Vinatex: Đáy xấu nhất của ngành dệt may đã đi qua

Ngày đăng: 10:34 - 21/08/2023 Lượt xem: 1.011

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường dệt may giai đoạn cuối năm chưa khởi sắc nhưng cũng sẽ không diễn biến xấu hơn.

Xuất khẩu dệt may 7 tháng 2023 giảm 15,9%

Theo thông tin từ Hội thảo báo cáo định kỳ hàng tháng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 6,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế 7 tháng 2023, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ tiếp tục đà suy giảm ở mức 17% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm 10% so với cùng kỳ, thị trường Hàn Quốc giảm 9,58% cùng kỳ.

Thị trường Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 428 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may đi Trung Quốc đạt 360 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sợi đạt 219 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ có thị trường Nhật Bản tăng so cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước. Thị trường Mỹ, EU và Hàn Quốc đều lần lượt giảm 24%, 10% và 7,7% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc mặc dù có tháng 7 đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng vẫn giảm 10% so với năm 2022.

Tại Hội thảo trên, nhận định dự báo về thị trường, ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, đối với thị trường ngành may, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024.

"Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm", đại diện Vinatex nhận định.

Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm dự kiến tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa cả năm 2023 kim ngạch nhập khẩu tổng hàng may mặc của thị trường này đạt 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.

Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.

Vẫn còn rủi ro do cầu chưa hẳn phục hồi

Cũng tại hội thảo, phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của VNĐ so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VNĐ mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%...

“Do đó, áp lực giảm giá VNĐ là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng cho dịp Giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng”, Chủ tịch Vinatex đánh giá.

Với những dự báo trên, ông Trường cho rằng, khả năng từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.

Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định, thị trường những tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Nguy cơ trong thời gian gần là giảm số lượng hàng hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn của doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may sẽ tương đương 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, ngành sợi cho thấy đáy sản xuất kinh doanh cũng vừa vượt qua, tuy nhiên vẫn mang tính rủi ro cao do cầu chưa lên hẳn, chỉ đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt sẽ hạn chế được thiệt hại.

Lãnh đạo Tập đoàn Vinatex lưu ý đến doanh nghiệp cần quan tâm các vấn đề: lãi suất vay giảm, biến động tỷ giá, giá bông ở thời điểm hiện tại, ngưỡng tài chính… để chuẩn bị nguyên liệu, hệ thống kinh doanh, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong những tháng cuối năm 2023.

Nguồn: https://mekongasean.vn/vinatex-day-xau-nhat-cua-nganh-det-may-da-di-qua-post25870.html

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.207 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.327 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.530 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.327 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.545 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.924 lượt xem

Liên kết website