Nhân sự kiện Quốc hội xem xét và tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Tạp chí Công Thương đã có một số trao đổi với ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam để hiểu rõ hơn về tác động cũng như sự chủ động nắm bắt cơ hội từ Hiệp định này đối với ngành dệt may trong nước.
Thưa ông, với EVFTA và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam tham gia, theo ông chiến lược phát triển ngành dệt may, đặc biệt là xuất khẩu dệt may, cần được xây dựng và hoạch định ra sao?
Chủ tịch Vũ Đức Giang: EVFTA là một trong những hiệp định thương mại có tính chiến lược đối với nền kinh tế đất nước. Đảng, Chính phủ chúng ta đã xúc tiến chương trình này. Tôi cho rằng đây là một Hiệp định thương mại mang lại lợi ích cực kỳ lớn cho nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Về vấn đề chiến lược dài hạn, thứ nhất là tôi đã báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ là sớm ban hành chiến lược dệt may năm 2020 - 2040, trong 20 năm tới. Trước đây Chính phủ đã có chiến lược dệt may đến năm 2020. Lúc bấy giờ chúng ta rất khiêm tốn, không dám bởi vì cũng không dám mạo hiểm hoặc đưa ra con số quá viển vông. Nhưng thực tế thì chuyển dịch cơ cấu đầu tư và chuyển dịch phát triển và việc Việt Nam ký hàng loạt hiệp định thương mại đã tác động đến thị trường mở có tính toàn cầu và chính những hiệp định đó tạo ra một cú hích cho ngành dệt may Việt Nam.
Hồi đó chúng tôi xây dựng chiến lược dệt may Việt Nam 2020 thì xuất khẩu 20 tỷ thôi, nhưng đến năm 2019 chúng ta đã xuất khẩu 36 tỷ rồi, đột biến và có được những thị trường rộng mở. Đấy là vấn đề mà tôi cho rằng cần thay đổi khi chúng ta đã có hiệp định thương mại.
Thứ hai, thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Mỹ vẫn là thị trường trọng yếu nhất, chiếm tới 46% tổng xuất khẩu. Như vậy chúng ta nhìn thấy thị trường Mỹ là thị trường trọng yếu của công nghiệp dệt may những năm về trước. Nhưng nếu bây giờ các hiệp định thương mại khi dòng thuế đã về 0% rồi thì bắt đầu thị trường sẽ có sự thay đổi, chuyển dịch, đó là các nước EU có thể tăng lên, các nước thành viên CPTPP có thể tăng lên. Chúng ta vẫn trông cậy vào thị trường của chúng ta là thị trường Nhật Bản, thành viên CPTPP, rồi thị trường Úc, New Zealand, Canada. Trước đây mà ngành dệt may Việt Nam nói xuất khẩu vào Canada là một giấc mơ quá viển vông. Nhưng đến bây giờ sau khi có hiệp định thì tỷ trọng xuất khẩu vào Canada và New Zealand, Úc tăng rất nhanh. Vì họ nhìn thấy lợi ích của họ khi dòng thuế về 0. Nhưng cái khó của hiệp định này là vấn đề đòi hỏi từ sợi. Ngành sợi Việt Nam thì hiện nay có một nền công nghiệp cực kỳ tốt. Chúng ta ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước ra chúng ta còn xuất khẩu mỗi năm trên 3 tỉ đô la Mỹ về ngành sợi. Đấy là vấn đề tôi cho rằng chúng ta định hướng lại với thị trường.
Vấn đề thứ ba tôi cho rằng là để kết cấu trong các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP mà kể cả hiệp định RCEP tới đây mà đã ký thì mỗi thị trường có một kết cấu các dòng sản phẩm đòi hỏi khác nhau, điều kiện cần trong mục tiêu dài hạn, bền vững đó là tôi cũng phải kiến nghị với Bộ Công Thương, trình Chính phủ của Đảng, Nhà nước, có lẽ chúng ta cũng phải sớm đi đến việc ký kết được Hiệp định FTA với Mỹ. Dù có Hiệp định thương mại với EU thì bởi vì dân số và văn hoá mặc, văn hoá mua sắm của khối EU rất khác với Mỹ.
Thị trường Mỹ phải nói là người dân Mỹ tiêu dùng cực kỳ lớn với các sản phẩm may mặc. Nên cái mà chúng tôi cần là phải nhìn thấy tầm nhìn trong tương lai của các hiệp định thương mại. Tại sao tôi phải nói đến vấn đề cần và đủ vào thị trường Mỹ, bởi vì nếu khi chúng ta có FTA với Mỹ khi chúng ta đã tạo ra một cú hích cho thị trường đầu tư vào, đó là lực hấp dẫn cho phần đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Điều đó là cực kỳ tốt cho sự bền vững. Mà đầu tư vào thì lại làm liên đới là phục vụ cho cả các nhu cầu thị trường trong nước nữa, chứ không phải chỉ là thị trường xuất khẩu. Khi thị trường càng mở, lợi ích dòng thuế càng nhiều thì nó là một lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào phần sợi dệt nhuộm. Đấy là tầm nhìn chiến lược bền vững và dài hạn của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ kéo theo dòng vốn chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ vào Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ làm gì để giữ vững vị thế giữa sự cạnh tranh ngày càng gay gắt?
Chủ tịch Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng cạnh tranh là điều tất yếu. Phải nói là có doanh nghiệp nước ngoài vào hay không có doanh nghiệp nước ngoài vào, thì ngay cả doanh nghiệp trong nước chúng ta đã cạnh tranh rồi, chứ không phải chờ bên ngoài vào. Bởi vì các nhà nhập khẩu buyer người ta mua hàng, đơn hàng đưa đến đơn vị nào bán hàng mà có thời gian giao hàng nhanh nhất, chất lượng ổn định nhất, giá cả cạnh tranh nhất thì người ta đến và đến như vậy thì nó sẽ bộc lộ ra sự cạnh tranh thôi, cạnh tranh lại đến thái độ phục vụ, khả năng hậu mãi và kiểm soát hệ thống để tuân thủ được yêu cầu đòi hỏi của khách hàng. Đấy là vấn đề tôi cho rằng chúng ta không đáng ngại chuyện cạnh tranh.
Vấn đề thứ hai ở chỗ này tôi cho rằng là để giữ được sự ổn định và xây dựng một chuỗi liên kết, doanh nghiệp trong nước chúng ta có thế mạnh riêng, doanh nghiệp FDI họ có thế mạnh riêng. Và điều kiện để kết nối được với nhau thì mỗi đơn vị chúng ta nhìn vào thế mạnh của mình và tìm ra hạn chế của mình để tạo dựng kết nối. Tôi nói đơn cử như thế này, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam họ cần những nhà quản lý của Việt Nam bởi vì chỉ người Việt Nam mới hiểu được văn hoá Việt Nam và mới nói được với người lao động của Việt Nam một cách thấu hiểu được, chứ bản thân nếu thuần tuý người nước ngoài vào đây không mà chỉ là người nước ngoài điều hành, chưa chắc nếu người nước ngoài ấy họ không hiểu được văn hoá của Việt Nam, họ không cộng hưởng được sức mạnh nội lực của người Việt Nam và nội lực của của nền kinh tế Việt Nam, chính trị Việt Nam thì họ khó mà thành công được.
Cho nên chúng ta có thế mạnh của chúng ta. Họ có thế mạnh của họ là công nghệ, nguồn vốn, và thậm chí họ có thể có thị trường xuất khẩu. Nhưng chúng ta có thế mạnh của chúng ta. Nên tôi cho rằng là việc cạnh tranh là việc tất yếu, chỉ có tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp, đưa ra giải pháp cho từng đơn vị của mình để làm sao đó mình vừa xây dựng một sự kết nối nhưng mình vừa duy trì sự ổn định, phát triển và tạo ra một động lực để lấy được lợi ích từ các dòng thuế của các hiệp định thương mại. Đấy là câu mà tôi cho rằng chiến lược của mỗi doanh nghiệp phải đặt ra cho mục tiêu của mình trong phát triển bền vững.