Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Tọa đàm “ Thời trang và di sản”- Làm sống lại di sản truyền thống qua ngôn ngữ thời trang

Ngày đăng: 09:04 - 27/11/2023 Lượt xem: 217

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề Dòng chảy (được tổ chức từ 17- 26/11/2023) kỳ vọng sẽ mang tới những trải nghiệm mới đánh thức di sản tháp nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, di sản Công nghiệp Nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Tọa đàm “Thời trang và di sản” là một trong những hoạt động trọng tâm của lễ hội thiết kế sáng tạo lần này. Đây không chỉ là cơ hội giới thiệu tác phẩm sáng tạo tới đông đảo người dân, mà hơn thế, góp phần hội tụ và lan toả các ý tưởng và thành quả sáng tạo của các nhóm sáng tạo, hình thành mạng lưới sáng tạo, mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác các không gian sáng tạo tại thủ đô Hà Nội.

Đại diện tham gia tọa đàm lần này, về phía khoa Thời trang trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có cô ThS. Nguyễn Thị Thanh Huệ- Trưởng khoa, cô ThS.Nguyễn Thị Hồng Liên- Phó trưởng khoa, cô ThS. Khúc Thị Minh Phượng - Trưởng bộ môn cùng một số các thầy cô và đại diện sinh viên khoa Thời trang. Đồng thời sinh viên Bùi Thị Thùy lớp ĐHTT – K5 và cựu SV Vũ Thị Hồng Ngoan lớp ĐHTT – K4 gửi bài tham luận tại tọa đàm “Thời trang và di sản”.

Ảnh: Tọa đàm “Thời trang và di sản”



 Ảnh: Đại diện khoa Thời trang tham dự tọa đàm

 

Ảnh: Đại diện khoa Thời trang tham dự tọa đàm

 

Ảnh: Đại diện khoa Thời trang tham dự tọa đàm

SV Bùi Thị Thùy lớp ĐHTT – K5 tham luận tại tọa đàm với chủ đề: nghề thủ công truyền thống Đậu Bạc trong thiết kế thời trang. Qua tham luận này Thùy muốn gửi thông điệp: Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống được coi là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi sinh viên ngành Thiết kế thời trang. Thông qua ngôn ngữ thời trang - một trong những công cụ giúp quảng bá văn hoá, giá trị truyền thống một cách hiệu quả nhất, nhằm lan toả tình yêu nước, tôn vinh những tinh hoa văn hoá mà cha ông để lại.

 

BTS của SV Bùi Thị Thùy khai thác từ nghề thủ công truyền thống Đậu Bạc

Cựu SV Vũ Thị Hồng Ngoan lớp ĐHTT – K4 tham luận với chủ đề truyền thuyết Rồng trong thiết kế thời trang. Theo Ngoan chia sẻ “Giới trẻ ngày nay luôn chạy theo xu hướng thời đại, tiếp thu những văn hóa mới, thích biến đổi bản thân và dần lãng quên những văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Nhận thức về văn hóa truyền thống của giới trẻ hiện nay dần bị mai một, biến dạng, chưa giữ gìn và phát huy được. Rồng còn là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất thế giới. Với thuyết Hồng Bàng thị, người Việt Nam còn coi rồng là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Sự kết tinh giá trị truyền thống cốt lõi cùng sự sáng tạo trong thời trang như cầu nối giúp cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận với văn hóa từ thời dựng nước và giữ nước của ông cha ta”.

Ảnh: SV Vũ Thị Hồng Ngoan lớp ĐHTT – K4 tham luận với chủ đề truyền thuyết Rồng trong thiết kế thời trang

 

BTS của cựu SV Vũ Thị Hồng Ngoan lấy ý tưởng từ truyền thuyết Rồng

Qua buổi tọa đàm có thể thấy Mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu mang phong cách riêng nhưng đều có điểm chung là tình yêu, sự tri ân với văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đồng thời tâm huyết hướng đến xây dựng một sân chơi thời trang bền vững, mở rộng con đường để đưa thời trang mang dấu ấn văn hóa dân tộc hội nhập và phát triển.

Không chỉ góp thêm một "món ăn tinh thần" cho người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, chuỗi sự kiện này còn được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế tiếp tục sáng tạo và tôn vinh các giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc.

Ban biên tập website khoa Thời trang
Đặng Thị Lan Anh


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 168 Tổng truy cập: 29.921.473