Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

MÔ HÌNH CÔNG TY HỢP DANH THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2014 VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

Ngày đăng: 10:36 - 18/08/2020 Lượt xem: 3.051
                                                                                                               Hoàng Thị Huế
                                                                  Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
  1. Đặt vấn đề
Công ty hợp danh (CTHD) là loại hình công ty ra đời sớm nhất trên thế giới.  Ở Việt Nam, mô hình này xuất hiện cùng với quá trình thực dân Pháp xâm lược nước ta vào thế kỷ XIX. Mãi cho đến khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời thì mô hình CTHD mới ghi nhận rõ ràng trong luật. Từ đó đến nay, CTHD hầu như không mấy phát triển ở Việt Nam.  Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định về mô hình CTHD với chỉ 4 điều (từ Điều 95 đến Điều 98). Vài năm sau đó, những quy định về công ty hợp danh đã bộc lộ những nhược điểm khi nhà đầu tư không mặn mà với loại hình doanh nghiệp này. Luật Doanh nghiệp năm 2005 ban hành đã quy định 11 Điều về công ty hợp danh (từ Điều 130 đến Điều 140). Trong gần 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005, số lượng công ty hợp danh vẫn chỉ dừng lại ở con số vài chục, một con số khá khiêm tốn so với các loại hình doanh nghiệp khác hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2014, điều đó chứng tỏ loại hình công ty này chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư kinh doanh. Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời vẫn quy định hình thức công ty hợp danh gồm 11 điều (từ điều 172 đến điều 182) và chưa khắc phục được những đặc điểm cố hữu của việc quy định loại hình công ty này. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là khung pháp lý điều chỉnh CTHD còn nhiều hạn chế, bất cập cần được hoàn thiện. Trong phạm vi bài viết xin đưa ra quy định pháp luật về mô hình CTHD theo Luật Doanh nghiệp 2014 và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về CTHD.
  1. Nội dung
    1. Mô hình CTHD theo Luật Doanh nghiệp năm 2014
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì CTHD phải có ít nhất hai thành viên  hợp  danh, thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Thành viên hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ có thể là cá nhân; trong một số trường hợp đặc biệt thành viên hợp danh phải có chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp nghiệp vụ nhất định (chẳng hạn công ty hoạt động trong các ngành nghề như dịch vụ pháp lý, khám chữa bệnh, dược phẩm…). Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty, tiến hành các hoạt động nhân danh công ty đồng thời phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các nghĩa vụ của công ty. Ngay cả khi chấm dứt tư cách thành viên công ty hợp danh thì trong thời hạn hai năm thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên (tại khoản 5 điều 180 Luật Doanh nghiệp 2014). Xuất phát từ vai trò quan trọng của thành viên hợp danh cùng chế độ trách nhiệm vô hạn của loại thành viên này mà pháp luật đã quy định một số hạn chế đối với quyền thành viên hợp danh tại điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014 đó là:

Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại” 

Như vậy, thành viên hợp danh có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại cũng như hoạt động của công ty hợp danh. Điều này lý giải việc thay đổi thành viên hợp danh phải tuân theo quy định khá chặt chẽ của pháp luật. Công ty hợp danh muốn tiếp nhận thành viên hợp danh mới phải được ít nhất ¾ tổng số thành viên hợp danh chấp nhận nếu điều lệ công ty không có quy định khác. Theo Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2014 tư cách thành viên chấm dứt trong các trường hợp sau:

Một là, thành viên hợp danh tự nguyện rút khỏi công ty
Trước đây thành viên hợp danh muốn rút khỏi công ty rất hạn chế và khó khăn vì loại thành viên này có vai trò quan trọng trong trong công ty hợp danh và việc rút ra này kéo theo sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức nhân sự  cũng như thay đổi bộ máy quản lý điều hành của công ty hợp danh. Quy định như vậy gây khó khăn cho các thành viên hợp danh trong việc thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh, họ không được linh hoạt trong việc thay đổi, chuyển hướng đầu tư mô hình có lợi. Luật doanh nghiệp 2014 đã cho phép thành viên hợp danh được quyền tự nguyện rút vốn song việc tự nguyện rút vốn của thành viên hợp danh cũng chỉ được coi là hợp lệ khi có ít nhất ¾ tổng số thành viên hợp danh chấp thuận nếu điều lệ công ty không có quy định khác.

Hai là, thành viên hợp danh bị chết hoặc bị tòa án tuyên bố là chết
Trường hợp này người thừa kế của thành viên hợp danh bị chết hoặc bị tòa án tuyên bố là chết được hưởng phần giá trị tài sản của công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của người đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được hội đồng thành viên đồng ý.

Ba là, các trường hợp khác do pháp luật quy định
Nghiên cứu và phân tích một số vấn đề cơ bản về thành viên hợp danh cho thấy thành viên hợp danh có vai trò quan trọng, có quyền quản lý và thực hiện một số hoạt động kinh doanh nhân danh công ty, đồng thời với quyền hạn đó là chế độ trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với nghĩa vụ của công ty hợp danh. Khoản 3 Điều 181 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định chặt chẽ về việc tiếp nhận thành viên mới: “Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và tài sản khác của công ty”. Căn cứ quy định này, ngay từ khi có thành viên hợp danh mới tham gia công ty hợp danh thì đã phải cùng các thành viên hợp danh cũ, liên đới và chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty, kể cả những khoản nợ mà công ty hợp danh đã có từ trước khi thành viên hợp danh mới tham gia. Ngay cả khi thành viên hợp danh rời khỏi công ty thì pháp luật của nhiều quốc gia và trong đó có cả Việt Nam vẫn quy định trách nhiệm còn tồn tại bám theo họ. Khoản 5 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh thì vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên. Vậy chỉ sau khi kết thúc thời hạn trên, trách nhiệm vô hạn và liên đới của thành viên hợp danh mới hoàn toàn chấm dứt.

Về thành viên góp vốn, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên này có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Do tính chất và vai trò của loại thành viên này trong công ty hợp danh, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty (theo điểm c khoản 1 điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014). Do tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn nên các thành viên góp vốn vào công ty hợp danh không có quyền tham gia, điều hành, quản lý công ty hoặc nhân danh công ty. Điều này nhằm tránh cho bên thứ ba khi giao dịch với công ty có thể bị ngộ nhận về tư cách thành viên góp vốn lầm tưởng rằng thành viên này cũng là một thành viên hợp danh có trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ của công ty. Mặt khác, thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty vì phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty hợp danh bằng cả tài sản của mình trong khi thực tế nếu để thành viên góp vốn can thiệp vào công việc quản lý, điều hành công ty thì rất có thể thành viên hợp danh phải chịu ảnh hưởng của thành viên góp vốn.  Như vậy, hoạt động của công ty có thể có thể sẽ bị các thành viên này thao túng, các thành viên hợp danh không có quyền gì mà ngược lại họ phải chịu trách nhiệm trên cả tài sản của mình.

Ngoài ra, các thành viên góp vốn còn được chia lợi nhuận và được chia giá trị tài sản còn lại của công ty khi công ty giải thể theo tỷ lệ quy định tại điều lệ công ty. Khác với thành viên hợp danh trong công ty thành viên góp vốn có quyền tự do hơn trong việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác và cũng kể từ thời điểm chuyển nhượng phần vốn góp này tư cách thành viên góp vốn trong công ty cũng chấm dứt. Thông thường sự ra đi của thành viên hợp danh là lý do giải thể của công ty nhưng nếu thành viên góp vốn ra khỏi công ty thì công ty vẫn hoạt động bình thường
  1. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về CTHD   
Luật doanh nghiệp năm 2014 ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 được coi là một bước tiến mới nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Trong hơn 15 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 số lượng doanh nghiệp hoạt động theo mô hình CTHD ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Bài viết xin đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về mô hình CTHD ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, CTHD do tính đặc thù vừa chịu trách nhiệm hữu hạn vừa chịu trách nhiệm vô hạn với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác. Đồng thời vì một số lí do khác mà loại hình doanh nghiệp này không được phép chuyển đổi trong khi các loại hình công ty khác luật cho phép chuyển đổi. Loại hình doanh nghiệp này cũng chỉ có thể hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp mà không thể chia, tách doanh nghiệp. Hiện tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa tách bạch loại hình CTHD và công ty hợp vốn đơn giản. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 CTHD có tối thiểu là hai thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh thì công ty có thể có thêm thành viên hợp vốn. Nếu CTHD vì lý do nào đó mà chỉ còn một thành viên hợp danh và một thành viên hợp vốn thì không thể hoạt động được. Do vậy Luật doanh nghiệp 2014 nên quy định rõ loại hình công ty hợp danh hiện nay thành công ty hợp danh chỉ có các thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn) với ít nhất 02 thành viên hợp danh trở lên và công ty hợp vốn bao gồm tối thiểu 01 thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn) và 01 hoặc nhiều thành viên hợp vốn (chịu trách nhiệm hữu hạn) để phù hợp với xu thế phát triển của CTHD ở Việt Nam cũng như phù hợp với mô hình CTHD trên thế giới.

Thứ hai, về quyền được thành lập doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định của khoản 1 Điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên hợp danh có thể làm chủ doanh nghiệp tư nhân nếu được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Tuy nhiên tại khoản 3, khoản 4 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 lại cấm chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời làm thành viên công ty hợp danh (gồm cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn). Sự bất cập giữa hai quy định này gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc thực thi Luật trên thực tế. Do vậy cần xác định rõ ràng trong Luật để đảm bảo quyền của thành viên hợp danh trong việc làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Nếu cấm chủ doanh nghiệp tư nhân làm thành viên công ty hợp danh thì các quy định về công ty hợp danh cũng cần đảm bảo tính tương thích, tránh sự xung đột

Thứ ba, về nghĩa vụ tài sản đối với công ty của thành viên hợp vốn Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định thống nhất tại điểm c khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp quy định thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 182 lại quy định, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp. Điều này gây tranh cãi về trách nhiệm tài sản của thành viên hợp vốn và tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Luật cần sửa lại điểm c khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp theo hướng phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 182 của Luật Doanh nghiệp. Bởi lẽ, lợi nhuận mà thành viên góp vốn được nhận là lợi nhuận được chia theo tỷ lệ phần trăm phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty hay nói một cách chính xác là vốn đã cam kết góp. Mặt khác, khoản 3 Điều 173 Luật Doanh nghiệp còn quy định: “Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty”. Do vậy cần quy định thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty và quy định rõ ràng, cụ thể về các quyền lợi của họ để thu hút đầu tư vốn cho CTHD.

Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định rõ ai là người đại diện cho CTHD, vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 179, thì tất cả các thành viên hợp danh có thể là người đại diện theo pháp luật cho công ty trừ khi bên thứ ba biết được hạn chế của thành viên hợp danh trong giao dịch đó, trong thực tế thì để chứng minh thế nào là bên thứ ba “biết được hạn chế” là điều không dễ dàng. Do đó Luật doanh nghiệp 2014 cần quy định rõ về người đại diện cho CTHD trong các giao dịch cụ thể đối với bên thứ ba và các giao dịch của thành viên hợp danh ký với bên thứ ba phải được công khai cho các thành viên hợp danh còn lại biết.

Thứ năm, theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014, CTHD không được phát hành bất kỷ loại chứng khoán nào và cũng không được phát hành trái phiếu như những loại hình công ty khác có tư cách pháp nhân. Bản chất của trái phiếu như một quan hệ vay tài sản giữa doanh nghiệp với người chủ sở hữu trái phiếu, người chủ sở hữu trái phiếu không thể can dự vào việc quản trị công ty như người sở hữu vốn góp. Như vậy, khả năng huy động vốn của công ty là rất hạn chế so với các loại hình doanh nghiệp khác.  Luật Doanh nghiệp 2014 hiện hành không cho phép công ty hợp danh phát hành cổ phiếu nhưng nên quy định CTHD được quyền phát hành trái phiếu để tạo điều kiện cho công ty dễ dàng huy động vốn.

Thứ sáu, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Doanh nghiệp năm 2014, CTHD có tư cách pháp nhân. Điều này dường như mâu thuẫn với quy định tại điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi theo đó thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đối với những giao dịch do pháp nhân thực hiện, trong khi chúng ta biết rằng, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới với nhau về nghĩa vụ tài sản của công ty hợp danh. Theo đó nên quy định CTHD là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân như trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự.
  1. Kết luận
Công ty hợp danh là loại hình công ty có lịch sử lâu đời và khá phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội cũng như tâm lý kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản khiến cho công ty hợp danh không thành công như mong đợi là do khung pháp lý điều chỉnh công ty hợp danh vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các nhà lập pháp Việt Nam phải thực hiện là nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về loại hình công ty hợp danh. Bởi lẽ sự phát triển mạnh mẽ của công ty hợp danh có thể thu hút và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài khi đến kinh doanh tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo.
[1] Luật Doanh nghiệp năm 2014;
[2] Bộ luật Dân sự năm 2015;
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2006) Giáo trình Luật Thương mại của NXB Công an nhân dân;
[4] Lê Việt Anh (2018) Về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh, tạp chí nghiên cứu lập pháp số 113/2008;
[5] Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật kinh tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 241-242.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 46 Tổng truy cập: 18.617.520