Chuyên gia đưa ra cảnh báo với ngành dệt may trong 2025

Ngày đăng: 02:40 - 10/01/2025 Lượt xem: 11

Dù ngành dệt may có kết quả tích cực trong năm 2024, nhưng sang năm 2025, dự báo dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặt ra yêu cầu phải chuyển mình.

Vượt qua nhiều khó khăn với những nỗ lực đổi mới và phản ứng phù hợp, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam cán đích kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỉ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Và là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành dệt may Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, mang lại ngoại tệ lớn cho đất nước và thu nhập cho khoảng 3 triệu lao động…

Thách thức xen lẫn cơ hội

Dự báo về tình hình ngành dệt may năm 2025, tại Hội thảo "Diễn biến thị trường giá cả năm 2024 và dự báo năm 2025", ngày 9-1, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho hay, tăng trưởng thị trường dệt may có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 - 46 tỉ USD.

Lý giải nhận định này, ông Phong cho rằng, nền kinh tế các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc và từ 10-20% đối với một số quốc gia khác thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nếu tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…

Khi đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội vượt lên dẫn đầu thị phần Mỹ, nhất là có thêm lợi thế chi phí lao động hiện vẫn chỉ bằng một nửa của Trung Quốc.

Song, năm 2025 ngành dệt may Việt Nam nhận được những động lực thể chế mới như tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí cơ hội của doanh nghiệp... Cùng với đó là lực lượng lao động trẻ, dồi dào; chi phí lao động mặc dù không còn lợi thế cạnh tranh, nhưng kỹ năng may của công nhân Việt Nam đẹp và tốt. Chất lượng sản phẩm đồng đều.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đã có không ít những công ty sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp dệt may và cũng là các nhà cung ứng cho các nhãn hàng lớn như Adidas, Nike… Nhiều doanh nghiệp còn tự chủ làm được các loại vải thân thiện với môi trường...

Nhiều lợi thế là vậy, nhưng ông Phong vẫn cho rằng năm 2025, doanh nghiệp ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt những thách thức. Như, giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, thanh toán, giảm sản lượng, những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu và tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp.
Ngành dệt may

Dự báo, trong 2-4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của các thị trường lớn. Ảnh: QUANG HUY

Dự báo, trong 2-4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, giảm doanh thu.

Trên thực tế, gần đây một số thương hiệu đã thể hiện quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho. Đồng thời, khi hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị chững lại do chịu thuế nhập khẩu cao hơn, có thể kéo theo hậu quả Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác và do đó tăng độ cạnh tranh với hàng dệt may Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu khác…

Năm 2025 và tiếp theo, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng, một số doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận các đơn hàng lớn và phải bằng lòng với đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe…

Đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ

Trong bối cảnh đó, để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu trong năm 2025, ông Phong cho hay, cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may

Kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…

Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác tốt hơn các thị trường lớn, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA và đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao …

Nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, coi trọng phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp hỗ trợ. Bởi, hiện Việt Nam chỉ mới sản xuất được 1% lượng sợi cotton, phải nhập khẩu khoảng 3 tỉ USD nguyên liệu này.

Tăng cường đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh...


Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.189 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.307 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.513 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.311 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.522 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.863 lượt xem

Liên kết website