Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự báo đạt tổng kim ngạch khoảng 43,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh, chiếm vị trí thứ hai thế giới.
Theo thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự báo cán mốc 44,5 tỷ USD tính đến hết năm 2024, tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, Việt Nam sẽ vượt qua các đối thủ như Ấn Độ, Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng Vinatex, cho biết, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt mức tốt nhất trong số các cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới, trong bối cảnh nhiều quốc gia chứng kiến sự chững lại, thậm chí sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Lý giải về mức tăng trưởng mạnh của xuất khẩu dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết, nửa cuối năm 2024, thị trường có sự khởi sắc bất ngờ do bất ổn chính trị ở một số quốc gia đối thủ, khiến khách hàng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam.
Tiếp đà tăng trưởng nửa cuối năm 2024, dự báo xuất khẩu dệt may tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh trong năm 2025. Tính đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý I và quý II/2025.
Tuy nhiên, theo đại diện Vinatex, những thuận lợi về thị trường có thể chỉ là tạm thời bởi đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Bangladesh đang chứng kiến sự dần phục hồi. Dự kiến, sau quý II/2025, Bangladesh sẽ phục hồi hoàn toàn xuất khẩu dệt may và tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam.
Một số quốc gia như Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng dệt may, dù không sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh như Việt Nam và Bangladesh.
Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng đang theo dõi chính sách của Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống nước này. Chính sách thuế của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể tạo ra nhiều tác động tới các cường quốc xuất khẩu dệt may, đặc biệt là Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2022, xuất khẩu dệt may của Bangladesh tăng trưởng rất mạnh, đạt con số 57,7 tỷ USD tổng kim ngạch và vươn lên vị trí thứ hai thế giới. Nhiều thông tin cho rằng Bangladesh đã nhanh chân trong công cuộc chuyển đổi xanh nên dành được thị phần, trong khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn khá chậm trễ trong ứng dụng các giải pháp xanh.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may đã chuyển đổi xanh từ sớm và có những kết quả tương đối khả quan, chẳng hạn như chuyển đổi triệt để hệ thống lò hơi từ đốt than, dầu, củi sang lò hơi điện hoặc nhiên liệu sinh học, sử dụng điện mặt trời áp mái trong vận hành nhà máy.
Nguồn: https://theleader.vn/xuat-khau-det-may-tang-truong-manh-d38501.html