Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘ BỀN ĐƯỜNG MAY

Ngày đăng: 02:26 - 02/12/2021 Lượt xem: 3.028
                                                                         
                                                                                    Ths. Đỗ Xuân Tùng
                                                                                  Trung tâm Thực hành may
ĐẶT VẤN ĐỀ
        Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, ngành dệt may đóng vai trò quan trọng trong việc gia công hàng may mặc cũng như xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ổn định xã hội. Để nâng cao chất lượng sản phẩm thì ngay từ bước chọn nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, trải qua nhiều công đoạn, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để góp phần nâng cao chất lượng toàn diện. Trong đó sự liên kết các đường may tạo nên sản phẩm là một trong những thành tố quan trọng. Đường may phải có tính thẩm mỹ cao, đạt chất lượng và độ bền theo yêu cầu. Độ bền đường may quyết định đến chất lượng sản phẩm, các yếu tố về độ bền, độ phẳng, tính phù hợp với nguyên liệu và các yếu tố công nghệ tác động trong quá trình may cũng như tác động của nhiều yếu tố như biến dạng kéo, uốn, ma sát, nhiệt độ ánh sáng… làm ảnh hưởng đến độ bền của sản phẩm.

        Sản phẩm đạt chất lượng đường may phải đáp ứng tốt các yêu cầu về độ bền mài mòn, độ bền nhiệt, hóa chất trong quá trình sử dụng. Vì vậy giữa vải và chỉ là hai yếu tố quan trọng đòi hỏi phải có sự tương thích về màu nhuộm và độ đồng đều của sợi cũng như độ bền kéo đứt của của hai nguyên vật liệu này. Từ các yêu cầu trên nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền đường may như mật độ mũi may, độ bền chỉ may nhằm góp phần tạo ra hiệu quả đường may cao đối với một số loại vải trong may mặc.

NỘI DUNG
1. Giới thiệu chung về đường may

1.1. Khái niệm
Đường may là sự kết hợp của các mũi may tạo thành những đường nối để nối hai hay nhiều lớp vải lại với nhau. Đường may được sử dụng trong việc may quần áo, giày dép, hàng dệt gia dụng và đồ thể thao. [1]

Đường may là được liên kết các phần của chi tiết lại với nhau thành sản phẩm. Nó là thành phần cơ bản quần áo. [1]

Độ bền đường may của vật liệu ngoài hoặc vật liệu làm trang phục bên ngoài của tổ hợp quần áo phải chịu được tải trọng phá hủy ít nhất là 225N đối với vải dệt thoi.

Độ bền đường may phụ thuộc rất nhiều vào lực tương đối của nó so với độ co giãn của đường may và tính đàn hồi của vật liệu. Để hình thành một đường may bền, đep, cần phải lựa chọn cẩn thận, hợp lý nhiều yếu tố như: Loại vải, chỉ may, kim máy, lực căng chỉ, lực nén chân vịt… Bất kỳ một yếu tố nào không phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến độ bền đường may trên sản phẩm.
 
1.2. Cấu tạo, chức năng của đường may [1]
  1. Đường may 1 kim thắt nút
          Đường may 1 kim thắt nút được tạo thành bởi 1 chỉ kim cùng 1 chỉ suốt tạo thành mũi thắt nút ở giữa 2 lớp nguyên liệu cần may.
  1. Đường may móc xích 1 kim
          Đường may được tạo bởi 1 chỉ của kim, tạo thành những móc xích tự khóa với nhau ở dưới lớp vật liệu, sau đó tạo thành đường may hoàn chỉnh.
  1. Đường may ziczac
          Mũi may được tạo bởi 1 chỉ kim và 1 chỉ suốt đặt ở giữa đường may. Đường ziczac cũng được dùng để di bọ, lại mũi, thùa khuyết, đính cúc.
 
  1. Vắt sổ 3 chỉ
          Mũi may được hình thành bởi 1 kim mang chỉ và 2 vòng chỉ quấn vào mép của vật liệu tạo thành đường vắt sổ hay đường vắt gấu ẩn.
 
  1. Đường vắt sổ chập
          Mũi may được hình thành bởi 2 kim mang chỉ và 2 vòng chỉ quấn vào mép của vật liệu. Ở đường may 512, chỉ có chỉ kim bên phải mới móc lấy vòng chỉ phía trên. Đường 512 cũng không bị tuột mũi giống như đường 514.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền đường may

2.1. Nguyên phụ liệu

2.1.1. Vải
       Vải là một trong những nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm, vậy một sản phẩm đạt chất lượng tốt thì đường may lại là yếu tố quan trọng quyết định tạo nên độ bền của sản phẩm. Vậy khi sản xuất phải lựa chọn vải đáp ứng được các yêu cầu như: Độ bền của vải được tính theo độ bền kéo đứt, độ bền xé và độ bền nổ...
  1. Độ bền kéo đứt [2]
   Độ bền kéo đứt của vải có nghĩa là lực có thể làm vải bị kéo đứt theo hướng dọc hoặc hướng ngang. Theo tiêu chuẩn ASTM D5035, EN ISO 1421
  Trong thực tế sản phẩm may mặc chịu nhiều tác động của lực kéo bởi cử động của con người trong quá trình mặc, giặt, vắt… Thậm chí trong trạng thái nghỉ ngơi sản phẩm may cũng chịu tác động của trọng trường. Do đó sản phẩm may mặc phải đảm bảo độ bền đứt cũng như độ giãn đứt trong quá trình sử dụng tương ứng với chức năng của chúng. Độ bền đứt của vải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là độ bền đứt của sợi.
        Cường độ chịu kéo của vải đóng một vai trò quan trọng trong chất lượng của sản phẩm. Độ bền kéo đứt tốt liên quan đến độ bền sử dụng của vải. Vì vậy, cường độ chịu kéo của vải phải được kiểm tra sau mỗi quá trình hóa học và đặc biệt là sau khi quá trình dệt trước khi quyết định công nghệ xử lý hóa chất.
  1. Độ bền xé [3]
        Độ bền xé là sức đề kháng của vải chống lại sự bị xé rách hoặc lực xé cần thiết ở thời điểm ngay khi bị rách. Kiểm tra độ bền xé là chỉ tiêu quan trọng trong với các nhà sản xuất cần chất lượng cao. Nó thường được áp dụng kiểm tra trong các loại vải dệt thông thường trong các ứng dụng công nghiệp, áo chống đạn, lều, quần jean công nhân, bao tải, trang phục thẩm mỹ và nhiều ứng dụng khác. Điều này cũng quan trọng trong hàng dệt may công nghiệp, nơi thực hiện công việc với cường độ cao. Độ bền xé càng cao thì đảm bảo rằng các lỗ thủng trong vải không dễ dàng lan truyền và bị xé rách rộng hơn.
  1. Độ bền nổ [4]
      Độ bền phá nổ của các loại vải có lớp phủ được sử dụng như một phép đo độ bền của vật liệu dưới tác dụng của lực đa phương (ngược lại với đặc tính chịu kéo là chỉ cung cấp thông tin về độ bền của vật liệu trong một mặt phẳng). Hơn nữa, độ bền phá nổ thích hợp hơn để kiểm nghiệm các loại vật liệu có khuynh hướng co lại, ví dụ như loại vải phủ sử dụng vải lót bằng vải dệt kim.
2.1.2. Chỉ may
        Trong sản xuất nghành may chỉ đóng vai trò quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền đường may. Trong quá trình sản xuất hiện đại ngày nay sử dụng các thiết bị may công nghiệp với sức căng tác động lên chỉ và áp lực áp kim lên vải là lớn. Khiến cho cả chỉ may và sợi trong vải đều bị mài mòn. Vì vậy khi may thường chọn chỉ có các chỉ tiêu như: Độ bền, modun đàn hồi, tính chất ma sát và tính ổn định nhiệt...
  1. Độ bền đứt [5]
         Độ bền đứt có thể chịu được các ứng suất khác nhau sinh ra trong quá trình may thì chỉ may phải có độ bền thích hợp, chỉ có độ bền cao sẽ giảm đứt chỉ và giảm được thời gian ngừng máy khi may.
         Độ bền đứt cao (lớn hơn 30cN/tex) thông thường chỉ may cần bền hơn vải để không bị đứt khi may, giặt và sử dụng.   
         Độ bền mài mòn, uốn, nén, xoắn, ma sát trên máy may tốc độ cao với các loại ứng suất và biến dạng lặp đi lặp lại với tần suất cao trên chỉ may làm giảm đáng kể các tính năng và độ bền của chỉ sau khi may. Tốc độ máy may, chế độ cài đặt máy và chỉ may quyết định đến các ứng suất và biến dạng trên chỉ may.
         Độ bền của chỉ xét theo độ đều và độ dày, độ bền kéo, độ co giãn, màu sắc. Nếu chỉ không đều hay có độ không đều lớn thì sẽ xảy ra hiện tượng đứt chỉ tại vị trí xung yếu nhất.
         Độ bền màu: là khả nănh giữ màu của chỉ khi tác động bởi các yếu tố như giặt, ánh sáng, mồ hôi, hóa chất, là ủi…
  1. Độ ma sát [6]
        Các tính chất ma sát và trượt của chỉ cũng rất quan trọng trong quá trình may. Các lực này được sinh ra trong chỉ may hầu hết là do ma sát giũa chỉ và các bộ phận của máy. Hệ số ma sát giữa chỉ kim và bề mặt của các chi tiết sợi phải nhỏ hơn 0.2. Tuy nhiên giá trị ma sát tĩnh giữa chỉ và vải lại cần từ trung bình tới cao để làm cho mũi may chặt lại và ngăn chặn đường may tuột chỉ.
        Tính chất ma sát động lực học của chỉ may luôn có tầm quan trọng để cải thiện hiệu quả và chất lượng đường may. Những tổn thương trong khi may những biến đổi của ứng suất biến dạng của chỉ và những ảnh hưởng do tính chất ma sát động lực học làm ảnh hưởng đến ngoại quan và độ bền của đường may.
  1. Độ đàn hồi [6]
        Chỉ may có modun đàn hồi cao có nghĩa là có độ cứng cao, kết hợp với cấu trúc cân bằng xoắn sẽ hình thành vòng may đạt yêu cầu, hiệu suất may cao và không bị bỏ mũi chỉ. Độ co giãn của chỉ thể hiện tác động của lực căng bền chỉ. Đối với chỉ may thì nếu modun đàn hồi ban đầu của chỉ may cao sẽ tránh bị bỏ
mũi và nhăn đường may.
        Chỉ may phải có khả năng chịu được tác dụng nhiệt độ và cơ đột ngột cao trong quá trình may. Chỉ may chuẩn có độ dài từ trung bình đến cao sẽ dễ may và ít bị đứt.        
2.2. Thiết bị
        Trong quá trình may thì thiết bị cũng là một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đường may.
        Thiết bị bao gồm như: Kim máy, lực nén chân vịt, lực căng chỉ…
2.2.1. Kim máy [7]
         Kim máy may là chi tiết quan trọng, không thể thiếu trong quá trình may, có chức năng đưa chỉ xuyên qua các lớp vải để tạo thành mũi may hoàn chỉnh.
         Kim máy may có rất nhiều size, thường được ký hiệu bằng một dãy số, hiển thị bằng đơn vị milimet, theo hệ thống size kim máy may của châu Âu.
  1. Vải mỏng, nhẹ, mịn, tơ  dùng kim có chi số 60/8 hoặc 65/9
  2. Vải dày trung bình dùng kim có chi số 80/12 hoặc 90/14
  3. Vải dày dùng kim có chi số 90/14 hoặc 100/16
VD: Loại vải kaki có độ dày, cứng dùng kim có chi số 90/14 hoặc 100/16, khi may sẽ hạn chế bị gẫy kim, đứt chỉ.

       Các loại vải tơ tằm hay vải lụa mỏng, nhẹ, mịn dùng kim có chi số 60/8 hoặc 65/9, khi may sẽ giảm đứt sợi, không để lại mũi kim trên bề mặt của vải.
       Đặc biệt một số loại vải dệt kim, vải dùng may áo lông vũ thì phải dùng loại kim có chi số 60/8 hoặc 65/9 đầu tròn để khi may sẽ hạn chế làm đứt sợi, rút sợi, giảm tổn thương bề mặt của vải.
         Khi may phải chọn kim phù hợp với các loại chỉ và vải khác nhau, để làm hạn chế đứt chỉ, rút sợi, giảm tổn thương bề mặt của vải, tăng tính thẩm mỹ sản phẩm, tăng độ bền cho đường may.

2.2.2. Lực nén chân vịt, tốc độ máy
          Lực nén chân vịt ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt của đường may, trong quá trình may tạo ra ma sát giữa vải và chân vịt. Vậy khi may ta phải lựa chọn lực nén phù hợp với nguyên liệu để đảm bảo độ thẩm mỹ cũng như chất lượng của đường may.
         Tốc độ máy cũng ảnh hưởng đến lực nén chân vịt, khi tốc độ máy thay đổi thì lực nén chân vịt cũng thay đổi theo. Vậy khi may ta phải lựa chọn vải và chỉ có độ bền phù hợp để không bị đứt chỉ trong quá trình may.
         Trong quá trình may vải được dịch chuyển bởi cầu răng cưa và lực nén của chân vịt. Chân vịt đứng yên, cầu răng cưa chuyển động theo quỹ đạo, khi may tốc độ của máy thay đổi tạo ra ma sát giữa vải và cầu răng cưa dẫn đến làm dịch chuyển giữa các lớp vải.

2.2.3. Lực căng chỉ
        Độ căng chỉ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đường may cũng như thời gian sử dụng, vậy cần phải điều chỉnh độ căng phù hợp mỗi khi thay đổi loại chỉ hoặc chất liệu vải.
       Tốc độ hình thành mũi may ảnh hưởng đến giá trị sức căng chỉ kim. Sức căng chỉ kim tăng lên khi tốc độ mũi may tăng lên. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đường may.
        Điều chỉnh sức căng chỉ thoi càng thấp càng tốt, sau đó điều chỉnh sức căng chỉ kim cân bằng với sức căng chỉ thoi đảm bảo mối đan chỉ may nằm giữa hai lớp vải. Điều chỉnh chiều dài mũi may thích hợp.

KẾT LUẬN
        Độ bền đường may là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến độ bền và chất lượng sản phẩm. Độ bền đường may phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: Loại vải, chỉ may, kim máy, lực căng chỉ, lực nén chân vịt… Bất kỳ một yếu tố nào không phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến độ bền đường may trên sản phẩm.
      
Vải là một trong những nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm, vậy muốn sản phẩm đạt chất lượng tốt thì ngay từ bước chọn nguyên liệu đầu vào vải phải đáp ứng được các yêu cầu như: Độ bền của vải được tính theo độ bền kéo đứt, độ bền xé và độ bền nổ...
       
Trong sản xuất nghành dệt may chỉ đóng vai trò quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền đường may. Trong quá trình sản xuất hiện đại ngày nay sử dụng các thiết bị may công nghiệp với sức căng tác động lên chỉ và áp lực áp kim lên vải là lớn. Khiến cho cả chỉ may và sợi trong vải đều bị mài mòn. Vì vây cần phải chọn lựa chỉ may phải đảm bảo các tính chất về độ bền đứt, độ
bền mài mòn, độ bền màu, độ ma sát, độ đàn hồi...    

Trong quá trình may thì thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đường may nên chọn kim, chỉ và lực nén chân vịt phải phù hợp với nguyên liệu, nếu chọn kim không phù hợp với chỉ, vải thì khi may sẽ sảy ra hiện tượng gãy kim,  bỏ mũi hoặc sẽ để lại lỗ kim trên mặt vải làm mất thẩm mỹ sản phẩm và giảm độ bền đường may.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  [1] https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/duong-may-la-gi-cac-kieu-duong-may-thuong-dung-1357509 
  [2]  https://3bscitech.vn/thi-nghiem-xac-dinh-do-ben-keo-dut-va-do-gian-dut-bang-vai-62734u.html  
 Tiêu chuẩn ASTM D5035, TCVN 1754, EN ISO 1421. Độ bền kéo đứt với vải
dệt thoi
  [3] https://3bscitech.vn/thi-nghiem-xac-dinh-do-ben-xe-cua-vai-fabric-det-may-62732u.htm 
  [4]    https://luatvietnam.vn/cong-nghiep/quy-chuan-viet-nam-tcvn-5826-1994-bo-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-153035-d3.html  
  [5] https://www.congnghemay.info/2019/02/tim-hieu-ve-cac-loai-chi-may-su-dung-trong-nghanh-may-mac/
  [6] https://www.chitheu.net/tin-tuc-chi-theu/chi-may-tinh-chat-may.html
  [7] https://vieclamnhamay.vn/tin-tuc/kim-may-may-va-5-thong-tin-huu-ich-cho-hoc-vien-nganh-may#cachthaykimchomaymay   
https://tailieumayva.blogspot.com/2020/04/giao-trinh-thiet-bi-may-cong-nghiep-va.html
https://tailieumayva.blogspot.com/2020/04/giao-trinh-vat-lieu-det-may-tran-thuy.html
 
 
 
                  

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 163 Tổng truy cập: 32.429.907