Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

TƯ CÁCH PHÁP LÝ CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Ngày đăng: 11:19 - 17/08/2021 Lượt xem: 5.616
ThS. Đặng Thị Thúy Thành
Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Tóm tắt: Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã có rất nhiều nội dung được sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường đồng thời bổ sung cơ chế bảo vệ, chống xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư. Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về doanh nghiệp tư nhân phần lớn được kế thừa từ Luật Doanh nghiệp năm 2014. Một trong những đặc điểm pháp lý đặc trưng của doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân. Bài viết này nghiên cứu tư cách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tư cách tham gia quan hệ pháp luật của doanh nghiệp tư nhân từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Từ khóa:  Tư cách pháp lý, chế độ trách nhiệm, doanh nghiệp tư nhân
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Luật Doanh nghiệp tư nhân ban hành ngày 21/12/1990 quy định: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân (DNTN), thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật với doanh nghiệp khác”. DNTN được pháp luật công nhận như một loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế. Sau 9 năm kể từ ngày ban hành Luật DNTN năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999 đưa DNTN trở thành một trong các loại hình doanh nghiệp cùng với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) công ty cổ phần (CP) và công ty hợp danh (HD). Ngày 29/11/2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 1999. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, DNTN được quy định từ Điều 141 đến Điều 145 trong đó xác định các đặc điểm pháp lý của DNTN: “DNTN là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; DNTN không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào; Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN
Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 giữ nguyên các đặc điểm pháp lý trên, bổ sung thêm hạn chế quyền của DNTN và chủ DNTN như: “Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh” và “DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty HD, công ty TNHH hoặc công ty CP”. Đối chiếu quy định này giữa Luật doanh nghiệp 2014 và Luật doanh nghiệp 2020 thì chỉ có một khác biệt nhỏ. Đó là Luật Doanh nghiệp 2020 cấm chủ DNTN không được đồng thời là thành viên hợp danh của công ty HD.
Về cơ bản, xuyên suốt từ Luật DTTN năm 1990 đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì một trong những đặc điểm pháp lý nhận dạng đặc trưng của DNTN là chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ DNTN phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chính quy định này đã xác định DNTN là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, quy định về tư cách pháp lý của DNTN hiện nay giữa các văn bản như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư chưa có sự thống nhất. Chính sự không thống nhất này là một trong các yếu tố gây khó khăn cho quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp liên quan trên thực tế. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu tư cách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích làm rõ những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chưa nhất quán quy định về tư cách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân để từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về DNTN.
II. NỘI DUNG
2.1. Tư cách pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân
Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện sau: (i) được thành lập theo quy định của pháp luật; (ii) có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật; (iii) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
          Thứ nhất, DNTN được thành lập theo quyết định của chủ DNTN. Sau khi lựa chọn được tên doanh nghiệp, hoàn thiện các hồ sơ đăng ký thành lập tại Điều 19     Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì chủ DNTN gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Điều 21 Nghị định số 01/2021/ND_CP về đăng ký doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi DNTN đăng ký trụ sở chính. Như vậy, xét ở điều kiện thứ nhất, DNTN được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. DNTN có trụ sở, có tên riêng, thể hiện rõ loại hình doanh nghiệp và được quyền sử dụng tên gọi của mình trong các giao dịch dân sự.
Thứ hai, DNTN không có điều lệ hoạt động. Do chỉ có một cá nhân duy nhất là chủ sở hữu nên chủ DNTN có toàn quyền quyết định mọi vấn đề từ thành lập, tổ chức quản lý, điều hành doanh nghiệp, phân phối lợi nhuận mà không phải chia sẻ quyền này với bất kỳ ai. Tùy thuộc vào quy mô hoạt động, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ DNTN có thể xây dựng bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, chia thành các phòng ban, mỗi phòng ban được phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể trong các quyết định quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, DNTN thường có quy mô nhỏ với bộ máy quản lý điều hành đơn giản.
Thứ ba, chủ DNTN có quyền quyết định vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư này chủ yếu từ tài sản của chủ DNTN. Vốn đầu tư và tài sản của doanh nghiệp được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Vốn đầu tư được coi là tài sản của DNTN. Căn cứ quy định tại khoản 4 điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhu cầu thực tế mà chủ DNTN có quyền tăng hoặc giảm mức vốn đầu tư và chỉ phải khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm vốn xuống dưới mức vốn đầu tư đã đăng ký. Chính vì vậy, không có sự tách biệt rõ ràng giữa tài sản của chủ DNTN và phần vốn mà chủ doanh nghiệp đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong mọi thời điểm, sự thay đổi về mức vốn đầu tư đều có thể diễn ra. Đây chính là cơ sở để xác định DNTN không được coi là một pháp nhân do pháp nhân phải có tài sản độc lập và tài sản này hoàn toàn tách biệt với tài sản của các cá nhân, pháp nhân khác.
Thứ tư, DNTN không thể nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập mặc dù chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật của DNTN và DNTN cũng có con dấu xác định tính pháp lý của văn bản, tài liệu do DNTN ban hành.
Đối chiếu với bốn điều kiện để một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân thì DNTN không có sự độc lập về tài sản giữa tài sản của chủ DNTN và tài sản của chính DNTN đó. Chính vì không được coi là một pháp nhân nên DNTN không thể nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật mà phải nhân danh chủ DNTN với tư cách chủ thể là cá nhân.
2.2. Một số vấn đề thực tiễn trong quá trình áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về tư cách pháp lý của DNTN
2.2.1. Về quyền góp vốn, thành lập doanh nghiệp của DNTN và chủ DNTN
Căn cứ khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ DNTN bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp trong đó chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên HD của công ty HD. Điều này lý giải rằng đối với hộ kinh doanh và thành viên HD của công ty HD thì đều có đặc điểm pháp lý tương đồng với chủ DNTN đó là: Hộ kinh doanh và thành viên HD của công ty HD đều chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh và công ty HD. Quy định này nhằm tránh sự mâu thuẫn về lợi ích giữa cá nhân tổ chức là bên có quan hệ tài sản với chủ DNTN, hộ kinh doanh, thành viên HD của công ty HD. Do sự chồng chéo về nghĩa vụ tài sản của chủ DNTN nếu chủ DNTN đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên HD của công ty HD. Tại khoản 4 điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty HD, công ty TNHH hoặc công ty CP”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với điểm d khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó, tổ chức không có tư cách pháp nhân không được quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân chủ DNTN nếu đáp ứng các quy định tại Điều 17 thì có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty CP và công ty TNHH, trở thành thành viên góp vốn của công ty HD. Như vậy, pháp luật chỉ cấm DNTN không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty HD, công ty TNHH hoặc công ty CP mà không cấm chủ thể là cá nhân chủ DNTN thực hiện các hoạt động trên.
Xét về mặt bản chất, quy định này có những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, đó là: phần vốn góp, cổ phần mà chủ DNTN khi góp vốn vào công ty TNHH, công ty CP, công ty HD phải chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp và phần vốn góp, cổ phần đó là tài sản sẽ sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty TNHH, công ty CP, công ty HD. Chủ DNTN sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty đến hết giá trị phần vốn góp, giá trị cổ phần mà mình sở hữu. Bên cạnh đó, phần vốn góp, giá trị cổ phần đó thuộc sở hữu của chủ DNTN nên được dùng để thực hiện đồng thời 2 nghĩa vụ: đối với các nghĩa vụ tài sản của DNTN và đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty CP, công ty TNHH, công ty HD. Chính vì vậy, sẽ phát sinh nhưng tranh chấp sảy ra khi giá trị tài sản của DNTN không đủ để thực hiện các nghĩa vụ phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNTN.
2.2.2. Về tư cách chủ thể của DNTN và chủ DNTN trong quan hệ pháp luật
Căn cứ vào khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ rõ: chủ DNTN là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho DNTN thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong quan hệ pháp luật tố tụng thì chủ DNTN với tư cách cá nhân chứ không phải chính DNTN là chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đó. Tuy nhiên, tại Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra khái niệm pháp nhân thương mại như sau: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên” và “Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”. Nhìn vào quy định này chúng ta có thể thấy rằng doanh nghiệp được thừa nhận như là một pháp nhân thương mại nếu doanh nghiệp có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định tại khoản 10 Điều 4 giải thích cho khái niệm doanh nghiệp: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Để cụ thể hơn về khái niệm doanh nghiệp, Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục liệt lê các tổ chức kinh tế được công nhận là doanh nghiệp, đó là công ty TNHH, công ty CP, công ty HDDNTN. Với tư cách là doanh nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì DNTN là đối tượng để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời, cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật của DNTN.
Liên kết tất cả các quy định này ta có thể thấy rằng tồn tại 2 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: theo quy định của pháp luật dân sự, DNTN không được coi là pháp nhân thương mại do: (i) DNTN mặc dù có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận tuy nhiên do chỉ có 1 chủ sở hữu nên không đặt ra vấn đề phân chia lợi nhuận cho các thành viên (ii) DNTN được coi là 1 tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân do không có sự độc lập về tài sản giữa phần tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp và phần tài sản thuộc về doanh nghiệp.
Quan điểm thứ hai. DNTN được coi là pháp nhân thương mại do: (i) DNTN là loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020; (ii) DNTN được pháp luật công nhận là pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật dân sự và luật doanh nghiệp theo phân tích đã nêu ra ở trên.
2.2.3. Hậu quả pháp lý khi chủ DNTN chết
Theo quan điểm thứ nhất: vì chủ DNTN chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh của mình bằng tất cả tài sản mà mình có. Vì thế cho nên, ngay cả trường hợp chủ DNTN chết thì trách nhiệm thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp vẫn tồn tại. Nếu có người thừa kế thì người thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại với tư cách người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật trong phạm vi phần di sản mà mình được hưởng. Nếu không có người thừa kế thì cơ quan chức năng có trách nhiệm giải thể doanh nghiệp và thanh lý tài sản của doanh nghiệp để đảm bảo thanh toán các khoản nợ cho các bên có liên quan một cách hợp pháp nhất. Chính vì vậy, khi chủ doanh nghiệp chết thì tư cách pháp lý của DNTN sẽ chấm dứt. Trong trường hợp này, không được thừa kế DNTN mà chỉ được thừa kế tài sản của DNTN. Do đó, DNTN được xem xét như một tài sản trong khối di sản thừa kế.
Theo quan điểm thứ hai. Căn cứ theo Điều 193 khoản 2 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp chủ DNTN chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ DNTN theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trong trường hợp này, người thừa kế là chủ doanh nghiệp mới sẽ tiếp tục kế thừa công việc kinh doanh của chủ doanh nghiệp. Chủ DNTN mới là người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ DNTN đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
 Việc pháp luật công nhận sự kế thừa DNTN của người thừa kế và không chấm dứt hoạt động của DNTN khi chủ DNTN chết là sự thừa nhận của pháp luật đối với tư cách pháp lý của DNTN với vai trò là một tổ chức kinh tế độc lập.
 
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỤ THỂ
3.1. Bổ sung quy định về điều kiện để chủ DNTN được quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty TNHH, công ty CP, trở thành thành viên góp vốn của công ty HD.
Khi xây dựng quy định về điều kiện, cần cân bằng lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức tham gia vào các giao dịch kinh doanh thương mại với công ty TNHH, công ty CP, công ty HD (mà chủ DNTN là thành viên hoặc cổ đông) và với chính DNTN. Trong mối quan hệ kinh doanh, thương mại này tồn tại 2 loại trách nhiệm về tài sản: (i) trách nhiệm tài sản của chủ DNTN đối với các cá nhân, tổ chức trong quan hệ hợp tác với DNTN là chế độ trách nhiệm vô hạn, được đảm bảo thực hiện bằng tài sản của DNTN và tài sản của chủ DNTN, trong đó bao gồm cả tài sản mà chủ DNTN góp vốn thành lập, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty CP, trở thành thành viên góp vốn của công ty HD. (ii) Trách nhiệm tài sản của chủ DNTN đối với đối tác trong công ty HD, công ty TNHH, công ty CP là trách nhiệm hữu hạn: chủ DNTN chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp.
Căn cứ vào thực tiễn, chủ DNTN có thể phát sinh nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh mà không muốn chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho nên nhu cầu thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty HD, công ty CP là quyền chính đáng của chủ DNTN. Việc xác định các điều kiện cụ thể để DNTN được hưởng quyền này cần xây dựng và được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định do Chính phủ ban hành nhằm không làm phương hại đến lợi ích của các bên tham gia. Cần chú trọng hai điều kiện sau:
Điều kiện thứ nhất: DNTN hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp để trở thành thành viên góp vốn của công ty HD, thành viên công ty TNHH và cổ đông công ty CP phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm thực hiện quyền này
Điều kiện thứ hai: chủ DNTN chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, Bảo hiểm xã hội.
3.2.  Bổ sung án lệ về giải quyết thủ tục phá sản DNTN trong trường hợp DNTN phá sản đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với công ty TNHH, công ty HD, công ty CP vào danh sách án lệ của Tòa án nhân dân tối cao.
Trường hợp này, DNTN phải thực hiện nghĩa vụ đối với các chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, chủ nợ không có bảo đảm phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DNTN đồng thời chủ DNTN phải thực hiện nghĩa vụ với các chủ nợ phát sinh từ hoạt động thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty HD, công ty CP. Theo bản cập nhật danh sách 43 án lệ mới nhất của Tòa án Nhân dân tối cao chưa có án lệ vụ việc giải quyết tranh chấp về phá sản doanh nghiệp. Căn cứ Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự quy định tại khoản 14 Điều 9 của Luật Phá sản 2014: “Khi giải quyết vụ việc phá sản, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao công nhận”. Việc thẩm phán có thể tham khảo quyết định giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất tương tự với vụ việc phá sản đang giải quyết để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết phá sản. Bổ sung vào quy định tại Điều 3 Nghị quyết về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản 2014 và thẩm quyền của tòa án thụ lý và giải quyết bởi lẽ đây là vụ việc phá sản có tính chất phức tạp do sự chồng chéo về trách nhiệm hữu hạn đối với chủ nợ của công ty TNHH, công ty HD, công ty CP, trách nhiệm vô hạn với chủ nợ của DNTN
3.3. Thống nhất tư cách chủ thể của DNTN trong các văn bản pháp luật
Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa rõ ràng và thống nhất về tư cách chủ thể của DNTN, chính vì vậy, việc xác định chủ DNTN hay chính DNTN là chủ thể trong quan hệ pháp luật là một vấn đề dẫn đến quá trình vận dụng, áp dụng pháp luật chưa thống nhất.
Căn cứ khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, vì không đảm bảo các điều kiện để trở thành pháp nhân cho nên DNTN là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Việc DNTN hay chủ DNTN tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự thì cũng chỉ có một chủ thể: cá nhân chủ DNTN được coi là chủ thể duy nhất của quan hệ pháp luật này.
Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNH ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán điều 11 quy định: đối tượng mở tài khoản thanh toán là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, DNTN, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật. Như vậy, bản thân DNTN là đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng. Trái ngược với quy định này, Tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng xác định:  tổ chức tín dụng chỉ được cho chủ DNTN vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của DNTN, tổ chức tín dụng không được trực tiếp ký kết hợp đồng với DNTN. Như vậy theo thông tư này thì DNTN không phải là chủ thể tham gia ký kết các hợp đồng tín dụng. Các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, DNTN mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ DNTN. Quy định này đã khẳng định DNTN không có tư cách pháp nhân, vì vậy DNTN không thể nhân danh mình trở thành chủ thể trong hợp đồng vay tài sản với các tổ chức tín dụng.
Trên tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ngay từ quy định đầu tiên về phạm vi áp dụng của Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự. Chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Chính vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất giữa Bộ luật Dân sự và luật chuyên ngành về tư cách chủ thể của DNTN thì cần phải sửa đổi một số quy định sau:
Thứ nhất, sửa đổi khái niệm về pháp nhân thương mại tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 để thống nhất cách xác định doanh nghiệp nào là pháp nhân thương mại. Có thể sửa đổi như sau: “Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và các tổ chức kinh tế khác”. Việc sửa đổi như vậy để thống nhất với quy định về doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, tránh việc áp dụng không thống nhất về tư cách chủ thể của DNTN trong quá trình thực thi pháp luật và trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, thương mại.
Thứ hai, sửa đổi Điều 2 khoản 27 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo đó tách doanh nghiệp thành hai loại: Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân. Đối với DNTN là tổ chức kinh tế không có tư cách pháp nhân, căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ thể sử dụng đất, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chủ DNTN. Trên cơ sở đó sửa đổi khái niệm tổ chức kinh tế trong Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng lại quy định về người sử dụng đất tại điều 5 Luật Đất đai cho phù hợp.
KẾT LUẬN
Hiện nay, để quyết định lựa chọn một loại hình doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận, nhà đầu tư cần tìm hiểu những ưu, nhược điểm của loại hình doanh nghiệp đó. Sự không độc lập và tách bạch tài sản giữa cá nhân chủ DNTN và tài sản của chính DNTN cùng chế độ trách nhiệm vô hạn là đặc điểm cơ bản xác định DNTN không có tư cách pháp nhân. Việc hiểu rõ về đặc trưng này của DNTN và xây dựng các quy định nhất quán từ hệ thống pháp luật chung đến hệ thống pháp luật chuyên ngành giúp cho việc thực thi pháp luật thống nhất, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh, thương mại.
 
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Quốc hội, 2020, Luật Doanh nghiệp.
  2. Quốc hội, 2014, Luật Doanh nghiệp.
  3. Quốc hội, 2005, Luật Doanh nghiệp.
  4. Quốc hội, 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân.
  5. Quốc hội, 2013, Luật Đất đai
  6. Quốc hội 2015, Bộ Luật dân sự.
  7. Quốc hội, 2014, Luật phá sản
  8. Chính phủ, 2021, Nghị định số 01/2021/ND_CP về đăng ký doanh nghiệp.
  9. Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 2016, Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNH ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thành toán.
  10. Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 2016, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
  11. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 2016, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản.
  12. Tòa án nhân dân tối cao, 2021, Danh sách 43 án lệ được ban hành và áp dụng
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 346 Tổng truy cập: 31.790.629