Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Ảnh hưởng của kim may đến lỗi đứt sợi vải tại vị trí đường may

Ngày đăng: 09:17 - 09/03/2022 Lượt xem: 2.869
 
                                                           Tác giả: ThS. Phạm Thị Lụa
                                                        Đơn vị: Trung tâm THM
1. Đặt vấn đề
Chất lượng sản phẩm may được tạo ra bởi nhiều yếu tố như nguyên phụ liệu, thiết bị và công nghệ sản xuất… Trong thiết bị may thì kim máy may là một trong những chi tiết quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đường may của sản phẩm, kim máy may quyết định chất lượng đường may. Trong quá trình gia công sản phẩm, tại vị trí đường may có nhiều nguyên nhân gây ra lỗi, bài viết phân tích nguyên nhân gây ra lỗi đứt sợi vải tại vị trí đường may do kim và đề xuất giải pháp chọn kim phù hợp với loại sản phẩm để có đường may đạt chất lượng tốt.
2. Lỗi đứt sợi vải tại vị trí đường may, ảnh hưởng của kim may và giải pháp
2.1. Khái quát về lỗi đứt sợi tại vị trí đường may
  1. Hình lỗi:

Hình 1. Lỗi đứt sợi vải tại đường may
  1. Nguyên nhân: Lỗi đứt sợi tại đường may có nguyên nhân do sử dụng kim có chi số kim to hoặc cấu tạo mũi kim không phù hợp với tính chất của vải may.

Hình 2. Cấu trúc vải [1]
+ Vải dệt thoi: Có cấu trúc kiểu đan sợi dọc và sợi ngang với nhau, khi sử dụng kim có chi số lớn hoặc đầu kim to thường để lại lỗ chân kim lớn tại vị trí kim lên xuống. Ngoài cấu trúc vải thì thành phần nguyên liệu (cotton, Rayon, Polyeste, lụa, tơ tằm..) và chi số sợi cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn kim cho phù hợp.
+ Vải dệt kim: Có cấu trúc kiểu vòng sợi, vải có tính tuột vòng nên khi sử dụng kim có chi số lớn và đầu kim sắc nhọn xảy ra hiện tượng đứt sợi dẫn đến hiện tượng các vòng sợi bị tuột gây ra lỗi rách vải.
  1. Biện pháp khắc phục:
Để khắc phục lỗi đứt chỉ tại đường may trước tiên cần căn cứ vào đặc điểm nguyên liệu vải và cấu tạo của kim máy.
+ May vải dệt kim sử dụng kim có đặc điểm mũi kim tròn, nhỏ hoặc có dạng bi để khi may mũi kim trượt qua sợi vải không gây đứt sợi vải. Tùy thuộc vào độ mảnh của sợi chọn chi số kim cho phù hợp
+ Khi may vải dệt thoi, căn cứ vào chất liệu vải và độ mảnh của sợi để chọn kim có chi số và đặc điểm mũi kim phù hợp. May những loại vải mỏng, chọn kim có chi số nhỏ và đầu kim dẹt, nhọn, may vải tráng nhựa hoặc vải da cần chọn kim có mạ lớp chống dính, mũi kim tròn, mắt kim dài và rộng
  1. Kim may và ảnh hưởng của kim may đến lỗi đứt sợi tại vị trí đường may

 Hình 3. Cấu tạo kim máy may [2]
+  Kim máy may: Kim máy may có cấu tạo như hình 3, bộ phận ảnh hưởng đến lỗi đứt sợi đường may là thân kim và mũi kim. Đường kính thân kim đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ mét, kim có các chi số (60; 65; 70; 75; 80; 85; 90; 100; 110; 120; 125; 130; 140; 150; 160; 180). Đường kính thân kim được xác định bằng chi số kim nhân x 0.01(mm). Khi chọn kim có chi số cao (đường kính kim to) để may vải sợi mảnh sẽ dẫn đến hiện tượng đứt sợi.
+ Mũi kim: Giúp kim dễ xuyên qua vật liệu đồng thời không làm đứt hoặc hỏng mặt vải. Hình 4 chỉ ra các loại đầu mũi kim hay dùng trong ngành may, có nhiều loại mũi kim (dạng tròn, dạng bi, dẹt, nhọn,…). Khi chọn đầu kim không phù hợp với đặc điểm của vải (như vải dệt kim mà chọn đầu kim nhọn, to thì khi may kim sẽ xuyên qua sợi và gây đứt sợi). Đối với vải tráng nhựa khi may ma sát giữa kim và vải sinh ra nhiệt làm chảy nhựa ở mặt trái vải, nếu chọn kim mũi dày và không có lớp phủ chống nhiệt sẽ dẫn đến lỗi lỗ kim to, và đứt chỉ.


Hình 4. Cấu tạo đầu kim máy may [3]
  1. Giải pháp lựa chọn kim máy may theo vật liệu
Lựa chọn kiểu mũi kim tương ứng với vật liệu may [3]
KIỂU MŨI KIM MÔ TẢ ỨNG DỤNG
- Không mầu
- Mũi kim dạng bi tròn, nhỏ
- Sử dụng cho vải dệt kim và một số vải bị bai giãn.
- Mũi kim dạng bi tròn nhỏ, không gây nguy hiểm hoặc làm đứt sợi dệt kim
- Đầu kim kéo dài
- Mũi kim dạng tròn nhỏ
- Mắt kim và hõm bắt móc được chế tạo đặc biệt
- Áp dụng cho vật liệu co giãn và vải dệt kim
- Do đầu kim được kéo dài, hiệu quả chống bỏ mũi khi may
 
Mũi kim dạng bi tròn và tăng độ cứng hơn bình thường Áp dụng cho may hàng vải dày (đồ jean)
 
Mũi kim rất nhỏ - Áp dụng cho các loại vải Micro, polyeste, lụa, da nhân tạo, các loại vải tráng nhựa
- Khả năng xuyên qua vật liệu tốt tạo đường may đẹp
Mắt kim dài và rộng, Rãnh chứa chỉ, hõm bắt chỉ và mắt chỉ rất rộng để bảo vệ chỉ khỏi bị xước ảnh hưởng đến chất lượng đường thêu Áp dụng cho may chỉ kim loại hoặc tương tự, mắt kim dài để chống xoắn chỉ hoặc đứt chỉ khi may
Mũi kim dạng bi cầu nhỏ, mắt kim dài và rộng Sử dụng với chỉ Rayon, polyeste và các loại chỉ thêu khác
Đầu kim côn và hơi tròn Kim may trần diễu, được chế tạo đặc biệt để may trần bông kim dễ dàng xuyên qua nguyên liệu may
 
Mắt kim dài Dùng để may các đường may nổi trên vật liệu dày, hoặc chất lượng chỉ may kém.
Đầu kim to có mạ lớp chông dính, mũi kim tròn, mắt kim dài và rộng Áp dụng cho vật liệu thô, chặt, các loại vải có chi số sợi nhỏ nhất, lớp chống dính làm giảm ma sát với vật liệu trên các loại vải dệt thoi
Đầu kim dẹt sắc Kim may da, vải giả da, các loại vải không dệt, không dùng cho vải dệt thoi hoặc dệt kim
3. Kết luận
Trong quá trình gia công sản phẩm may lựa chọn kim phù hợp với vải giúp quá trình sản xuất đạt được năng suất và chất lượng cao. Lỗi trong quá trình gia công có nhiều loại và là một yếu tố được quan tâm, cần các giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất. Bài viết đã phân tích được mối quan hệ giữa nguyên liệu (cấu trúc, thành phần và độ mảnh sợi) và kim may (chi số kim, đặc điểm mũi kim) ảnh hưởng đến chất lượng đường may và đưa ra một số lựa chọn kim phù hợp với vải để có đường may chất lượng tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
  1. Võ Phước Tấn (2006) Giáo trình vật liệu may, NXB Đại học Quốc Gia
  2. Nguyễn Thanh Tùng (2015), Giáo trình Thiết bị may công nghiệp, NXB Giáo dục.
  3. https://schmetzneedles-com.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 103 Tổng truy cập: 18.714.907