Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

SÁNG TẠO BỀN VỮNG TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Ngày đăng: 09:30 - 20/05/2025 Lượt xem: 17
      Trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ với sự bùng nổ của công nghệ số, khái niệm "sáng tạo bền vững" đã và đang trở thành kim chỉ nam cho các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt là trong ngành thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm, là sự hòa quyện giữa cái đẹp, công nghệ và đạo đức nghề nghiệp.
Chiều ngày 16/5/2025 đại diện Ban giám hiệu toàn thể cán bộ giảng viên, sinh viên khoa Thiết kế sáng tạo có mặt đầy đủ tại hội trường C5-401 để tham gia hội thảo khoa học công nghệ cấp khoa với chủ đề:Sáng tạo bền vững trong kỷ nguyên số”. Phát biểu khai mạc buổi lễ TS. Nguyễn Thu Phượng- Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã chỉ rõ đây là hội thảo nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa Thiết kế sáng tạo nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học, cập nhật các kiến thức mới về thiết kế Bền vững –  Sáng tạo –  Công nghệ số vào hoạt động giảng dạy; Bên cạnh đó, khơi nguồn sáng tạo, khích lệ sinh viên khám phá các kỹ thuật mới trong thiết kế Bền vững –  Sáng tạo –  Công nghệ số trong thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa.

 

       Mở đầu hội thảo, thầy Trần Đức Tiến- Phó trưởng bộ môn TT2 có bài chia sẻ với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ số để tối ưu quá trình sản xuất”. Bài viết chỉ ra cho chúng ta thấy thời trang kỹ thuật số còn đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, giảm thiểu việc sản xuất thừa thãi hàng may mặc, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, “xanh hóa’ ngành thời trang. Bởi vậy, việc ứng dụng kỹ thuật số trong thiết kế thời trang là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc ứng dụng này sẽ phù hợp với định hướng phát triển ngành dệt may giai đoạn 2020 – 2030 trong bối cảnh CMCN 4.0.


      Đặc biệt, hội thảo lần này vinh dự chào đón khách mời: ThS. Lại Minh Vương – Trưởng khoa Công nghệ và thiết kế Trường Cao đẳng Việt Mỹ, với kiến thức thực tiễn phong phú và tầm nhìn đổi mới, thầy sẽ mang đến những góc nhìn sâu sắc về “Định hướng phát triển bền vững của nhà thiết kế trong kỷ nguyên AI tại Việt Nam”. Việc ứng dụng công nghệ số trong thiết kế bền vững, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm triển khai dự án sáng tạo trong môi trường chuyên nghiệp, giúp giảng viên và sinh viên có thêm định hướng thiết thực trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp.
Sau bài chia sẻ, thầy cũng trực tiếp giải đáp 1 số thắc mắc của SV liên quan đến ngành mà mình đang theo học trong xu thế hiện nay.


      Bên cạnh những chia sẻ chuyên môn từ các giảng viên, hội thảo “Sáng tạo bền vững trong kỷ nguyên số” còn có sự tham gia của các bài tham luận đến từ sinh viên khóa 9 ngành Thiết kế đồ họa – đại diện cho nhóm SV trình bày Bùi Thị Phương Thảo - những người trẻ đang trực tiếp sống, học tập và sáng tạo trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ - với chủ đề: “Công nghệ AI và chat gpt tác động đến sinh viên ngành thiết kế đồ họa”.
Qua bài tham luận SV làm rõ được trong ngành thiết kế đồ họa, Công nghệ AI và Chat GPT mang lại nhiều lợi ích như hỗ trợ sáng tạo, nâng cao năng suất và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, lạm dụng nhiều vào AI và Chat GPT có thể khiến người học lệ thuộc, giảm khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và mất đi bản sắc cá nhân trong thiết kế. Vì vậy, sinh viên cần sử dụng AI một cách tỉnh táo, kết hợp công nghệ với tư duy sáng tạo độc lập, đặc biệt với sinh viên ngành Thiết kế đồ họa.


      Kết thúc buổi hội thảo, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ – Trưởng khoa Thiết kế sáng tạo đã gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị khách mời, Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giảng viên toàn thể các em sinh viên đã quan tâm, đồng hành và góp phần tạo nên thành công cho chương trình. Sự hiện diện và những đóng góp quý báu của quý vị chính là nguồn động viên to lớn, góp phần lan tỏa tinh thần sáng tạo bền vững trong kỷ nguyên số đến toàn thể sinh viên và đội ngũ giảng dạy.

Một số hình ảnh của buổi lễ:

 
Ban biên tập website khoa TKST- Đặng Thị Lan Anh

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 376 Tổng truy cập: 40.031.750