Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Làm tranh ghép vải từ nguyên liệu thừa của ngành May

Ngày đăng: 09:22 - 08/12/2022 Lượt xem: 2.393

Nguyễn Thị Thanh Huệ - Khoa Thời trang

Tóm tắt: Ngành Dệt May nói chung và ngành Thời trang ở Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội mà ngành Dệt May mang lại thì trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp thừa rất nhiều nguyên liệu đầu vào như: vải đầu tấm, vải vụn hay những chiếc khuy hỏng, đổi màu, các loại khóa, chun… Một phần nguyên liệu thừa được các doanh nghiệp may thời trang sử dụng cho các mã hàng sản xuất khác hoặc bán ra thị trường với giá rất rẻ. Những vải vụn được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, gây ra mối nguy hại không nhỏ với môi trường. Việc tạo ra 1 tác phẩm nghệ thuật từ nguyên liệu thừa của ngành May có giá trị rất lớn về mặt tinh thần và góp một phần công sức nhỏ trong công cuộc bảo vệ môi trường sống xanh.
Từ khóa: tranh ghép vải, nguyên liệu thừa ngành May 

  1. Đặt vấn đề

    Khối lượng rác thải ra hàng năm của ngành dệt may tương đối lớn và tác hại đến môi trường là không nhỏ. Chính vì vậy đã có rất nhiều các chương trình của đài truyền hình Việt Nam đề cập đến các giải pháp hạn chế rác thải trong ngành công nghiệp thời trang như: “Vì một tương lai xanh”, phóng sự “Dự án khởi nghiệp từ vải vụn”…Như chúng ta đã biết , để có một tấm vải con người đã phải tốn biết bao nhiêu công sức lao động. Thế nhưng khi tấm vải bị cắt ra chúng dường như bị giảm giá trị đi rất nhiều. Vải đã qua sử dụng có giá trị thấp, đòi hỏi một khối lượng lớn và quy trình tái chế phức tạp nên ít được quan tâm, chỉ một phần được sử dụng làm mục đích khác như tái sản xuất cho các mã hàng khác, bán ra thị trường với giá thành rẻ, làm giẻ lau, xơ sợi chế phẩm được dùng làm thú nhồi bông… khả năng tái sử dụng nhìn chung là thấp do đa số các chất thải này bị đổ chung với rác thải sinh hoạt.

Trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều cất lên tiếng nói chống biến đổi khí hậu, nhất là khi ngành thời trang ngày càng lộ rõ những tác động xấu lên môi trường, thì không có lý do gì giới thiết kế thời trang, đặc biệt các thương hiệu lớn, lại có thể đứng ngoài cuộc. Họ buộc phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh” hơn. Xu hướng trên được rất nhiều các doanh nghiệp và các hãng thời trang lớn trên thế giới lựa chọn làm tiêu chí phát triển tới tương lai. Cả thế giới cùng chung tay bảo vệ môi trường, nhu cầu tìm đến những sản phẩm “thời trang xanh” đang ngày càng nhiều. Chính vì thế việc tận dụng nguyên vật liệu ngành may không còn sử dụng để phát triển sản phẩm mỹ thuật xanh giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên xã hội được nhiều cơ sở giáo dục quan tâm. Trong chương trình đào tạo Đại học ngành Thiết kế thời trang cũng đã đưa học phần sáng tác tranh chất liệu vào giảng dạy. Đây là học phần đòi hỏi ở người sáng tác sự cần mẫn, sự kiên trì, lòng đam mê và sự sáng tạo sắp xếp bố cục cũng như sử dụng chất liệu, màu sắc của vải một cách hợp lý. Với sinh viên ngành Thiết kế thời trang việc tạo ra những bức tranh nghệ thuật từ nguyên vật liệu dư thừa từ quá trình cắt may là điều không hề khó. Đó chính là những bước đi khởi đầu của sinh viên cho việc thiết kế theo “xu hướng thời trang bền vững” từ tái sử dụng các nguyên vật liệu còn dư thừa trong quá trình học tập và sản xuất.

2. Giới thiệu về tranh ghép vải
          Tranh ghép vải là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng loại hình nghệ thuật này cũng đã tiếp thu được những tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam với cả hai dòng tranh dân gian và hiện đại. Trên thế giới, tranh ghép vải xuất hiện ở nhiều nơi, thuộc các vùng văn hóa và địa lý khác nhau nên rất phong phú và đa dạng [1]. Ở Việt Nam, dòng tranh này cũng tạo được những dấu ấn riêng đặc sắc. Khác với các dòng tranh đã từng xuất hiện trên thị trường, sự riêng biệt của tranh ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu. Đó là sự kết hợp khéo léo từ những mảnh vải riêng rẽ để làm nên một tổng thể hài hòa mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem. Người họa sỹ khi sáng tác dòng tranh này thường sử dụng các kỹ thuật chính là cắt - ghép - thêu hoặc cắt - dán để tạo nên tác phẩm. Vì thế tranh ghép vải được chia theo hai loại ứng với các kỹ thuật thể hiện là tranh ghép vải chất liệu và tranh dán vải [2].

         Từ những mảnh vải tưởng như không thể sử dụng được nhưng dưới bàn tay khéo léo của người hoạ sĩ chúng bỗng trở thành những tác phẩm tranh vô cùng nghệ thuật và sinh động. Cái khó ở đây là đòi hỏi ở người sáng tác sự cần mẫn và tài năng sắp xếp bố cục cũng như sử dụng chất liệu, màu sắc của vải một cách hợp lý. Khác với các dòng tranh đã từng xuất hiện trên thị trường, sự riêng biệt của tranh ghép vải nằm ở phong cách và chất liệu. Không đơn giản chỉ là ghép những mảnh vải hoa văn nhiều màu rực rỡ lại với nhau là có thể thành một tác phẩm mà người ghép cần phải hội tụ mọi kỹ năng, kỹ xảo và con mắt nghệ thuật tốt. Đó là sự kết hợp khéo léo từ những mảnh vải riêng rẽ để làm nên một tổng thể hài hòa mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem. Sự khéo léo của người họa sĩ là ở việc lắp ghép, chọn lựa được chất liệu, hoa văn vải mang tính ổn định về màu sắc để tạo được sự hài hoà và hợp lý. Màu sắc là hình thức bên ngoài còn hoạ tiết chính là linh hồn bên trong. Trong sáng tác tranh ghép vải, họa tiết hoa văn là phần không thể thiếu để hoàn thiện tác phẩm. Tuy nhiên đôi khi người hoạ sĩ không thể lạm dụng hay tận dụng một cách vô thức các hoạ tiết hoa văn được cho dù hoạ tiết đó rất cầu kỳ mà chính người hoạ sĩ phải tự tạo ra hoa văn, chất liệu sao cho thống nhất với các mảng miếng và chi tiết trong tác phẩm của mình. Khi xem một tác phẩm ghép vải nếu nhìn xa sẽ lầm tưởng là tranh vẽ nhưng nhìn gần những hoa văn và chất liệu bắt đầu hiện lên vô cùng sáng tạo và độc đáo. Điều đặc biệt ở tranh ghép vải là càng xem kỹ càng thấy rõ vẻ đẹp của nó, bởi màu nọ tôn màu kia, màu nền tô đậm cho hình họa hoa văn. Mỗi chấm phá đều có một ý nghĩa. Đó là sự kì công của người họa sĩ, kể từ từng nét nhỏ của chi tiết cũng đều được thể hiện bằng các sợi chỉ vô cùng mỏng manh mà không có sự can thiệp bởi màu hay bút vẽ.

Tranh ghép vải là một môn nghệ thuật của người dân Nga, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật ghép vải đa dạng và sự liên kết màu sắc, họa tiết đẹp đã tạo nên những bức tranh phong cảnh, tình yêu và những bức tranh trừu tượng rất đặc sắc. Hiện nay, tranh ghép vải vẫn còn khá mới lạ với người Việt Nam nhưng bằng niềm hăng say và sức sáng tạo, một số họa sĩ Việt Nam đã đưa những bức tranh ghép vải vào cuộc sống như họa sĩ Thanh Thục, Thu Huyền, Phương Lan… Mỗi họa sĩ lại có cách thức sáng tạo riêng, kỹ thuật riêng với các đề tài thể hiện phong phú và đa dạng. Cũng như các dòng tranh hội họa khác, tranh ghép vải có đầy đủ các yếu tố tạo hình cơ bản như đường nét, mảng khối, không gian, màu sắc [3].

3. Phương pháp thực hiện tranh ghép vải từ nguyên vật liệu thừa
Trình tự thực hiện

Bước 1. Thu thập nguyên vật liệu
            Nguyên vật liệu thừa như vải vụn và một số loại như khóa, chỉ, cúc, mex, len, hạt cườm, hạt đá… sẽ được thu gom lại từ các nhà may, xưởng may hoặc doanh nghiệp may, thời trang. Đối với việc thu gom những nguyên vật liệu thừa rất dễ dàng và đơn giản vì trong quá trình sản xuất việc có những tấm vải đầu thừa, vải vụn hay những chiếc khuy hỏng, đổi màu rất dễ thấy tại các kho sản xuất.
Bước 2. Phân loại nguyên vật liệu
Sau khi thu gom đủ nguyên vật liệu, cần phải phân loại nguyên vật liệu theo các chất liệu vải, theo từng tông màu, theo kích thước.
Vải vụn có kích thước >1m được xếp vào nhóm vải đầu tấm do có thể tái chế thành các vật dụng lớn.
Vải vụn có kích thước 20cm –>100cm được xếp vào nhóm vải vụn trung bình, có thể được sử dụng để tái chế thành các đồ vật kích thước vừa phải.
        Sau khi phân loại các loại vải, vải dùng ghép tranh được giặt sạch, là từng miếng cho phẳng.
Bước 3. Phác thảo tranh ghép vải theo ý tưởng sáng tác
Dựa trên việc phân loại vải, từ kích thước và màu sắc của vải mà nhóm nghiên cứu sẽ lựa chọn để làm các sản phẩm phù hợp. Sau đó là phác thảo hình dạng và kết cấu, kích thước sản phẩm để thiết kế rập. Đây là bước định hình về ý tưởng sáng tác. Người thực hiện phải lên ý tưởng sản phẩm bằng phương pháp thủ công (vẽ tay và màu nước trên giấy) hoặc sử dụng công cụ đồ họa để thực hiện như vẽ trên phần mềm AI. Bản vẽ phác thảo phải được thể hiện rõ ý tưởng, đường nét, màu sắc, bố cục trang trí để đảm bảo được tính thẩm mỹ của tranh ghép vải. Các chủ đề trong tranh ghép vải rất phong phú và đa dạng như thiếu nhi, thiên nhiên, dân gian, trừu tượng, thời trang…

 


Hình 1. Phác thảo tranh ghép vải. Nguồn [4]

Bước 4. Thể hiện tranh ghép vải
            Tùy vào ý tưởng cũng như bố cục chính - phụ của bức tranh để có thể chọn chất liệu vải là công việc không hề dễ. Có vô vàn các chất liệu khác nhau như: Vải lụa, cotton, voan, ren, lông, dạ…Tranh ghép vải nếu chỉ sử dụng duy nhất một chất liệu thì sẽ vô cùng tẻ nhạt và không ra được tính chất của một bức tranh mà phải biết kết hợp các chất liệu khác nhau trong cùng một tác phẩm thì bức tranh đó mới trở nên sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn người xem, giúp người xem cảm nhận được đó là một tác phẩm giàu tính thẩm mỹ và vô cùng kỳ công. Đó chính là sự khác biệt của tranh ghép vải so với các dòng tranh khác.
Các công việc cần thực hiện trong thể hiện tranh ghép vải:
- Cắt rời các chi tiết ra bìa cứng
- Ép mex vào vải. Việc là ép mex sẽ giúp vải được cứng cáp hơn và độ co giãn của vải sẽ được đảm bảo khi làm tranh, giảm thiếu tối đa việc vải bị tở sợi giúp tranh khi ghép lên sẽ sắc nét hơn (Tùy theo từng loại chất liệu cũng như ý tưởng của tác giả có thể ép mex hoặc không ép mex)
- Cắt vải theo mẫu đã phác thảo
- Phết keo sữa
- Ghép các lớp vải theo phác thảo
- Thêu, đính hoặc bao viền (nếu có)

 


Hình 2. Cắt, ghép vải vào tranh

Phức tạp nhất là ở công đoạn này, việc lựa chọn, phối hợp màu sắc, chất liệu thể hiện các chi tiết thành bức tranh sinh động, hoàn mỹ nhất, chi tiết này hỗ trợ làm nổi bật chi tiết khác mà không phá vỡ bố cục chung. Chọn lọc sắp xếp mảng miếng, sáng tối, họa tiết vải ra sao để bức tranh có được độ sâu của nó. Ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ ghép từng mảnh nhỏ, khi làm tranh cần có óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú. Việc xử lý vải để tạo chi tiết cũng vô cùng phức tạp, có khi phải cắt vụn vải ra li ti để chắp ghép thành những viên gạch, hãy những đường viền chi tiết để bức tranh được sắc nét hơn…Bởi thế khi nhìn vào một bức tranh ghép vải, người xem không những chỉ cảm nhận được vẻ đẹp khác biệt từ hoa văn vải mà còn có cảm giác như bức tranh có thể sờ thấy từng chi tiết, thấy được sự kì công của người tạo ra nó.

Bước 5. Hoàn thiện tranh ghép vải
Trong quá trình cắt, ghép vải vào tranh, tác giả có thể thay đổi màu sắc, chất liệu, tỷ lệ… của tranh để tạo nên một tổng thể hài hòa chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào phác thảo ban đầu.
Sau khi cắt, ghép vải vào tranh xong thực hiện bo tranh hoặc đóng khung tranh để tăng giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm.


Hình 3. Bản vẽ phác thảo và tranh hoàn thiện. Nguồn [4]

Hình 4. Một số tác phẩm tranh ghép vải của sinh viên Đại học Thời trang

4. Kết luận
      Tạo ra một bức tranh ghép từ nguyên vật liệu ngành may không đơn giản, phải tư duy và sắp xếp thật khéo những mảnh vải vốn chẳng có mối liên kết gì với nhau.  Nghệ thuật làm tranh ghép vải khá công phu, đòi hỏi ngoài óc sáng tạo phải có sự kiên trì, cẩn thận, tỉ mẩn để có thể tính toán cắt và ghép từng mảnh vải vụn lại với nhau. Ở thời đại khoa học kĩ thuật phát triển thì việc biến những nguyên liệu bị coi là “bỏ đi” thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn về mặt tinh thần là vấn đề rất cần thiết. Điều này đòi hỏi sinh viên thời trang phải luôn rèn luyện trong thực tiễn để nâng cao kỹ năng chuyên ngành, tư duy sáng tạo. Chính vì vậy, các hoạt động từ tái chế hứa hẹn là cơ hội để giúp sinh viên thời trang được chủ động rèn luyện tổng hợp các kỹ năng học trên trường vào thực tế, cũng như nguyên liệu để sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, củng cố tư duy nhạy bén của sinh viên thời trang. Đồng thời, những hành động này góp phần không nhỏ lên việc xây dựng ý thức văn minh, bảo vệ môi trường, lối sống tiết kiệm cho sinh viên thời trang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Báo Văn nghệ số 23/2018

  2. Báo điện tử của Bộ văn hóa thể thao và du lịch http://ape.gov.vn/nghe-thuat-tranh-ghep-vai-viet-nam-ds1578.th

  3. https://mythuatms.com/hoc-ve-tranh-ghep-vai-d1195.html

  4. Bài sáng tác tranh chất liệu của sinh viên Đại học ngành Thiết kế thời trang 

 
 
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 319 Tổng truy cập: 33.349.820