Nhân dịp Kỷ niệm 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022), từ ngày 18 - 23/11, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm - Hà Nội) tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng nhằm lưu giữ, quảng bá, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô. Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội cử cán bộ, giảng viên và sinh viên tham dự một số hoạt động văn hóa nhằm giúp giảng viên, sinh viên ngành thiết kế thời trang cùng chung tay bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản, phục vụ cộng đồng và gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội đã được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử.
Chương trình có các hoạt động chính như: Buổi khai mạc diễn ra vào 19h30 ngày 18/11/2022, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Điểm nhấn trong buổi khai mạc có Chương trình nghệ thuật “Muôn nẻo đường tơ”, giới thiệu các bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm và lụa của các làng nghề Việt Nam, kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại, gồm các bộ sưu tập Áo dài ngũ thân truyền thống - đương đại của nhà thiết kế Năm Tuyền; bộ sưu tập Nhân Bản - các sản phẩm bền vững của hai nhà thiết kế Trịnh Thủy và Khả Hân; bộ sưu tập Lụa ứng dụng của Thương hiệu GammeCOLLECTIVE; bộ sưu tập Áo dài lụa của Thương hiệu Trịnh Fashion. Cùng đó có các hoạt động tại số 50 Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm - Hà Nội) như: Trưng bày nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ ngày 18/11- 31/12/2022; trưng bày chủ đề “Muôn nẻo đường tơ” giới thiệu các ứng dụng của tơ tằm, thời trang bền vững và các tác phẩm mỹ thuật từ tơ, lụa trong đời sống đương đại. Tọa đàm: “Nghề dệt lụa Việt Nam gắn với phát triển bền vững” vào 8h30 ngày 19/11 (Tầng 3)
Đến tham dự Chương trình nghệ thuật “Muôn nẻo đường tơ” và tọa đàm “Nghề dệt lụa Việt Nam gắn với phát triển bền vững” có đ/c Nguyễn Thu Phượng – Phó hiệu trưởng, đ/c Nguyễn Thị Thanh Huệ - Trưởng khoa, đ/c Nguyễn Thị Hồng Liên cùng hơn 30 sinh viên ngành thiết kế thời trang. Đến với chương trình, sinh viên ngành thiết kế thời trang tham gia hỗ trợ các nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập thời trang. Tham dự tọa đàm để hiểu hơn về phát triển sản phẩm thời trang bền vững. Đặc biệt các hoạt động này giúp sinh viên có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa.
Một số hình ảnh tại Chương trình nghệ thuật “Muôn nẻo đường tơ” và toạ đàm“Nghề dệt lụa Việt Nam gắt với phát triển bền vững”
Bài viết giảng viên khoa Thời trang
Bùi Thị Phượng