Đại sứ Việt Nam tại Mỹ lên tiếng về thông tin hàng dệt may gặp khó

Ngày đăng: 12:06 - 23/03/2020 Lượt xem: 1.001

Phủ nhận thông tin Mỹ áp dụng chính sách tạm ngừng nhập sản phẩm dệt may Việt Nam nhưng Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng cảnh báo, dịch Covid-19 kéo dài, việc xuất khẩu hàng Việt sẽ bị ảnh hưởng…


Ngày 21/3, liên quan đến thông tin cho rằng Chính phủ Mỹ đang áp dụng chính sách tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam vào thị trường nước này, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc trước hết khẳng định, đây là thông tin không chính xác.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ lên tiếng về thông tin hàng dệt may gặp khó - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

2 tháng đầu năm 2020, hàng Việt xuất khẩu Mỹ tăng 25,7%

Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã liên hệ, trao đổi với các cơ quan liên quan của Mỹ và chính thức được biết Chính phủ Mỹ không có chủ trương tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ tiếp tục phát triển với những kết quả hợp tác tích cực. Chính phủ hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại Việt-Mỹ theo hướng cân bằng, bền vững. Hiện nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đại sứ Hà Kim Ngọc dẫn chứng, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 77,6 tỷ đô la, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường khác giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng, đạt 10,26 tỷ USD (tăng 25,7%).

Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, đối với ngành dệt may của Việt Nam, Mỹ là một thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Năm 2019, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt gần 15 tỉ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 48% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Xuất khẩu giày dép các loại đạt 985 triệu USD (tăng 7,4%).

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay trên phạm vi toàn cầu, việc sụt giảm các hoạt động thương mại, trong đó có lĩnh vực dệt may, là không thể tránh khỏi. Tại Mỹ, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nước này về phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn như Macy, TJ Max, Walmart, Target… đã thông báo tạm thời đóng cửa hoặcgiảm thời gian mở cửa hàng cho đến cuối tháng 3/2020. Kinh tế khó khăn hơn và nhu cầu mua sắm giảm của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan.

“Do đó, nếu tình hình dịch bệnh tại Mỹ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Namsẽ bị ảnh hưởng nhất định” – Đại sứ Hà Kim Ngọc nhận định.

Trong bối cảnh khó khăn chung, lời khuyên của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ dành cho các doanh nghiệp là cần hết sức bình tĩnh, một mặt tiếp tục cố gắng tận dụng mọi cơ hội để duy trì sản xuất và xuất khẩu sản phẩm. Mặt khác, cũng xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp rà soát lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, nhân lực để thích ứng với tình hình mới, mở rộng tiếp cận các đối tác, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức hiện nay.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp của ta cũng cần lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống các hình thức gian lận nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh thuế… để không vi phạm các quy định liên quan của hai nước, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ” – Đại sứ Hà Kim Ngọc nói.

Đại sứ cũng bày tỏ: “Về phần mình, Đại sứ quán sẽ tiếp tục trao đổi với chính quyền sở tại đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu thị trường sẽ phục hồi trở lại và đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, trong đó có Mỹ”.

Mỹ xem xét nhập trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19 của Việt Nam 

Trao đổi thêm thông tin về tình hình hợp tác Việt Nam – Mỹ trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, Đại sứ Hà Kim Ngọc khái quát, hoạt động này hiện đang đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Ngọc cho biết, ngay từ cuối tháng 1/2020, các cơ quan và chuyên gia y tế hai nước đã có nhiều hình thức trao đổi thông tin, số liệu để cùng ứng phó với dịch bệnh. Đại sứ quán cũng đã thiết lập kênh trao đổi thường xuyên với Bộ Y tế và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch (CDC) Mỹ.

Phía Mỹ đánh giá rất cao các nỗ lực phòng chống dịch quyết liệt, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã thông báo, Quỹ dự trữ khẩn cấp phòng chống các bệnh lây nhiễm của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ trích khoản hỗ trợ trị giá 37 triệu USD để giúp các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam ứng phó với sự lây lan của dịch Covid-19.

Trên góc độ đa phương, phía Mỹ cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang trao đổi với Việt Nam và các thành viên ASEAN khác nhằm đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Mỹ về y tế và trong phòng chống dịch Covid-19.

Theo Đại sứ Ngọc, hiện tại, phía Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ cho phòng chống dịch tại Mỹ. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ công tác y tế trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch.
"Tôi hy vọng điều này sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ" - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ bày tỏ.
                                                                                                             Nguồn báo điện tử: dantri.com.vn

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.141 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.268 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.469 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.259 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.467 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.700 lượt xem

Liên kết website