Doanh thu khối dệt may được kỳ vọng bứt tốc mạnh

Ngày đăng: 03:33 - 14/05/2021 Lượt xem: 1.644

Với sự phục hồi rõ nét của các thị trường chủ lực, xuất khẩu dệt may trong năm 2021 được đánh giá sẽ có nhiều “cửa sáng” hơn năm 2020, từ đó tạo động lực thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành.

Doanh thu tăng trở lại nhờ xuất khẩu phục hồi

Ngay từ đầu năm 2021, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - đã dự báo rằng, ngành xuất khẩu dệt may năm nay sẽ phục hồi tích cực trở lại bởi động lực từ nhu cầu thị trường cũng như việc các nước đưa vaccine vào tiêm chủng rộng rãi. Và thực tế 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu hàng dệt may đã tăng 9% với kim ngạch đạt 9,51 tỷ USD.

Doanh thu khối dệt may được kỳ vọng bứt tốc mạnh
Xuất khẩu dệt may đang phục hồi rõ rệt

Việc xuất khẩu tăng trở lại đã tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may. Chẳng hạn Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (TNG) có doanh thu 4 tháng đầu năm nay đạt 1.272 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã xuống chi tiết hết đến tháng 8/2021 và đang triển khai nhanh hơn đơn hàng thực hiện cuối quý III, quý IV. Theo kế hoạch, TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.798 tỷ đồng và 175 tỷ đồng LNST trong năm 2021, lần lượt tăng 7% và 15% so với thực hiện 2020.

Hay với Sợi Thế Kỷ (STK) đã đạt doanh thu thuần 567 tỷ đồng trong quý I/2021. Mặc dù doanh thu giảm nhẹ 8,1% so với cùng kỳ song do giá sợi tăng mạnh khoảng 20% so với cuối năm 2020 nên lợi nhuận sau thuế (LNST) của STK tăng trưởng mạnh mẽ 35% với 248 tỷ đồng. Với kết quả này, STK đặt kế hoạch kinh doanh năm nay là 2.358 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2020.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cũng đề ra mục tiêu doanh thu năm nay đạt 4.218 tỷ đồng, tăng 20%; lãi sau thuế 290 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước.

Tương tự Tổng công ty CP May Việt Tiến (VGG), sau một năm kinh doanh suy giảm vì đại dịch thì quý I/2021 đã có cải thiện đáng kể khi doanh thuần đạt 1,453 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% và LNST đạt 5,2 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 21 tỷ đồng LNST của quý I/2020. Theo ước tính của Công ty CP chứng khoán Phú Hưng, doanh thu năm 2021 của VGG đạt khoảng 7.757 tỷ đồng, tăng 8,9% và LNST đạt 187 tỷ đồng, tăng mạnh 24,1% so với năm 2020.

Nhiều cơ sở để kỳ vọng bứt phá

Sở dĩ các doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao là do xác định thị trường phục hồi, cùng sự trợ lực từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Do đó các doanh nghiệp dệt may đều đang có những chiến lược đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng các cam kết từ những FTA này.

Cụ thể với Sợi Thế Kỷ, ông Đặng Triệu Hòa - Tổng giám đốc STK - cho biết, trong ngắn hạn Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển sợi tái chế và sợi tái chế, sản phẩm nguyên sinh thì đi vào phân khúc chất lượng siêu cao, giá trị gia tăng. Trong dài hạn, doanh nghiệp mở rộng công suất sản xuất với dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex. Đây là dự án có tổng công suất 60.000 tấn, tập trung vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao và sợi đặc biệt. Dự án có tổng đầu tư khoảng 120 triệu USD. Dự kiến năm 2023, nhà máy đưa vào hoạt động giai đoạn 1 khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2.

Giống như STK, Tổng công ty CP May Việt Tiến (VGG) gần đây đã lên kế hoạch đầu tư sản xuất vải thông qua việc thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech để khởi động dự án Việt Thái Tech với tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD. Dự án này sẽ giúp VGG đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA trong tương lai. Lý do, hơn 13% tổng doanh thu năm 2020 của VGG đến từ doanh thu xuất khẩu sang EU, nên khi VGG đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ EVFTA - công ty sẽ có nhiều khả năng mở rộng xuất khẩu sang EU. Hơn nữa, với RCEP không yêu cầu vải nguyên liệu phải sản xuất tại Việt Nam hay các nước nội khối, mà chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Do xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm khoảng 27% tổng doanh thu năm 2020 của VGG, RCEP sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.

Theo các công ty chứng khoán, với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như trên, nhóm cổ phiếu dệt may sẽ có nhiều khả năng bứt phá trong năm nay. Cụ thể cổ phiếu của STK được dự báo sẽ tăng 25% so với giá hiện tại là 33.000 đồng/cp; cổ phiếu VGG cũng được dự báo tăng khoảng 21% so với mức giá hiện tại là 45.000 đồng/cp…

                                                                                                                       Nguồn: https://congthuong.vn/

 

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.208 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.328 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.532 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.329 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.546 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.926 lượt xem

Liên kết website