. Sau nhiều lần nâng cấp và đổi tên, ngày 04/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt May Thời trang Hà Nội

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, luôn mang trong mình sứ mệnh đào tạo nguồn nhân chất lượng cao cho ngành dệt may nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung theo hướng ứng dụng, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng được nâng lên; tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động được thiết lập và đi vào tự giác. Tuy nhiên, bước vào xu thế hội nhập, xuất hiện tình trạng một bộ phận không nhỏ sinh viên nói chung có biểu hiện suy thoái về đạo đức, phai nhạt về lý tưởng, lười biếng trong học tập, thiếu ý chí phấn đấu, sống thực dụng, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến những quan niệm đạo đức, lối sống, lý tưởng sống của một bộ phận sinh viên. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến lí tưởng, niềm tin của sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Yêu cầu đặt ra lúc này cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đặc biệt là việc giáo dục lí tưởng, niềm tin cho sinh viên trong trường càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý luận
Lý tưởng là một phạm trù phổ biến, lý tưởng theo Từ điển tiếng việt là “mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu đạt tới”. Lý tưởng là cái sẽ làm cho họ có thái độ tích cực trong nhận thức, nồng nhiệt trong tình cảm, mãnh liệt trong ý chí, quyết tâm trong hành động. Do đó lý tưởng là điều quan trọng đối với mỗi người.

Trong thực tiễn, đã là người ai cũng cần có lý tưởng để phấn đấu. Khi bước vào tuổi trưởng thành, ai cũng có sự lựa chọn quan trọng là lựa chọn lý tưởng, niềm tin, hướng tới mục đích cao nhất, đẹp nhất của đời mình. Đó là yêu cầu tất yếu và tự thân của mỗi người. Cuộc phấn đấu để đạt được lý tưởng bao giờ cũng là cuộc phần đấu lâu dài và gian khổ. Thanh niên cần có ý chí quyết tâm cao và Đảng cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp đỡ thanh niên thực hiện được lí tưởng của mình.

Lý tưởng sống và niềm tin về giá trị chân chính luôn tạo thành động lực to lớn, kích thích hoạt động thực tiễn của con người. Việc giáo dục lý tưởng, niềm tin về chủ nghĩa xã hội chân chính là nhân tố quan trong giúp con người có hành vi đúng đắn, ý thức tự giác cao. Một nhà văn lớn đã từng nói “Sống hay không sống – đó là vấn đề”. Là một người thanh niên thuộc thế hệ trẻ, chúng ta hãy sống sao cho có mục đích, có lý  tưởng, hãy sống sao để khi nhìn lại những gì đã qua ta không phải xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài phí sống.

Trước đây, trong các giai đoạn cách mạng chúng ta đều giáo dục, xây dựng niềm tin, lý tưởng để phát huy động lực to lớn của con người. Trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân, chúng ta đã giáo dục cho mỗi người Việt Nam lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần cách mạng, biết phân biệt bạn thù... Đó là cơ sở hình thành niềm tự hào chân chính ở mỗi người, tự hào về những hành động xả thân vì nước, vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc để mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ngày nay, cách mạng nước ta đã bước sang giai đoạn mới. Mục đích cao nhất của cách mạng nước ta hiện nay là tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Chính sức mạnh của tuổi trẻ đã đem lại nguồn lực vô tận cho dân tộc ta vượt qua mọi thử thách trong lịch sử để trường tồn với nền văn hoá đặc sắc, phát triển kinh tế- xã hội, tạo ra sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trên con đường chinh phục thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù xâm lược, giữ gìn giang sơn gấm vóc, làm rạng danh giống nòi "con Lạc cháu Hồng". Không phải ngẫu nhiên, ngay cái Tết cổ truyền đầu tiên sau ngày đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại".

Thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ thể của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên càng cần phải sống có mục đích cao đẹp. Hãy nhớ rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ vào công học tập của các em”. Lời nhắn như thiêng liêng ấy phải được thực hiện! Bác luôn mong lớp lớp thanh niên sau này sẽ không chùn bước trước những khó khăn trước mắt, luôn vững chí bền tâm vượt qua thử thách để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
(Hồ Chí Minh)
Khi đất nước được hòa bình, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Trường đại học công nghiệp dệt may Hà Nội nói riêng vẫn tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2.2. Thực trạng lối sống sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
* Ưu điểm:
          Thứ nhất: Sinh viên trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội có lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
           Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có bề dày lịch sử, để có được như ngày hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của biết bao thế hệ. Phát huy truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển của trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội, lớp lớp thế hệ thanh niên của trường không ngừng phấn đấu, trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng lí tưởng, hoài bão của mình để đạt được thành tích cao nhất hoàn thành mục tiêu nhà trường đặt ra và bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Tiêu biểu như những thành tích: giải vàng Hội thi tay nghề ASEAN; nhiều Thủ khoa và đạt giải cao trong các kì thi Olympic. Để có được thành công này một phần là công lao to lớn của thày cô, nhà trường và chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nơi đây đã nuôi dưỡng những lí tưởng, niềm tin tốt đẹp cho thế hệ trẻ của trường.

            Thứ hai: Sinh viên trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội có lý tưởng sống đúng đắn, có ước mơ và hoài bão trong cuộc sống.
          Mục đích, lý tưởng sống của sinh viên đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội hiện nay là học tập để nâng cao trình độ, rèn luyện lối sống lành mạnh, có đủ phẩm chất của một người công dân trong thời đại mới, chuẩn bị hành trang, sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế. Được giáo dục lý tưởng sống đúng đắn, có ước mơ, hoài bão trong cuộc sống, nên đa số sinh viên có thái độ đúng đắn trong học tập và trong hoạt động sống hàng ngày. Sinh viên ở các ngành: Công nghệ may, cơ khí, điện, điện tử, kinh tế, sợi dệt, thời trang đều rất quan tâm tới vấn đề tìm được công việc đúng chuyên môn khi ra trường. Điều đó cho thấy sinh viên không hề mơ hồ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Họ xác định rõ ràng ngành học để sau khi ra trường có một công việc phù hợp với nguyện vọng và ước mơ của mình. Tiêu biểu như sinh viên Phan Việt Anh – Sinh viên lớp ĐHM6- K1 đang thực hiện ước mơ của mình là: Giấc mơ mang tên “merchandiser”. Như vậy, sinh viên đã có nhận thức rõ ràng về nghề nghiệp, từ đó có thái độ và động cơ phấn đấu đúng đắn trong học tập và trong cuộc sống.

Thứ ba: Sinh viên thích nghi nhanh với những chuyển đổi về kinh tế, văn hóa của đất nước, năng động, nhạy cảm trước những cái mới, tiến bộ. Biết hướng hoạt động của mình vào các sinh hoạt xã hội lành mạnh.
 Đa số sinh viên trường đã ý thức được phẩm chất cần có của người công dân mới hiện nay nên họ chủ động tìm tòi, sáng tạo trong học tập nhằm chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức. Bên cạnh đó, sinh viên biết quan tâm nhiều hơn đến tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên nhà trường tổ chức như: Tiếp sức mùa thi, Ngày hội hiến máu cứu người HTU... Như vậy, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh là một biểu hiện sinh động của một lối sống đẹp đang được duy trì trong giới trẻ nhà trường. Đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng trong công tác giáo dục lối sống cho sinh viên của trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội.
* Nhược điểm:
        Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể khằng định được rằng thanh niên Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội là những người  năng động, sáng tạo, không ngừng ra sức tu dưỡng về mặt đạo đức để trở thành người có nhân cách tốt, đồng thời luôn trau dồi kiến thức để trở thành người vừa có đức, vừa có tài để đáp ứng được nhu cầu về người trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Họ lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa xác định được lí tưởng sống cho mình, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, nhà trường và xã hội. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thế hệ thanh niên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội?

2.3. Những vấn đề đặt ra hiện nay và một số giải pháp cơ bản.
Lâu nay, chúng ta có nhiều hình thức để giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thanh niên, nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại chưa cao, vẫn mang nặng tính hình thức, còn tẻ nhạt, mang nặng lý thuyết chưa chú ý đến mặt tình cảm, chưa thực sự làm rung động trái tim mỗi con người. Một phần do vị trí, vai trò của môn học, một phần do các hình thức, nội dụng giáo dục chưa phong phú, đa dạng và người đảm nhận vai trò giáo dục ấy còn chưa cao. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay trong việc giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thanh niên cần hướng vào những vấn đề sau đây:

Thứ nhất:  Lấy giá trị truyền thống, yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái của người Việt Nam để làm cơ sở hình thành nét đẹp nhân cách cho thanh niên. Tổ tiên ta ngay từ rất sớm, do phải đối mặt với nhiều thử thách từ thiên nhiên, chiến tranh xâm lược, nên đã biết tạo ra những giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp để làm điểm tựa tinh thần cho sự tồn tại và phát triển. Trong những năm qua trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã triển khai công tác giáo dục truyền thống rất hiệu quả, thường xuyên, bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước và của Trường. Các hoạt động được tổ chức theo hướng coi trọng tính giáo dục và tự giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên thanh niên.
Các hoạt động sinh viên tình nguyện như “Mùa đông ấm”, “Nắng ấm vùng cao”, “Tình nguyện Tết”, “Đông ấm đến trường” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đoàn viên thanh niên với kết quả tích cực. Đặc biệt, trong nhiệm kì đoàn trường đã vận động hiến được với 1524 đơn vị máu, với số lượng này Đoàn trường đã vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ vì thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu nhân đạo.
 Đ/c Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc.
Ngoài ra, Đoàn trường cũng tổ chức các chương trình "Đền ơn đáp nghĩa" tổ chức thăm và tặng quà các thương bệnh binh tạo Trung tâm Điều dưỡng Thuận Thành, tổ chức chăm sóc các phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang Liệt sỹ Kim Sơn, Xuân Lâm nhân dịp Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm.
 Trong nhiệm kỳ 2017-2019, Đoàn trường đã tổ chức 05 đợt hoạt động lớn về giáo dục truyền thống với sự tham gia của trên 5.000 lượt đoàn viên thanh niên với các nội dung giáo dục về lòng yêu nước và các truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Đoàn cho đoàn viên thanh niên.

Những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp luôn là định hướng tinh thần, có vai trò tín ngưỡng quốc gia, là điểm hội tụ muôn dân, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, giúp cho dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách để làm nên những kỳ tích lịch sử. Do đó, cần phải lấy giá trị truyền thống làm nền tảng trong việc giáo dục thanh niên, không những chúng ta bảo tồn được văn hóa dân tộc mà còn tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc vào trong đương đại và tương lai.

Thứ hai: Giáo dục cho thanh niên hệ thống tri thức khoa học về chủ nghĩa xã hội, về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, về những thách thức khó khăn mà chúng ta đã, đang và sẽ gặp phải. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tuổi trẻ HTU cần phải lĩnh hội được tri thức khoa học tiến tiến nhất để phục vụ cho ngành nghề mà mình đã chọn và học là để trưởng thành. Tri thức khoa học  là cơ sở của niềm tự hào và niềm tin đúng đắn để thanh niên có thể khẳng định được mình do đó sẽ khích lệ được thanh niên vuợt qua mọi thử thách, khó khăn  để vươn tới những thành công . Thông qua các hoạt động của nhà trường nhằm khích lệ tinh thần học tập sinh viên nhằm đạt được những tri thức khoa học như “Câu lạc bộ tiếng Anh,“Chào Tân Sinh viên”, “Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên”, … đã được tổ chức tốt.

Thứ 3: Lý tưởng đối với tuổi trẻ như ánh sáng mặt trời với sự sống, là sự gắn bó hữu cơ, là sự tự nguyện, tự giác, là sự đòi hỏi tự bản thân, nó thường trực, hướng tới “Không một chút nào được quên”. Bởi vậy lý tưởng sống của thanh niên không chỉ dừng lại ở nhận thức, ý thức và quan niệm, mà phải được tôi rèn trong hoạt động thức tiễn học đi đôi với hành, lí luận phải gắn với thực tế, phải thể hiện trong hành động, và hiệu quả của công việc, nhất là đối với sinh viên thuộc ngành may. Để ươm mầm lý tưởng hàng năm nhà trường phối hợp Đoàn thanh niên có tổ chức các cuộc thi để tạo cho sinh viên cơ hội thể hiện năng lực, ước mơ hoài bão của mình thông qua các chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” hay cuộc thi “Sinh viên với Thiết kế thời trang”.
Để những hoạt động đó có hiệu quả thì chúng ta phải giáo dục cho thanh niên có lòng ham muốn học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, lĩnh hội được những tri thức khoa học về chuyên môn và nghiệp vụ của mình để sau này tự tạo dựng cho cuộc sống tốt đẹp cho mình.

Thứ 4: Giáo dục lý tưởng, niềm tin cho thanh niên mới cần hướng đến những yêu cầu của cách mạng là phát triển sản xuất, coi lao động, năng suất lao động là cái đảm bảo cho xã hội chiến thắng cái cũ. Chỉ có trong lao động con người mới phát nặng lực của mình để tạo ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu hiện nay. Điều quan trọng là xây dựng quan niệm mới đối với lao động.
Do đó, giáo dục thái độ lao động mới cho thanh niên là điều cần thiết trong giáo dục lý tưởng và niềm tin mới. Thái độ lao động mới thể hiện ở năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất, trong công tác, trong học tập, trong phấn đấu.. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, nhất là đối với ngành dệt may, việc hình thành phong cách lao động mới mà hạt nhân là tính kỷ luật, tổ chức, tự giác, sáng tạo với năng suất lao động ngày càng cao, đây là nhu cầu tất yếu trong quá trình đào các ngành của trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Thứ 5: Cần hướng những lý tưởng, niềm tin mới cho thanh niên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành ý chí làm giàu cho Tổ quốc. Chúng ta vẫn tự  hào về thanh niên Việt Nam anh dũng, cần cù, năng động, sáng tạo...  nhưng tất cả đó là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Do đó, cần giáo dục, xây dựng cho thanh niên một thái độ, phong cách mới, bản lĩnh mới của người lao động xã hội chủ nghĩa thể hiện ở năng suất, chất lượng, hiệu quả, thể hiện ở sự đổi mới các cơ chế cũ, những cơ chế cản trở bước tiến sản xuất, đặc biệt nhanh chóng phát hiện và bồi dưỡng các tài năng mới nảy sinh trong sản xuất, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và trên nhiều phương diện khác.

Thứ 6: Lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giáo dục cho thanh niên biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, cho dân tộc.
Tấm gương về ý chí, về nghị lực, về tình yêu thương con người, yêu quê hương đất nước trong những năm tháng sống ở nước ngoài cũng như sau này của Bác Hồ là những điều mà chúng ta cần phải giáo dục cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Khi Người đi xa, những trang Di chúc của Người để lại chan chứa tình thương yêu đối với đồng bào, đồng chí khắp mọi miền đất nước và khắp nơi trên thế giới. Cho dù đã gần 50 năm sau khi Người ra đi, nhưng những tình cảm của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế vẫn luôn dành cho Người sự ngưỡng mộ vô cùng. Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội  thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ HTU học tập và làm theo lời Bác”, thực hiện Di chúc của Người, cần chú ý giáo dục cho thanh niên những giá trị truyền thống được Người nêu gương trước đây, để từ đó tạo cho thanh niên có sức mạnh phấn đấu vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

3. Kết luận
   Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề đặt ra hiện nay cần phải phát huy cao độ sức mạnh to lớn của con người, đặc biệt là lý tưởng, niềm tự hào, tự tin, lòng yêu nước sâu sắc nhất là trong hoàn cảnh đất nước đang gặp khó khăn, thử thách như hiện nay. Niềm tự hào, tự tin trong quá khứ là chưa đủ, chúng ta cần xây dựng, giáo dục ý thức tự hào, tự tin mới để nó sớm hình thành và cũng cố trên cơ sở những thành tích mới, những kinh nghiệm mới, bằng trí tuệ, bằng khoa học, bằng ý chí làm giàu cho Tổ quốc, bằng tình yêu và sự trung thành với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Khi đã có được lý tưởng , niềm tin đúng đắn dẫn đường, tuổi trẻ HTU không ngừng phấn đấu và rèn luyện để nâng cao vị trí của mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo, và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình, tích cực trong lao đông sản xuất, tiến vào khoa học – công nghệ, để cùng với nhà trường phát triển bền vững. Thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội nói riêng sẽ luôn là lớp người hăng hái nhiệt tình, luôn đi đầu trong mọi việc khó khăn với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có , đâu khó có thanh niên”. Các bạn cũng chính là những người tiếp thu và thực hành tốt tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vì trong tim các bạn luôn tâm niệm rằng : “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay  ”. Việc giáo dục cho thanh niên những điều này là cần thiết và quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2009, Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nxb Chính trị quốc gia.
 2. Trương Tự Đam, 2008, Giáo dục Thanh niên kế thừa nhân cách Hồ Chí Minh để trưởng thành và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia
3.  Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh – 78 năm chặng đường qua hai thế kỷ (1931 - 2009), 2009,  Nxb Chính trị - Hành chính.
4.  Nghiêm Đình Vỳ, 2009, Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay, Nxb Đại học sư phạm.
5. Văn phòng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội.
6. Tài liệu tham khảo Internet:

http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Chi-thi-42-CT-TW-2015-su-lanh-dao-cua-Dang-ve-cong-tac-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-dao-duc-2015-2030-269904.aspx
http://old.htu.edu.vn/sinh-vien/giao-duc-dao-duc-loi-song-cho-sinh-vien-thong-qua-giang-day-mon-hoc-tu-tuong-ho-chi-minh.html
http://hict.edu.vn/dai-hoi-dai-bieu-doan-tncs-ho-chi-minh-truong-dai-hoc-cong-nghiep-det-may-ha-noi-lan-thu-xx-nhiem-ky-2019-2022.htm
                                                      Tác giả: Th.S Đặng Thị Nga
                                                Bộ môn Chính trị- Thể dục- Khoa học cơ bản
                                             Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 201 Tổng truy cập: 30.341.013