Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

“Đánh thức" di sản bằng ngôn ngữ Thời trang tại “Hành trình thời trang Hà Nội: Sáng tạo từ di sản".

Ngày đăng: 08:51 - 27/11/2023 Lượt xem: 113

Qua sự sáng tạo của các NTK trẻ, những di sản như được tái sinh, mang đến những giá trị mới đầy lôi cuốn đã tạo nên một đêm diễn thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời là các đơn vị trường học, các chuyên gia thời trang, nhà thiết kế, sinh viên và người yêu thời trang...

Đêm ngày 19/11, show diễn thời trang mang chủ đề “Sáng tạo từ di sản” đã diễn ra tại cầu Lăn Chìm, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Các bộ sưu tập được thiết kế bởi các nhà thiết kế trẻ tới từ trường Đại học Kiến trúc, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Hòa Bình, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương và Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học quốc gia Hà Nội.

Hình1: Đại diện các trường đại học tham gia fashion show

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với danh nghĩa tổ chức bởi UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ... phối hợp thực hiện mong muốn mang đến nguồn cảm hứng, kiến thức và trải nghiệm thiết thực cho các tài năng thiết kế trẻ thông qua một sân chơi chuyên nghiệp với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia trong ngành thiết kế, sản xuất thời trang và truyền thông.
   
Concept chủ đạo của show diễn là “Dòng chảy”, lấy cảm hứng từ những chuyến tàu gắn liền với dòng thời gian của đất nước, nhằm nhấn mạnh những di sản trong cuộc sống đương đại, được kế thừa, kết nối sáng tạo. Với 6 chuyến tàu thời trang đưa khách đi qua 6 trạm không gian, thời trang khác nhau – tương ứng với 6 trường tham dự, mang tới trải nghiệm có một không hai, đi xuyên không qua từng bộ sưu tập (BST) đầy cảm xúc, mãn nhãn. 
    
BST MINH của NTK trẻ Phạm Thị Minh Hạnh sinh viên khoa Thời trang khóa 4 của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với ý tưởng từ kỹ thuật trang trí thủ công trên trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang kết hợp với các phong cách và kỹ thuật hiện đại nhằm lưu giữ và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam và lan toả tới giới trẻ.

Hình 2: 1 trong số những ảnh trong  BST MINH của NTK trẻ Phạm Thị Minh Hạnh

BST Linh Long của NTK Vũ Thị Hồng Ngoan sinh viên khoa Thời trang khóa 4 của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội với ý tưởng được nghiên cứu về truyền thuyết rồng đẻ chín con. Rồng là con vật trong truyền thuyết, là biểu tượng tượng trưng cho sự cao quý, quyền lực, là con vật đứng đầu trong các loài thú lành.

Hình 3: BST Linh Long của NTK Vũ Thị Hồng Ngoan

Tiếp đến là BST Xanh của NTK trẻ Đỗ Hằng sinh viên khoa Thời trang khóa 4 của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Bộ sưu tập thời trang "Xanh" được lấy ý tưởng từ hình ảnh thiên nhiên như: cây, lá, rong rêu... ứng kĩ thuật thay đổi bề mặt vải bằng cách sử dụng kĩ thuật ghép vải (vải thừa) nhằm tái chế thành sản phẩm thời trang ứng dụng mang tính chất của thời trang bền vững. Thông qua khóa luận tốt nghiệp, tác giả muốn gửi gắm thông điệp "Hãy sử dụng thời trang một cách hợp lí, khuyến khích sử dụng thời trang bền vững, thời trang xanh bảo vệ hệ sinh thái đang bị đe dọa".

 

Hình 4:  BST Xanh của NTK trẻ Đỗ Hằng

Ngoài những BST hướng tới lịch sử dân tộc, sinh viên khoa thời trang chiêu đãi người xem bằng màn trình diễn thời trang tái chế Jean vô cùng bắt mắt, và bùng nổ.

Hình 5: Màn trình diễn thời trang tái chế Jean của sinh viên khoa Thời trang

Điều vô cùng đặc biệt và phá cách hơn trong màn trình diễn Jean tái chế lần này có sự kết hợp cùng màn nhảy hiện đại sôi động đến từ nhóm nhảy DRP Dance Crew trực thuộc trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, điều đặc biệt không chỉ qua các vũ điệu, động tác mà thu hút nhất chính là những bộ trang phục có trong bộ sưu tập Thời Trang Tái Chế với thông điệp khuyến khích giới trẻ sáng tạo, tái chế những vật liệu bỏ đi, giảm thiểu rác thải trong ngành công nghiệp thời trang.

Hình 6: Nhóm nhảy DRP Dance Crew

Những BST từ các NTK là sinh viên đã đem đến giá trị vẻ đẹp với dòng chảy lịch sử, văn hóa, cuộc sống nhằm tôn vinh giá trị di sản Việt Nam bằng ngôn ngữ thời trang. Thông qua đó, thể hiện sự quan tâm, trân trọng, kế thừa và phát huy những giá trị di sản, làm bật sự tái sinh di sản, mang đến những giá trị mới đầy lôi cuốn.

Ban biên tập khoa Thời trang
Đặng Thị Lan Anh

 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 23 Tổng truy cập: 18.741.384