Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

TÂM LÝ HỌC TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ MỘT SỐ LIÊN HỆ, VẬN DỤNG

Ngày đăng: 02:19 - 28/06/2023 Lượt xem: 763
ThS. Nguyễn Thị Hạnh
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
1. Đặt vấn đề
Giáo dục là lĩnh vực không còn xa lạ với chúng ta bởi nó đã được hình thành từ rất lâu đời trong cách đối nhân xử thế cũng như phát triển tri thức nhân loại. Từ thời xa xưa khi giáo dục theo môi trường sư phạm không có nhiều tiềm năng thì sẽ thấy trong môi trường gia đình còn khi giáo dục trong ngành sư phạm phổ biến hơn thì có thể thấy được đào tạo theo các cấp từ mầm non đến cấp bậc đại học, sau đại học.Trong đó, giáo dục đại học là môi tường sư phạm giáo dục ở cấp cao hơn với mức độ kiến thức chuyên sâu theo ngành, nghề mà học sinh lựa chọn chứ không đào tạo một cách rộng theo nhiều chuyên môn và đào tạo tại bậc đại học chỉ dành cho những người đang có những nhu cầu và có đủ về những khả năng về kiến thức và xã hội tham gia học tập.

Mục đích của giáo dục là cung cấp, trang bị cho người học toàn bộ về các kiến thức và kỹ năng. Đồng thời rèn luyện đạo đức, nhân cách và lối sống của con người giúp mọi người có thể hòa nhập vào với cộng đồng của mình. Tại Điều 5 Luật Giáo dục đại học 2012 và Khoản 3 Điều 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đưa ra:
Mục tiêu chung của hệ đào tạo giáo dục đại học là
+ Đào tạo nhân lực chuyên sâu theo các ngành nghề trong xã hội đang phát triển, xây dựng phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới ngay từ khi còn trong môi trường học tập tạo nền tảng có sẵn để có thể phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
+ Đào tạo về phẩm chất chính trị, đạo đức theo chuẩn mực chung, riêng về khối nhà nước thì đào tạo theo Đảng; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
Về mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ đại học thì đây là hệ đào tạo để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.

Trong những năm gần đây khi nền kinh tế tri thức là lựa chọn của hầu hết các quốc gia thì giáo dục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thứ nhất: Giáo dục đào tạo là điều kiện tiên quyết góp phần phát triển kinh tế;
Thứ hai: Giáo dục đào tạo góp phần ổn định chính trị xã hội và cuối cùng giáo dục đào tạo góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người.

Như vậy, với vai trò và mục tiêu của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thì ngoài việc truyền dạy các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhà trường còn là nơi đào tạo cả về phẩm chất chính trị, đạo đức theo chuẩn mực chung. Và góp phần phục vụ và xuyên suốt quá trình này không thể thiếu đó chính là yếu tố tâm lý học trong giáo dục. Việc nắm bắt tâm lý người học giúp các thầy cô truyền tải kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, thầy cô, nhà trường cũng kết hợp với gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hình thành nhân cách của người học. Vì vậy, việc trang bị kiến thức tâm lý học là rất cần thiết đối với những nhà làm giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng.


2. Nội dung
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi, tìm hiểu về các hiện tượng ý thức và vô thức, cũng như cảm xúc và tư duy. Đây là một bộ môn học thuật với quy mô nghiên cứu rất sâu rộng. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin trình bày nội dung về tâm lý học sư phạm trong dạy học đại học, cụ thể là: người học ở đại học, đặc điểm tâm lý sinh viên và một số liên hệ vận dụng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Tâm lý học sư phạm là một trong những ngành ứng dụng được phát triển sớm nhất của khoa học tâm lý. Đối tượng của tâm lý học sư phạm là những quy luật tâm lý của việc dạy học và giáo dục đối với trẻ từ mẫu giáo đến học sinh và sinh viên. Cụ thể tâm lý học sư phạm tìm cơ chế tâm lý của quá trình học sinh lĩnh hội nền văn hoá vật chất, tinh thần của xã hội và biến nó thành vốn riêng của mình; tìm mối quan hệ giữa tri thức tiếp thu được với sự phát triển các chức năng tâm lý cấp cao của học sinh, sinh viên; tìm cơ chế lĩnh hội của từng lứa tuổi khác nhau, tổ chức các hoạt động phù hợp với sự phát triển trí tuệ và sự phát triển tâm lý. Việc nghiên cứu những vấn đề này thể hiện mối liên hệ chặt chẽ của ngành tâm lý học lứa tuổi và ngành tâm lý học sư phạm.

Tâm lý học sư phạm xuất hiện từ bao giờ? Năm 1889, Đại hội đầu tiên của các nhà tâm lý học trên thế giới đã họp ở Pari, một trong những hướng ứng dụng đầu tiên của khoa học tâm lý là việc vận dụng tri thức tâm lý học vào công tác giảng dạy và giáo dục ở nhà trường. Những hiện tượng tâm lý trẻ em và thanh niên diễn ra trong quá trình giảng dạy và giáo dục ở nhà trường cần phải được nghiên cứu riêng và trở thành đối tượng của ngành tâm lý học sư phạm.
Các nhà tâm lý học Mácxít cho rằng yếu tố bẩm sinh di truyền là tiền đề của sự phát triển tâm lý, giáo dục có vai trò chủ đạo và hoạt động cá nhân có tính chất quyết định trực tiếp đến sự phát triển của mỗi cá nhân. Trong những điều kiện giáo dục thuận lợi như nhau thì trẻ nào có được những ưu thế về bẩm sinh di truyền thì sẽ phát triển tốt hơn. Ngược lại, những trẻ có yếu tố bẩm sinh di truyền tương đối ngang bằng nhau thì trẻ nào được sống trong điều kiện giáo dục thuận lợi hơn sẽ phát triển tốt hơn. Sức mạnh của giáo dục là khả năng tăng tốc sự phát triển theo định hướng xã hội đúng đắn, là phát hiện tiềm năng tâm lý làm cho mỗi cá nhân có điều kiện bộc lộ tự do và phát triển tối ưu năng lực và nhân cách của mình.
Từ những kiến giải trên, ta thấy rằng những lĩnh vực của tâm lý học sư phạm bao trùm hai khoa học: Tâm lý học và Giáo dục học.

Những mục đích của Tâm lý học sư phạm: Tâm lý học sư phạm quan tâm trước hết đến việc ứng dụng các tri thức khoa học về tư duy của con người và nhân cách của họ vào quá trình sư phạm, bao gồm những vấn đề như: động cơ, định hướng, kiểm tra, đánh giá... Tâm lý học sư phạm cũng có mục đích tìm hiểu về người học và quá trình hướng dẫn, đào tạo họ, nhờ quá trình đó mà người học được định hướng phát triển và trưởng thành. Vì vậy, Tâm lý học sư phạm có nhiệm vụ chọn lọc, tổ chức, giải thích, kết hợp các sự kiện, tài liệu, kỹ thuật, nguyên tắc từ lâu đài đồ sộ của tâm lý học để ứng dụng thực tiễn vào quá trình giáo dục. Như vậy, Tâm lý học sư phạm có mục đích cung cấp cho giáo viên những hiểu biết tâm lý học đúng đắn, khoa học về trẻ em và thanh - thiếu niên; một cái nhìn sâu sắc về bản chất của sự học; một nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của sự khác biệt cá thể, tri thức về sự trưởng thành và phát triển của trẻ em, hiểu biết về những vấn đề hành vi của trẻ em, thanh - thiếu niên và khả năng ứng xử với chúng. Nhờ đó, người làm công tác giảng dạy, giáo dục nắm được những nguyên lý cơ bản để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình sư phạm và họ có thể đánh giá các biện pháp được sử dụng nhằm đạt được mục tiêu đào tạo.

2.1. Người học ở đại học và đặc điểm tâm lý sinh viên
Về người học ở bậc đại học, ta nhớ đến một câu nói của Albert Einstein: “It is not so very impotant for a person to learn facts. For that he does not really need college. He can learn them from books. The value of an education in a liberal arts college is not the learning of many facts, but the training of the mind to think some thing that cannot be learned from texbooks....”. Tạm dịch : “ Có lẽ không cần thiết phải học các sự kiện. Và để làm điều đó thực ra không cần nhà trường ( cao đẳng - đại học). Người ta có thể tìm chúng ở các quyển sách. Giá trị của nhà trường là huấn luyện cho họ khả năng tư duy mà họ không thể học từ sách..... ! ”
            Chúng ta đã khẳng định rằng sứ mệnh trọng tâm và những giá trị của giáo dục đại học là đóng góp vào việc định hướng phát triển và đổi mới xã hội thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ:
- Đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có đủ tiêu chuẩn về năng lực và trình độ và những công dân có trách nhiệm có thể kết hợp những kiến thức và kỹ năng cấp cao, trang bị cho họ những năng lực hành động ở tương lai và hiện hữu mà xã hội cần;
 - Cung cấp những cơ hội đa dạng cho việc hấp thụ học vấn đại học và cung cấp cho học viên một loạt sự lựa chọn tối ưu và linh hoạt trong lối vào và lối ra với sự liên thông trong hệ thống đào tạo, cho việc tham gia tích cực trong hoạt động nghề nghiệp của tương lai;
 - Trong phạm vi đa dạng văn hoá và sắc tộc, giáo dục đại học góp phần giúp hiểu, bảo tồn, nâng cao các giá trị tinh hoa của các nền văn hoá các dân tộc, đất nước, địa phương và quốc tế;
- Giúp bảo tồn và nâng cao các giá trị xã hội bằng cách đào tạo những người trẻ tuổi các chuẩn mực giá trị, hình thành quyền cơ bản của công dân và nhân sinh quan tiến bộ;
- Góp phần vào công cuộc phát triển và cải tiến giáo dục ở mọi bậc học thông qua việc đào tạo giáo viên.
Hiểu được các đặc tính và nhu cầu của người học là nhân tố chính đưa đến thành công trong dạy học đại học. Mức độ đạt được hiệu quả giảng dạy cũng phụ thuộc vào đặc điểm và bản chất của người học : Bản chất tự nhiên (ví dụ: về tuổi tác, giới tính), đặc điểm tâm lí (ví dụ: động lực thúc đẩy và sự hứng thú học tập), đặc điểm xã hội học (ví dụ: mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ xã hội), vốn hiểu biết về văn hoá - xã hội, sự hội nhập tôn giáo, chất lượng của việc chuẩn bị tại các trường trung học phổ thông, tình trạng hôn nhân và vốn hiểu biết về gia đình...
Có thể có những nhu cầu lớn đòi hỏi các nhà làm giáo dục phải có ý thức tìm hiểu những đặc tính của sinh viên đại học . Để làm được điều này chúng ta nên :
- Xem xét lại tình trạng của người học trong việc chuyển đổi từ trung học phổ thông lên đại học (Một sự chuyển đổi quan trọng!);
- Định nghĩa đặc tính của người học-sinh viên trong giáo dục đại học;
- Mô tả những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí xã hội của sinh viên đại học ( Thông qua kiến thức tâm lí học sư phạm đại học!);
- Phát triển công cụ để đánh giá, đo lường các đặc tính của người học với tư cách họ là người lớn (Các cách lấy thông tin phản hồi...)

Rõ ràng, sau khi kết thúc bậc trung học, đây là thời gian theo đuổi việc học cao hơn ở bậc đại học với sự cần thiết về yêu cầu đầu vào và kinh phí, về khả năng tự học, tự nghiên cứu. Việc chuyển từ giáo dục trung học lên giáo dục đại học bắt đầu với một giai đoạn chuyển đổi. Giai đoạn chuyển đổi này được đặc trưng bởi nhiều sự tự do hơn, không phải bắt đầu đồng loạt buổi học từ 8 giờ sáng( nếu trường thực hiện theo hệ thống tín chỉ), không bị trừng phạt theo kiểu con trẻ ( theo kiểu phải úp mặt vào tường!).... Những sinh viên tương lai mang theo mình nhiều kinh nghiệm giáo dục và kinh nghiệm xã hội phong phú và cũng đã là người lớn theo đúng nghĩa pháp lí và sinh lí. Chúng ta hy vọng sự can thiệp của chúng ta sẽ giúp họ thay đổi đáng kể về thái độ và nâng cao tính tích cực của họ.

a. Những nét nhân cách của sinh viên
 +) Về mặt tâm lí học sư phạm, thế giới nội tâm của sinh viên là vô cùng phức tạp, phát triển nhân cách của sinh viên là một quá trình biện chứng của sự nảy sinh và giải quyết các mâu thuẫn, là quá trình chuyển từ các yêu cầu bên ngoài thành yêu cầu của bản thân sinh viên và là quá trình tự vận động và hoạt động tích cực của chính bản thân họ. Những mâu thuẫn chính là:
- Thứ nhất, mâu thuẫn giữa mơ ước của người sinh viên với khả năng, điều kiện và kinh nghiệm để thực hiện mơ ước đó;
- Thứ hai, mâu thuẫn giữa mong muốn học tập chuyên sâu những môn ưa thích và yêu cầu thực hiện toàn bộ chương trình học tập;
- Thứ ba, mâu thuẫn giữa khối lượng thông tin vô cùng phong phú với khả năng, điều kiện để xử lý thông tin.
Sự phát triển nhân cách của sinh viên được diễn ra theo các hướng cơ bản sau:
- Niềm tin, xu hướng nghề nghiệp và các năng lực cần thiết được củng cố và phát triển;
- Các quá trình tâm lý, đặc biệt là quá trình nhận thức được “nghề nghiệp hoá”;
- Tình cảm, nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập được nâng cao, cá tính và lập trường sống của sinh viên được bộc lộ rõ rệt;
- Kỳ vọng đối với nghề nghiệp tương lai của sinh viên được phát triển;
- Sự trưởng thành về mặt xã hội, tinh thần và đạo đức, những phẩm chất nghề nghiệp và sự ổn định chung về mặt nhân cách của sinh viên được phát triển;
- Khả năng tự giáo dục của sinh viên được nâng cao;
- Tính độc lập và sự sẵn sàng đối với hoạt động nghề nghiệp tương lai được củng cố.

+) Vấn đề động cơ học tập của sinh viên:
Để nghiên cứu động cơ học tập của sinh viên, trước hết hãy tìm hiểu sơ bộ vấn đề động cơ nói chung. Một trong những thuyết khá phổ biến về động cơ là thuyết thoả mãn của Abrham Maslow, ông đề xuất một thứ bậc các nhu cầu từ thấp đến cao bao gồm: (i) Nhu cầu sinh học hay nhu cầu cơ bản; (ii) Nhu cầu về sự an toàn; (iii) Nhu cầu về sự thừa nhận và quý mến; (iv) Nhu cầu được tôn trọng; (v) Nhu cầu tự thể hiện; và sau nữa là (vi) Mong muốn hiểu biết; (vii) Nhu cầu thẩm mỹ. Nhu cầu có mối quan hệ mật thiết với động cơ.

Nâng cao hiểu biết về lai lịch người học của chúng ta tại thời điểm nhập học của họ sẽ giúp chúng ta lựa chọn kinh nghiệm giáo dục thích hợp cũng như là cung cấp các chỉ dẫn và tư vấn phù hợp với đối tượng dạy học.

Sinh viên bước vào một lớp mới với rất nhiều câu hỏi thắc mắc: Đây có phải là một khoá học phù hợp với mình không? Học ở đại học khác học ở phổ thông như thế nào? Giảng viên có đủ trình độ và có công bằng không? Bao nhiêu công việc sẽ được yêu cầu? Sinh viên sẽ được đánh giá như thế nào?.. Chúng ta muốn giúp người học vượt qua được quá trình thay đổi một cách uyển chuyển, từng bước một và không gây tâm lý nặng nề. Chúng ta muốn kết hợp hài hoà giữa thời điểm kết thúc bậc trung học và những tuần đầu ở bậc đại học. Sự chuyển đổi này không mang tính đột biến, kịch tính và không gây thất vọng. Để đạt được điều này, chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc các đặc tính của người học tại hai thời điểm là thời điểm cuối bậc trung học và thời kỳ đầu ở bậc đại học.

b. Một số khía cạnh tâm lý thanh niên - sinh viên
 Trước hết, chúng ta tìm hiểu xem tuổi thanh niên là gì? Các nhà tâm lý học trên thế giới đều có chung một quan niệm cho rằng tuổi thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em đến người lớn và bao gồm một khoảng đời từ 11, 12 tuổi đến 23, 24 hoặc 25 tuổi. Giai đoạn này có thể chia làm hai thời kỳ: thời kỳ chuyển tiếp trước bắt đầu từ 11, 12 tuổi và kết thúc vào 16, 17 tuổi và thời kỳ chuyển tiếp sau bắt đầu từ 17, 18 tuổi và kết thúc là lúc thành người lớn thực sự (24, 25 tuổi). Như vậy, sinh viên đại học là những thanh niên ở vào thời kỳ chuyển tiếp sau. Chúng ta hãy tìm hiểu một số đặc điểm cơ bản về sinh lý, tâm lý và mặt xã hội của nhóm tuổi này.

+) Về mặt sinh lý, hình thể đạt được sự hoàn chỉnh về cấu trúc và phối hợp giữa các chức năng. Đầu thời kỳ này, con người đạt được 9/10 chiều cao và 2/3 trọng lượng của cơ thể trưởng thành. Não bộ đã đạt trọng lượng tối đa (trung bình 1400 gram) và số tế bào thần kinh đã phát triển đầu đủ tới trên một trăm tỷ nơron (những số liệu cũ cho rằng não người có khoảng 14-16 tỷ nơron thần kinh; nhưng trong hai thập kỷ qua, nhờ các 32 phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn, các nhà sinh học đã tính đếm được rằng não bộ của con người trưởng thành có trên một trăm tỷ nơrôn thần kinh). Quan trọng hơn, chính ở lứa tuổi này, hoạt động thần kinh cao cấp đã đạt đến mức trưởng thành. Một tế bào thần kinh có thể nhận tin từ 1200 nơron trước và gửi đi 1200 sau, bảo đảm một sự liên lạc vô cùng rộng, chi tiết và tinh tế giữa vô số kênh vào và vô số kênh ra làm cho trí tuệ của sinh viên vượt xa trí tuệ của học sinh. Ước tính có tới 2/3 số kiến thức học trong đời người do được tích luỹ trong thời gian này. Đặc điểm quan trọng của thời kỳ này là “tuổi dậy thì”, khi các chức năng sinh sản bắt đầu quá trình phát triển đầy đủ. Giới tính đã phân biệt rõ và phát triển đầy đủ ở mỗi giới, cả về biểu hiện ngoại hình lẫn biểu hiện nội tiết tố.

+) Về mặt tâm lý, trước hết ta đề cập đến sự phát triển trí tuệ ở lứa tuổi chuyển tiếp. Trong thời kỳ này sự phát triển trí tuệ được đặc trưng bởi sự nâng cao năng lực trí tuệ, biểu hiện rõ rệt nhất trong việc tư duy sâu sắc và rộng mở, có năng lực giải quyết những nhiệm vụ trí tuệ ngày một khó khăn hơn, cũng như có tiến bộ rõ rệt trong lập luận lôgic, trong việc lĩnh hội tri thức, trí tưởng tượng, sự chú ý và ghi nhớ ở lứa tuổi này đã phát triển khả năng hình thành ý tưởng trừu tượng, khả năng phán đoán, nhu cầu hiểu biết và học tập. Một trong những đặc trưng cơ bản của sự phát triển trí tuệ của thời kỳ chuyển tiếp là “tính nhạy bén cao độ”, khả năng giải thích và gán ý nghĩa cho những ấn tượng cảm tính nhờ vào những kinh nghiệm và tri thức đã có trước đây. Những sự phát triển nói trên cùng với óc quan sát tích cực và nghiêm túc sẽ tạo khả năng cho lứa tuổi này biết cách lĩnh hội một cách tối ưu, mà đó chính là cơ sở của toàn bộ quá trình học tập. Sự phát triển tình cảm ở thời kỳ chuyển tiếp được đặc trưng bởi “thời kỳ bão táp và căng thẳng” hoặc bởi thời kỳ vô tư chẳng có gì phải bận tâm. Đây cũng là một thời kỳ đầy xúc cảm đối với mỗi cá nhân. Ở thời kỳ này, họ thường thiếu kinh nghiệm và hiểu biết xã hội, cho nên dễ phát sinh những tình cảm không thích hợp khi phải ứng xử với những tình huống đó. Vì thế, con người ta ở lứa tuổi này thường dễ bị lúng túng, do đó quá nhậy cảm  trước một sự phê bình, sự nhận xét nặng lời hoặc sự thiếu tôn trọng.....Khi lâm vào tình thế đó dễ xuất hiện những phản ứng như: Thiếu tự tin, miễn cưỡng thực hiện công việc, từ chối tham gia vào công việc chung, hay ở một cực khác, rơi vào tình trạng mơ mộng hão huyền khi được khen quá lố. Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện những hành vi quá hung hăng, hay ngược lại, hoàn toàn thờ ơ. Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng của lứa tuổi thanh niên - sinh viên là sự phát triển tự ý thức. Tự ý thức là một loại đặc biệt của ý thức trong đời sống cá nhân có chức năng điều chỉnh nhận thức và thái độ đối với bản thân. Đó là quá trình tự quan sát, tự phân tích, tự kiểm tra, tự đánh giá...về hành động và kết quả tác động của bản thân, về tư tưởng, tình cảm, phong cách, đạo đức, hứng thú v.v...là sự đánh giá toàn diện về chính bản thân và vị trí của mình trong cuộc sống. Tự ý thức chính là điều kiện để phát triển và hoàn thiện nhân cách, hướng nhân cách theo các yêu cầu của xã hội.

+) Về mặt xã hội, trong thời kỳ chuyển tiếp, con người ngày càng hiểu biết về môi trường xã hội rộng lớn hơn nhiều ngôi nhà nơi anh ta sống, hàng xóm láng giềng, ngôi trường nơi anh ta học. Trong lứa tuổi này con người đang hình thành những hứng thú và thái độ mới, quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển những kỹ năng mới, cách ứng xử mới, tác phong đĩnh đạc để đối diện với môi trường xã hội ngày một mở rộng. Khi xét đến mặt xã hội của thời kỳ chuyển tiếp, chúng ta phải quan tâm đến kế hoạch đường đời và việc tự xác định nghề nghiệp của thanh niên- sinh viên. Kế hoạch đường đời là một hiện tượng đồng thời của thể chế xã hội và pháp quyền, kế hoạch đường đời cũng chính là kế hoạch hoạt động và nó được khởi đầu bằng sự lựa chọn nghề nghiệp. Lựa chọn nghề nghiệp còn có tính đạo đức nữa, như Mác và Anghen đã từng dạy: “... chúng ta lựa chọn nghề nghiệp phải vì quyền lợi của nhân loại và phải vì sự hoàn thiện của riêng ta...bản chất con người được hình thành sao cho vừa có thể đạt được sự hoàn thiện bản thân vừa làm việc để hoàn thiện những bạn bè của mình và vì lợi ích của họ” (Suy nghĩ của thanh niên khi lựa chọn nghề, Mác-Anghen 1956, tr. 4-5). Sinh viên có độ tuổi từ 17-23 là giai đoạn chuyển từ sự chín muồi về thể lực sang trưởng thành về phương diện xã hội. Nghiên cứu của Ananhev cho thấy rằng lứa tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực nhất về tình cảm đạo đức và thẩm mỹ, là giai đoạn hình thành và ổn định tính cách, đặc biệt là họ có vai trò xã hội của người lớn (quyền công dân, quyền xây dựng gia đình...). Người sinh viên có kế hoạch riêng cho hoạt động của mình và độc lập trong phán đoán và hành vi. Đây là thời kỳ có nhiều biến đổi mạnh mẽ về động cơ, về thang giá trị xã hội. Họ xác định con đường sống tương lai, tích cực nắm vững nghề nghiệp và bắt đầu thể nghiệm mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Một số kiểu nhân cách sinh viên:
Kiểu nhân cách sinh viên là sự phân loại nhân cách sinh viên dựa trên tổ hợp các xu hướng phát triển và định hình nhân cách của họ. Các nhà xã hội học Mỹ đề xuất bốn kiểu thái độ của sinh viên đối với học tập như sau:
  1. Kiểu “W”: Họ học vì nghề nghiệp tương lai hẹp, không quan tâm đến các lĩnh vực tri thức và hoạt động xã hội khác. Họ chỉ thực hiện bài tập theo yêu cầu, chỉ cần đạt điểm trung bình; ngoài sách bắt buộc, họ chỉ đọc theo ý thích không liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp.
  2. Kiểu “X”: Là những sinh viên thích những môn học mà họ coi là những tri thức về cuộc sống nói chung trên cơ sở lựa chọn riêng của cá nhân. Họ quan tâm đến thế giới tư tưởng và sách. Ngoài giờ học bắt buộc, họ tự nguyện tham gia vào các chuyên đề tự chọn, những giờ học phụ đạo, các buổi hoà nhạc v.v..., họ muốn hiểu biết những lĩnh vực mà họ quan tâm, họ chỉ tham gia vào các tổ chức khoa học, né tránh các tổ chức tập thể, các công việc xã hội không liên quan trực tiếp đến việc học tập. Đối với họ, việc học đại học là để thoả mãn lòng khao khát tri thức và kinh nghiệm sống.
  3. Kiểu “Y”: Là những sinh viên “nhang nhác” với kiểu “X”, mặc dù cũng ham thích sách vở và học tập nhưng vẫn tham gia các hình thức hoạt động và đời sống tập thể. Họ cố gắng đạt điểm cao trong các kỳ thi, coi hoạt động tập thể, tuy không phải là cơ bản, nhưng có ảnh hưởng tích cực đến cá nhân họ.
  4. Kiểu “Z”: Những sinh viên thuộc kiểu này chú ý đến các hoạt động xã hội của trường đại học hơn bản thân các khoa học. Họ gắn bó với trường, tham gia tích cực vào các hoạt động bề nổi. Đối với họ, thời sinh viên không chỉ có nghĩa là thời của giảng đường, mà còn là thời của các câu lạc bộ, các tổ chức sinh viên...Họ cũng phải cố để có mảnh bằng nhưng ít khi vượt quá ngưỡng tối thiểu.
c. Một số đặc điểm cá nhân của sinh viên
- Kiểu hướng ngoại và hướng nội
Sinh viên thuộc kiểu hướng ngoại: hăng hái, sôi nổi, rất nhanh hoà hợp, thích kết bạn và giao tiếp, không ưa đọc sách và nghiên cứu một mình, dễ bị kích động, thích đùa, thích thay đổi, tự do lạc quan, thích vận động, không tự kiểm tra chặt chẽ, sống tình cảm, ít để bụng.
Sinh viên thuộc kiểu hướng nội: rất trầm tĩnh, điềm đạn, yêu sách, thích làm việc một mình, thường giữ khoảng cách với mọi người trừ một số rất ít bạn thân. Sinh viên hướng nội thường có kế hoạch làm việc, cân nhắc kỹ càng trước khi hành động, không phản ứng vội vàng, không thích nhộn nhịp, giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống một cách thận trọng, bình tĩnh, không dễ quên chuyện cũ, là người đáng tin cậy nhưng thường bi quan.
Ngoài hai loại trên, nhiều sinh viên có đặc điểm trung gian, biểu hiện của kiểu tính cách pha trộn. Sinh viên hướng ngoại và sinh viên hướng nội có phản ứng rất khác nhau đối với các kiểu ứng xử, kiểu dạy học khác nhau của giảng viên. Sinh viên hướng ngoại thích hợp với kiểu dạy học sử dụng nhiều các phương tiện nghe nhìn, máy vi tính; trong khi đó sinh viên hướng nội có ưu thế trong làm việc độc lập.
- Kiểu tư duy hội tụ và kiểu tư duy phân kỳ
Sinh viên thuộc kiểu tư duy hội tụ có xu thế tìm một giải pháp đúng cho một vấn đề hay tình huống nảy sinh trong quá trình lĩnh hội tri thức. Sinh viên thuộc kiểu tư duy phân kỳ có xu hướng mở rộng các câu trả lời hay tìm nhiều giải pháp hoặc mở rộng ý tưởng. Tư duy phân kỳ uyển chuyển hơn.
- Kiểu phân tích và tổng hợp
Sinh viên thuộc kiểu phân tích sẽ học tập có hiệu quả khi tiến từng bước một, loại bỏ những gì không chắc chắn. Sinh viên thuộc kiểu tổng hợp sẽ học tập có hiệu quả hơn khi thiết lập một cái nhìn tổng thể hoặc xây dựng một cấu trúc và sau đó lấp đầy cấu trúc đó bằng những tri thức chi tiết hơn.

2.2. Một số liên hệ - vận dụng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Như trên đã trình bày:
  • Sinh viên đại học là những thanh niên ở vào thời kỳ chuyển tiếp sau của giai đoạn từ trẻ em thành người lớn (bắt đầu từ 17, 18 tuổi và kết thúc là lúc thành người lớn thực sự (24, 25 tuổi). Ở thời kỳ này, họ phát triển tích cực nhất về tình cảm đạo đức và thẩm mỹ, hình thành và ổn định tính cách, đặc biệt là họ có vai trò xã hội của người lớn;
  • Việc nâng cao hiểu biết về lai lịch của người học tại thời điểm nhập học sẽ giúp chúng ta lựa chọn kinh nghiệm giáo dục thích hợp cũng như là cung cấp các chỉ dẫn và tư vấn phù hợp với đối tượng dạy học;
  • Chúng ta cần có sự hiểu biết sâu sắc các đặc tính của người học tại hai thời điểm: thời điểm cuối bậc trung học và thời kỳ đầu ở bậc đại học để giúp người học vượt qua được quá trình thay đổi (từ thời điểm kết thúc bậc trung học tới những tuần đầu ở bậc đại học) một cách uyển chuyển, từng bước một và không gây tâm lý nặng nề và ở vị là người giảng dạy các học phần đại học năm thứ nhất, tôi xin đưa ra một vài ý tưởng vận dụng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội như sau:
+ Đối với việc học tập chính trị đầu khóa nên hướng dẫn thêm các em về một số kĩ năng ứng xử, giao tiếp trong trường học, đặc biệt là với các thầy cô vì đó là người trực tiếp các em sẽ gặp và học liên tục trong suốt quãng thời gian học đại học. Chẳng hạn, lần đầu nhắn tin hay gọi điện cho giảng viên cần giới thiệu mình là ai, lớp nào,…  không nên đợi đến khi giảng viên hỏi lại mới giới thiệu. Điều này thường thấy với các em sinh viên năm đầu mới vào học và nhất là khi các em hỏi giảng viên trên Zalo.
+ Với sinh viên năm thứ nhất cần có sự quan tâm, sát sao hơn của các thầy  cô chủ nhiệm, cố vấn học tập. Vì đó chính là người chỉ dẫn, tư vấn cho các em khi còn bỡ ngỡ bước vào môi trường học tập mới, không có bố mẹ bên cạnh hàng ngày. Nhất là đối với lứa sinh viên có quá trình học trung học phổ thông thời gian dịch bệnh hoành hành vừa qua. Vì lúc đó, đa số các em phải học online trong khoảng thời gian khá dài, không có sự tương tác trực tiếp với giảng viên cùng các hoạt động tập thể tại trường nên có những ảnh hưởng ít nhiều về mặt tâm lí như giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm,… Ngoài ra, cũng cần vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập trong việc giới thiệu các thông tin chính về những thày cô giảng dạy các em trong từng học kì để các em có những hiểu biết đúng đắn về các thầy cô từ đó có ứng xử phù hợp. Và với một số hoạt động của lớp như tổ chức liên hoan trong các ngày đặc biệt thì giáo viên chủ nhiệm cần tư vấn việc chuẩn bị cho các em để hoạt động trở lên có ý nghĩa chứ không nên mang tính tự phát và ảnh hưởng tới giờ học các môn.
+ Với việc giảng dạy sinh viên năm thứ nhất và ngay trong học kì đầu tiên như tôi thì việc cung cấp các thông tin về người học là rất cần thiết, ngoài thông tin về mã sinh viên, ngày sinh nhận được trên sổ điện tử lên lớp. Vì việc này giúp người dạy hiểu hơn về đối tượng giảng dạy của mình, từ đó đưa ra các nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp trên cơ sở những yêu cầu, mục tiêu chung của đề cương học phần. Do đó, tôi đề xuất bổ sung thêm vào sổ điện tử một số thông tin cơ bản của sinh viên ở bậc học trung học phổ thông như: quê quán, tên trường, học lực, hạnh kiểm và các điểm tổng kết của một số môn học chính trong 3 năm cấp 3.
+ Ngoài ra, với sinh viên năm đầu khi mới chập chững bước vào giảng đường đại học thì phiếu khảo sát cuối học kì đối với các em cũng nên được thiết kế riêng cho phù hợp với đặc điểm tâm lí giai đoạn này (giai đoạn chuyển tiếp từ cuối bậc trung học sang thời kỳ đầu ở bậc đại học). Vì đối với các em, môi trường mới có nhiều điều mới mẻ, chưa được biết nên cần sự hướng dẫn, chỉ bảo hơn là sự hài lòng hay việc đưa ra được các đề xuất, cải tiến từ phía các em.
Với những đề xuất và vận dụng ở trên, tôi hi vọng rằng chúng ta có thể giúp người học, cụ thể là sinh viên năm thứ nhất sớm hòa nhập và thích nghi với môi trường học tập mới, từ đó có động lực học tập hơn tại ngôi trường HTU; hay cũng sẽ góp phần vào việc giảm thiểu tỉ lệ sinh viên nghỉ học, bỏ học do chán nản, thiếu động lực…

3. Kết luận
Tâm lý học có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là trong kinh doanh và giáo dục. Nếu coi “sinh viên là khách hàng” thì việc tìm hiểu tâm lí “khách hàng” là điều vô cùng cần thiết. Vì nó giúp cho quá trình đào tạo được diễn ra một cách thuận lợi và nhà trường thực hiện được tốt vai trò huấn luyện cho sinh viên khả năng tư duy mà họ không thể học từ sách. Người giảng viên hiểu được tâm lí của sinh viên sẽ đưa ra được nội dung kiến thức cùng các phương pháp, ứng xử sư phạm phù hợp, từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy và học.
Bài viết với nội dung lý thuyết khái quát và một phần nhỏ liên hệ, vận dụng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, hi vọng mang đến cho độc giả các kiến thức bổ ích và có thể vận dụng phần nào vào công tác giảng dạy cũng như quản lý giáo dục của mình.

4. Tài liệu tham khảo
[1] V.A. Cruchetxki, 1980, 1981, Những cơ sở của tâm lý học sư phạm, T1,T.2, Nhà xuất bản Giáo dục.
[2] Bùi Văn Huệ, 2000, Giáo trình tâm lý học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Phan Trọng Ngọ (Chủ biên), 2003, Các lý thuyết phát triển tâm lý người, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 41 Tổng truy cập: 18.745.591