Ngày 02/7/2020, thực hiện kế hoạch số 05 ngày 29/6/2020 về việc quay phim phóng sự “Vì một tương lai xanh” số tháng 7/2020 của VTV1 đài truyền hình Việt nam với đề tài “Tái chế quần áo từ đồ Jean”. Sinh viên Hà Kế Toàn cùng các thành viên câu lạc bộ thời trang kết hợp với BTV Ngọc Hiền, quay phim Quyến Lê đã thực hiện quay qui trình tái chế quần áo từ đồ jean.
Buổi ghi hình bắt đầu với chia sẻ của bạn Hà Kế Toàn chủ nhiệm CLB Thời trang.
Bạn Hà Kế Toàn, trả lời phỏng vấn của BTV Ngọc Hiền
Phóng viên: Bạn bắt đầu công việc khi nào? Lý do thực hiện công việc này?
SV Hà Kế Toàn: Trong thời gian dịch COVID-19, mình có nhiều thời gian rảnh, nên từ đó mình đã suy nghĩ làm sao không để phí thời gian của mình. Nên mình đã bắt đầu với việc tái chế quần áo. Lý do thực hiện công việc bổ sung thêm từ ngành thời trang là ngành có rác thải lớn thứ 2 thế giới. Số lượng quần áo thừa mỗi năm thải ra môi trường là rất lớn đã khiến môi trường sống bị tàn phá khủng khiếp. Là một sinh viên ngành thiết kế thời trang mình thấy những bộ quần áo vẫn còn sử dụng được đã bị bỏ đi. Chính vì vậy mình ấp ủ ý tưởng tại sao mình không tái sử dụng các sản phẩm đó vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường. Ban đầu mình thực hiện các sản phẩm của mình, sau đó mình triển khai đến các thành viên CLBTT do mình làm chủ nhiệm.
SV Hà Kế Toàn giới thiệu các sản phẩm mà CLB thời trang đã thực hiện tái chế
Phóng viên: Nguồn nguyên liệu lấy từ đâu?
SV Hà Kế Toàn: Như các anh chị đều biết, trang phục được làm từ vải jean rất gần gũi với SV bọn mình chính vì vậy mỗi sinh viên đều sở hữu rất nhiều trang phục được làm từ vải jean. Nguồn nguyên liệu em lấy chính từ hơn 4.000 SV đang học tập tại Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội. Sau này mình sẽ huy động rộng rãi trong cộng đồng mạng.
Phóng viên: Các sản phẩm được tái chế từ đồ jean là những sản phẩm gì?
SV Hà Kế Toàn: Các sản phẩm đa dạng về chủng loại như quần, áo, váy, balo, túi xách, túi đựng điện thoại, mũ, ví,… và kích cỡ, kiểu dáng.
Phóng viên: Các công đoạn để làm ra một sản phẩm? Mất bao nhiêu thời gian để hoàn chỉnh 1 sản phẩm?
SV Hà Kế Toàn: Để làm ra sản phẩm độc đáo, biến “cũ” thành “mới”, người thực hiện phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công, tỉ mỉ… Đầu tiên, thu thập những chiếc quần áo jean cũ từ người thân, bạn bè… Sau đó được giặt phơi, sấy khô… sạch sẽ. Lên ý tưởng thiết kế è tiến hành cắt, may, những chi tiết rời rạc thành khối sản phẩm è trang trí như vẽ, thêu, đính, kết theo đúng ý tưởng của mình. Vì là SV học chuyên ngành Thiết kế thời trang do vậy mỗi sản phẩm tạo ra đều mang tính độc, lạ, khó tìm được cái thứ hai giống hệt như vậy.
Thời gian làm một sản phẩm handmade từ những chiếc quần áo jean cũ tùy thuộc vào độ cầu kỳ của từng sản phẩm thời trang. Với những chiếc ba-lô nhỏ, ví đựng tiền… mất khoảng 4 - 5 tiếng để làm, còn những sản phẩm đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều chi tiết, kích thước lớn… phải mất 1- 2 ngày để hoàn thành.
Phóng viên: - Theo bạn, sử dụng các sản phẩm từ đồ jean tái chế so với hàng thùng giá rẻ thì việc nào tốt hơn cho môi trường?
- Độ bền của các sản phẩm từ đồ jean tái chế?
- Việc sử dụng quần áo cũ tác động như thế nào đến việc bảo vệ môi trường?
SV Hà Kế Toàn: Như các anh chị biết, ngành công nghiệp thời trang là ngành đã và đang gây ra những ảnh hưởng đáng báo động về môi trường. Phần lớn đồ may mặc đều chỉ được diện một thời gian ngắn trước khi chúng trở nên lỗi mốt, không vừa hoặc chỉ mặc một vài lần rồi vứt bỏ tại các bãi rác. Và khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp cũng khó phân hủy hệt như rác thải nhựa. Thiêu hủy quần áo lại càng thải ra môi trường các loại khí nhà kính, đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên. Chính vì thế việc sử dụng quần áo cũ tác động rất lớn đến việc bảo vệ môi trường như mình phân tích ở trên.
Nhóm CLB thời trang thực hiện qui trình tái chế
Nhóm CBL thời trang hoàn thiện sản phẩm tái chế
Quay phim Quyến Lê rất tâm đắc với các sản phẩm tái chế
Show diễn thực tế các sản phẩm tái chế
Phóng sự “Vì một tương lai xanh” VTV1 đài truyền hình Việt nam với đề tài “Tái chế quần áo từ đồ Jean” sẽ được phát sóng vào tháng 7/2020, hy vọng rằng với ý nghĩa bảo vệ môi trường, việc tái chế quần áo từ đồ Jean nói riêng và tái chế quần áo cũ nói chung sẽ được lan tỏa với tất cả các khán giả VTV1 đài truyền hình Việt nam
Trần Đức Tiến, Giảng viên Khoa Thời Trang