Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân 3%/năm.

Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, có thể thấy dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU là rất triển vọng.

Do vậy, ngành dệt may đang chờ đợi sức đẩy to lớn mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mang đến sau khi có hiệu lực.

“EVFTA là một trong những hiệp định thương mại có tính chiến lược. Tôi cho rằng đây là một Hiệp định thương mại mang lại lợi ích cực kỳ lớn cho nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới”.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang.

Với Hiệp định này, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Thuế suất cơ sở trong EVFTA cho hàng may mặc là 12%, từ mức thuế này các mặt hàng sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc về 0% theo lộ trình B3, B5, B7, tức sau 4, 6, 8 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực về 0%.

Đáng chú ý nhất trong EVFTA, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Hoặc, nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký FTA (Nhật Bản hoặc một nước nào đó trong tương lai cùng ký FTA), hay ASEAN với điều kiện thuế ưu đãi áp cho mặt hàng đó cao hơn cho mặt hàng tương tự của quốc gia ASEAN tham gia cộng gộp.

So sánh với Hiệp định gần đây nhất mà Việt Nam tham gia là CPTPP, quy tắc xuất xứ của EVFTA “dễ thở” hơn nhiều khi chỉ yêu cầu “từ vải trở đi” để được hưởng ưu đãi thuế quan, thay vì “từ sợi trở đi” trong CPTPP.

Quy tắc "từ vải trở đi" trong EVFTA sẽ "dễ thở" hơn cho dệt may Việt Nam so với CPTPP
Quy tắc "từ vải trở đi" trong EVFTA sẽ "dễ thở" hơn cho dệt may Việt Nam so với CPTPP

Để chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA, thời gian qua, Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may cũng đã đẩy mạnh kêu gọi dòng đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực dệt nhuộm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dệt may trong cuộc chơi mới.

Trong khoảng bốn năm gần đây, đặc biệt là hai năm 2018 - 2019 và ngay cả đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát, vẫn có một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào ngành dệt nhuộm, bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may.

Riêng tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ 90% đầu tư của Tập đoàn từ năm 2013 tới nay. Tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đạt 56%.

Đơn cử, bất chấp bóng đen Covid-19 phủ lên toàn nền kinh tế, nhà máy Dệt Bảo Minh tại Nam Định hiện đang duy trì hoạt động “full tải” để sản xuất sản phẩm vải dệt thoi cho khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động ngành y tế. Công ty Dệt lụa Nam Định từ ngày 1/3/2020 cũng chuyển hướng, tham gia sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Sản lượng vải kháng khuẩn do Dệt lụa Nam Định cung cấp đạt 200.000 mét vải/tháng, tương đương với việc may 70.000 khẩu trang/ngày.

“Trong tổng lượng xuất khẩu tới châu Âu, doanh nghiệp dệt may cần khoảng 2 tỷ mét vải. Việc cần làm là cân đối điều chỉnh lượng vải sản xuất trong nước, vải nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho các đơn hàng may mặc xuất đi châu Âu, là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam”.

Phó Tổng Giám đốcTập đoàn Dệt May Việt Nam Cao Hữu Hiếu.

Thực tế, Việt Nam hiện đã sản xuất được 2,7 tỷ mét vải/năm, theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong,…

Mặt khác, chúng ta đã nhập khẩu tới 20% lượng vải từ Hàn Quốc trong tổng lượng vải nhập để sản xuất phục vụ xuất khẩu, và cũng nhập một lượng vải cao cấp từ Nhật Bản. Đây cũng là hai quốc gia đáp ứng nhu cầu xuất xứ mà EVFTA đưa ra.

Những con số này phần nào phản ánh nỗ lực, cũng như năng lực cung ứng nguyên phụ liệu dệt may của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cộng hưởng với quy tắc cộng gộp về xuất xứ mà EVFTA cho phép, dệt may trong nước đang từng bước tự tin tháo gỡ “nút thắt cổ chai” vẫn được nhắc đến là thách thức lớn đặt ra trong ngành công nghiệp này.

Với quy tắc cộng gộp về xuất xứ mà EVFTA cho phép, dệt may trong nước hoàn toàn có thể tháo gỡ "nút thắt cổ chai" bấy lâu để tận dụng cơ hội từ EVFTA
Với tiềm lực nội tại và quy tắc cộng gộp về xuất xứ mà EVFTA cho phép, dệt may trong nước hoàn toàn có thể tháo gỡ "nút thắt cổ chai" bấy lâu để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực cũng được kỳ vọng sẽ kích thích, thúc đẩy và kêu gọi đầu tư vào dệt may trong nước, trong đó có lĩnh vực dệt nhuộm. Khi thị trường càng mở, lợi ích dòng thuế càng nhiều, Hiệp định sẽ tạo lực hấp dẫn lớn hơn cho các nhà đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt.

Năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam dự báo sản xuất được 3 tỷ mét vải. Nguyên phụ liệu sản xuất trong nước sẽ tiến tới đáp ứng 50% trong tỷ lệ xuất khẩu.

Dự báo, EVFTA sẽ tác động tích cực tới sản lượng ngành dệt với tốc độ tăng 6% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nói chung vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.
Nhằm nắm bắt tốt hơn nữa cơ hội mà EVFTA mang lại, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng một trong những mục tiêu mà ngành dệt may hướng đến là thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn (dệt, nhuộm) đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Chính phủ, Bộ Công Thương và Hiệp hội sẽ đóng vai trò quan trọng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hình thành các chuỗi này.
Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/det-may-voi-evfta-hoa-giai-bai-toan-xuat-xu-72058.htm