Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

VẬN DỤNG THANG BLOOM TRONG DẠY HỌC TOÁN ỨNG DỤNG THEO PHƯƠNG PHÁP PHÁT VẤN

Ngày đăng: 09:39 - 28/02/2020 Lượt xem: 5.435

Nguyễn Thị Hạnh

                                                                            Khoa Khoa học cơ bản
                                                                          Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội

1.Mở đầu
Trong dạy học, một trong những phương pháp không thể thiếu và gần như xuyên suốt bài giảng của giảng viên đó là phương pháp phát vấn. Ở phương pháp này, việc đưa ra hệ thống câu hỏi như thế nào đóng một vai trò quan trọng và là một trong những yếu tố quyết định chất lượng lĩnh hội kiến thức của sinh viên. Câu hỏi nhằm kích thích hoạt động của não bộ, sinh viên phải suy nghĩ, tái hiện kiến thức cũ, thu nạp kiến thức mới, liên hệ áp dụng kiến thức với thực tiễn, đưa ra cách giải quyết vấn đề, tình huống theo cách riêng mang tính sáng tạo.
Đặt câu hỏi ở phương pháp phát vấn là một kĩ thuật trong dạy học tích cực. Đặt câu hỏi có hai dạng là câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Câu hỏi đóng là dạng câu hỏi chỉ có một phương án trả lời duy nhất là “đúng/sai” hoặc “có/không”. Câu hỏi này được sử dụng chủ yếu trong đánh giá, kiểm tra mức độ ghi nhớ thông tin, kiến thức (hiểu bài) của sinh viên. Tuy nhiên, để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên thì chúng ta lại cần đến hệ thống các câu hỏi mở. Câu hỏi mở là câu hỏi có nhiều phương án trả lời. Câu hỏi mở có tác dụng kích thích ở các cấp độ tư duy. Người học phải suy nghĩ, kết hợp với ngôn ngữ để giải thích, trình bày các hiểu biết, kinh nghiệm, kiến thức đã thu nạp từ thực tiễn và bài học. Hiện nay, người ta dựa vào bảng phân loại các cấp độ tư duy của Bloom để đặt câu hỏi.
2. Nội dung nghiên cứu
Năm 1956, Benjamin Bloom – nhà tâm lí giáo dục người Mỹ – đã cùng một số tác giả xây dựng bảng phân loại mục tiêu giáo dục theo hai lĩnh vực: Tri thức (Cognitive domain) và Cảm xúc (Affective domain). Bảng phân loại về tri thức của Bloom hiện nay được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới và không ngừng được cải tiến, phát triển. “ Phân loại Bloom” được dùng như là công cụ quan trọng trong xây dựng mục tiêu giáo dục, đo lường giáo dục, đặt câu hỏi trong dạy học, nghiên cứu, xây dựng và thiết kế bài giảng cũng như hướng dẫn giảng dạy để đạt mục tiêu đề ra.

Theo Bloom, lĩnh vực Tri thức được chia thành sáu phạm trù chủ yếu, sắp xếp theo mức độ tăng dần, gồm: Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation); hiện nay đã được điều chỉnh gồm sáu cấp độ: Biết, Hiểu, Ứng dụng, Phân tích,  Đánh giá và Sáng tạo.

2.1 Câu hỏi ở cấp độ Biết
Kiến thức ở cấp độ “biết”bao gồm những thông tin người học có thể nhớ hay nhận ra sau khi tiếp nhận. Việc học thường bắt đầu từ nhu cầu “muốn biết” nhưng để kiểm tra “biết được cái gì đó”, người học chỉ cần vận dụng trí nhớ nên kết quả đạt được ở mức “biết” là rất thấp. Mục tiêu giáo dục không dừng ở việc dạy các tri thức thuộc mức “biết”. Vì vậy, câu hỏi ở mức độ “biết” là những câu hỏi dễ nhất.
- Mục tiêu: Kiểm tra trí nhớ của người học về các dữ kiện, số liệu, các định nghĩa, định lý, quy tắc, khái niệm...
- Tác dụng đối với người học: giúp người học tái hiện lại những gì đã học, đã biết, đã trải qua.
- Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên có thể sử dụng các cụm từ: Cái gì...?, Ở đâu...?, Thế nào...?, Khi nào...?, Hãy định nghĩa..., Hãy nêu..., Hãy mô tả...
- Ví dụ:
• Khi nào tồn tại hàm số ngược của hàm một biến số?
• Hãy nêu các tính chất của tích phân xác định?
• Thế nào là sự hội tụ của một tích phân suy rộng?
• Hãy định nghĩa tích phân bội hai?
2.2 Câu hỏi ở cấp độ Hiểu (Thông hiểu)
Hiểu được vấn đề nào đó tức là bao hàm việc đã “biết” về vấn đề đó nhưng ở mức cao hơn. Ở mức này, người học có khả năng chỉ ra ý nghĩa và mối liên hệ giữa các thông tin hay khái niệm mà họ đã biết. Khi phát biểu một định nghĩa nào đó, tức là người học đã biết đến khái niệm đó, nhưng để chứng tỏ “hiểu”, họ phải có khả năng giải thích được các khái niệm, có thể minh họa bằng các ví dụ hay hình ảnh, phát biểu lại định nghĩa đó dưới dạng khác mà không mất đi đặc trưng của khái niệm,...
- Mục tiêu: Kiểm tra sinh viên về cách liên hệ, kết nối các dữ liệu, số liệu, các định nghĩa, tính chất,...
- Tác dụng đối với người học: Sinh viên có khả năng diễn tả bằng lời nói, nêu ra được các yếu tố cơ bản hoặc so sánh được các yếu tố cơ bản trong bài học.
- Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên có thể sử dụng các cụm từ như: Tại sao...?, Vì sao...?, Hãy so sánh..., Hãy liên hệ..., Hãy tính...
- Ví dụ:
• Nhìn vào hình vẽ, cho biết tại sao quy tắc f ở đây không phải là đơn ánh?
 
 

 

 • Hãy so sánh (phân biệt) khái niệm cực trị với khái niệm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất?
• Hãy so sánh tính chất của tích phân bội hai với tích phân bội ba?
• Hãy phân tích phân thức hữu tỉ (thực sự) sau thành tổng các phân thức hữu tỉ dạng cơ bản?
• Hãy liên hệ khái niệm cực trị với bài toán thực tiễn?
2.3 Câu hỏi ở cấp độ Ứng dụng
Cấp độ “ứng dụng” là khả năng người học vận dụng kiến thức, sử dụng định nghĩa, định lý, tính chất, phương pháp hay nguyên lí, ý tưởng để giải quyết bài toán hoặc một vấn đề nào đó trong thực tiễn.
- Mục tiêu: Kiểm tra khả năng áp dụng những kiến thức đã học ( các khái niệm, tính chất, quy tắc, phương pháp,...) vào giải quyết các bài toán hoặc các vấn đề của thực tiễn trong điều kiện, hoàn cảnh mới.
- Tác dụng đối với người học: Sinh viên hiểu sâu nội dung kiến thức, các khái niệm, định lý, biết cách lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bài toán, từng vấn đề trong thực tế cuộc sống.
- Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên cần tạo ra các tình huống mới (bài toán mới), gắn với thực tế, khác với điều kiện đã học trong bài; sử dụng các cụm từ như: Làm thế nào...?, Có cách giải quyết nào...?, Hãy tính..., Hãy áp dụng...
- Ví dụ:
• Hãy phân tích phân thức hữu tỉ (thực sự) sau thành tổng các phân thức hữu tỉ dạng cơ bản?
• Áp dụng định nghĩa, hãy xét tính chẵn lẻ của hàm số sau:

 

2.4 Câu hỏi ở cấp độ Phân tích
“ Phân tích” là khả năng chia nhỏ vấn đề thành các khái niệm, thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Với khả năng phân tích, người học hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng hay khái niệm, định lý,... nó là tiền đề, cơ sở quan trọng, là các dữ liệu để người học tổng hợp hoặc phê phán, từ đó đi tới sáng tạo cái mới.
- Mục tiêu: Kiểm tra khả năng phân tích nội dung, vấn đề, từ đó tìm ra mối liên hệ hoặc chứng minh luận điểm, hoặc đi đến kết luận về một vấn đề cụ thể.
- Tác dụng đối với người học: Sinh viên suy nghĩ, có khả năng tìm ra được các mối quan hệ trong sự vật, hiện tượng, tự diễn giải hoặc đưa ra kết luận riêng, nhờ đó tư duy logic được phát triển. Câu hỏi phân tích thường có nhiều lời giải.
- Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên sử dụng các cụm từ như: Tại sao...?, Vì sao...?, Em có nhận xét gì...?, Hãy chứng minh..., Hãy so sánh..., Hãy phân tích...
- Ví dụ:

2.5 Câu hỏi ở cấp độ Đánh giá
“ Đánh giá” là khả năng xây dựng giá trị, đưa ra các nhận xét hay – dở, tốt – xấu, tiến bộ – lạc hậu , phù hợp – không phù hợp,... về các sự vật, hiện tượng, khái niệm hay phương pháp. Để đánh giá, người học phải có khả năng phân tích, hiểu tường tận vấn đề, tổng hợp và so sánh từ nhiều nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra nhận định cuối cùng. Đây là mức cao của trí tuệ, bởi kết quả của đánh giá thể hiện quan điểm, nhận thức của người học về một vấn đề, hay sự vật trong nội dung học tập hoặc cuộc sống
- Mục tiêu: Kiểm tra khả năng đóng góp ý kiến, sự phán đoán của sinh viên  trong việc nhận định, đánh giá các ý tưởng, sự kiện, hiện tượng,... dựa trên các tiêu chí đã được hình thành trong quá trình lĩnh hội tri thức.
- Tác dụng đối với người học: Thúc đẩy sinh viên tìm tòi tri thức, xác định giá trị.
- Cách tiến hành:
+ Câu hỏi “đánh giá” thường được sử dụng sau khi học xong một nội dung hoặc cuối một hoạt động đã có kết quả ( sinh viên có thể tự đánh giá và đánh giá kết quả của nhau)
+ Câu hỏi “đánh giá” thường được kết hợp giữa câu hỏi đóng và câu hỏi mở - sinh viên đưa ra nhận định đồng thời phải giải thích được lí do tại sao lại đưa ra nhận định đó. Điều này kích thích phát triển tư duy logic, tư duy phê phán, hình thành năng lực đánh giá cho sinh viên.
- Ví dụ:
•Em hãy đánh giá (nhận xét) về bài tập các bạn đã làm ở phần ví dụ trên (phần câu hỏi ở cấp độ phân tích).
• Em có yêu thích học phần Toán ứng dụng không? Chương nào của học phần khiến em thấy thú vị nhất? Vì sao?
2.6 Câu hỏi ở cấp độ Sáng tạo
“Sáng tạo” là cấp độ cao nhất trong các cấp độ tư duy, trên cơ sở các kiến thức đã được xây dựng, hình thành trong quá trình học, người học đưa ra những dự đoán, cách giải quyết vấn đề, cách làm mới theo suy nghĩ của mình. Các câu hỏi ở cấp độ này khuyến khích người học phát triển trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo, hình thành năng lực sáng tạo cho người học.
- Mục tiêu: Khuyến khích sinh viên đưa ra cách làm mới, cách giải quyết vấn đề trong các tình huống cụ thể; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ, mong muốn thay đổi hiện trạng, tạo ra cái mới, cái tiến bộ.
- Tác dụng đối với người học: Sinh viên phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic, tư duy phê phán, kĩ năng giải quyết vấn đề; hình thành năng lực sáng tạo, ham thích tìm tòi tạo ra cái mới mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Cách tiến hành:Giảng viên cần tạo ra những tình huống, những câu hỏi khiến sinh viên phải suy đoán, có thể tự do đưa ra những lời giải, cách giải quyết mới mang tính sáng tạo riêng của mình. Các cụm từ để hỏi thường là: Có cách làm (cách giải) nào khác...?, Có giải pháp nào khác để giải quyết tình huống/ vấn đề...?
- Ví dụ:


3. Kết luận
Câu hỏi ở cấp độ nhận thức thấp hay cao tùy thuộc vào tình huống, nội dung kiến thức, kiến thức mới hay kiến thức đã được hình thành. Hệ thống câu hỏi này cần được xây dựng dựa trên kiến thức, vốn kinh nghiệm đã có của sinh viên kết hợp với kiến thức mới của bài học, giúp các em chiếm lĩnh kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, đảm bảo học sâu, đạt mục tiêu của bài học. Câu hỏi quá dễ sẽ gây nhàm chán (học nông), câu hỏi quá khó sẽ tạo không khí căng thẳng. Vì vậy, câu hỏi cần phải đảm bảo tính vừa sức, kết hợp câu hỏi cấp thấp và câu hỏi cấp cao. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ nghĩa, không đa nghĩa. Trong tình huống đưa ra câu hỏi mà sinh viên bối rối, không có sinh viên nào trả lời được thì giảng viên cần xem xét lại câu hỏi hoặc phải giải thích để sinh viên hiểu rõ câu hỏi. Trong khi thiết kế bài học, giảng viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi theo hệ thống kiến thức của bài học để dẫn dắt sinh viên phát triển tư duy theo cấp độ từ thấp đến cao.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) – Đỗ Hương Trà (2018), Dạy và học tích cực, một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
[2] Nguyễn Hữu Thành –Phạm Thị Mai Dung (2018), Giáo trình Toán ứng dụng, Tài liệu nội bộ.
[3] Đặng Vũ Hoạt (chủ biên) – Hà Thị Đức (2017), Lí luận dạy học đại học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.

 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 57 Tổng truy cập: 18.638.884