Ths.Nguyễn Thị Thùy
Đơn vị Khoa Khoa học cơ bản
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một hệ thống quan điểm lý luận toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của giáo dục từ vai trò, mục tiêu, đối tượng, nội dung cho đến phương pháp giáo dục. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt của nền giáo dục nước ta theo Hồ Chí Minh là phải đào tạo ra những người có đủ đức, đủ tài, vừa hồng lại vừa chuyên để phụng sự xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thiện con người, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền giáo dục toàn diện bao gồm cả đức dục, thể dục, trí dục, mỹ dục. Năm 1960, trong thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa kỹ thuật, lao động và sản xuất” (1). Dưới đây là những nội dung giáo dục cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn kết chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam và những bài học trong việc xây dựng nền giáo dục ở nước ta hiện nay.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục
Một là, Giáo dục tinh thần yêu nước, nâng cao trình độ lý luận chính trị
Theo Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước là niềm tự hào cũng như là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước không chỉ là cơ sở, nền tảng, mục đích của sự tồn vong đối với mỗi quốc gia, dân tộc mà còn là yếu tố cốt lõi nhất, cơ bản nhất, đầu tiên, được xếp hạng bậc nhất trong nội dung giáo dục. Do đó, cần phải coi trọng việc giáo dục tinh thần yêu nước cho mọi người bởi: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm, bổn phận của chúng ta là làm cho những cái quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức tổ chức, tuyên truyền, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công cuộc yêu nước, công cuộc kháng chiến” (2). Theo Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước có mối quan hệ mật thiết với tinh thần quốc tế; chủ nghĩa yêu nước gắn kết với chủ nghĩa quốc tế vô sản; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thống nhất với nhau, không tách rời nhau, tác động trợ giúp cho nhau trong tiến trình xây dựng một xã hội vì con người, vì hòa bình, độc lập, công bằng, tự do cho các dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh kêu gọi thế hệ trẻ phải có tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, thể hiện tinh thần quốc tế để giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giữ gìn hòa bình, dân chủ tránh không có áp bức, xung đột, không có chiến tranh đánh giết lẫn nhau. Do đó, giáo dục theo Hồ Chí Minh phải có nhiệm vụ tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc để xây dựng tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Ngoài giáo dục tinh thần yêu nước, Hồ Chí Minh còn chú trọng đến việc giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho mọi người. Đây là việc có ý nghĩa, động lực quan trọng đối với cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Chỉ khi nào mọi người được giáo dục chính trị thì họ mới có trình độ giác ngộ cách mạng, nhận thức được quyền lợi, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Hồ Chí Minh cho rằng trong việc học tập chính trị cần đặc biệt coi trọng các môn lý luận Mác – Lênin là đỉnh cao của trí tuệ và văn hóa khoa học. Đó là chủ nghĩa chân chính, khoa học và cách mạng nhất. Như vậy, việc giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chính trị cho mọi người là điều kiện quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống mới, con người mới. Việc nâng cao trình độ lý luận còn giúp mọi người xác định đúng đắn lý tưởng sống, hoài bão lập thân, lập nghiệp, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hai là, Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống
Giáo dục tư tưởng là một trong nhiều nội dung căn bản trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, việc giáo dục tư tưởng phải được cụ thể hóa phù hợp với từng cấp học, ngành học, phù hợp với chương trình và mục tiêu đào tạo nhằm làm cho mọi người thấm nhuần cái học hữu dụng, cái học đích thực để có trí thức hoàn toàn. Giáo dục vê tư tưởng, Người quan niệm: “Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn”(3). Cho nên “Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới”(4). Từ đây, Hồ Chí Minh đã đưa ra nội dung giáo dục về đạo đức cách mạng. Bác giải thích: “Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành để phục vụ giai cấp công nhân và nhân dân lao động… Đạo đức cách mạng là hòa bình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”(5).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là toàn diện cả tài và đức, tài và đức ở Hồ Chí Minh không có sự tách biệt mà luôn thống nhất biện chứng với nhau. Nếu đạo đức là tiêu chuẩn cho đạo lý làm người thì tài là phương tiện thực hiện mục đích đó. Có thể nói thông qua tài, đức mới thực sự được biểu hiện và thực thi trong đời sống. Như vậy, theo Bác việc giáo dục phải coi trọng cả tài lẫn đức trong đó phải coi đức là gốc, nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Người viết: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...”(6). Trong nội dung giáo dục đạo đức, Hồ Chí Minh cho rằng: “cần, kiệm, liêm, chính là cái nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”(7). Bên cạnh đó, Bác còn chỉ dạy mọi người phải ra sức chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Theo người, giáo dục đạo đức cách mạng không có nghĩa là phá bỏ tất cả những tư tưởng cũ mà chỉ có cái gì cũ kỹ, lạc hậu gây tác hại xấu đối với sự nghiệp cách mạng thì phải phê phán, cải tạo, phá bỏ, còn những cái gì là tiến bộ, hợp lý thì phải tiếp thu, kế thừa một cách triệt để. Đạo đức cách mạng vô cùng cần thiết va quan trọng đối với mỗi con người trong việc xây dựng con người mới, xã hội mới nhưng đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, nó có được do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày. Vì thế, mọi người cần phải được giáo dục tư tưởng, đạo đức thường xuyên và đó là một phần quan trọng trong nội dung giáo dục.
Ba là, giáo dục văn hóa, trình độ chuyên môn và tinh thần yêu lao động
Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vị trí, tầm quan trọng và vai trò của văn hóa. Văn hoá là do con người sáng tạo ra nhưng khi được hình thành nó sẽ đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần nuôi dưỡng, chi phối lề lối, thói quen, phong tục, tập quán, tín ngưỡng trong sự phát trển xã hội. Cho nên, việc đào tạo con người xã hội chủ nghĩa phải được thực hiện trên cơ sở nền tảng của một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Đó là nền văn hóa được xây dựng trên cơ sở ế thừa những giá trị của nền văn hóa truyền thống cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là nền văn hóa lấy con người làm trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội, tất cả vì con người và do con người. Vì vậy, giáo dục nâng cao trình độ văn hóa cho mọi người, góp phần to lớn vào việc hình thành và xây dựng nền văn hóa mới là hết sức cần thiết. Cùng với việc nâng cao trình độ văn hóa trong nội dung giáo dục, Hồ Chí Minh cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức khoa học cho mọi người. Vì “khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên” (8). Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi người, mọi ngành đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.
Trong nội dung tư tưởng giáo dục, đào tạo con người mới, Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến việc giáo dục tinh thần yêu nước, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa mà Người còn rất chú trọng đến việc giáo dục cho mọi người tinh thần yêu lao động, quý trọng lao động, xem lao động là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Mỗi người phải tùy theo khả năng, sức lực của mình mà tự nguyện, tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà. Người nêu rõ: “Người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay, người lao động chân tay muốn là người hoàn toàn phải biết lao động trí óc” (9). Người kêu gọi: “Mỗi người chúng ta phải nhận rõ: Lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều là vẻ vang, đáng quý. Chúng ta phải chống tư tưởng xem khinh lao động” (10). Từ quan niệm đó, Bác chủ trương phải cải tạo nền giáo dục: Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước, mà “giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” (11). Trong bài “Học hay, cày giỏi”, Bác khẳng định chủ trương của Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là: “Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(12). Bác cũng rất coi trọng việc nhắc nhở thế hệ trẻ phải tiết kiệm, thực hiện cần cù và tiết kiệm, cần cù đi với tiết kiệm.
Bốn là, giáo dục sức khỏe và mỹ thuật
Nếu đạo đức, tư tưởng, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, tinh thần yêu lao động, làm chủ sản xuất là tài sản tinh thần quý báu của mỗi con người thì sức khỏe là tiền đề quan trọng quyết định làm ra tài sản đó. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp” (13). Ngay từ những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Bác đã khẳng định: “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi người dân yếu ớt, mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe” (14). Vì thế, các cháu ra sức học tập, siêng tập thể dục cho mình mẩy nở nang. Cho nên “ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ” (15). Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến việc giáo dục sức khỏe, rèn luyện về thể chất mà còn chú ý nâng cao trình độ thưởng thức thẩm mỹ cho mọi người. Bác giải thích: “Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp”, “chữ mỹ nghĩa là tốt đẹp, Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (16). Như vậy, giáo dục thẫm mỹ, thực hiện điều thiện và giáo dục phục vụ lợi ích của nhân dân là tốt đẹp. Cái tốt, cái đẹp, cái thiện cần phải được trau dồi, nuôi dưỡng và thể hiện nó trong cuộc sống. Tuy vậy, bác cũng cho rằng, trong xã hội thiện và ác luôn tồn tại đan xen nhau, luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ, gian khổ nhưng cái ác nhất định sẽ bại và cái thiện nhất định sẽ thắng. Hơn nữa, trong mỗi con người cũng luôn tồn tại song song cả thiện và ác, vì thế cần ra sức học tập, cải tạo và rèn luyện để cái ác trong mỗi chúng ta ngày càng bớt đi và cái thiện thì ngày càng tăng lên. Một xã hội mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xã hội mà ở đó con người không chỉ được thỏa mãn nhu cầu về vật chất mà còn phải được thưởng thức về mặt tinh thần. Đó là nhu cầu được yêu thương, hướng thiện, nhu cầu về khám phá, thưởng thức cá đẹp của nghệ thuật và của cuộc sống. Vì thế, Hồ Chí Minh quan niệm mỗi con ngưởi cần phải được bồi dưỡng tinh thần về cái đẹp, cái nghệ thuật. Hơn nữa, muốn hoàn thành nhiệm vụ được tốt thì chúng ta cũng cần phải được học tập, phải được trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật. Và do đó, Hồ Chí Minh cho rằng trong cuộc sống cái gì tốt phải phổ biến, đề cao, cái gì xấu thì phải bảo nhau tránh.
2. Những bài học trong việc vận dụng phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quán triệt tư tưởng của Người, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến việc phát triển giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời gian qua đã đánh dấu một mốc son mới trong công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà, tạo ra những thành tựu to lớn trong lĩnh vực phát triển giáo dục có thể kể đến như: quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, cơ sở vật chất không ngừng được cũng cố tăng cường, chất lượng giáo có nhiều chuyển biến… Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Đổi mới giáo dục đạt một số kết quả bước đầu. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Quy mô giáo dục được phát triển. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở” (17).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền giáo dục nước ta còn tồn tại rất nhiều yếu kém và hạn chế trên tất cả các mặt mà một trong số đó là yếu kém về nội dung giáo dục. Nội dung giáo dục trong hệ thống giáo dục, đào tạo của còn tồn tại một số bất cập về mặt khoa học còn mang nặng tính sách vở, nặng về thời lượng, chưa chú trọng nhiều đến nội dung giáo dục. Ví dụ như giáo dục thiếu mảng giáo dục tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động sản xuất, đạo đức, lối sống… còn việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, giáo dục sức khỏe và mỹ dục cho mọi người chưa được quan tâm đúng mức và còn mang nặng tính hình thức, hời hợt. Ngay cả việc giáo dục văn hóa, trình độ chuyên môn cũng chưa thực sự hiệu quả và hoàn thiện. Đặc biệt, việc giáo dục đạo đức còn nhiều thiếu sót dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng của bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên… Với những bất cập trong nền giáo dục nói chung cũng như trong nội dung giáo dục ở nước ta hiện nay đòi hỏi chúng ta cần phải có một cái nhìn nghiêm túc đối với di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục để từ đó thấy được ý nghĩa cũng như bài học của nó đối với việc phát triển nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục và những hạn chế nội dung giáo dục nước ta hiện nay có thể rút ra một số bài học cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong nội dung giáo dục cần bổ sung việc giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu lao động để định hướng cho mục đích học tập, học là để phục vụ quê hương, đất nước, học để tạo ra của cải vật chất và tinh thần nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội vững mạnh. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế hiện nay, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước là cơ sở quan trọng giúp thế hệ trẻ vững vàng trước những cạm bẫy của kẻ thù. Đây còn là nội lực quan trọng tạo cho những chủ nhân tương lai của đất nước có ý chí tự lực, tự cường, say mê trong lao động, học tập.
Thứ hai, cần có sự quan tâm đúng mức đối với việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, đặc biệt là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để mọi người nhận thức rõ được nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Như Bác từng nói: Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. Tức là, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trước hết phải đào tạo ra những con người mang lý tưởng chính trị đúng đắn dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi có lý tưởng đúng đắn thì con người mới có niềm tin, có động lực để phấn đấu vươn lên một cách có mục đích.
Thứ ba, chú trọng nhấn mạnh nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống đặc biệt là đạo đức cách mạng như lời Bác dạy để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận dân cư ở nước ta hiện nay.
Thứ tư, đối với việc giáo dục văn hóa và trình độ chuyên môn cần có định hướng rõ ràng, xác định nội dung phù hợp với từng cấp học, ngành học để đạt tính hiệu quả cao. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, cần cập nhật những kiến thức mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trên thế giới và đưa vào nội dung giảng dạy để từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển trên thế giới.
Thứ năm, tăng cường nội dung giáo dục sức khỏe và mỹ thuật để vứt bỏ tính hình thức, để đào tạo ra những con người phát triển một cách toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Như vây, chỉ có xây dựng một nền giáo dục với nội dung hoàn chỉnh chúng ta mới có thể đào tạo ra những con người phát triển một cách toàn diện cả đức lẫn tài góp phần to lớn vào vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công ở nước ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung và nội dug giáo dục nói riêng có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay. Cho nên, việc tiếp thu, học tập những bài học được rút ra từ tư tưởng giáo dục của Người sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn và những bước đi phù hợp trong quá trình tiến hành cải cách giáo dục hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Ngọc Anh – Bùi Đình Phong (2009), Hồ Chí Minh văn hóa và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.