Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

VẬN DỤNG NHẬN THỨC LUẬN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ngày đăng: 08:52 - 14/04/2022 Lượt xem: 2.355
ThS. Nguyễn Thị Thùy
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội
1. Đặt vấn đề
          Nhận thức luận hay còn gọi lý luận nhận thức là lý luận về khả năng nhận thức của con người. Khác với các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác –Lênin, Hồ Chí Minh không đề cập đến vấn đề của nhận thức, chân lý… mà Người đi theo một hướng tiếp cận riêng trên cơ sở kế thừa nhận thức luận của triết học Mác – Lênin. Đặc điểm nổi bật của nhận thức luận Hồ Chí Minh là Người nhận thức tường tận, thấu đáo bản chất, khuynh hướng vận động của sự vật, hiện tượng và quá trình của đời sống chính trị - xã hội trong một hệ thống các mối quan hệ và giải quyết đúng đắn sự tác động qua lại của các mối quan hệ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn sống. Thực tiễn ngày nay có nhiều thay đổi trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… việc nghiên cứu nhận thức luận của Hồ Chí Minh rất cần thiết vì nó giúp chúng ta không chỉ hiểu đúng mà còn vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra một cách phù hợp và linh hoạt.
2. Nội dung
           2.1. Nhận thức luận của Hồ Chí Minh về vai trò của lý luận, thực tiễn và mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn.

          Theo Hồ Chí Minh cho rằng lý luận có vai trò rất quan trọng, khi mà phong trào cách mạng không có nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam chỉ đường, thì lúc này lý luận có tác dụng quyết định. Bởi vì, không có lý luận cách mạng dẫn dắt thì đảng tiên phong không tìm ra được lối đi. Người còn nói: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (1). Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm. Người nói: “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” (2). Những người kém lý luận, coi thường lý luận, chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân để xử lý công việc, lấy chủ quan thay cho việc nhận thức quy luật khách quan, thì những người đó, theo Hồ Chí Minh thường gặp thất bại. Trong những năm đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, chúng ta lại phải đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược. Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay” (3). “Muốn giải quyết những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mâu thuẫn, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, để dùng lập trường quan điểm, phương pháp về chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta” (4). Nhận thức là cả một quá trình vận động của tư duy, phải qua hành động mới biết cách rút ra những bài học và kinh nghiệm thành công cũng như thất bại. Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Dùng lý luận đã học được để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng mặt sai trong tư tưởng, phân tích một cách toàn diện và tìm nguồn gốc đúng sai về lập trường, quan điểm và phương pháp của mình. Làm như thế là tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn” (5). Một luận điểm nổi tiếng mà Hồ Chí Minh đã tổng kết, nói lên một cách rõ ràng, sinh động, súc tích mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, đó là:Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành” (6).

         Thực tiễn hình thành nhận thức. Không qua thực tiễn thì cũng không có nhận thức. Nhưng, nhận thức phải nâng lên thành lý luận, và lý luận hướng dẫn thực tiễn, từ đó đề ra nhận thức mới, lý luận mới, cứ thế tiếp diễn theo đường xoáy ốc của quá trình nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ trừu tượng đến cụ thể. Nhận thức luận Hồ Chí Minh cho ta biết trong hoạt động tư duy, nhận thức cần chú trọng nâng lên lý luận, đồng thời thường xuyên tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, luôn luôn đổi mới tư duy, đổi mới việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn. Để làm rõ mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, Người chỉ dẫn: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (7). Nhận thức luận Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vấn để học tập lý luận, học hỏi thực tiễn. Người cho rằng, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tiễn. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ không ngừng. Điều đó cũng có nghĩa là học và hành phải kết hợp với nhau, học để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Học và hành phải nhắm tới cái đích, cũng giống như đi đường mà nhận rõ con đường mình sẽ đến thì đi mới thoải mái và thấy như đường ngắn lại. Đi đường mà không biết trước những chặng đường phải đi qua, thì mò mẫm không rõ xa gần, chỉ thấy đường dài thăm thẳm, đi chưa được mấy đã thấy mệt. Người còn nói: “Chúng ta xây dựng cuộc sống mới, cũng ví như người đi đường phải biết rõ mình ra đi từ đâu đến đâu và phải qua những chặng đường nào” (8). Như vậy, điểm nhấn của nhận thức luận Hồ Chí Minh là quá trình thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Đưa lý luận vào cuộc sống thực tiễn, kiểm nghiệm lý luận trong thực tiễn, cũng là quá trình hiện thực hóa vai trò lý luận đối với hoạt động thực tiễn. Suốt đời mình, trong nhận thức cũng như trong hành động, Hồ Chí Minh luôn trung thành với nguyên tắc nhận thức luận của mình là gắn lý luận với thực tiễn, lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành, đó là quá trình thực tiễn hóa lý luận mà Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu. Đồng thời, hoạt động của nhận thức, tư duy là không ngừng tổng kết thực tiễn, khái quát hóa thực tiễn, thông qua phân tích, đánh giá, sàng lọc những kinh nghiệm, nâng kinh nghiệm lên tâm lý luận. Chính trên ý nghĩa ấy, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm” (9). Điều đó có nghĩa là thực tiễn, kinh nghiệm thông qua hoạt động của nhận thức mà chuyển hóa thành lý luận. Đó là con đường nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn của nhận thức luận của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Hồ Chí Minh đã phát triển lên một tầm cao mới. Trong quá trình nhận thức thế giới và cải tạo thế giới với một dòng triết lý giải phóng và phát triển, triết lý hành động và nhân sinh. Chân lý mà Người đưa ra thật giản đơn, dễ hiểu. Chân lý là kết quả tất yếu của quá trình tư duy lý luận. Người nói: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý” (10). Đây là nhận thức luận nhận biết và xử lý các mối quan hệ, sự chủ động tích cực, tầm nhìn xa trông rộng, sự phản ứng linh hoạt cùng với thiên tài nắm bắt rất nhanh quy luật của lịch sử, biết vận dụng sáng tạo và phát triển nó lên một tầm cao mới để làm ra lịch sử. Ngoài phẩm chất riêng thuộc về tư duy, trí tuệ và nhân cách của Người, thì cái nổi trội ở đây chính là nhận thức luận duy vật biện chứng thường có ở Người. Nhận thức luận ấy lần theo các lớp quan hệ và trở thành một hệ thống chỉnh thể được thể hiện qua ba lớp: đối với mình, đối với người, đối với công việc. Từ các mối quan hệ mà Người nhận biết và xử lý theo triết lý sống ở đời và đạo làm người, đã nâng nhận thức luận Hồ Chí Minh lên một tầm khái quát cao của tư duy biện chứng.

          2.2. Vận dụng nhận thức luận của Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
         Trên cơ sở nội dung nhận thức luận của Hồ Chí Minh vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đã giải quyết một số mối quan hệ sau đây:

           Thứ nhất, nhận thức con đường cứu dân, cứu nước, mục đích mà Người hướng đến: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Xác định mục tiêu không phải là việc dễ ràng mà phải trải qua một quá trình dày công nghiên cứu, tìm tòi, nhận thức từ nông đến sâu, từ biết ít đến biết nhiều, từ một mặt đến toàn diện. Đi ra nước ngoài với mục đích gì, để làm gì, khi nào thì trở về, trở về như thế nào, làm thế nào thực hiện được mục tiêu đã định? Đây là nhận thức được Hồ Chí Minh suy nghĩ và bắt tay hành động. Trong những năm tháng tìm đường và thực hiện mục tiêu, xác định đường lối hành động và trở thành người dẫn đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Với bản lĩnh nhận thức năng động, linh hoạt trong tiến hành cách mạng từ việc nhỏ đến việc lớn, trong bất kỳ lĩnh vực nào tình huống nào, kẻ thù nào, dù đi đường vòng hay đi đường thẳng, lúc tiến lúc lùi Người đều có cách vượt qua thiên biến vạn biến, lúc mềm lúc rắn tạo ra bước đột phá về nhận thức cũng như hành động. Nhận thức luận Hồ Chí Minh được thể hiện qua luận điểm nổi tiếng sau đây: “Đối với bất cứ vần đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều” (11).

             Thứ hai, nhận thức đúng vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Hồ Chí Minh chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin mới soi hướng, chỉ đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng đắn thì làm việc mới đúng. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, học lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế. Học chủ nghĩa Mác – Lênin là học cách xử trí mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình, học chân lý phổ biến để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Người phê phán một số người mới học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin đã vội cho mình là giỏi hơn ai hết. Nhưng khi gặp việc, thì hoặc là máy móc, rập khuôn, hoặc là lúng túng không có cách giải quyết. Lời nói và việc làm không nhất trí. Người cho rằng, họ học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức chứ không phải để vận dụng vào công việc.

            Thứ ba, nhận thức luận Hồ Chí Minh là chìa khóa để tìm thấy con đường phát triển của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng từ dân tộc dân chủ nhân dân quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản. Nắm vững chìa khóa ấy, nhận rõ sợi chỉ đỏ xuyên suốt ấy, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công một loạt vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng nước ta. Đó là mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, giữa Đảng với giai cấp, với dân tộc, với nhân dân, giữa Đảng với Nhà nước... Nhờ đó, nhận thức luận Hồ Chí Minh đã trang bị cơ sở lý luận cho ba cuộc giải phóng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đồng thời hướng dẫn Đảng ta làm đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại. Nhận thức luận ấy tạo cho ta bản lĩnh, nghị lực và trí tuệ để giải quyết các công việc của cách mạng. Người nói: “Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước hết ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng, mục đích có đồng, chí mới đồng, chí có đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng?” (12) Theo Người, việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong. Đây chính là cơ sở phương pháp luận của nhận thức luận Hồ Chí Minh.

            Thứ tư, nhận thức luận Hồ Chí Minh là nhận thức luận của đổi mới và phát triển, luôn gắn kết đời sống văn hóa vật chất với đời sống văn hóa tinh thần, gắn kết sự phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển văn hóa xã hội. Nhận thức luận Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi chiến lược phát triển phải tính đến mục tiêu phát triển của chính nền văn hóa, phải làm giàu, đi sâu và biến đổi nội dung văn hóa xã hội. Ở đâu có nhu cầu phát triển thì ở đó có nhu cầu văn hóa. Là mục tiêu, văn hóa bao giờ cũng là cái đích nhằm hướng tới của phát triển, hướng tới con người, trung tâm của phát triển; là động lực, văn hóa luôn thâm nhập vào mọi lĩnh vực của phát triển, không có văn hóa thì không có phát triển. Trên phạm vi thế giới, chúng ta đang chứng kiến một bước phát triển giao thời của lịch sử về văn hóa thì đó là bước quá độ từ một nền văn hóa công nghiệp sang một nền văn hóa trí tuệ, một nền văn hóa phát triển bền vững mà ở đây con người luôn ở vị trí trung tâm. Nhận thức cho đúng và phát huy hết có nguồn lực con người, tạo ra nguồn lực văn hóa nội sinh để đưa đến một bước nhảy mới có thể thích nghi với những chuyển động tăng tốc, dồn dập đang và sẽ diễn ra trong những thập niên tới.

            Thứ năm, nhận thức luận Hồ Chí Minh còn là nhận thức đúng về xu thế của thời đại ngày nay. Đó là một xu thế mà yêu cầu phát triển trở thành dòng vận động chính của lịch sử, trong đó sự hợp tác ngày càng sâu rộng, tính tùy thuộc lẫn nhau ngày một gia tăng. Hòa bình cho các dân tộc và hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển trở thành đòi hỏi hết sức cấp bách. Song, mỗi quốc gia vẫn là một thực thể độc lập, mỗi dân tộc vẫn phải tự cường, và chỉ trên cơ sở độc lập, tự cường mới giải quyết vấn đề hợp tác và phát triển một cách hữu hiệu. Chúng ta nhận thức rõ, lúc này đây, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần và có thể củng cố hòa bình, tạo môi trường quốc tế ổn định để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giữ gìn chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Còn phải nhận rõ việc kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh bên trong, sức mạnh dân tộc là nhân tố quyết định tiến trình phát triển đất nước. Đồng thời, cũng phải nhận rõ tầm quan trọng của sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, ra sức tranh thủ sự đồng tình sâu sắc, sự giúp đỡ quý báu của bạn bè gần xa, hình thành một mặt trận rộng khắp ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước ta.

           Thứ sáu, “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của nhận thức luận Hồ Chí Minh. Hòa bình, hợp tác và phát triển là một xu thế tất yếu của thời đại, nhưng thế giới còn biết bao nhiêu mẫu thuẫn và đối lập, mỗi quốc gia đều có lợi ích riêng của mình, có lúc cọ xát, giằng co nhau về lợi ích, thậm chí tranh chấp nhau về quyền lợi. Cho nên “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh chính là vận dụng quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh vào trong quan hệ quốc tế ngày nay. Nhận thức luận Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong quan hệ quốc tế, nếu không biết kết hợp một cách đúng đắn giữa tính cứng rắn về nguyên tắc với tính mềm dẻo về sách lược thì dễ phạm sai lầm trong nhận thức và trong chỉ đạo thực tiễn. Bởi vì, một sách lược mềm dẻo quá đến mức quên cả nguyên tắc, thì cũng sai lầm không kém gì việc cứng rắn quá về nguyên tắc mà quên mất sự linh hoạt về sách lược. Cứng rắn quá thì không đủ mềm dẻo để biết quanh co, lựa chiều trong quan hệ đối ngoại để tìm ra những giải pháp phù hợp giải quyết các vấn đề dĩ bất biến. Vì linh hoạt quá thường dẫn đến vô nguyên tắc. Hiện nay, tình hình thế giới còn nhiều biến động sâu sắc và phức tạp hơn, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại càng đẩy nhanh hơn quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh trí tuệ trên phạm vi rộng lớn hơn nữa. Đó là cơ hội để nước ta đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến nước ta thành một nước phồn vinh và phát triển. Đặc biệt, trong gần 2 năm qua, quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” lại được Đảng và Nhà nước ta vận dụng để chống chọi với đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị.

3. Kết luận
Nhận thức luận của Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển và vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong thực tiễn cách mạng Việt Nam một cách phù hợp. Nhận thức luận Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, trang bị cho chúng ta cơ sở lý luận và thực tiễn để nhận thức và giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn đặt ra. Để học tập, vận dụng nhận thức luận Hồ Chí Minh đúng đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, tích cực hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hành, làm cho phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) (2) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.233-234, tr.235, tr.417.
  1. (4) (5) (7) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.494, tr.494, tr.498, tr.496, tr.216, tr.500.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.247.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr. 40.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.261.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 203 Tổng truy cập: 33.387.563