Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN

MỘT SỐ BÀI TẬP BỔ TRỢ TRONG TẬP LUYỆN KỸ THUẬT CHUYỀN BÓNG THẤP TAY BẰNG HAI TAY CHO SINH VIÊN

Ngày đăng: 09:42 - 21/02/2023 Lượt xem: 288
Thạc sĩ Dư Thị Luyến
Khoa Khoa học cơ bản
Tóm tắt
Bài viết này muốn cung cấp một số bài tập bổ trợ cho sinh viên Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội trong quá trình học và tập luyện kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay (còn gọi là đệm bóng bằng hai tay hoặc bắt bước một). Các bài tập bổ trợ này giúp các em sinh viên tiếp thu kiến thức kỹ thuật một cách dễ dàng đồng thời thực hiện được kỹ thuật động tác một cách tự tin và hiệu quả nhất.

Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay (ảnh minh họa)

1. Mở đầu
Chuyền bóng thấp tay bằng hai tay là kỹ thuật sử dụng mặt phẳng của hai cẳng tay để chuyền bóng đi, thường được sử dụng với những đường bóng có  điểm rơi thấp từ ngực trở xuống. Đây là kỹ thuật quan trọng trong Bóng chuyền, dùng để đỡ phát bóng, đỡ đập bóng và cứu bóng.
Cấu trúc kỹ thuật đệm bóng bằng hai tay tuy đơn giản nhưng lại khá đau tay với những người mới nên người học rất dễ xuất hiện cảm giác sợ và nản khi học đến kỹ thuật này. Mặt khác, vì cấu trúc động tác đơn giản nên người mới tập không chú ý và dễ bỏ qua những chi tiết mà giảng viên đã nhắc nhở cần phải lưu ý như: góc độ khuỵu gối, góc độ của mặt phẳng tay với thân người hoặc động  tác hơi gập cổ tay khi tiếp xúc bóng v.v.... Hơn nữa, thời gian học và tập luyện kỹ thuật có giới hạn nên bắt buộc sinh viên cần nhanh chóng tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả trong khoảng thời gian nhất định. Chính điều này cũng tác động trực tiếp đến giảng viên khi đưa ra các bài tập bổ trợ phù hợp với khả năng của sinh viên để giúp các em có kết quả tốt trong thời lượng bài học cho phép. Từ những lí do trên, bài viết này tác giả đã hệ thống một số bài tập bổ trợ để hỗ trợ sinh viên trong quá trình tập luyện kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay. Qua đó giúp sinh viên rút ngắn thời gian tập luyện và đạt kết quả học tập cao nhất.

2. Nội dung
Căn cứ nội dung bài viết: “Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay cho sinh viên Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội” của tác giả đã đăng trên website Nhà trường ngày 21/3/2022, sinh viên đã được cung cấp toàn bộ các kiến thức lý thuyết cơ bản của kỹ thuật này, bao gồm: khái niệm, đặc điểm tác dụng và một số lỗi sai, nguyên nhân, cách khắc phục. Để từ đó các em vận dụng vào tập luyện, thực hành động tác đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra căn cứ vào điều kiện thực tế dạy và học tại Trường, tác giả đã đưa ra một số bài tập bổ trợ trong quá trình tập luyện kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay như sau:

Bài tập 1. Tại chỗ thực hiện kỹ thuật không bóng.
- Mục đích: Xây dựng, định hình mô phỏng động tác kỹ thuật.
- Yêu cầu: Thực hiện đúng các giai đoạn của kỹ thuật.
- Cách tiến hành: Người tập đứng ở tư thế chuẩn bị của kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay, tạo hình tay tiếp xúc bóng (lưu ý góc giữa cánh tay và thân người khoảng 30 – 45 độ). Sau đó người tập tại chỗ thực hiện kỹ thuật, chú ý góc độ khớp gối. Thực hiện 10 nhịp/1 lần tập/ 1 người tập và thực hiện 05 lần, nghỉ giữa 10 giây.
Sau đó có thể thay đổi bằng việc nhờ người hỗ trợ cầm và đặt bóng vào tay người tập. Lúc này người tập phối hợp lực đẩy bóng đi trong khi người hỗ trợ giữ và hơi đè bóng xuống. Động tác này người tập lưu ý không thả lỏng vai và không co khuỷu tay.

Bài tập 2. Di chuyển thực hiện kỹ thuật không bóng.
- Mục đích: Giúp sinh viên phối hợp nhịp nhàng giữa việc di chuyển và thực hiện động tác.
- Yêu cầu: Người tập di chuyển tất cả các hướng.
- Cách tiến hành: Từ bài tập 1, sinh viên tập di chuyển theo các hướng (lên – xuống - phải – trái) và thực hiện động tác chuyền không bóng (chú ý không chắp tay khi di chuyển). Thực hiện 2’/ 1 lần tập/ 1 người tập.

Bài tập 3. Tự tung đệm bóng ( Tung 1 – đệm 1)
- Mục đích: Tập phối hợp động tác và bước đầu tập tiếp xúc bóng.
- Yêu cầu: Người tập thực hiện chậm, chắc. Chú ý cánh tay luôn thẳng. Tung bóng không cần quá cao và chú ý điểm tiếp xúc bóng là 2/3 cẳng tay dưới tính từ mắt cá tay (không tiếp xúc bóng ở cùi tay hoặc khuỷu tay).
- Cách tiến hành: Mỗi người một bóng, tập tự tung bóng lên cao theo phương thẳng đứng, khi bóng rơi xuống đúng tầm thì người tập tạo tư thế đánh bóng và thực hiện kỹ thuật 1 lần, sau đó bắt bóng lại. Lặp lại động tác và thực hiện 1’/ 1 lần tập/ 1 người tập.


Bài tập 4. Đệm bóng rơi một lần chạm.
- Mục đích: Tăng độ khó lên so với bài tập 3, giúp cho sinh viên biết cách phối hợp tốt hơn giữa di chuyển và thực hiện động tác.
- Yêu cầu: Tay thẳng khi tiếp xúc bóng. Chân linh hoạt khi di chuyển.
- Cách tiến hành: Tập như bài 3, nhưng thay vì tung bóng lên cao thì người tập để bóng rơi xuống đất, sau khi bóng bật đất nảy lên thì thực hiện đệm bóng bằng hai tay. Tiếp tục để bóng bật đất và lặp lại kỹ thuật. Chú ý cách dùng lực và điểm tiếp xúc giữa tay với bóng. Thực hiện 1’/ 1 lần tập/ 1 người tập.

Bài tập 5. Đệm bóng liên tục tại chỗ.
- Mục đích: Kiểm tra tạo hình tay và cách phối hợp lực.
- Yêu cầu: Mặt phẳng tay luôn thẳng (không co ở khớp khuỷu), kết hợp giữ chắc bả vai khi thực hiện động tác. Đường bóng có độ ổn định nhất định.
- Cách tiến hành: Người tập tự tung bóng lên cao theo phương thẳng đứng, khi bóng rơi xuống đúng tầm thì thực hiện đệm dựng bóng lên cao. Lặp lại liên tục động tác. Chú ý di chuyển theo điểm rơi của quả bóng. Thực hiện 1,5’/ 1 lần tập/ 1 người tập.

Bài tập 6. Đệm bóng liên tục vào tường.
- Mục đích: Kiểm tra chính xác cách dùng lực: lực lớn quá hay nhỏ quá thì ảnh hưởng tới việc chuyền bóng thấp tay bằng hai tay như thế nào?
- Yêu cầu: Người tập đứng khoảng cách với tường tầm 2 – 2.5 m
- Cách tiến hành: Người tập thực hiện đệm bóng bằng hai tay vào tường, bóng bật ra và thực hiện việc đệm bóng tiếp. Lặp lại liên tục động tác. Chú ý góc độ mặt phẳng tay khi tiếp xúc bóng và cách phối hợp dùng lực. Dựa vào vị trí điểm rơi của quả bóng khi đập tường bật ra, người tập tự điều chỉnh cách dùng lực sao cho phù hợp. Thực hiện 1,5’/ 1 lần tập/ 1 người tập.
Hệ thống sáu bài tập ở trên có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện phù hợp với những người mới tập luyện bóng chuyền. Độ khó tăng dần từ bài 1 đến bài 6 nên sẽ giúp người tập thực hiện kỹ thuật một cách từ từ và dần hoàn chỉnh. Giảng viên sử dụng các bài tập bổ trợ ở trên trong giáo án giảng dạy kỹ thuật mới; giáo án ôn tập hoặc sử dụng như bài tập khởi động.
Sau khi đưa một số bài tập bổ trợ vào trong nội dung giảng dạy kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay cho các em sinh viên ở kì 1 năm học 2022 – 2023 thì thống kê kết quả kiểm tra nội dung này có sự khác biệt so với học kì ngay trước đó (kì 2 năm học 2021 – 2022). Được thể hiện thông qua 02 bảng số liệu sau:
Bảng 1. Bảng xếp loại điểm kiểm tra Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay của lớp không sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ (kì 2 năm học 2021 – 2022)
Số SV       Xếp loại
Lớp
Xuất sắc Giỏi Khá TB Khá TB + TB yếu Kém
56 GDTC2_LT 4 6 12 11 17 6
50 GDTC3_LT 0 6 9 13 15 7
106
 
Tổng
Tỷ lệ
4
3,8%
12
11,3%
21
19,8%
24
22,6%
32
30,2%
13
12,3%
 
Bảng 2. Bảng xếp loại điểm kiểm tra Kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay của lớp có sử dụng hệ thống bài tập bổ trợ (kì 1 năm học 2022 – 2023)
Số SV       Xếp loại
Lớp
Xuất sắc Giỏi Khá TB Khá TB + TB yếu Kém
49 GDTC6_LT 5 13 13 8 10 0
57 GDTC7_LT 7 15 20 4 9 2
106
 
Tổng
Tỷ lệ
12
11,3%
28
26,5%
33
31,1%
12
11,3%
19
17,9%
2
1,9%
 
Qua 2 bảng số liệu trên ta nhận thấy, kết quả điểm kiểm tra kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay của sinh viên ở Bảng 2 có tỷ lệ xếp loại ở các mức độ đều được cải thiện rõ hơn so với Bảng 1. Cụ thể là tỷ lệ sinh viên đạt điểm giỏi, xuất sắc (8 điểm; 9 điểm; 10 điểm) tăng lên đáng kể so với khi sinh viên chưa được tiếp cận hệ thống bài tập bổ trợ (từ 15,1% lên 37,8%). Đồng thời tỷ lệ sinh viên đạt điểm thấp (4 điểm; 5 điểm hoặc dưới 4 điểm) cũng giảm khá rõ rệt, như tỷ lệ sinh viên đạt dưới 4 điểm giảm từ 12,3% xuống còn 1,9%). Điều đó cho thấy sự cố gắng nỗ lực rất lớn của giảng viên và sinh viên trong việc nâng cao kết quả học tập ở nội dung kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay.
Mặc dù hệ thống bài tập bổ trợ kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay cho sinh viên mới được áp dụng trong thời gian ngắn và phạm vi áp dụng cần được mở rộng hơn nữa, nhưng với những kết quả đạt được như ở trên cho ta thấy sự khả quan trong việc áp dụng giảng dạy kỹ thuật kết hợp với việc bổ sung hệ thống các bài tập bổ trợ nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập học phần Giáo dục thể chất.

3. Kết luận
Việc sử dụng các bài tập bổ trợ nêu trên trong giảng dạy kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay ở môn học Bóng chuyền là cần thiết để dẫn dắt, hỗ trợ người tập làm quen, dần hình thành kỹ năng động tác và tiến tới thực hiện được kỹ thuật một cách chính xác và thuần thục. Bên cạnh đó, để phát huy một cách hiệu quả của các bài tập này đòi hỏi ở người tập sự chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi và chịu khó tập luyện. Trong thời gian tới hệ thống các bài tập này cần được áp dụng rộng rãi ở nhiều lớp hơn nhằm cải thiện điểm kiểm tra kỹ thuật chuyền bóng thấp tay bằng hai tay nói riêng và điểm học phần giáo dục thể chất nói chung.
           
Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Hậu (2020), Giáo trình Bóng chuyền, NXB Học viện nông nghiệp.
2. Bộ văn hóa, thể thao và du lịch (2018), Luật Bóng chuyền và luật bóng chuyền bãi biển, NXB thể thao và du lịch.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 50 Tổng truy cập: 18.722.479