Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Quá trình hình thành bộ sưu tập thời trang

Ngày đăng: 02:57 - 05/06/2019 Lượt xem: 13.596
Trước đây, để cho ra đời một bộ đồ là một kỳ tích. Những người thợ phải làm việc rất chuyên cần và vất vả, từ khâu thu gom chất liệu thô (da động vật, tơ sợi…) đến khâu cho ra đời những nguyên liệu như vải, lụa và đến khâu đo trực tiếp trên cơ thể, thiết kế mẫu, may, hoàn thiện sản phẩm. Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã cho ra đời những dây chuyền sản xuất, đồng thời công nghệ hóa và hiện đại hóa quy trình sản xuất quần áo. Những thiết kế đã bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn thay vì may đo từng mẫu.

Trong bài viết này, Khoa Thời trang sẽ giới thiệu với các bạn các bước để thiết kế lên một bộ sưu tập thời trang theo ý tưởng và mong muốn của mình mà không tốn quá nhiều thời gian. Bài viết phù hợp với cả những người chưa có kiến thức chuyên ngành thiết kế thời trang, những người yêu thích thiết kế mà chưa biết nên thiết kế như thế nào, thậm chí cả những bạn trẻ đã và đang theo học chuyên ngành thiết kế thời trang.

Bài viết sẽ đi theo 3 mục chính như sau:

Phát triển ý tưởng sáng tác
Chế thử mẫu
Trình diễn, giới thiệu bộ sưu tập mới đến khách hàng

1. Phát triển ý tưởng sáng tác
Gồm các bước như sau:
- Tìm ý tưởng sáng tác
- Nghiên cứu xu hướng thời trang
- Nghiên cứu khách hàng
- Nghiên cứu về dòng sản phẩm
- Chọn màu, chất liệu cho bộ sưu tập và thực hiện những bức phác họa đầu tiên bằng bút chì màu trên giấy hoặc trên phần mềm đồ họa thời trang.

Trước hết là lên ý tưởng cho bộ sưu tập thời trang! Đây xem chừng là một phần không hề đơn giản bởi để cho ra một ý tưởng thời trang mới lạ và khác với những thiết kế của người khác là điều không dễ chút nào. Ý tưởng thường xuất phát từ những điều xung quanh mình.Chẳng hạn như lấy ý tưởng về thời đại, ý tưởng về việc tái chế rác thải, phế liệu sinh hoạt, giấy, ý tưởng từ trang phục dân tộc và trang phục nghề nghiệp, ý tưởng từ thiên nhiên, côn trùng, động vật, ý tưởng từ các sự kiện văn hóa, chính trị, phong cách của một nhân vật nổi tiếng nào đó…..

Tại khâu bắt đầu của quá trình sáng tác bất kỳ một bộ sưu tập nào, nhà thiết kế phải xác định được 3 yếu tố then chốt: đối tượng khách hàng chính (phong cách sống, kỹ năng, gu thẩm mỹ, vóc dáng…), xu hướng thời trang hiện tại và tình hình bán hàng ở mùa trước. Tất cả những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bộ sưu tập đem lại lợi nhuận, được khách hàng chấp nhận. Tiếp theo, nhà thiết kế vẽ minh họa phác thảo sơ bộ cho các mẫu thiết kế. Những bảng vẽ phác thảo này bao gồm tất cả những thông tin quan trọng trong mỗi bộ rập và sẽ hình thành cơ sở của bản thông tin kỹ thuật để xây dựng bộ rập.

Vậy, cụ thể các công việc bạn cần làm là gì?

Đầu tiên, khi bạn đã có ý tưởng, bạn cần cụ thể nó bằng hình ảnh, bạn nên tập hợp, thu thập lại tất cả những hình ảnh liên quan đến ý tưởng của mình như: phong cách, trang phục, màu sắc, chất liệu, thông điệp, từ ngữ… mang đặc trưng và thể hiện hết ý tưởng của bạn và gắn nó lại thành 1 bảng (thường gọi là moodboard hay bảng ý tưởng). Đây là công việc rất quan trọng của nhà thiết kế. Bảng này chính là cách để bạn có thể định hướng chính xác bộ sưu tập mà mình mong muốn thể hiện được. Thông qua bảng ý tưởng bạn cũng như người khác có thể biết được bộ sưu tập của bạn sẽ có những đặc trưng gì về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, hình thức trang trí và phong cách chủ đạo, giúp bạn không đi sai đường.

Sau đó, bạn bắt tay vào vẽ phác thảo bộ sưu tập của mình theo định hướng đã có từ bảng ý tưởng.
Ví dụ: Sáng tác bộ sưu tập thời trang với ý tưởng Phong cách Boho

Bảng moodboard

Hình kết cấu của trang phục 

 Chọn mẫu thể hiện

 
 
2. Chế thử mẫu
Từ những bản phác họa ban đầu, nhà thiết kế đi chợ vải để tiến hành công đoạn chọn vải, phụ liệu thích hợp và chuẩn bị mọi dụng cụ cần thiết cho việc thiết kế, may chế thử mẫu trang phục
Để bảo đảm sản phẩm làm ra phải tôn lên vóc dáng của người mặc, nhà thiết kế dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu cấu trúc và phom dáng của trang phục sao cho phù hợp với vóc dáng của cơ thể người.
Nhà thiết kế tiến hành thiết kế mẫu và may thử trên vải mẫu trước khi sản xuất với số lượng nhiều.Vải được chọn thường là những chất liệu giá rẻ, dễ tạo hình như vải mộc. Tùy theo kiểu mẫu của sản phẩm, nhà thiết kế có thể lựa chọn các phương pháp thiết kế mẫu cho phù hợp như tạo mẫu 2D, tạo mẫu 3D…theo số đo của người mẫu hoặc manocanh. Đây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi tính chính xác cao, quyết định đến phom, dáng của sản phẩm.



Sau khi tạo được bộ mẫu rập chuẩn, tiến hành cắt trên vải và may thử mẫu. Ở bước này, có thể lựa chọn việc may thử mẫu bằng mô hình ghim, hoặc may hoàn chỉnh sản phẩm trên chất liệu vải gần giống với vải chính của bộ sưu tập.
 
Mẫu chế thử sau khi may xong, mặc thử mẫu trên manocanh hoặc người mẫu để điều chỉnh về phom dáng, tỷ lệ, kết cấu.
Cuối cùng nhà thiết kế bắt tay vào tạo ra những chi tiết đặc biệt cho trang phục như sử dụng những mảng miếng trên vải, cấu trúc lệch, đường cong và kỹ thuật thêu tay, kết cườm, gắn thêm những bông hoa…..Tất cả đều được tính toán từng chi tiết một cách tỉ mỉ để có sản phẩm hoàn hảo, tinh tế.
3. Trình diễn, giới thiệu bộ sưu tập mới đến khách hàng
Nhà thiết kế tìm người mẫu và nhiếp ảnh để tổ chức buổi chụp look book, giới thiệu bộ sưu tập mới đến khách hàng.
Bước 1. Chọn người mẫu phù hợp với phong cách bộ sưu tập
Bước 2. Chọn nhiếp ảnh gia
Bước 3. Lựa chọn địa điểm chụp hình
Bước 4. Thảo luận, thống nhất với nhiếp ảnh gia và người mẫu về ý tưởng và kịch bản, phong cách lookbook mình  muốn thể hiện
Bước 5. Tổ chức chụp ảnh
Bước 6. Lựa chọn, chỉnh sửa hình ảnh
bước 7. Hoàn thiện đồ hoạ, in lookbook
Bước 8. Giới thiệu lookbook đến khách hàng

Nguyễn Thị Thanh Huệ-Khoa Thời trang.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 28 Tổng truy cập: 18.703.133